Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật VI Phục Sinh

Đăng lúc: Thứ năm - 07/05/2015 18:51
CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH
(Cv 10,25-26.34-35.44-48; 1 Ga 4, 7-10; Ga 15,9-17)
 


Tin Mừng Chúa nhật VI Phục Sinh hôm nay, thánh Gioan kể lại tâm tình của Đức Giêsu trong bữa Tiệc Ly. Trong bữa tiệc ấy, Đức Giêsu đã nói rất nhiều điều với các môn đệ. Một trong những điều Người nhấn mạnh, là các môn đệ phải yêu thương nhau, như Người đã yêu thương họ. Nhưng Đức Giêsu đã yêu thương các môn đệ như thế nào? Và chúng ta đã yêu thương nhau thực sự chưa?

Tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện qua việc sai phái Con Một xuống trần gian để chỉ có một mục đích là tỏ cho nhân loại biết Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến mức độ nào! Sau nhiều dấu chỉ và phương cách, Chúa đã cho đất nối liền với trời, hay hạ trời ngang hàng với đất: Chúa Giêsu Con Một Thiên Chúa đã làm người, chia sẻ thân phận chúng ta, để con người được trở nên con Thiên Chúa, đồng thời thông ban sự sống đời đời cho những ai tin vào Thiên Chúa.

Thiên Chúa nhờ chính Con Một Người là Đức Giêsu thông truyền tình yêu Thiên Chúa cho loài người: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy như thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy” để “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Tình yêu của Chúa Cha truyền sang Chúa Con, và Chúa Con truyền sang cho chúng ta như thế, tình yêu này mang bản chất Thiên Chúa, chứ không mang tính xương thịt như của con người. Chúa Con đã thể hiện tình yêu Thiên Chúa để chúng ta noi gương Chúa Con mà yêu thương nhau.

Quả vậy, Chúa Con đã thể hiện tình yêu Thiên Chúa bằng tuân giữ lệnh truyền của Chúa Cha, thực thi giới răn của Chúa Cha: “Thầy đã tuân giữ giới răn của Cha Thầy và ở trong tình thương của Người”. Vì thế, những ai muốn ở trong tình thương của Thiên Chúa, thì phải giữ giới răn của Người: “Nếu anh em giữ giới răn của Thầy, anh em sẽ ở trong tình thương của Thầy”.

Hơn nữa, Đức Giêsu đã thể hiện tình yêu Thiên Chúa bằng hy sinh mạng sống mình để cứu độ chúng ta. Đức Giêsu đã gánh tội của chúng ta, đã chịu chết đền tội cho chúng ta. Đức Giêsu đã không trút tội lỗi lên đầu chúng ta. Đây là thứ tình yêu rộng lượng tha thứ, vô cùng lớn lao, quảng đại: “Không ai có tình thương lơn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu”.

Con Thiên Chúa vô cùng cao cả đã yêu thương chúng ta đến cùng tận, còn chúng ta là đồng bào, đồng phận xương thịt với nhau, sao không dám hy sinh cái thân phận hèn hạ của mình cho nhau? Chỉ có hy sinh cho nhau, chúng ta mới biết mình ở trong tình yêu của Thiên Chúa.

Thật vậy, Đức Giêsu thể hiện tình yêu Thiên Chúa bằng tình yêu chọn chúng ta làm bạn hữu của Ngài: “Thầy không gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Còn anh em, Thầy gọi anh em là bạn hữu”.

Thực sự, chúng ta không thể nào đáng là tôi tớ của Thiên Chúa. Chúng ta vừa là loài thụ tạo, vừa kém hơn loài thụ tạo, vì đã phạm tội, xúc phạm đến Đấng tác tạo nên mình. Mọi loài thụ tạo đều vâng phục Thiên Chúa một cách triệt để theo một trật tự hoàn hảo. Vĩ đại như tinh tú, mặt trời, mặt trăng đã tuân lệnh Thiên Chúa sắp đặt xoay vần, không hề sai trái. Nếu chúng ta sai trái, loài người và muôn vật bị tiêu hủy. Còn chúng ta đã không vâng lệnh Thiên Chúa, đáng lẽ chúng ta bị tiêu diệt. Làm sao dám làm bạn hữu của Chúa. chỉ vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta đã cho chúng ta được vinh dự cao quý đó. Noi gương Chúa Giêsu, chẳng những chọn mọi người làm bạn hữu của chúng ta, mà còn phải tôn trọng mọi người hơn chúng ta, nhờ đó chúng ta mới xứng đáng với tình thương của Chúa, mới mong thu được nhiều kết quả và đáng Chúa Cha nhận lời chúng ta nài xin.

Thánh Phêrô, đã noi gương Thầy Chí Thánh, đến thăm nhà ông Cônêliô, Phêrô không kỳ thị dân ngoại, không khinh thị quân Roma xâm lăng, như lối sống kỳ thị của truyền thống Dothái, Phêrô kính trọng gia đình Cônêliô, đã đỡ ông lên: “Xin ông đứng dậy, vì tôi cũng chỉ là người phàm”. Còn ông Cônêliô, dù là một sĩ quan của đế quốc Rôma vĩ đại, là người cai trị dân, ông đã hạ mình xuống “ra đón và phủ phục dưới chân Phêrô mà bái lạy”. Trước những cử chỉ hy sinh bỏ mình đi, hạ mình xuống và chân thành kính mến nhau như vậy, làm cho người Do thái kinh ngạc, và Thiên Chúa đã yêu thương các ông mà ban Thánh Thần tình yêu tràn trề xuống cho Phêrô và gia đình Cônêliô, để nhận nhau làm bạn hữu muôn thuở trong Đức Giêsu Kitô.

Chỉ lướt qua cuộc đời yêu thương phục vụ của Đức Giêsu đủ để cho chúng ta thấy rằng: yêu thương phục vụ sẽ là khởi động trong cuộc sống của chúng ta, nó là một nguồn năng lượng rực sáng phát xuất từ Thiên Chúa. Yêu thương là sống cuộc sống của Thiên Chúa và cùng với Thần Khí của Người, biến đổi thế giới thù hận, chiến tranh khủng bố và bạo lực thành thế giới của tình yêu thương, hòa bình và vị tha. Đừng nói yêu thương bằng đầu môi chót lưỡi, nhưng hãy thực sự biết quan tâm, cảm thông và chia sẻ cho mọi người về vật chất lẫn tinh thần. Theo gương Đức Giêsu, chúng ta hãy đặt mình trong tư thế của người phục vụ chứ không phải là người trên, kẻ cả...

Nếu mỗi người biết đón nhận sự sống của mình như một ân huệ và đem trao ban sự sống ấy cho người đồng loại thì sẽ chẳng bao lâu mùa xuân yêu thương sẽ đến trên địa cầu nầy.

Yêu thương nhau như Chúa Giêsu đã yêu chúng ta là yêu cho đến cùng. Đó là gương mẫu và là sức mạnh của chúng ta. Chúng ta không thể nào thực thi được nếu không tiếp nhận sức mạnh đó. Mỗi lần dự lễ rước lễ chúng ta hãy ý thức rằng mình đón nhận sức mạnh tình yêu của Chúa Giêsu để chúng ta có thể yêu thương người khác như Chúa Giêsu đã yêu chúng ta.


 
Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Trương Minh Thái
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 44
  • Khách viếng thăm: 20
  • Máy chủ tìm kiếm: 24
  • Hôm nay: 4339
  • Tháng hiện tại: 136551
  • Tổng lượt truy cập: 12280811