Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật XV Thường Niên

Đăng lúc: Thứ tư - 06/07/2016 20:18
CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN
(Lc 10,25-37)


       
Phải trở nên người thân cận với mọi người .  

1 . Chân phước Têresa Calculta(1910-1997) sáng lập Dòng Thừa sai Bác Ái ở Calculta (Ấn Độ) năm 1950. Trong hơn bốn mươi năm, mẹ chăm sóc người nghèo, bệnh tật, trẻ mồ côi, người hấp hối… mẹ phát triển Dòng Thừa sai Bác Ái khắp Ấn Độ, và còn lan rộng sang các nước khác. Khi mẹ giã từ cõi tạm này (năm 1997), Dòng Thừa sai Bác ái của mẹ có hơn 4000 tu sĩ, điều hành hơn 600 cơ sở truyền giáo tại 123 quốc gia, với các bếp ăn từ thiện, trại mồ côi, trường học, nhà trọ và nhà tình thương nuôi dưỡng những người bệnh HIV, phong cùi và lao phổi... Ngoài những giải thưởng danh giá của nhiều nước, năm 1979, mẹ được trao giải Nobel Hòa bình. mẹ được thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II phong chân phước ngày 19/10/2003. Theo nhiều chuyên gia tại Vatican, mẹ sẽ được tuyên thánh trong năm thánh Lòng Thương xót này.
Có giai thoại kể rằng: năm 1949, một hôm mẹ Têrêsa thấy 1 người phụ nữ đang hấp hối bị bỏ rơi nằm bên đống rác ở Calculta, bị chuột và rười bọ rúc rỉa… mẹ đến đuổi lũ chuột đi, rau rửa vết thương, rồi đưa bà vào bệnh viện xin cứu chữa, ban đầu bệnh viện từ chối, nhưng mẹ Têrêsa cương quyết là sẽ không rời nữa bước nếu bệnh viện không làm tròn y đức. Cuối cùng thì người phụ nữ kia cũng được cứu chữa, vì bệnh quá nặng bà đã không qua khỏi nhưng trước khi qua đời, bà đã mở nụ cười thật hạnh phúc mà mẹ Têrêsa nói là mẹ chưa từng thấy!

2.  Bài Tin Mừng của Chúa Giêsu theo thánh Luca  của chúa nhật 15 thường niên hôm nay. Kể một ông luật sĩ đến gặp và muốn thử Chúa Giêsu, nên hỏi Ngài: “Thưa Thầy tôi phải làm gì để được sống đời đời?”. Chúa Giêsu xin ông tự trả lời và ông trả lời một cách toàn vẹn: “ngươi phải yêu Chúa là Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và trí tuệ ngươi, và yêu thương người thân cận như chính mình vậy”(c.27). Chúa Giêsu kết luận: “Ông hãy làm như thế và sẽ được sống đời đời”(c.28). Ông này lại đặt một câu hỏi khác: “Ai là người thân cận của tôi?”(c.29) và có lẽ ông ta nghĩ rằng, đó là: cha mẹ, bà con, bạn bè? các người đồng hương? Các người đồng đạo ?
Và Chúa Giêsu trả lời ông với dụ ngôn có ba nhân vật: một tư tế, một thầy lê vi và một người Samaritano. Tư tế và lê vi là những người  liên quan tới việc phụng tự trong đền thờ, người thứ ba là một người Do thái ly giáo, bị coi như ngoại quốc, dân ngoại và ô uế. Trên đường từ Giêrusalem xuống Giêricô , ông tư tế và ông lêvi gặp  thấy một người hấp hối vì bị cướp đánh và bỏ rơi bên vệ đường  nhưng cả hai đi qua mà không dừng lại. Họ vội vã vì phải lo việc phụng vụ đền thờ, sợ sẽ bị ô uế… Hai ông tránh sang một con đường khác và bỏ mặc nạn nhân…Một người Samaritano đi tới, ông thấy nạn nhân, liền xuống ngựa, dùng dầu và rượu xoa bóp vết thương, đưa nạn nhân về quán trọ mà săn sóc và chịu mọi phí tổn trả cho quán trọ để chăm sóc cho nạn nhân.
Chúa Giêsu hỏi ông luật sĩ: “Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp ?”( c.36).Và Chúa kết luận : “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”( c.37).
Đức Giê su không chê trách các thầy tư tế và lê vi, nhưng chắc là lưu ý rằng, luật lệ có lúc làm cho người ta không thể thực hiện đức ái được, mà đức ái làm cho người ta  được sống đời đời…Chúa đề cao người biết giúp đỡ nạn nhân thật tình, vô vị lợi. Cho dù theo quan niệm đương thời, người Samariatano có mối thù truyền kiếp với người Do Thái.
Đức Giêsu muốn làm nổi bật giới răn yêu thương của Ngài: yêu thương mọi người, kể cả kẻ thù.
Dụ ngôn người Samaritano nhân hậu phá vỡ quan niệm hep hòi của người Do Thái, đặc biệt của giới tư tế và lê vi về vấn đề: Ai là anh em, là cận thân, là người cần phải giúp đỡ? Đối với người Do Thái: anh em là những người bà con ruột thịt trong gia đình. Cận thân là những người Do Thái khác, những người cùng giữ truyền thống Đạo. Họ sống theo lối ân oán sòng phẵng với ai là bà con, thân bằng quyến thuộc và với ai là thù nghịch hay ngoại giáo. 
Người Samaritanô được coi là dân ngoại, kẻ không biết gì về đạo và luật đạo thì lại có lòng từ tâm, dừng lại giúp người lâm nạn. Người Samaritanô  bị coi là vô đạo thì lại sống đạo,  bị coi là vô nhân thì lại có lòng nhân. Anh được Chúa chọn làm Kitô hữu mẫu mực trong đạo Chúa lập.
Chúng ta biết rất rõ giới răn “Mến Chúa Yêu người” nhưng rất dễ rơi vào trường hợp của các thầy tư tế và lê vi, nghĩa là chỉ có mến Chúa, giữ luật để cử hành các nghi lễ phụng vụ, để tôn thờ Chúa thôi, còn yêu người dễ dàng bị vi phạm, bị bỏ qua, nhất là đối với những người đang cần ta giúp đỡ. Tuy nhiên, nếu chỉ thực hiện việc bác ái thương người, mà quên mất hay bỏ qua giới răn “ Mến Chúa” thì cũng rơi vào điều thiếu sót nghiêm trọng.Hai giới răn đó chỉ là một. Phải mến Chúa,  yêu mến Thiên Chúa là điều trước nhất và sau cùng.Vì Thiên Chúa là nguồn mạch Tình Thương, Tình Yêu Thiện Hảo.Yêu mến Thiên Chúa đích thực, chúng ta sẽ yêu thương những gì thuộc về Chúa, tức là mọi người, vì mọi người đều do Chúa tạo dựng và cứu chuộc.
Chúng ta phải trở thành người thân cận của bất cứ ai mà chúng ta gặp và sẽ là người thân cận, nếu trong tim chúng ta có sự cảm thương trước những đau khổ của người khác. Là người Ki tô hữu, chúng ta được mời gọi đi cùng con đường của người Samaritano nhân hậu, là gương mặt của Chúa Kitô: Chúa Giêsu cúi xuống trên chúng ta, biến thành tôi tớ của chúng ta, và Ngài đã cứu chuộc chúng ta, để cả chúng ta nữa cũng phải yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta.Tình yêu vô điều kiện, không phấn biệt, tình yêu không biên giới.

3 . Chúng ta đang sống Năm Thánh Lòng Thương Xót, trong thông điệp lời Chúa:“Hãy thương xót như Cha các ngươi có lòng thương xót” (Lc 6:36). Đó  phải là chương trình sống, là sự đòi hỏi vừa là Lệnh truyền của Chúa Giêsu với tất cả những ai sẵn sàng lắng nghe tiếng nói của Ngài (Lc 6:27). Để có khả năng thương xót, trước tiên chúng ta phải đặt để chính mình trong việc lắng nghe, suy gẫm Lời Chúa và chấp nhận điều đó như lối sống hằng ngày và suốt cả cuộc đời  của chúng ta. Chúng ta phải là “người thân cận” của tất cả mọi người mà chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống hằng ngày, đặc biệt là những người nghèo khổ, bệnh tật, bị bỏ rơi về thể xác và tinh thần…xung quanh chúng ta.
 Khi nói đến bác ái yêu thương, không phải phải chỉ lời nói suông ngoài miệng, viết những bài kêu gọi thật rôm rả hoành tráng, rồi phủi tay không làm gì cả, mà bác ái là miệng nói tay làm, là hành động cụ thể, là sự giúp đỡ hết mình theo khả năng của mình.
Chân phước Têrêsa Calculta nói rằng: “ai phục vụ người nghèo, đau khổ là phục vụ Chúa Giêsu. Không ai nên Thánh một mình! Không ai lên thiên đàng1 mình!”. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn biết nghe và sống Lời Chúa, mở tâm hồn đón nhận lòng từ ái vô bờ của Cha trên trời và cũng biết mở lòng thương xót với tha nhân. Amen
Tác giả bài viết: Lm. Phanxicô Hoàng Minh Đức
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 23
  • Khách viếng thăm: 19
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 4339
  • Tháng hiện tại: 136092
  • Tổng lượt truy cập: 12280352