Trang mới   https://gpquinhon.org

Giảng lễ Thứ Tư tuần I Mùa Chay

Đăng lúc: Thứ ba - 11/03/2014 19:00

Trong một bài giảng nhân ngày lễ lớn tại nhà thờ Đức Bà Paris, Đức Tổng giám mục Paris kể lại câu chuyện 3 chàng thanh niên kia rủ nhau đi du lịch khắp Âu Châu. Trên hành trình của mình, họ dừng lại trước ngôi nhà thờ cổ và thấy có một tòa giải tội đặt gần cánh cửa trước của nhà thờ. Hai chàng thanh niên trong họ mới thách thức người thứ ba đi vào trong tòa giải tội và xưng tội. Anh chàng kia chấp nhận thách thức, đi vào tòa giải tội và nói với vị linh mục ngồi ở phía sau rằng: “Tôi vào đây chỉ để đánh cuộc. Vì thế, ông đại diện cho ai hay nói cái gì thì tôi cũng chẳng tin đâu nhé!”. Vị linh mục giải tội mới nói rằng: “Có vẻ như anh thích đánh cuộc, vậy thì tôi thách anh dám bước ra trước cửa nhà thờ, nhìn lên cây thánh giá và nói vào mặt người bị đóng đinh trên đó rằng: “Này ông! Ông có chết vì tôi đi nữa thì tôi cũng chẳng quan tâm đâu!”. Chàng thanh niên chấp nhận thách đố, bước ra ngoài nhà thờ, nhìn lên Đức Kitô bị đóng đinh và bắt đầu mở miệng: “Này ông! Ông có chết vì tôi đi nữa thì …”. Anh ta dừng lại, không nói gì được nữa, nước mắt chảy dài, hình ảnh của thập giá đã lấp đầy tâm hồn trống rỗng của anh, làm anh cảm thấy mình có một nhu cầu thống hối thật sự và cần phải hoán cải ngay lập tức. Và rồi đến lúc kết thúc bài giảng, bằng giọng nói vẫn còn đầy cảm xúc, vị Tổng giám mục mới nói rằng: “Chàng thanh niên đó là chính tôi đây!”.

Thống hối hay hoán cải luôn xảy đến trong những thời điểm khác nhau trong cuộc đời và đó là điều quan trọng nhất trong cuộc đời của tất cả mọi người. Tất cả đều là tội nhân cho nên cần phải luôn trở về để tìm kiếm sự tha thứ của Thiên Chúa dù là dân ngoại như người thành Ninivê. Chúng ta đang ở trong mùa chay và phụng vụ Lời Chúa hôm nay giới thiệu những bản văn nói về sự cần thiết phải hoán cải và thay đổi đời sống. Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đã lấy hai câu chuyện trong lịch sử Israel để biến thành tấm gương cho sự hoán cải, một sự hoán cải nhờ lòng tin mà không cần một dấu hiệu nào.

Dân thành Ninivê tin lời ông Giona rao giảng dù họ không có một bằng chứng nào cho lời ông nói. Và câu chuyện nữ hoàng phương Nam cũng nằm trong cùng một ý nghĩa. Bà đã vượt qua đoạn đường thật xa chỉ để đến nghe tận tai sự khôn ngoan của Solomon (1 V 10). Bà tin vào điều mà mình chỉ nghe biết mà không cần bất cứ một bằng chứng nào. Vậy thì ý nghĩa đã rõ ràng: thế hệ đang nghe Chúa Giêsu rao giảng không có đức tin, họ cứng lòng và không chịu hoán cải như những người dân ngoại nghe Lời Chúa trong thời đại trước. Vì thế, ngay cả họ là dân ngoại mà cũng có thể đứng lên để phán xét và kết án những người cứng lòng tin như những người Do Thái vào thời Chúa Giêsu. Họ chẳng tin vào điều gì? Chúa Giêsu khẳng định đến hai lần rằng: “ở đây còn có người lớn hơn Solomon” và “ở đây còn có người lớn hơn Giona nữa”. Đúng ra, bản Hy Lạp ở đây dùng một từ trung tính là πλεῖον (pleion - điều lớn hơn). Vì thế, cha Nguyến Thế Thuấn dịch là: “Mà này có gì hơn nữa ở đây”.Vậy thì, cái điều còn lớn hơn cả Salomon hay Giona nữa đó là gì? Là Nước Thiên Chúa, hiện diện trong con người của Đức Giêsu. Những ai không tin vào Ngài sẽ bị kết án và thậm chí còn bị kết án bởi một người ngoại giáo như là Nữ hoàng phương Nam. Thánh Êphrem còn giải thích thêm rằng: Nữ hoàng phương Nam sẽ kết án những người lòng chai dạ đá này bởi vì bà tượng trưng cho Giáo Hội. Như bà đến với vua Solomon thì Giáo Hội cũng đến với Chúa. Như bà kết án dòng dõi này thì Giáo Hội cũng vậy. Nếu bà là người chỉ nhìn thấy một sự khôn ngoan thoáng qua và một ông vua sẽ phải chết là Salomon, thế mà bà còn kết án những người lòng chai dạ đá thì làm sao Giáo Hội không kết án họ được khi Giáo Hội nhìn thấy một vị vua muôn đời và sự khôn ngoan không bao giờ nhạt phai.
 
Cách đây vừa đúng một tuần, chúng ta cử hành nghi thức sám hối rắc tro trên đầu và nghe lập lại những lời có thể nói là bài giảng đầu tiên của Chúa Giêsu: “Hãy thống hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Hôm nay, trong tuần tĩnh tâm linh mục, Lời Chúa cũng nhắc lại cùng một nội dung nhưng dưới hình thức khác. Là linh mục, chúng ta nhân danh Chúa ban sự tha thứ cho những người thống hối trong bí tích hòa giải. Chính vì thế, chúng ta cần phải là người đi trước trong sự thống hối. Trong bài giảng khai mạc năm linh mục, Đức thánh cha Bênêđictô XVI đã nói: “Cả những khiếm khuyết, những giới hạn và yếu đuối của chúng ta cũng phải dẫn chúng ta về cùng Trái Tim Chúa Giêsu. Thực vậy, nếu các tội nhân, khi chiêm ngắm trái tim Chúa, phải tìm được nơi Chúa sự đau đớn vì tội lỗi, dẫn đưa họ về cùng Chúa Cha, thì điều này càng được áp dụng cho các thừa tác viên thánh. Làm sao quên được rằng không có gì làm cho Giáo Hội  phải đau khổ cho bằng những tội lỗi của các mục tử Giáo Hội, nhất là những người biến thành những kẻ ”ăn trộm chiên” (Ga 10,1ss), hoặc làm cho đoàn chiên lạc hướng vì những giáo thuyết riêng của họ, hoặc xiết chiên bằng những giây tội lỗi và chết chóc? Các linh mục thân mến, lời mời gọi hoán cải và tìm đến Lượng Từ Bi của Chúa cũng được áp dụng cho chúng ta, và chúng ta cũng phải khiêm tốn tha thiết không ngừng cầu xin Trái Tim Chúa Giêsu để Ngài giữ gìn chúng ta khỏi nguy cơ kinh khủng là làm thiệt hại cho những người mà chúng ta phải cứu vớt”. Amen


 
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 11
  • Khách viếng thăm: 8
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 2161
  • Tháng hiện tại: 132283
  • Tổng lượt truy cập: 12276543