Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật I Mùa Chay A

Đăng lúc: Thứ tư - 05/03/2014 18:12
CN I MÙA CHAY
(St 2,7 - 9;  3, 1 – 7, Rm 5, 12 – 19, Mt 4, 1 – 11)
 
         
Với thứ Tư Lễ Tro, Mùa Chay Thánh đã khai mạc. Mùa Chay, theo Năm phụng vụ, là thời gian chuẩn bị cử hành Lễ Vượt Qua. Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu là giá cứu chuộc cho tình trạng xa cách của con người đối với Thiên Chúa và chính mình; và khởi điểm cho tình trạng xa cách này là sự xuất hiện của tội lỗi nơi con người. Phân tích như thế để thấy được chúng ta phải khởi đầu từ đâu để đón nhận Ơn Cứu Độ Của Thiên Chúa, và sống Ơn đó trong suốt cuộc đời làm Kitô hữu của mình.
  1. Tự do và yếu đuối nơi con người – Nỗ lực tấn công của ma quỉ.
Qua bài đọc 1 (St 2,7 - 9;  3, 1 – 7 ): Ngay từ đầu, khi con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, ma quỉ cũng đã xuất hiện dướt lốt con rắn già.

          Một trong những hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người là sự tự do. Khi trao ban sự tự do, Thiên Chúa đã muốn trân trọng giá trị của con người. Con người đến cùng Thiên Chúa với tất cả ý thức và tự do. Hai ông bà đã rất thanh thản và tự nhiên khi tiếp xúc với Thiên Chúa. Nhưng cuối cùng, cả hai đã không còn thanh thản tự nhiên nữa, vì sự tự do đã được xử dụng không đúng. Có lẽ ông bà chưa ngộ ra: Sự tự do Chúa ban phát xuất từ nơi Thiên Chúa, và cũng là hiện thân của chính Người. Nếu ông bà xử dụng đúng tự do của Thiên Chúa, thì cũng đồng nghĩa với tiếng “không” trước trái cây “biết lành biết dữ”. Vì thế, khi đưa tay hái “trái cấm”, ông bà đã xử dụng tự do theo ý mình, theo hình ảnh không còn là của Thiên Chúa, mà là của chính mình. Chắc hẳn hai ông bà không muốn “gây hấn” với Thiên Chúa, nhưng đã mắc mưu con rắn. Ma quỉ, tên cám dỗ, đã thành công, khi đề ghị một tự do “giả hiệu”, và chúng đã không ngừng làm điều đó cho đến hôm nay. Chỉ mình Thiên Chúa mới có, và mới là sự Tự Do tuyệt đối đúng đắn. Con người phải xử dụng tự do Chúa ban theo đúng ý của Người, cho dù nhiều lúc cảm thấy như nó không như không phục vụ lợi ích của mình. Bài học của vườn địa đàng đã rất rõ, nhưng ma quỉ cũng rất tinh khôn và đánh lừa được nhiều người.

          Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã khẳng định: “ Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” ( Ga 14, 6 ). Như thế, để thỏa mãn nỗi khát vọng sâu xa của con người là Chân Lý, Sự Sống và Hạnh Phúc, thì không thể tìm kiếm nơi đâu ngoài Chúa, hay nói cách khác, Thiên Chúa chính là đối tượng của khát vọng đó.

          Cuộc sống gắn bó và liên kết với Chúa là điều rất quan trọng, không thể tách rời, không thể nghi nan, cho dù con người phải đi qua muôn nẻo đường đời, qua bao gian nan và thử thách. Về phần mình, ma quỉ cũng tận dụng mọi thời cơ để chuyển đổi đối tượng của tự do, chân lý, tình yêu, hạnh phúc…ra ngoài Chúa. Và nỗi buồn của vườn địa đàng vẫn kéo dài đến hôm nay, nơi từng người và từng lúc.

2. “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó Ân sủng càng chứa chan gấp bội”.

Hình ảnh của Ađam và Chúa Giêsu, của tội lỗi và ân sủng, hủy diệt và giải thoát, giết chết và cứu sống… đã sóng đôi nhau trong cuộc chiễn đấu nên thánh của mỗi người chúng ta. Phần thắng luôn thuộc về Thiên Chúa, cho dù là cửa hỏa ngục cũng không thể thắng được. Tự do mà Chúa ban cho chúng ta không phải là muốn làm gì thì làm, nhưng tự do là được lựa chọn. Con người được hoàn toàn tự do lựa chọn một trong hai đối tượng và tình trạng của các cặp sóng đôi ở trên. “Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người trở thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người sẽ thành người công chính” ( Rm 5, 12 – 19 ).

3. “Thế rồi ma quỉ bỏ người mà đi, và có các sứ thần đến hầu hạ Người”.

          Nếu Thiên Chúa, để giải thoát con người, đã từ trời hoặc từ xa, chỉ đưa ra những mệnh lệnh hoặc chỉ dẫn cho con người khắc phục tình trạng suy thoái, và biết đường mà về với Chúa và về trời, thì cuộc chiến giữa áng sáng và bóng tối vẫn sẽ có nhiều cam go, thậm chí con người sẽ cảm thấy bất lực và bơ vơ khủng khiếp. Khởi đi từ Mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô đã soi sáng cho chúng ta ý định và chương trình thật tuyệt vời và gần gũi của Thiên Chúa. Chúa không vô hình, nhưng thật hữu hình, Chúa không xa cách, nhưng thật gần gũi. Và nhất là, Chúa không đóng vai quan tòa nghiêm khắc xét xử, nhưng mặc lấy thân phận con người, đồng hành với con người tội lỗi và yếu đuối. Qua đó, Chúa Giêsu đi trước, tay Ngài cầm tay con người, để dẫn đưa con người về bến bình an. Vì thế:
  • Ngài đã sinh xuống làm người như mọi người ( Lc 2,1 – 14 ).
  • Ngài đã chịu bách hại bởi vua Hêrôđê ( Mt 2, 1 – 12 ) .
  • Ngài đã được cha mẹ dâng cho Thiên Chúa theo luật Môisen ( Lc 2, 22 – 32 ).
  • Ngài đã xếp hàng chờ được chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả ( Mt 3, 13 – 17 )…
 
Và trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu chấp nhận để cho ma quỉ cám dỗ, y như cảnh ngộ của mọi người chúng ta ( Mt 4, 1 – 11 ). Hình dung lại bối cảnh của Chúa Giêsu ăn chay 40 ngày và chịu cám dỗ trong hoang địa. Hình ảnh của “tên cám dỗ” mon men lại gần để thủ thỉ, để khêu gợi, và để đánh bóng những vui thích cơ bản của cuộc sống con người. Trong lúc cám dỗ, nó cũng thật thiện chí và năng động, tỏ ra quan tâm và săn sóc đặc biệt: bưng mâm cỗ, phục vụ tối đa nhu cầu của quí khách, mà theo ngôn ngữ của thương trường là “ thượng đế”. Sơ hở một chút là con người dễ dàng cảm thấy như “được đưa lên mây”, nhưng theo ngôn ngữ của ma quỉ là “bị hạ gục”. Một lần nữa, Chúa cho thấy những cách thức phải học nằm lòng để “tỉnh thức và đứng vững”:
  • Luôn sống trong tình trạng làm chủ được bản thân: Nhờ ăn chay và cầu nguyện.
  • Lời Chúa phải là đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi ( Tv 119,105 ).
  • Phát huy sự tự do đúng đắn Chúa ban, là chỉ lựa chọn những gì Chúa chọn: Chúa và anh em, đặc biệt những người nghèo và bất hạnh.
Vì thế, khởi đi từ tình trạng tội lỗi yếu đuối là âm hưởng của nguyên tổ Ađam, Ađam “mới”, là Chúa Giêsu, đã hoạch định một lộ trình giải thoát và phục hồi hình ảnh cao đẹp mà Thiên Chúa có khi dựng nên con người. Lộ trình ấy được diễn tả qua lời cầu nguyện của thánh Augustinô: Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, và con chỉ được an nghỉ khi trở về với Chúa.

    Mỗi lần bước vào Mùa Chay Thánh, người Kitô hữu lại đươc mời gọi kiểm tra lại bước đi của mình, xem có đang đi trong quĩ đạo của hành trình của Chúa không?, ý thức rõ hơn về sự hiện diện của “tên cám dỗ”, không phải là thiểu số và thầm lặng ( Mc 5, 1 – 20 ). Nhìn vào thực trạng đời sống đạo của nhiều người Kytô hữu hôm nay, chúng ta cũng dễ thấy ma quỉ vẫn còn chiếm được nhiều ưu thế. Cũng chỉ vì sự lơ là, tự mãn, và ngủ quên trên những “lãnh địa an toàn và giả hiệu”. Chúa đã gửi một ngôn sứ cho Giáo Hội: Đức Thánh Cha Phanxicô. Với những hành động ngoạn mục, ngài đang mạnh mẽ thúc đẩy một sự cảnh tỉnh ngay trong lòng Giáo Hội, nơi tất cả mọi thành phần của Dân Chúa.



 
Tác giả bài viết: Lm. Antôn Nguyễn Huy Điệp
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 20
  • Khách viếng thăm: 16
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 2634
  • Tháng hiện tại: 132756
  • Tổng lượt truy cập: 12277016