Trang mới   https://gpquinhon.org

Giảng lễ Thứ Ba tuần I Mùa Chay

Đăng lúc: Thứ hai - 10/03/2014 19:00

THỨ BA TUẦN I MÙA CHAY
Kinh Lạy Cha (Mt 6, 7-15)

Có một ông vua vào rừng săn bắn. Chiều xuống, khi tới giờ cầu nguyện, ông trải tấm thảm trên mặt đất, rồi hướng về phía tây và phủ phục cầu nguyện theo cung cách của người Hồi giáo.

Giữa lúc ông đang chìm đắm trong cầu nguyện, thì có một người đàn bà hối hả chạy vào rừng. Số là chồng bà đã ra đi từ sáng sớm mà đến giờ vẫn chưa thấy về. Bà ta sợ có điều chi không lành xảy đến cho chồng nên vội chạy vào rừng để tìm kiếm. Trong cơn hốt hoảng, bà ta không nhìn thấy có người đang phủ phục cầu nguyện. Bà bước qua người ấy mà không hề hối hận để nói lời xin lỗi.

Nhà vua cảm thấy bị xúc phạm nặng nề, nhưng ông cũng gắng gượng để tiếp tục cầu nguyện theo đúng luật dạy. Khi ông cầu nguyện xong thì người đàn bà cũng trở lại chỗ cũ, cười nói vui vẻ bên cạnh ông chồng. Bà cuống quýt khi nhận ra rằng người mà bà đã bước qua trong cơn hốt hoảng chính là nhà vua.

Nhà vua cho gọi người đàn bà đến và ra lệnh trị tội vì đã tỏ ra bất kính đối với ông. Thế nhưng, không một chút sợ hãi, bà đã nói như sau:

- Tâu bệ hạ, thần bị cuốn hút trong sự suy nghĩ về người chồng đến độ đã không nhìn thấy bệ hạ, nên đã bước qua. Hạ thần nghĩ rằng, bệ hạ đang cầu nguyện, thì tâm trí của bệ hạ cũng phải cuốn hút trong sự suy nghĩ về Thượng đế, lẽ nào bệ hạ còn lòng trí mà biết đến hạ thần và những cử chỉ nhỏ nhoi của hạ thần.

Nhà vua lấy làm xấu hổ vì sự việc xảy ra. Ông nhìn nhận rằng: Tuy không phải là một bậc thầy trong đạo, nhưng người đàn bà này đã dạy cho ông một cách cầu nguyện.

Đúng thế, cầu nguyện cần phải có cách, phải ý thức mình đang cầu nguyện với ai và phải cầu xin những gì. Chắc chắn ngày xưa khi các môn đệ đến với Thầy Giêsu với lời kêu xin: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”, thì các ông đã được ở với Đức Giêsu trong trường cầu nguyện một thời gian rồi, các ông đã cảm kích vì những bài học cụ thể giá trị nhất, ấy là tấm gương của chính Người. Người là bậc thầy của việc cầu nguyện, đã dành nhiều thời giờ để cầu nguyện, và đã cầu nguyện ở mỗi biến động của đời sống Người.

Tuy nhiên, điều các môn đệ muốn có là một công thức cầu nguyện đặc biệt, như Gioan Tẩy Giả đã chỉ cho các môn đệ của ông. Chúa Giêsu đã đáp ứng lời cầu xin ấy và ban cho các ông một kiểu mẫu độc nhất vô nhị là Kinh Lạy Cha, chứa đủ những điều cần thiết phải cầu nguyện thế nào và phải cầu nguyện những gì, rồi khích lệ với lời hứa bảo đảm rằng lời cầu nguyện sẽ được nhậm lời. Mục đích của lời kinh là ca tụng danh Chúa và xin cho ý Ngài được thể hiện trên mặt đất này. Nó bao trùm lên mọi nhu cầu của tâm hồn và thân xác chúng ta nhưng cũng quan tâm đến nhu cầu của những anh em khác nữa.

Vì thế, lời kinh bắt đầu bằng xưng nhận Thiên Chúa là Cha. “Lạy Cha chúng con”, đó là đặc tính của mọi lời Kitô hữu thưa với Chúa. Chính lời đầu tiên dạy chúng ta rằng trong khi cầu nguyện, chúng ta không đến với một Đấng phải miễn cưỡng ban ơn cho chúng ta, nhưng đến với một Cha hằng vui thích làm thoả mãn mọi nhu cầu của con cái Ngài. “Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin” (Mt 6, 8).

Qua kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta những thứ tự phải theo: trước hết cầu xin cho những gì liên hệ đến Thiên Chúa (danh Chúa, Nước Chúa, ý Chúa), rồi mới đến nhu cầu của ta (lương thực, tha tội, cám dỗ, sự dữ). Chỉ khi ta nhìn nhận Chúa đúng vị thế tối cao của Ngài, thì mọi sự mới xứng hợp. Chỉ khi nào có tâm tình người con thảo với Thiên Chúa và người môn đệ Đức Kitô, ta mới hiểu tại sao phải ưu tiên Thiên Chúa trước, rồi mới đến điều ta mong ước.

Bài kinh thật tuyệt vời vì bao quát cả cuộc đời chúng ta:

- Nó bao hàm các nhu cầu hiện tại. Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu xin lương thực hằng ngày.  “Lương thực” thay cho mọi nhu cầu vật chất. Người không bảo chúng ta xin cho có dư thừa. Lời cầu nguyện Người dạy cũng không thu hẹp lại theo kiểu ích kỷ, Người dạy xin cho “chúng con”, tức là tất cả những ai đang cầu nguyện.

- Nó bao hàm tội lỗi đã qua. Khi cầu nguyện chúng ta không thể làm gì hơn là xin ơn tha thứ, vì dù con người tốt nhất trong chúng ta cũng chỉ là một tội nhân trước sự thánh thiện của Thiên Chúa. Chúng ta cầu xin tha thứ các tội lỗi của chúng ta, và xin ơn có thể tha thứ cho người khác đã phạm tội chống lại chúng ta. Không thể tha thứ cho người khác sẽ không thể nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa.

- Nó bao trùm các thử thách và sự dữ trong tương lai. Từ ngữ “cám dỗ” trong Tân Ước có nghĩa là bất cứ hoàn cảnh thử thách nào. Nó không chỉ có nghĩa là quyến rũ phạm tội mà còn bao gồm mọi hoàn cảnh khiến con người bị thử thách về đức độ, thanh liêm, lòng tín trung. Chúng ta không thể trốn tránh những hoàn cảnh đó, nhưng chúng ta có thể thắng nó nhờ ơn Chúa ban. Sau cùng, chúng ta cầu xin được cứu khỏi mọi sự dữ, cả sự dữ vật chất lẫn tinh thần. Chúng ta không mong bao giờ gặp sự dữ. Điều mà chúng ta cầu xin Thiên Chúa là có được ân sủng chiến thắng mọi sự dữ, đặc biệt là sự dữ tinh thần.

Do đó, Kinh Lạy Cha là kinh đầu tiên và cao trọng nhất trong các kinh nguyện Kitô giáo. Những câu ngắn gọn và đơn giản của nó bao hàm mọi tương quan giữa chúng ta và Thiên Chúa. Nó không chỉ nói với chúng ta phải cầu nguyện điều gì mà còn cầu nguyện điều ấy như thế nào.Tuy nhiên, người ta có xu hướng đọc kinh ấy quá vội vàng và thiếu suy gẫm đến nỗi làm mất ý nghĩa của nó. Đó là một điều đáng tiếc. Hiểu một cách chính xác, Kinh Lạy Cha và những gì chứa đựng trong đó, giúp chúng ta trở nên hoàn hảo theo tinh thần của của Đức Kitô, bởi vì không chút nghi ngờ đây là cách mà chính Người đã cầu nguyện và đã sống.

Cầu nguyện với kinh Lạy Cha sẽ giúp chúng ta tin tưởng và phó thác cuộc đời chúng ta cho Cha trên trời vì chúng ta không phải giành giật các ơn phúc từ tay một Thiên Chúa không thiện chí, nhưng chúng ta đến với một Đấng biết rõ mọi nhu cầu của chúng ta hơn chính chúng ta, và Ngài là Đấng có lòng yêu thương và rộng rãi đối với chúng ta. Nếu chúng ta không nhận được điều mình xin, không phải vì Thiên Chúa không sẵn lòng ban ơn cho ta, nhưng vì Ngài có ơn phúc tốt hơn, để dành cho chúng ta. Và không hề có vấn đề mà chúng ta gọi là lời cầu nguyện không được nhận. Sự trả lời của Chúa có thể không đúng theo điều chúng ta ước muốn hoặc trông đợi, dầu khi Chúa từ chối điều mong muốn của ta, thì đó vẫn là sự trả lời bởi tình thương và khôn ngoan của chính Thiên Chúa là Cha Từ Ái.

Để kết luận chúng ta nhắc lại đây tâm sự của tướng Douglas Mac Arthur: “Tôi là một chiến binh chuyên nghiệp. Và tôi rất hãnh diện về điều ấy, nhưng tôi còn vô cùng hãnh diện hơn vì được làm một ông bố. Tôi hy vọng rằng một mai khi tôi qua đời, đứa con trai của tôi sẽ không nhớ đến tôi như một chiến binh lúc nào cũng ở trận địa, mà là một ông bố hiện diện trong gia đình đang cùng nó đọc lời kinh nguyện đơn sơ hàng ngày: Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng… Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con…Amen”.  

 
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Trịnh Duy Ri
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 13
  • Khách viếng thăm: 8
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 2216
  • Tháng hiện tại: 132338
  • Tổng lượt truy cập: 12276598