Trang mới   https://gpquinhon.org

Tin tổng hợp Giáo phận Qui Nhơn tháng 6

Đăng lúc: Thứ tư - 03/07/2013 19:00


- CHẦU THÁNH THỂ TRONG NĂM ĐỨC TIN TẠI NHÀ THỜ CHÍNH TÒA QUI NHƠN

Trong sự hiệp thông với Đức Thánh Cha Phanxicô và với Giáo Hội toàn cầu, tối qua ngày 2 tháng 6 tại nhà thờ chính tòa Qui Nhơn, Đức cha Matthêô đã chủ sự giờ chầu kính Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu. Giờ chầu được cử hành lúc 10 đêm với sự tham dự đông đảo của giáo dân trong giáo phận. Trong khi đó cũng vào giờ này, tức 5 giờ chiều, tại đền thờ Thánh Phêrô Đức Thánh Cha cũng đã chủ sự giờ chầu Thánh Thể.

Đây là một trong sự kiện lớn được Đức Thánh Cha Benêđictô XVI chấp nhận khi thiết lập Năm Đức Tin cho Giáo hội. Chầu Thánh Thể là một hành động liên kết mật thiết giữa đức tin của Giáo hội với việc thờ lạy và tôn sùng Chúa Giêsu Thánh Thể. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử giờ chầu này được cử hành đồng thời tại các nhà thờ chính tòa và nhiều giáo xứ, cộng đoàn và tu viện trên thế giới, thể hiện sự hiệp thông trọn vẹn của Giáo hội hoàn vũ trong giờ chầu Thánh Thể của Năm Đức Tin.

Trong tâm tình của giờ chầu Thánh Thể hoàn vũ này, Đức Thánh Cha mời gọi các Kitô hữu trên khắp thế giới hiệp ý với ngài trong lời cầu nguyện theo các ý chỉ sau:

1. Cầu cho Giáo hội rải rác khắp nơi trên thế giới hôm nay được hiệp nhất với nhau trong việc Thờ lạy Mình Máu Thánh. Xin Chúa ban cho Giáo hội luôn biết lắng nghe Lời Người để giới thiệu trước mặt thế giới “một Giáo hội luôn đẹp xinh, không vết nhăn, không tỳ ố, nhưng thánh thiện và tinh tuyền” (Ep 5,27). Qua việc loan báo sự trung thành của mình, ước gì Lời cứu độ tiếp tục vang vọng như người đem lòng thương xót và thúc dục canh tân sự dấn thân trong tình yêu để đem lại ý nghĩa trọn vẹn cho buồn phiền, đau khổ, phục hồi niềm vui và an bình.

2. Cầu cho các thành phần khác nhau trên thế giới đang sống trong sự đau khổ của những thứ nô lệ mới và những nạn nhân của chiến tranh, nạn buôn người, buôn bán ma túy và của nô lệ lao động, cầu cho các trẻ em và các phụ nữ đang phải chịu mọi hình thức bạo hành. Ước gì lời kêu cứu âm thầm của họ được Giáo hội tỉnh thức lắng nghe, vì khi ngước nhìn lên Đức Kitô chịu đóng đinh, Giáo hội không quên anh chị em mình đang bị bỏ mặc cho quyền lực của bạo lực. Ngoài ra, chúng ta cầu nguyện cho tất cả những ai đang ở trong tình trạng kinh tế bấp bênh, nhất là những người thất nghiệp, người già, người nhập cư, người vô gia cư, các tù nhân và những người đang bị cô lập. Lời cầu nguyện và hoạt động tính cực của Giáo hội an ủi và nâng đỡ họ trong niềm hy vọng, là sức mạnh và can đảm trong việc bảo vệ nhân phẩm con người.  

SINH HOẠT GIÁO HẠT BÌNH ĐỊNH
 
- Thánh lễ bổ nhiệm cha sở giáo xứ Phú Thạnh

9 giờ sáng ngày 4/6/2013, Giáo xứ Phú Thạnh tưng bừng đón tiếp Đức cha và khoảng 50 cha trong Giáo phận đến đồng tế thánh lễ bổ nhiệm cha Phêrô Võ Hồng Sinh, tân chính xứ Giáo xứ Phú Thạnh. Đây là ngày cuối cùng trong đợt bổ nhiệm các cha sở kỳ này. Thánh lễ bổ nhiệm được cử hành với lễ Đức Mẹ hồn xác lên Trời, là bổn mạng của giáo xứ, với ước muốn đặt mọi sự đặt dưới bàn tay che chở của Đức Maria, cũng như để bắt đầu một chu kỳ mới với sự dìu dắt đầy yêu thương của Mẹ.

Đầu nghi thức bổ nhiệm, cha sở mới đọc lời tuyên xưng đức tin. Đây là nghi thức quan trọng về ý nghĩa lẫn thực hành bởi vì cha sở như chiếc đầu tàu hướng dẫn giáo dân đi trên con đường đức tin, nên lời tuyên xưng thật cần thiết để những người được hướng dẫn biết mình đi đúng đường đúng hướng.

Phú Thạnh là giáo xứ thuộc Giáo hạt Bình Định, nằm ở phía bắc đèo Cù Mông, giáp ranh với Giáo hạt Phú Yên. Đây là một giáo xứ tương đối mới, được thành lập vào năm 1956. Trải bao thăng trầm của lịch sử, qua nhiều đời cha sở, hiện nay tổng số giáo dân giáo xứ Phú Thạnh theo thống kê năm 2012 là 878 người với 228 gia đình. Thời cực thịnh của giáo xứ có lẽ là vào năm 1963, Phú Thạnh đã có 3.800 tín hữu, đa số là quân nhân và gia đình của họ. Hiện nay, vấn đề truyền giáo và tái truyền giáo ở giáo xứ Phú Thạnh cần được đẩy mạnh, nhất là mục vụ di dân cho những công nhân ở khu công nghiệp Phú Tài, nằm trong ranh giới của giáo xứ.

Nghi thức nhậm chức bao giờ cũng kết thúc bằng việc giật chuông: Đức cha hướng dẫn cha sở mới đi về phía cuối nhà thờ, mở toang cánh cửa ra và giật vài tiếng chuông, một cử chỉ tượng trưng cho nhiệm vụ của cha sở là kêu gọi giáo dân đến nhà thờ để tham dự các cử hành phụng vụ, để ca tụng Thiên Chúa. Con người mục tử bằng xương bằng thịt từ nay sẽ tan biến, trừu xuất đi để trở nên như tiếng chuông, vươn xa vươn cao hơn chỉ để quy tụ mọi người lại như một câu thường được khắc trên các quả chuông nhà thờ: “Laudo Deum verum, voco plebem, congrego clerum, defuntos ploro, pestem fugo, festa decoro.” Nghĩa là: “Tôi ca tụng Thiên Chúa thật, tôi kêu gọi dân chúng, tôi triệu tập giáo sĩ, tôi khóc người qua đời, tôi đẩy lui dịch tễ, tôi điểm tô ngày lễ”. Cầu chúc cho giáo xứ Phú Thạnh luôn phát triển, ngày càng phát triển như tên gọi để có thể nhìn về quá khứ với lòng tự hào.
 
- Thánh lễ và nghi thức nhậm chức của Hội đồng Giáo xứ Kim Châu

7 giờ sáng Chúa Nhật ngày 30 tháng 6, Đức cha Matthêô đã đến Giáo xứ Kim Châu để cử hành thánh lễ Chúa Nhật, đồng thời chủ sự nghi thức tuyên thệ và nhậm chức của tân Hội đồng giáo xứ Kim Châu. Đây là một giáo xứ kỳ cựu của giáo phận với các 9 giáo họ: Kim Châu, Chánh Thạnh, Bình Định, Hòa Cư, Phò An, Đập Đá, Khánh Lễ, Dương Lăng, Thạnh Danh, với tổng số 664 gia đình và 2.709 giáo dân. Nơi đây có nhà dòng Thánh Giuse (nay là Dòng SVD – Ngôi Lời) được cố Gioan Khâm (Jean Sion) thuộc Hội Truyền giáo Hải ngoại Paris sáng lập và được Tòa Thánh phê chuẩn vào ngày 30/5/1931. Tháng 7 năm 1932, Nhà Mẹ được chuyển từ Nhà Đá về Kim Châu, tọa lạc tại cơ sở mua lại của các Sư Huynh Lasan gần nhà thờ Kim Châu, xưa là nền Xã Tắc.

Mở đầu thánh lễ, Đức cha mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho 63 người được mời gọi đảm nhận những chức vụ trong giáo xứ, cọng tác với cha sở trong công việc điều hành giáo xứ.   Xin cho họ được trở thành những gương mẫu xứng đáng, những con chim đầu đàn trong hành trình về với Chúa.

Phần lớn thời gian trong bài giảng lễ, Đức cha Matthêô đã chia sẻ về con người chức việc, những thái độ và tâm tình cần phải có: “Khi ông Môisen dẫn đưa người Do Thái từ Ai Cập về Đất Hứa, một đoàn người đông đảo như vậy thì trong cuộc sống chắc chắn có rất nhiều tranh chấp. Và ngày nọ qua ngày kia, ông Môisen phải ngồi để dàn xếp những vụ kiện tụng từ sáng cho đến tối. Một hôm, cha vợ của ông đã đến thăm và thấy cảnh này, ông mới khuyên chàng rể Môisen hãy tìm kiếm trong dân những người có uy tín, khôn ngoan, đạo đức và đầy Thần Khí để giao việc cho họ, người thì phụ trách 100 người, người thì 1.000 người. Như vậy, họ sẽ tự giải quyết lấy những việc nhỏ còn mình sẽ giải quyết những việc lớn. Và như thế con số 70 người đã được hình thành để cùng với Môisen cai trị dân chúng. Con số 70 cũng được lập lại trong Tin Mừng, đó là số người được Chúa Giêsu chọn cùng với 12 môn đệ để làm công việc truyền giáo. Hôm nay, Giáo xứ Kim Châu cũng có con số 70 rất tròn trịa: 63 chức việc mới và 7 người cũ, mặc dù không còn làm việc nhưng là những cố vấn khôn ngoan để giúp đỡ cho ban chức việc mới thi hành nhiệm vụ của mình. Là  những người được kêu gọi để tiếp tay với cha xứ trong việc phục vụ giáo xứ thì đâu phải tự nhiên mà có thể làm được. Ở ngoài đời, ngành nghề nào cũng phải được đào tạo, chúng ta cũng vậy. Là một chức việc thì trước hết phải có ơn Chúa, sau nữa là được huấn luyện. Chúa Giêsu cũng đã huấn luyện các môn đệ của Ngài như thế. Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta có cái nhìn về việc huấn luyện của Chúa để làm công tác tông đồ. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đi qua xứ Samari và không được đón nhận, tông đồ Gioan đã xin lửa từ trời xuống để tiêu diệt họ. Đó là thái độ vẫn thường có trong chúng ta, một thái độ ỷ chức ỷ quyền. Chúa đã sửa lại ngay lập tức bằng cách nói rằng Ngài đến để cứu sống chứ không phải để giết chết. Làm người chức việc cũng vậy, không thể ỷ lại vào chức quyền mà hành động theo ý mình muốn mà phái có đức ái. Chúa Giêsu muốn các môn đệ luôn đối xử với người khác bằng đức mến, đức ái như trong bài đọc thứ II. Đó là bài học đầu tiên mà Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ ngày xưa cũng như cho ban chức việc ngày hôm nay. Bài học thứ hai là Chúa Giêsu sống nay đây mai đó, không có một nơi gối đầu. Địa chỉ của Ngài không nhất thiết là một chỗ nào, một số nhà nào. Địa chỉ của Ngài là trên đường và cuối cùng là trên cây Thập Giá. Qua đó, Ngài dạy cho những kẻ theo Ngài chấp nhận sự bất ổn, bỏ đi những tiện nghi, chấp nhận hy sinh để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Bài học thứ ba là khi được Chúa Giêsu kêu gọi thì có người xin về chôn cất cha trước đã. Dĩ nhiên, nếu cha anh chết và đang nằm đó thì Chúa Giêsu sẽ cho anh về nhà ngay vì đức hiếu thảo. Nhưng đàng này câu nói của anh ngụ ý rằng cha anh đang sống và anh xin về nhà phụng dưỡng cha cho đến khi ông chết thì sẽ theo Chúa ngay. Anh dằng co giữa hai bổn phận. Và Chúa Giêsu dạy rằng những khi có hai bổn phận xung khắc với nhau, một là bổn phận chăm sóc cho gia đình, hai là lo việc của Chúa, thì lúc ấy Chúa mời gọi chúng ta hy sinh những tương quan gia đình để lo phục vụ Chúa. Đó là những điều mà chúng ta có thể áp dụng cho ban chức việc. Người chức việc nào cũng có gia đình và những bổn phận chăm sóc gia đình, nhưng có những lúc chúng ta cần hy sinh một số những việc làm trong gia đình để lo phục vụ cộng đoàn giáo xứ. Khi có hai công việc cần phải làm trong một lúc thì phải ưu tiên chọn công việc chung, công việc của Chúa. Chúa nói ai cầm cày mà còn quay lại sau lưng thì không xứng đáng là người môn đệ. Khi ngôn sứ Elia muốn chọn cho mình một  người kế vị, ông đã chọn Êlisa, một người đang cày cặp bò thứ mười hai trong thửa ruộng. Êlisa đã vui lòng đáp lại lời mời gọi của Êlia nhưng xin về từ giã cha mẹ trước đã. Sau đó Êlisa đã quay trở lại và giết con bò đang cày để làm thịt, lấy cày làm củi nấu để đãi Êlia và dân làng. Sau đó, ông dứt khoát ra đi làm nhiệm vụ ngôn sứ. Hình ảnh bẻ chiếc cày làm củi để nấu con bò đãi khách, đó là một thái độ dứt khoát. Người chức việc sau khi được chọn thì cũng đừng quay lại sau lưng. Trước hết là không quay lại sau lưng chính mình, với những yếu đuối, những khuyết điểm của mình. Đừng từ chối vì cho rằng mình không xứng đáng hay bận việc nọ việc kia. Tất cả điều đó là quá khứ, bây giờ hiện tại và tương lai đang trước mắt. Đã cầm cày thì đừng quay trở lại sau lưng về nhưng yếu đuối của mình…”   

Cuối thánh lễ, đại diện tân Hội đồng giáo xứ ngỏ lời cám ơn Đức cha, cha sở và các cha đồng tế, bày tỏ sự lo âu khi đảm nhận trách nhiệm mới. Đức cha đã an ủi cũng như khích lệ tinh thần rằng: “Trong lời của vị đại diện có nhiều chữ “lo âu” và “lo lắng” được lập đi lập lại, điều đó cũng là điều phải lẽ. Nhưng mà có lẽ chúng ta nên bỏ chữ “âu” và “lắng” để giữ lại chữ “lo”, từ nay chỉ “lo” việc của Chúa để giáo xứ ngày càng tốt đẹp hơn”.

Với 63 thành viên, trong đó có 3 nữ chức việc, Hội đồng Giáo Xứ Kim Châu đã đạt số người kỷ lục trong giáo phận cho đến hiện nay. Tuy nhiên, với một thành phần hùng hậu như vậy, Giáo xứ không hề có ý ganh đua nhưng đã dồn hết những gì mình có để tự đặt cuộc với chính mình trong nỗ lực phát triển giáo xứ. Điều nó nói lên sự xác quyết về một tương lai tốt đẹp hơn dường như đang chờ sẵn trong tầm tay, bởi vì những gì không làm được với một ít người thì ta có có thể làm được với nhiều người cùng đồng một lòng một ý.
 
- Lễ Thánh Phêrô và Phaolô, bổn mạng Giáo họ Gò Dài

Nhân ngày lễ trong Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, Đức cha Matthêô đã trở về sinh quán là Giáo họ Gò Dài, thuộc Giáo xứ Gò Thị, để cử hành thánh lễ mừng bổn mạng. Nằm giữa cánh đồng lúa xanh non, ngôi nhà thờ Gò Dài vươn ngọn tháp lên trời cao, nổi hẳn lên trên đường chân trời để đánh dấu nơi quy tụ của khoảng 187 gia đình và 770 giáo dân trong giáo họ.  

Đầu thánh lễ, Đức cha Matthêô đã nói lên tâm tình của một người con của giáo họ trở về quê hương nhân ngày lễ bổn mạng trọng đại này. Trong bài giảng lễ, cha sở Phêrô Nguyễn Văn Kính đã nói lên ý nghĩa của ngày lễ bổn mạng: “Chúng ta tề tựu về đây để mừng lễ hai Thánh Phêrô và Phaolô, quan thầy của Giáo họ Gò Dài. Bà con cháu chắt và mọi người từ bốn phương hôm nay hướng về Gò Dài, nơi mình sinh ra và lớn lên. Cứ mỗi năm vào dịp lễ hai Thánh Phêrô và Phaolô, mọi người hào hứng vui mừng trở về quê hương để cùng chung vui và khấn xin hai thánh quan thầy bầu cử ban xuống muôn ơn lành hồn xác.

Làm sao quên được quê hương của mình, nơi mình đã sinh ra và lớn lên:

Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một Mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người

Trở về lại quê hương, ta mới thấy nhiều kỷ niệm tuổi thơ thật trìu mến và biết ơn tổ tiên đã sinh thành

Hồng ân tiên tổ lưu muôn kiếp
Phúc lộc tử tôn kiếp vạn đời.

Hai vị thánh Phêrô và Phaolô là hai tấm gương sáng chói, là hai cột trụ xây dựng tòa nhà Giáo Hội. Hai vị thánh tổ được Chúa tuyển chọn một cách đặc biệt. Chính Thiên Chúa đã biến đổi hai ngài thành sức mạnh của ơn thánh Chúa. Qua hai vị thánh tổ, ta thấy rõ sức mạnh và quyền lực của Thiên Chúa…

Giáo họ Gò Dài nhận hai vị thánh tổ làm bổn mạng là muốn bắt chước hai tấm gương sáng về lòng tin và lòng mến. Lòng tin mạnh mẽ vào quyền năng, vào tình thương của Thiên Chúa và một lòng mến sắt son. Qua cuộc sống đạo mỗi ngày, bà con đã nói lên điều đó. Sốt sắng và đông đúc những giờ kinh lễ, nhiều ơn gọi đi tu, nhiều cha, nhiều thầy, nhiều xơ, đặc biệt hơn nữa là những vị Giám mục … Nhân ngày mừng lễ quan thầy hôm nay, chúng ta dâng lên Chúa lời cám tạ tri ân. Và xin hai vị thánh quan thầy tiếp tục bầu cử cùng Chúa ban xuống cho Giáo họ chúng ta nhiều ơn lành hồn xác »

«Gò» là một nơi cao, «Dài» không là gì khác ngoài chiều dài của vùng đất do phù sa của con sông bồi đắp. «Gò Dài», một địa danh được hình thành với hai chiều không gian cao và dài. Chiều không gian thứ ba của Giáo họ có lẽ được bổ túc bằng chiều sâu được tìm thấy trong tấm lòng đạo đức của các gia đình trong giáo họ, điều được nhiều người công nhận nơi một giáo họ gần như toàn tòng.   

- Thánh lễ và nghi thức nhậm chức của Hội Đồng Giáo Xứ Gò Thị

9 giờ sáng Chúa Nhật, ngày 23 tháng Sáu, Đức Cha đã về Giáo xứ Gò Thị để dâng Thánh Lễ và nghi thức nhậm chức của 59 thành viên Hội Đồng Giáo Xứ Gò Thị nhiệm kỳ 2013-2016. Hội Đồng Giáo Xứ với 59 thành viên, thoạt nghe tưởng chừng như con số khá lớn, nhưng thật ra cũng vừa tầm với một giáo xứ kỳ cựu và đang trên đà phát triển. Gò Thị hiện nay gồm 7 giáo họ: Gò Thị Gò Dài, Xuân Phong, Thượng Hòa, Phước Thiện, Kỳ Sơn, Vinh Quang, với 780 gia đình và 3.065 nhân khẩu.

Mở đầu thánh lễ, Đức Cha kết hợp nghi thức nhậm chức với chủ đề Lời Chúa của ngày Chúa Nhật XII Thường Niên. Trong phần Lời Chúa, Chúa Giêsu kêu gọi mọi người hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Chúa mỗi ngày. Trong thánh lễ hôm nay có nghi thức nhậm chức của Hội Đồng Giáo Xứ. Tham gia vào Hội Đồng Giáo Xứ là dấn bước đi theo Chúa, mà con đường Chúa đi là con đường vất vả, hy sinh, từ bỏ. Vì thế, làm chức việc không phải là để tìm kiếm vinh quang, phú quý cho mình nhưng là để từ bỏ chính mình, từ bỏ lợi lộc để tham gia vào công việc giáo xứ. Đó là cách mà các chức việc bước theo Chúa Giêsu trên con đường Thập Giá. Quý ban chức việc trong nhiệm kỳ mới này luôn cần được cầu nguyện để có tinh thần hy sinh, từ bỏ, để có thể chu toàn nhiệm vụ của mình một cách tốt đẹp, để cộng tác với cha xứ trong việc điều hành và phát triển giáo xứ. Đây là một giáo xứ truyền thống, thấm nhuần máu tử đạo trong đó Thánh Trùm Cả Anrê Kim Thông, quan thầy của Ban Chức Việc nói chung và của Ban Chức việc Giáo xứ Gò Thị nói riêng. Mỗi chức việc hãy biết từ bỏ mình để bước theo  Chúa Giêsu và noi gương Thánh Anrê Kim Thông trong cuộc sống phục vụ.

Trong phần diễn giảng Lời Chúa, Đức Cha tiếp tục chia sẻ về thập giá của Đức Kitô: “Chúa Giêsu hỏi các môn đệ rằng người ta nghĩ gì về Ngài. Các tông đồ chỉ trình bày các dư luận, phần lớn cho rằng Ngài là Elia, hay Gioan, hay một tiên tri sống lại bởi vì Ngài đã làm phép lạ giống như các tiên tri ngày xưa. Nhưng Chúa Giêsu lại muốn biết các môn đệ nghĩ gì về Ngài, bởi vì đức tin không phải là nghe dư luận mà là mỗi điều chúng ta xác tín. Phần lớn các tông đồ đều im lặng, bởi vì thuật lại dư luận thì dễ mà nói lên xác tín của mình thì chẳng dễ chút nào. Nhưng Thánh Phêrô đã thay mặt các tông đồ tuyên xưng: “Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa”. Tuy nhiên, chưa chắc Thánh Phêrô đã hiểu lời mình tuyên xưng, bởi vì ông đã chia sẻ niềm tin của biết bao nhiêu người chờ đợi Đấng Cứu Thế theo kiểu thế trần.

Chúa Giêsu là một Đấng Cứu Thế hoàn toàn khác. Vinh quang của Ngài phải bước  qua con đường thập giá. Và con đường ấy không phải chỉ mình Ngài đi mà Ngài mời gọi tất cả cùng đi. “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta”. Lời mời gọi này không chỉ áp dụng cho các môn đệ mà còn cho tất cả mọi người là Kitô hữu. Ngài không bảo chúng ta vác thập giá của Ngài nhưng chúng ta chia sẻ thập giá đó là vác thập giá của chúng ta mỗi ngày. Hãy cám ơn Chúa vì những thập giá vừa tầm vừa sức mà Chúa gởi đến chúng ta mỗi ngày. Hơn nữa, Đức Kitô là một Đức Kitô đau khổ, cho nên Giáo Hội của Ngài cũng được cưu mang và lớn lên trong đau khổ. Bằng chứng là truyền thống tử đạo vẫn tiếp tục trong Giáo Hội của Chúa cho đến ngày nay. Đây đó, những kẻ theo ngài vẫn tiếp tục có những người đổ máu ra vì Chúa. Ngày nay chúng ta tự hào vì Kitô giáo chúng ta là một tôn giáo lớn, nhưng có bao giờ ta tự hào mình là con cái Chúa, là môn đệ của Đức Giêsu, cùng chịu đau khổ với Đức Giêsu như lời Thánh Phaolô trong bài đọc thứ II: “Tất cả anh em đã chịu phép rửa tội trong Ðức Kitô, nên anh em đã mặc lấy Ðức Kitô”. Chúng ta phải nói được như Thánh Phaolô là mình không hãnh diện về một điều gì khác ngoại trừ một Đức Kitô chịu đóng đinh. Và vinh quang của chúng ta là thập giá Đức Kitô. Như vậy, khi phải chịu đau khổ vì Chúa, chúng ta càng phải hãnh diện vì mình đang đi trên con đường của Chúa Giêsu”.

Riêng với Ban Chức Việc, Đức Cha nói: “Khi nhận lời cha sở tham gia vào ban chức việc, dĩ nhiên đó là một hy sinh, hy sinh thời giờ và sức lực. Nếu chỉ nghĩ đến việc làm ăn, lợi nhuận vật chất, thì sẽ không ai tham gia ban chức việc. Vì thế, khi tham gia Ban Chức Việc là chấp nhận hy sinh, vác thập giá, chịu mất mát thua thiệt, chẳng những không được gì cả về vật chất, mà cả vinh quang cũng khó, bởi vì giáo dân sẽ phê phán thế này thế kia. Nhưng vì Chúa, chúng ta chấp nhận tất cả. Hãy nhớ Chúa Giêsu, khi Ngài vác thập giá nặng nề, đã phải ngã xuống ba lần. Nhưng khi Ngài chịu đóng đinh vào thập giá, khi cây thánh giá được dựng lên, thì mọi sự lại khác. Cây thập giá trước đây vốn đè nặng Ngài, thì bây giờ chính cây thập giá đó làm Ngài được nâng lên cao. Và Ngài còn nói “Khi nào Ta được nâng lên, Ta sẽ kéo mọi người cùng lên với Ta”. Như Đức Kitô bị đóng đinh trên thập giá, dương lên và kéo mọi người lên thế nào thì mỗi người chức việc một khi hy sinh vì Chúa, chấp nhận chịu đóng đinh vào thập giá cùng với Đức Kitô thì cũng làm gương sáng cho nhiều người, và qua công tác mục vụ, cũng lôi kéo nhiều người trở về với Chúa, trước hết là những anh chị em khô khan nguội lạnh, những gia đình bất thuận bất hòa, rồi tiếp đến là những anh chị em chưa biết Chúa”.

Trên con đường ngoằn ngoèo từ con đường lớn rẽ vào nhà thờ Gò Thị, người ta đã thay những cột điện mới, thẳng tắp, vững vàng. Hình ảnh những cây cột điện mới dễ làm ta liên tưởng đến nhiệm vụ của Ban Chức Việc mới ngày hôm nay. Như cây cột điện gồng mình đứng giữa trời, chịu đựng nắng nôi mưa gió, mang trên mình những đường dây tải nặng nề để đem ánh sáng cho mọi người thế nào thì người chức việc cũng hy sinh gánh vác công việc để giúp đỡ anh chị em giáo dân như vậy. Nhiệm vụ thật nặng nề nhưng niềm vui cũng thật lớn lao vì đã đem lại điều mong đợi và cần thiết cho mọi người.
 
- Thánh lễ và nghi thức nhậm chức của Hội đồng Giáo xứ Trường Cửu

Tiếp nối những chuyến đi mục vụ tháng 6, vào lúc 7g sáng Chúa Nhật ngày 16/6, Đức cha Matthêô đã đến nhà thờ Khiết Tâm, trung tâm của Giáo xứ Trường Cửu, để cử hành thánh lễ Chúa Nhật trong đó có nghi thức nhậm chức của 31 thành viên Hội đồng giáo xứ Trường Cửu, nhiệm kỳ 2013-2016. Giáo xứ Trường Cửu gồm 7 họ: Trung Ái, Trường Cửu, Mỹ Ngọc, Tráng Long, Nghiễm Hòa, Phụ Ngọc, Khiết Tâm, nằm rải rác trên 4 xã với 830 nhân khẩu. Hiện nhà thờ Phụ Ngọc đang được xây dựng.

Mở đầu thánh lễ, Đức cha nói lên ý nghĩa và tầm quan trọng của Hội đồng giáo xứ, những người được anh chị em giáo dân tín nhiệm bầu lên để cùng cộng tác với cha xứ trong việc điều hành giáo xứ, phục vụ dân Chúa và đẩy mạnh công cuộc truyền giáo. Nghi thức nhậm chức rất đơn giản, nhưng qua đó cho thấy Giáo hội cần sự cộng tác của anh chị em giáo dân.

Diễn giảng Lời Chúa ngày Chúa Nhật XI nói về Vua Đavít và người đàn bà tội lỗi xức thuốc thơm chân Chúa trong nhà ông Simon, người Pharisiêu, Đức cha nói rằng không ai có thể tự hào rằng mình là người thánh thiện. Mọi người đều là những tội nhân, từ người hạ cấp như người đàn bà tội lỗi cho đến bậc quyền quý cao sang như Vua Đavít. Cho nên vấn đề là sớm nhận ra tội lỗi mình và thành tâm sám hối để nhận được ơn tha thứ. Cuối bài Tin Mừng, Thánh Luca thuật lại rằng Chúa Giêsu “rảo qua các thành thị và xóm làng, giảng dạy và loan báo Nước Thiên Chúa. Có nhóm Mười Hai cùng đi với Người, cũng có cả mấy người phụ nữ đi theo …”. Trong công việc truyền giáo, Chúa vẫn cần đến những bàn tay giúp đỡ và cộng tác của nhiều người. Mặc dù thấy mình bất xứng và tội lỗi nữa, nhưng vượt qua những trở ngại cùng với lời cầu nguyện của mọi người, các thành viên mới của Hội đồng giáo xứ sẽ có thêm can đảm và sức mạnh để đảm nhận trách nhiệm được trao ban. Cuối cùng, Đức cha ngỏ lời riêng với các tân chức việc: “Anh em đã được bầu cử và cha xứ bổ nhiệm, thì kể từ nay anh em là những cánh tay của cha xứ. Hãy vượt qua những khó khăn để một lòng một ý cùng nhau xây dựng và phát triển giáo xứ một cách tốt đẹp”.

Kết thúc thánh lễ, cha sở Vincentê Nguyễn Đình Tâm ngỏ lời cám ơn Đức cha đã sống với anh chị em giáo dân qua các thư mục vụ với những lời hướng dẫn và chỉ bảo cho đời sống đức tin. Và hôm nay, với sự hiện diện trong thánh lễ, Đức cha đã đem lại niềm vui, sự khích lệ và cho giáo xứ thêm niềm tin để vui sống. Nhân tiện, cha cũng trình bày sơ qua về hiện trạng của giáo xứ. Do đang sống trong môi trường với xu thế dung tục, đề cao vật chất, một xã hội hưởng thụ, tiêu dùng và hưởng lạc. Chính vì thế mà xã hội hôm nay có nguy cơ tụt dốc như thực tế đã minh chứng. Giới trẻ trong giáo xứ không còn quan tâm đúng mức đến đời sống tâm linh và nhân bản, trở nên mất quân bình và trống rổng, cuộc sống mất đi ý nghĩa và phương hướng, coi thường các giá trị đạo đức. Do ảnh hưởng xã hội, đời sống đức tin bị ảnh hưởng, trở thành thụ động, giới trẻ ít tham dự thánh lễ, ít học giáo lý. Người lớn thì thiếu trách nhiệm giáo dục và bồi dưỡng con cái, không thay đổi kịp với thời đại và thiếu gương sáng. Giáo xứ thiếu nhân lực, tài lực, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của giáo xứ. Trước tình hình đó, cha sở và các anh em giáo chức cùng nhau cộng tác, cố gắng xây dựng các họ đạo sống theo nề nếp, hiệp thông và yêu thương, đẩy mạnh công cuộc truyền giáo và tái truyền giáo. Với sự cộng tác của mọi thành phần trong giáo xứ, nhất là với Hội đồng giáo xứ mới nhiệt thành và hăng say, chắc rằng giáo xứ Trường Cửu sẽ thành công với mục tiêu đã đề ra.  
 
- Thánh lễ ban bí tích Thêm Sức tại Giáo xứ Cây Rỏi

7 giờ sáng thứ Ba ngày 18 tháng 6 năm 2013, Đức cha Matthêô đã đến Giáo xứ Cây Rỏi để cử hành Thánh lễ ban bí tích Thêm Sức cho 51 em trong giáo xứ. Cây Rỏi là giáo xứ thuộc miền núi của Giáo hạt Bình Định, gồm 7 giáo họ và giáo khu: Giuse, Đức Bà Đi Viếng, Sinh Nhật Đức Mẹ, Tùng Chánh, Hiệp Long, An Điềm, Tân Hóa, với 277 gia đình và 996 nhân khẩu. Tên của giáo xứ được gọi theo một loại cây ngày xưa có rất nhiều ở vùng miền núi này. Cây rỏi thân mọc thẳng, có gỗ màu nâu sẫm và cứng như gỗ trắc, gỗ lim.  Người đóng ghe tàu đi biển dùng nó làm cột buồm hay làm chốt gài mộng thế cho đinh hoặc bù loong thép. Cũng vì tính chất chắc, cứng, lâu mòn, dẻo dai, chịu ma sát nên người ta còn dùng gỗ cây rỏi để làm răng cối xay lúa hay cán rìu. Vỏ cây còn được dùng để nhuộm hay ăn trầu.

Tuy là ngày thường trong tuần, nhưng nhà thờ vẫn có đông người tham dự. Các em hẳn phải chuẩn bị từ rất sớm để có thể tề chỉnh xếp hàng chào đón khi Đức cha vừa mới đến. Mở đầu thánh lễ, Đức cha nhắc lại về ơn Chúa Thánh Thần đã được ban cho các tông đồ như thế nào. Như ngày xưa Chúa ban cho ơn đặc biệt cho các tông đồ để các ngài thêm sức mạnh, sự can đảm và thông minh để rao giảng Tin Mừng thì hôm nay các em trong giáo xứ cũng nhận lãnh bí tích Thêm Sức để lãnh nhận những ơn đặc biệt của Chúa và cũng để các em trung thành trên con đường sống đạo.

Trong bài giảng lễ, Đức cha nói Chúa Thánh Thần mà các em lãnh nhận đó chính là Thánh thần của Đức Kitô phục sinh. Sau khi phục sinh, Chúa Kitô đã hiện ra và ban Chúa Thánh Thần xuống cho các môn đệ. Ngài nói: “các con hãy lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Các con tha tội ai thì kẻ ấy được tha, các con cầm tội ai thì kẻ ấy bị cầm lại”. Như Chúa Thánh Thần đã được trao ban để các tông đồ điều hành tất cả các sinh hoạt trong thân thể là Giáo Hội như thế nào, thì Chúa Thánh Thần cũng được ban dồi dào xuống trên các chi thể là mỗi người chúng ta. Chúa Thánh Thần mà các em nhận lãnh hôm nay cũng là Thánh Thần mà ngày xưa các tông đồ nhận lãnh. Sau khi được tràn đầy ơn thánh, các tông đồ trở nên mạnh bạo dù trước đây vẫn còn sợ sệt. Các ông ra đi rao giảng bằng đời sống mạnh mẽ và tràn đầy đức tin, thậm chí  đã đổ máu mình ra để bảo vệ đức tin của mình. Các em hôm nay cũng lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần từ Giáo Hội của mình, đó là truyền thống lâu đời của Giáo Hội. “Thêm sức” là “confirmation”, nghĩa là làm vững vàng thêm lên. Tuy rằng các em đã có đức tin, nhưng mà đức tin đó còn non yếu nên cũng cần phải củng cố và làm vững thêm lên để có thể dùng lời nói tốt lành rao giảng Chúa cho bạn bè, dùng đời sống của mình làm chứng cho Chúa trước mặt mọi người. Đức cha cũng nhắc nhở rằng sau khi chịu phép Thêm Sức, các lớp giáo lý tiếp theo vẫn còn cần thiết. Chịu phép Thêm Sức là các em vững vàng hơn trong đức tin, nhưng vẫn còn cần siêng năng đến nhà thờ, tham dự các lớp giáo lý khác.

Theo truyền thống tốt đẹp của giáo xứ, cuối thánh lễ, là phần phát phần thưởng cho các em đã đạt được những thành tích tốt trong việc học giáo lý và văn hóa. Về giáo lý, phần thưởng được phát cho các em đạt loại khá, giỏi, ưu và tối ưu. Về văn hóa, các em đạt giỏi ở cấp 1 và 2 cũng như các em đạt loại khá và giỏi ở cấp 3 đều được lãnh nhận phần thưởng. Các em đạt giải văn thơ Đặng Đức Tuấn cũng nhận lãnh phần thưởng của giáo xứ.

Điều dễ nhận thấy là bộ mặt giáo xứ đang dần thay đổi từng ngày. Các con đường chung quanh nhà thờ đều được kiên cố hóa, không còn lầy lội như trước đây nữa. Thế nhưng những con đường bêtông rộng rãi, thuận tiện có đưa nhiều người đến với nhà thờ, đến với những lời kinh buổi lễ hay không. Điều đó tùy thuộc rất nhiều vào nỗ lực của mỗi người trong giáo xứ.
 
- Giáo Xứ Đại Bình bế giảng năm học giáo lý 2012 – 2013

Sau những ngày chịu ảnh hưởng cơn bão số 2 với những cơn mưa bất thường, ngày 25 – 6 – 2013 lại nắng đẹp như muốn tặng quà cho các em của Giáo xứ Đại Bình trong ngày Lễ Bế giảng NĂM HỌC GIÁO LÝ 2012 -2013.

       Chúa vẫn thương những đứa con nơi vùng Bắc Bình Định nầy, vì mới 6 giờ 30 nhưng các em đã tập trung đầy đủ cho một ngày vui của giáo xứ với ánh nắng và khí trời khá oi bức. Tất cả các em của các lớp giáo lý : sơ cấp, căn bản, kinh thánh, vào đời… cả thảy là 222 em và ở rải rác khắp nơi xa gần đã tụ họp nơi nhà thờ giáo xứ trong niềm hân hoan phấn khởi. Có em vừa đi vừa ăn sáng, có em tới nơi mới vào quán mua bánh !

       Đúng 07 giờ hiệu còi nổi lên để tập trung và chia Tổ, mỗi tổ rải đều các lớp và nhận khăn quàng ( mỗi tổ một màu riêng để dễ kiểm soát và sinh hoạt ). Sau mục múa cộng đồng để khởi động, các em xếp hàng vào nhà thờ tập hát và cùng nhau dâng thánh lễ Tạ Ơn Chúa. Tuy trong nhà thờ rất nóng, nhưng tâm hồn các em vẫn nghiêm trang dâng lời kinh tiếng hát thật sốt sắng để cảm tạ hồng ân mà Chúa đã ban cho các em trong một năm học qua.

       Sau thánh lễ các tổ triển khai làm báo tường, hóa trang các nhân vật bằng giấy báo và diễn tập cho chủ đề mà nhóm đã bắt thăm. Những chủ đề nầy đều dựa vào kinh thánh : người cha nhân hậu, tiệc cưới cana, sự khôn ngoan, hồng ân Thiên Chúa….Có những chủ đề cụ thể, rõ ràng, rồi cũng có một hai chủ đề quá trừu tượng…nhưng đã được các tổ triển khai khá xuất sắc đến nỗi Ban Giám khảo cũng không ngờ !

       Sau khi ăn trưa tại chỗ theo kiểu nhà quê nhưng chắc bụng ! Các em lại vào nhà thờ để thi phần hai : kiến thức giáo lý đã học với hình thức đố vui để học. Ban tổ chức cũng đã hiện đại hóa phần kỷ thuật nên các em tỏ ra hăng hái và sôi nổi, không màng cái nóng oi bức đang bao trùm cả mọi người. Kế đến là phần phát thưởng của giáo xứ dành cho các em có thành tích tốt trong năm học giáo lý vừa qua cộng với giấy khen do giáo xứ cấp. Trong dịp nầy giáo xứ cũng lồng ghép vào việc phát thưởng cho các em đạt học sinh giỏi ở trường. Cuối cùng là phần thưởng dành cho các tổ đã thi đua trong dịp bế giảng hôm nay.

       Một ngày trôi qua thật mau và vui vẻ tuy trời quá nóng, nhưng bù vào đó là các mục múa của các em dự tu , và nhất là của nhóm múa 9D của các bạn trẻ Họ Đại Bình làm tan đi bao nhọc mệt từ Ban Giám khảo đến giáo lý viên và các em.

       Chỉ biết dâng lên lời Tạ Ơn Chúa và xin Chúa vẫn thương đốt lên niềm hăng say học biết giáo lý Chúa và Hội Thánh nơi các em, để các em có thể vững bước trên đường đời mai sau…

- Mừng lễ Thánh Tâm Chúa, bổn mạng giáo xứ Qui Đức

Chiều Chúa nhật 09/06 Đức cha Matthêô đã về giáo xứ Qui Đức để chủ sự thánh lễ mừng bổn mạng giáo xứ. Trong thánh lễ hôm nay Đức cha cũng đã ban bí tích Thêm sức cho 16 em, và cho 45 em lần đầu tiên lãnh nhận bí tích Mình Thánh Chúa. Các em đã được cha sở và các anh chị giáo lý viên chuẩn bị rất chu đáo và kỹ lưỡng qua từng trang giáo lý cũng như thực hành sống đức tin bằng việc tham dự thánh lễ. Cảm xúc dâng trào khi các em được Đức cha đặt tay, xức dầu trao ban ấn tín Chúa Thánh Thần, một ơn huệ thiêng liêng mà các em phải sống và làm cho lớn lên trong đời sống mỗi ngày. Đặc biệt các em lần đầu tiên lãnh nhận bí tích Thánh Thể, ước muốn được rước Chúa vào lòng như bao nhiêu người khác nay đã thành hiện thực. Chúa Giêsu Thánh Thể không còn ở xa xa, trong nhà tạm khiến các em cứ phải ngước nhìn mỗi khi tham dự thánh lễ, trái lại “giờ đây Chúa ngự trong con, ôi niềm vui sướng, làm sao giải bày…Tình yêu Chúa dành cho con vượt cao hơn núi mát hơn suối ngàn. ”

Thánh lễ mừng bổn mạng Giáo Xứ Qui Đức đã kết thúc trong sự hân hoan, vui mừng của tất cả mọi người.  Để tổ chức thánh lễ thật tươm tất và nghiêm trang như hôm nay, mọi thành phần trong giáo xứ đã cộng tác với cha sở một cách tận tâm trong tất cả mọi sự. Đặc biệt các anh chị giáo lý viên, quí sơ, dưới sự hướng dẫn của cha sở, đã sẵn sàng hy sinh thời gian trong mấy năm qua để dạy dỗ và hướng dẫn các em. Các hội đoàn, ban ngành khác như trang trí, âm thanh, ánh sáng, ca đoàn… cũng đã tập trung hết sức lực hơn một tháng qua để làm cho ngày bổn mạng giáo xứ thêm phần long trọng.

Xin chúc mừng các em vừa lãnh nhận bí tích Thêm Sức và Thánh Thể. Xin ơn Chúa Thánh Thần mà các em vừa lãnh nhận luôn hướng dẫn và làm cho các em trở thành những chứng nhân anh hùng của Chúa giữa trần gian, luôn được vững vàng trong đời sống làm con Chúa. Xin Chúa Giêsu Thánh Thể luôn là niềm vui, và nguồn trợ lực thiêng liêng cho các em vừa lãnh nhận Bí tích này lần đầu. Đặc biệt kính chúc cộng đoàn giáo xứ Qui Đức ngày càng lớn mạnh dưới sự che chở của Thánh Tâm Chúa.

SINH HOẠT GIÁO HẠT QUẢNG NGÃI

- Đại lễ Thánh Tâm mừng kỷ niệm 72 & 50 năm nhà thờ Quảng Ngãi

Từ cuối tháng 11 năm 2012, trong cuộc Đại Hội giáo dân lần thứ nhất, cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Quảng Ngãi đã quyết định mở lễ mừng kỷ niệm 72 năm xây dựng nhà thờ cũ (1941-2013) và 50 năm xây dựng nhà thờ mới Quảng Ngãi (1963-2013).

Khoảng 3 tháng trước ngày đại lễ, cả giáo xứ đã bắt đầu tuần “Cửu thập nhật - 90 ngày”, để cầu nguyện và sửa dọn tâm hồn. Hàng ngày, sau mỗi thánh lễ, giáo xứ cùng dâng kinh nguyện lên Chúa Ba Ngôi để cầu nguyện hướng về đại lễ 50 năm và 72 năm xây dựng hai ngôi thánh đường.

Song song với công cuộc mục vụ hướng nội, cơ sở hạ tầng và các hạng mục phục vụ cho sinh hoạt cộng đoàn cũng được trùng tu, nâng cấp hay xây mới. Tuy nhiên, phải đợi đến giữa tháng 4/2013, chương trình chuẩn bị cho đại lễ nầy mới bắt đầu khởi động.

Và rồi, sau gần 2 tháng thi công, các hạng mục trùng tu nhà thờ đã hoàn tất như : sơn nước nội thất, óp đã granite các cột, thay ô gió cửa sổ xi măng bằng cửa số song sắt, thiết đặt đèn chùm và hệ thống âm thanh, chỉnh trang khu nhà tạm, đóng mới bàn thờ chính bằng phiến gỗ nguyên, đóng các bệ đặt thánh Giuse-Đức Mẹ, các tòa giải tội, bệ nhà tạm lưu Mình Thánh Chúa…

Cùng với với các hạng mục trên, một hội trường mới với diện tích sử dụng là 400 m2 cũng được hoàn tất với khu vệ sinh nam nữ khang trang. Bên cạnh đó, nhà xứ cũng được chỉnh trang, phối trí để tăng cường công năng sử dụng : một phòng truyền thống, một nhà bếp mới và 2 nhà kho cùng với các tượng đài Phêrô-Phaolô và lễ đài Ba Thánh Tử đạo của giáo phận Qui Nhơn cũng được hoàn tất.

Như vậy, mọi sự đã sẵn sàng để tiếp đón các anh chị em giáo dân khắp nơi về mừng đại lễ.

Nếu trọng tâm ý nghĩa của ngày đại lễ chính là Thánh Tâm Chúa Giêsu, bổn mạng của cả hai nhà thờ cũ và mới Quảng Ngãi, thì ý nghĩa “văn hóa mục vụ” lại nhắm tới cuộc kỷ niệm với 2 thời điểm lịch sử liên quan tới hai ngôi thánh đường nầy : 72 năm xây dựng nhà thờ cũ (1941-2013) và 50 năm xây dựng nhà thờ mới (1963-2013).

Tất cả những ý nghĩa đặc biệt trên lại được củng cố và làm tăng chiều kích long trọng khi cũng chính trong thời điểm “Năm Đức Tin” nầy, ngày lễ Thánh Tâm lại được ĐGM giáo phận chọn làm ngày “Lễ Trạm” của giáo hạt Quảng Ngãi trong cuộc hành hương Năm Đức Tin của dân Chúa trong giáo phận Qui Nhơn. Chính vì thế, ngày lễ Thánh Tâm nầy hứa hẹn sẽ có cuộc tập họp đông vui của nhiều thành phần dân Chúa từ khắp nơi tuốn về, như lời dự báo của sứ ngôn Isaia về cuộc tập họp ở Giêrusalem từ 27 thế kỷ trước, mà ý nghĩa biểu trưng đã được chọn làm chủ đề cho ngày Hội Trại Hồng Ân : BỪNG SÁNG TIN YÊU (Is 60,1).

Để đong đầy tất cả những ý nghĩa trên và kín múc từ đó những hoa quả của hồng ân đức tin chương trình mừng đại lễ được thực hiện với các nội dung  :

Ngày thứ nhất (5/6) : dành riêng tôn vinh Mẹ Maria và tạ ơn 72 năm nhà thờ cũ. Thánh lễ tôn kính Mẹ được cử hành tại chính nơi mà 72 năm trước ngôi nhà thờ đầu tiên của Quảng Ngãi được xây dựng. Kết thúc thánh lễ nầy chính là phần diễn nguyện tôn kính Mẹ Maria với chủ đề Mẹ Maria, Đấng đồng hành với Dân Chúa được thể hiện qua hoạt cảnh Tin Mừng “Tiệc cưới Cana”.

Ngày thứ hai, cũng là ngày áp lễ : Khai mạc Hội trại Hồng ân. Đây là cuộc tập họp của toàn giáo phận với các đơn vị giáo xứ từ Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi cùng với đại diện của hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn mà cội nguồn xuất phát là vùng đất An Chỉ thuộc Quảng Ngãi. Cao điểm của ngày nầy chính là thánh lễ Tạ Ơn 50 xây dựng nhà thờ mới Quảng Ngãi (1963-2013) và cầu nguyện cho các tiền nhân và ân nhân của giáo xứ. Tiếp nối thánh lễ đặc biệt nầy chính là chương trình Hoan Ca Diễn Nguyện với 3 phần :

Trong đó, phần đầu tiên chính là mời gọi chúng ta cùng lên đường tìm lại cội nguồn đức tin qua những cột mốc đã hằn sâu trong lịch sử truyền giáo của giáo phận Qui Nhơn như : chứng tích truyền giáo Nước Mặn, Người chứng thứ nhất ; Á Thánh Anrê Phú Yên, An Chỉ, cội nguồi của dòng Mến Thánh Giá, Thánh Giám Mục Stêphanô, nhà truyền giáo vĩ đại và Anrê Kim Thông, chứng nhân thầm lặng.

Kết thúc cho phần nầy chính là tâm tình tri ân cảm tạ dâng lên các Thánh Tử Đạo Việt Nam, các thánh tử đạo giáo phận Qui Nhơn và đặc biệt, các vị tử đạo trên mảnh đất Quảng Ngãi thân yêu nầy cùng với bao nhiêu hy sinh, đóng góp, nỗ lực của những giáo dân suốt bao nhiêu năm qua đã vun xới cho cánh đồng truyền giáo Quảng Ngãi được phong phú.

Phần thứ hai cũng là phần chung kết của chương trình chính là tiếng gọi mời tất cả chúng ta cùng nắm tay lên đường ra đi làm muối men ánh sáng cho cuộc đời, chứng nhân cho Tin Mừng cứu độ ; và cùng với Mẹ Maria hân hoan bước vào cánh cửa đức tin để xây dựng giáo phận Qui Nhơn và quê hương Quảng Ngãi càng ngày càng thêm mở màu phong phú.

Mặc dầu chưa có cơ hội để phối hợp và tổng dợt các tiết mục của các đơn vị ở cách xa nhau hàng mấy trăm cây số dọc dài theo 3 tỉnh Quảng Ngãi-Bình Định-Phú Yên, nhưng các đơn vị với các chủ đề được đầu tư và chuẩn bị thật tốt để khi thể hiện mọi sự đều ăn khớp hài hòa. Kết quả tốt đẹp này một phần cũng nhờ hệ thống âm thanh, ánh sáng, sân khấu và ban diều hợp chương trình của giáo xứ Quảng Ngãi đã chuẩn bị trong điều kiện khá hoàn hảo cho một sự kiện lớn.

Qua đêm diễn nguyện hoan ca đặc sắc nầy, cộng đoàn dân Chúa Quảng Ngãi và nhiều nơi trong giáo phận có mặt, đã thực sự được trở về nguồn cội đức tin để cảm nhận công ơn trời biển của cha ông tiên tổ.

Và ngày cuối cùng cũng là đỉnh cao và trọng tâm của chương trình đại lễ, ngày cử hành lễ Thánh Tâm Chúa Giêssu, Bổn mạng của nhà thờ Quảng Ngãi mà sau 50 xây dựng, hôm nay được chính thức Cung Hiến bởi vị Chủ chăn của giáo phận trong nghi thức Phụng Vụ long trọng của Hội Thánh Công Giáo. Thánh lễ đã diển ra trong bầu khí trang trọng khác thường với một cộng đoàn Phụng Vụ đông chưa từng có tại Quảng Ngãi. Sức chứa của ngôi nhà thờ vào hạng rộng nhất miền Trung đã không còn chỗ trống. Có nhiều anh chị em đã phải ngồi ngoài hành lang để cùng hiệp thông thánh lễ mà câu ca tiếng hát đã hòa trộn vang lên như một cuộc đại hòa tấu có một không hai trên vùng đất vốn hoang vu, cằn cỗi nầy.

Và cuối cùng, từ bàn tiệc Thánh Thể linh thiêng và nhiệm mầu, dân Chúa lại được đoàn tụ với nhau và bên nhau trong một bàn tiệc huynh đệ thân thương trìu mến mà những câu chuyện hàn huyên của sẻ chia và trao đổi, của tay bắt mặt mừng vẫn như cứ muốn còn mãi, đọng lại trong ánh mắt bờ môi.

Ngày Thánh Tâm Quảng Ngãi, ngày Cung Hiến nhà thờ Quảng Ngãi, ngày Kỷ Niệm 72 & 50 năm xây dựng thánh đường Quảng ngãi, ngày Hội trại Hồng ân Quảng Ngãi, ngày Lễ Trạm trong Năm Đức Tin của giáo hạt Quảng Ngãi…phải chăng là một ngày “Hiện Xuống Mới” để một lần nữa Chúa Thánh Thần nối kết, thánh hóa, ban tặng tràn trào niềm vui và đốc thúc Giáo Hội địa phương cùng hăng say dấn bước lên đường để mang tình yêu Thiên Chúa, Thánh Tâm Chúa Giêsu và Tin Mừng cứu độ của Ngài gieo rắc trên mọi nẻo đường.
 
- Đã có một ngày “khơi lại ngàn xưa”

(Một chút cảm nhận nhân kỷ niệm 50 và 72 năm xây dựng nhà thờ Quảng Ngãi)

Có ai về đánh thức hồn non nước
Khơi lại ngàn xưa : đẹp trăng lên ?...
(Trần thoại Nguyên)
 
Trang Quảng Ngãi điện tử mấy ngày đầu tháng 6 cho tôi những tin tức vui buồn thế sự: nào là ngôi trường Ba Xa thuộc huyện miền núi Ba Tơ trống trước hở sau; nào là những nhà vệ sinh của các trường phổ thông trong tỉnh có giá xây dựng trên 600, 700 triệu cho một diện tích vài chục mét vuông…; nào là Trạm cứu hộ Lý Sơn đi vào hoạt động nhằm hạn chế  nỗi đau mất mát của người dân vùng biển đảo xa xôi hay  chuyện  khai quật tàu chứa  cổ vật tại  vùng biển Châu Thuận - Bình Sơn làm sáng thêm nền văn hóa Sa huỳnh …  

Không biết có được bao nhiêu người  may mắn như tôi, không chỉ đọc được những thông tin trên báo  mà còn tận mắt chứng kiến những tin vui: Tôi thấy những thanh thiếu niên từ Lý Sơn mang hương tỏi Đức Tin, vượt  trùng khơi  về đây đón nhận ơn thánh;  tôi thấy người thiếu nữ trong bộ áo dài  trắng  với vóc dáng và gương mặt dễ thương, người đang giữ tủ thuốc cho hội trại Hồng Ân  đứng vòng tay từ xa tham dự một thánh lễ dài hơn thường lệ trong chăm chú và sốt sắng như muốn tận hưởng những giây phút thánh thiêng chưa từng thấy trong đời. Nghe nói “người ấy” đến tận Bình Châu…; tôi thấy mấy em nhỏ  chỉ chỏ vào tấm bản đồ lớn bên phải nhà thờ bảo nhau rằng: Nhà thờ mình nằm  ở chỗ này,  nằm ở chỗ kia  với nét mặt tươi vui như tìm lại được ngõ về sau thời gian dài lưu lạc…Tôi không thấy nhưng nghe được, chắc là không sai, có những khách sạn, nhà nghỉ của anh em lương dân cho chúng tôi trú ngụ trong đêm 6/6/2013 miễn phí, nhiều gia đình trong giáo xứ đón tiếp chúng tôi đầy tình huynh đệ…Tôi còn thấy nơi trang cuối  của tập giấy phổ biến chương trình tổng quát mừng 72 và 50 năm xây dựng nhà thờ Quảng Ngãi có trang hướng dẫn một số địa điểm dịch vụ mà đọc qua tưởng chừng chỉ là trang hướng dẫn bình thường như giúp khách thuận tiện liên hệ khi cần. Nhưng không chỉ có vậy. Dẫu chưa biết Chúa nhưng họ muốn có mặt trong giáo xứ qua trang cuối của tập giấy này như một chia sẻ nhiệm vụ phục vụ của mình. Dường như họ hiểu rằng: Nhà thờ đâu chỉ của người Công giáo mà là của  những người thiện chí và hảo tâm. Tôi còn thấy nụ cười, cái nắm tay thật chặt của quý chức thuộc ban chức việc trong không khí rộn ràng, cấp tập trước  sự đông đảo đột xuất này; có lẽ giống như các Tông đồ của 2000 năm trước, họ được Chúa nhắc  nhở:  “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Lc 9,13). Đặc biệt, tôi nhìn thấy người chủ chăn nhỏ con, sống trọn vẹn tâm tình phó thác và luôn lạc quan nhìn về phía trước khi ngài nói với tôi: “Thấy có bầu khí lắm”.

Nếu việc qui tập những cổ vật ở vùng biển Bình Châu là cần thiết cho việc xác nhận sự có mặt của một nền văn hóa thì đêm hoan ca diễn nguyện lại cần thiết hơn nhiều để chúng tôi xác nhận lại sự có mặt của Tin Mừng Cứu Độ qua hình ảnh của các địa danh An Chỉ,  Bầu Gốc, Phú Hòa, Cù Và, Trung Tín… và xa hơn  là Nước Mặn, Gò Thị,  Mằng Lăng…

Trong bài thơ: Thương về núi Ấn sông Trà, thi sĩ Trần Thọai Nguyên có viết:

         …   Bồ xe nước con sông Trà chết giấc
                Thiên Ấn buồn nhìn Thiên Bút hết thiêng !
                Có ai về đánh thức hồn non nước
                Khơi lại ngàn xưa: Đẹp trăng lên ?...
 
Thưa nhà thơ, có rồi đó. Họ về từ vùng núi xa xôi Ba tơ; Trà Bồng, từ Lý Sơn sóng gió, từ Trà Câu, Gia Hựu, Châu Ổ, Châu Me…từ nhiều vùng đất xa xôi heo hút khác là hậu quả của một thời ly loạn, xiêu tán, từ những mảnh đời khốn khó, lẻ loi… để  quỳ gối chung nhau trong một băng quỳ, cuối đầu trước bàn thờ, lòng bồi hồi thổn thức như đôi tân hôn ngày cưới đón nhận sự chúc lành của Chúa.

Trăng đã lên, đẹp lắm. Quỳ trong ngôi giáo đường đã 50 năm xây dựng tưởng chừng như rệu rã theo thời gian nhưng hôm nay mặc chiếc áo cưới thanh khiết, trắng ngần, tôi thấy giáo đường bẽn lẽn  như cô thanh nữ lớn tuổi lần đầu trao nhẫn khi phận duyên đến chậm lúc chứng kiến những chiếc cột cao vút  được xức dầu thánh hiến.

Nếu Chúa chưa thực hiện quyền năng của Ngài nơi anh Nick, người không tay không chân, khi chậm trao cho anh đôi chân cụ thể để được mang giày thì Chúa đã làm phép lạ nơi ngôi thánh đường rộng lớn mà 50 năm qua chưa một lần qui tụ được số người đông đảo chật kín từ trong ra ngoài như thế. Khi thấy đông đảo tín hữu tuôn về, tôi tin rằng Chúa đã chia sẻ ưu tư, bức xúc của Giám mục Giáo phận khi trong thư gởi giáo hạt Quảng Ngãi nhân ngày cử hành năm đức tin trước đó, ngài viết … “Giáo hạt Quảng Ngãi   chỉ có 7 giáo xứ với tổng số giáo dân là 9.473 người, một con số quá khiêm tốn gây bức xúc cho mọi thành phần Dân Chúa”.

“Chuyện tình 50 năm Quảng Ngãi”  đã là chuyện thời sự nổi bật, là chuyện HOT mấy hôm nay.

Có những cái NÓNG (hot) như những bản tin thời sự, đọc xong hết nóng hoặc như đường dây nóng sẽ đứt khúc khi hai đầu dây không muốn nhìn nhau; có những cái nóng của nam thanh nữ tú (hotboy – hotgirl) sẽ không còn nóng khi thời gian đi qua; có những cái nóng như cái nóng của thời tiết, sẽ hết nóng khi Thu đến, Đông về nhưng có cái nóng không bao giờ hết nóng, cái nóng của Thánh Tâm, cái nóng của Lòng thương xót Chúa vì cái nóng này nuôi dưỡng tình yêu, lòng khoan dung tha thứ và liên kết vững bền. Chúng ta tin rằng cái NÓNG của nhà thờ Quảng Ngài sẽ khơi lại được ngàn xưa để ánh trăng đức tin không chỉ sáng đêm rằm nhưng sáng mãi nhiều đêm trong tháng, vì nơi đây có nhiều tâm hồn đang chờ ngóng trăng lên.( Trần Tuy Hòa)

SINH HOẠT GIÁO HẠT PHÚ YÊN

- Trại hè Junior hạt Phú Yên

Ngày thứ nhất
 
Hằng năm, cứ vào đầu hè là thời điểm thích hợp để Curia Tuy Hòa tổ chức hội trại cho các em Junior của hạt Phú Yên. Riêng giáo xứ Đa Lộc và Gò Duối chưa thành lập Junior.
 
Từ sáng sớm, các em đã có mặt tại nhà thờ được các anh chị trưởng đón tiếp, phát  bảng tên, khăn quàng và chia đội. Phần nhập trại với thủ tục in dấu thánh giá trên má của mỗi trại sinh. Các em có một tiếng để dựng trại và trang trí cổng trại. Có tất cả bảy trại, trong đó có bốn trại gồm hai giáo xứ. tên gọi của các trại là Dấn thân, Tín thác, Bác ái, Trung tín, Cầu nguyện, Xin vâng.
 
 Khi nghe hiệu lệnh còi, các em tập trung trước sân nhà thờ để tập hát và hô băng reo.
 
 Cha chánh xứ Phêrô Đặng Son đốt đuốc khai mạc trại với chủ đề: TUỔI TRẺ & ĐỨC  TIN. Lạy Chúa con tin, lạy Chúa con tin, xin đỡ nâng đức tin còn non yếu của chúng con…được hát lên thật nhịp nhàng, dứt khoát, và kèm theo băng reo:
 
 Sống đức tin – Kết hợp với Chúa
 Sống đức tin – Chăm học giáo lý
 Sống đức tin – Hiệp thông, phục vụ
Tuổi trẻ Junior – Luôn sống đức tin.
 
 Thánh lễ đồng tế nối tiếp dưới sự chủ sự của Cha trại trưởng phêrô Lê Hoàng Vinh, phó xứ. Với tâm tình chia sẻ trong bài giảng lễ, cha phó nhắc đến hai mẫu gương về đức tin:
 
 Á thánh Anrê Phú Yên trẻ tuổi của quê hương chúng ta đã dám dùng đức tin của mình để minh chứng cho Chúa Kitô.
 
Đức Maria đón nhận đức tin khi còn là một thiếu nữ, Mẹ đã có những mẫu gương gì? Đó chính là dấn thân, tín thác, phục vụ, trung tín, cầu nguyện và xin vâng mà các trại sinh lấy làm khẩu hiệu cho trại mình. Những đức tính này khi sống Mẹ đã thực hiện và trở thành gương sống cho chúng ta.
 
 Trong tiệc cưới Cana, Mẹ Maria quan tâm đến nhu cầu cần thiết của mọi người, vì vậy Junior sống theo Mẹ, noi gương Mẹ qua việc thăm viếng, bác ái…có nghĩa là quan tâm đến nhu cầu của mọi người. Nếu không biết quan tâm đến người khác tức là sống cho riêng mình, sống khép kín, sống ích kỷ. Qua cuộc trại này sẽ giúp cho các em mang tâm tình “tuổi trẻ và đức tin”.
 
Sau thánh lễ, là phần thi giáo lý Hội thánh Công giáo qua projector Mỗi đội phải trả lời cho năm câu hỏi. Trong phần thi này, đội Dấn thân đã đoạt giải nhất.
 
 Giờ nghỉ sau bữa cơm trưa, các em đã thi làm báo tường. Với những tờ báo cũ của Ban quản trại phát, mỗi đội hãy xé những bức hình có trong tờ báo và chú thích sao cho thật hay và có ý nghĩa để dán lên. Với sự sáng tạo và khéo tay của đội Bác ái đã dành được giải nhất.
 
 Buổi chiều được tiếp tục với trò chơi lớn, đây là trò chơi hào hứng, sôi động và phải dùng trí thông minh của mình để dịch giải những mật thư. Mỗi đội phải vượt qua tám trạm thử thách. Từ tiền đường nhà thờ đến đài Thánh Giuse qua hang đá Đức Mẹ về đền Thánh Tâm Chúa, xuống đền Á thánh Anrê Phú Yên, lên hội trường, ghé nhà giáo lý sang nhà truyền thống. Tại mỗi trạm các em phải trả lời các câu hỏi về Kinh thánh, Giáo hội, năm đức tin và thủ bản, đồng thời hoàn thành bốn trò chơi như trò đưa nước vào bình có nghĩa là đức tin như một dòng chảy từ Đức Kitô qua các thánh tông đồ đến chúng ta. Trò bịt mắt tất cả để di chuyển cả đội theo sự hướng dẫn của một người đứng cuối có nghĩa là sống đức tin là chấp nhận theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa. Trò đốt cháy nến và chuyền cho người bên cạnh có nghĩa là ngọn lửa đức tin mà chúng ta đã lãnh nhận từ Đức Kitô được chuyền sang người khác. Trò lật mặt bạt phía dưới lên trên để nói lên khi gặp được tình yêu Thiên Chúa chúng ta sẽ thay đổi cuộc đời. Hơn hai tiếng đồng hồ, giải nhất được trao cho đội Hiệp Nhất.
 
Đây là cuộc trại huấn luyện về kỷ năng và kiến thức nên tất cả trại sinh Junior lúc nào cũng sẵn sàng trên môi miệng mọi lúc mọi nơi:
 
 Luôn hăng hái, luôn vui tươi
 Luôn ca hát, luôn an bình
 Chơi hết mình, chơi hết tình
 Không chần chừ, không tính toán
 Cùng chung sức, không bực tức
 Number one, number one
 
 
Sau bữa cơm tối, các em chuẩn bị tiếp phần văn nghệ lửa trại.

Ngày thứ hai

Tục ngữ Việt Nam có câu “Tre già măng mọc” như muốn truyền tải về nguyên lý trong vũ trụ khi mỗi con người đều phải trải qua Sinh Lão Bệnh Tử. Khi thế hệ tre già dần tàn lụi theo thời gian thì thế hệ măng non sẽ trưởng thành để tiếp nối xây dựng trên các nền tảng của thế hệ tre già. Thế nhưng, điều mà chúng ta cầm suy nghĩ đó là hình ảnh tre và măng luôn mọc gần nhau. Khi măng còn mềm yếu dễ bị tổn thương bởi sức nóng của ánh mặt trời, sức công phá của khí hậu thì được sự bảo vệ che chở của những tàn tre đầy gai góc um tùm. Có thể nói được rằng, hình ảnh tre và măng luôn gắn bó, tựa vào nhau để tiếp nối vươn lên bảo vệ nòi giống.
 
Từ cổ đến kim, lịch sử dựng nước và giữ nước luôn được các thế hệ trẻ kế nghiệp bồi đắp. Tuổi trẻ  là mầm sinh mới sẽ nắm vận mệnh quốc gia thay thế hệ cha anh. Tương lai đất nước sinh tồn hay hưng vong đều tùy thuộc vào tài lãnh đạo, ý chí phấn đấu, tinh thần trách nhiệm và tinh thần phục vụ của Tuổi Trẻ. Nếu tuổi trẻ đối với quốc gia là thành phần quan trọng, thì đối với đối với Giáo Hội Công Giáo, cách riêng đối với giáo hạt Phú Yên lại càng quan trọng hơn để thực hành và loan báo Tin mừng phục sinh trong năm đức tin này.
 
 Thánh Giacôbê nói: “Ðức Tin không có việc làm là Ðức Tin chết” (Gc 2,17), cho nên “Ðức Tin phải hoạt động qua Ðức Mến” (Gl 5,6). Hội trại hè Junior giáo hạt Phú Yên với chủ đề “Tuổi trẻ và đức tin” đã bước vào ngày thứ hai trong sức sống mới, con tim mới và tinh thần mới, điều đó minh chứng các em Junior tiến bước trong nhiệt huyết tuổi trẻ để tuyên xưng đức tin của mình qua việc tham dự thánh lễ chung cùng với cộng đoàn giáo xứ, lúc 5h00 sáng. Sau đó chương trình được tiếp nối với những giai điệu sôi động của giờ thể dục, như làm tăng phần sức trẻ đang cố vươn lên, đón nhận ánh sáng ban mai.
 
 Tinh thần “từ bỏ mọi sự để theo Chúa” được tỏ lộ rõ nét qua chủ đề các tiểu trại: Dấn thân, Tín thác, Bác ái, Trung tín, Cầu nguyện, Xin vâng như một thông điệp nhắc nhớ tuổi trẻ junior cần phải hội nhập vào đức tin để đức tin bám rễ vào trong tuổi trẻ (lời khai mạc trại của cha Hạt trưởng). Cũng giống như một thân cây tươi tốt cần phải biết bám rễ sâu vào lòng đất, hút lấy sức sống và tìm an toàn trước giông tố của tự nhiên.  Sự vững vàng đức tin của các em được thể hiện qua phần thi kinh thánh, sự thực hành đức tin, được thể hiện qua tinh thần  nội quy cùa trại sinh. Sự hiểu biết sáng tạo được các em hoàn thành qua việc làm báo tường, chung sức lắp ghép logo năm đức tin.
 
 Vào lúc 15h30 trước khi bế mạc trại hè Junior “Tuổi trẻ và đức tin”, các trại sinh tập trung để chuẩn bị nhận quà lưu niệm và nghi thức sai đi. Tham dự lễ bế mạc và nghi thức sai đi có Cha Hạt Trưởng, cha trại trưởng Phêrô Lê Hoàng Vinh và ông Phêrô Đinh Văn Quang phó chủ tịch HĐGX đặc trách các hội đoàn, cùng với các anh chị trong ban quản trại. Cha Hạt trưởng nhắc nhớ các em phải luôn tưởng nhớ đến Chúa qua việc thực hành như: chuyện vãn cùng Chúa, không làm phật lòng Chúa và sẵn lòng thi hành mọi sự theo tôn ý Chúa như các lề luật của Ngài dạy và Hội Thánh truyền “Ai yêu Ta, sẽ giữ lới Ta, và Cha Ta sẽ yêu họ”. Còn yêu người là mong cho người được mọi sự lành, kể cả kẻ thù mình. Yêu người mà hiến mạng sống của mình vì người mình yêu thì thật là một nghĩa cử cao cả và vĩ đại, rất khó thực hiện! Ấy thế mà Chúa đã làm vì tình yêu để cứu nhân loại: “Không tình yêu nào cao cả hơn bằng hiến mạng sống vì người mình yêu” (Ga 3,16). Sau đó ngài khuyên các em Junior luôn sống và thực hành Ðức Tin như: đọc kinh cầu nguyện mỗi tối, xem lễ, xưng tội, rước lễ, chịu các Phép Bí Tích, lần hạt, làm việc tông đồ… đó là một nghĩa cử cao đẹp mà Chúa và Giáo hội mong muốn nơi các trong năm đức tin này. Tiếp đến, nghi thức sai đi, cha trại trưởng mời gọi các em tuyên xưng lại niềm tin và cùng nhau đọc lời cam kết quyết tâm ra đi, kể lại mọi việc Thiên Chúa đã làm.
 
 Trong năm thánh đức tin của giáo hội, tuổi trẻ Junior giáo hạt Phú yên ra được sai đi trong việc Canh tân hóa Ðức Tin qua cuộc sống hằng ngày, để Ðức Tin không những không bị tàn lụn, mà ngày càng được sáng chói hơn, sống đẹp lòng Chúa hơn, phục vụ cho tha nhân và giáo xứ tích cực hơn. Các em cùng nhau hứa sẽ cố gắng hết sức mình để dấn thân phục vụ trong những công tác hàng tuần vì lòng mến Chúa, yêu người, chứ không phải để phô trương cho mọi người thấy. Xin cho lửa Ðức Tin và máu các Thánh Tử Đạo thấm sâu chan hòa vào người trẻ Junior để sống hành đạo bằng việc thiện, bằng hy sinh, hãm mình, nếu không nên Thánh, thì cũng nên trọn lành trước mặt Chúa.
 
- Thánh lễ tạ ơn mừng 25 năm, các Thánh Tử Đạo Việt Nam được phong hiển thánh tại Tuy Hoà

Hòa niềm vui chung với Giáo hội Việt Nam. Vào lúc 17h30 ngày 19 tháng 6, giáo xứ Tuy Hòa cử hành thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa để ghi dấu kỷ niệm 25 năm ngày Ðức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong 117 Hiển Thánh Tử Ðạo Việt Nam (19/6/1988 -19/06/2013).

Trong lời hát ca nhập lễ, cộng đoàn dâng lên Thiên Chúa tâm tình tri ân cảm tạ qua ca khúc “Về nơi đây” của nhạc sĩ linh mục Nguyễn Duy, như nhắc nhớ hồng ân mà Thiên Chúa đã thương ban cho mỗi người để cùng nhau  “dâng ngàn tiếng ca, tạ ơn Thiên Chúa”.

Đồng tế trong thánh lễ tạ ơn với Cha Hạt Trưởng hạt Phú yên gồm có: Cha Phêrô Bùi Huy Ngọc, Cha Phêrô Lê Hoàng Vinh, cùng với hai cha Dòng Đồng Công: Laurenso M Phan Ngọc Bích và Nguyễn Kim Điện.

Trong bài giảng, cha Hạt Trưởng nhấn mạnh đến đức tin kiên cường của các Thánh tử đạo và những khó khăn cho ngày phong hiển thánh. Thế nhưng, nhờ lòng tin lòng mến, Thiên Chúa mời gọi các ngài “Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng". Người Kitô hữu không lẻ loi một mình, không tự sức mình tuân giữ luật Chúa. Nhưng được Chúa nuôi dưỡng bằng chính Mình Máu Thánh Ngài và được ban cho tràn đầy Thánh Thần. Các thánh tử đạo Việt Nam cảm nghiệm được rằng đời sống đức tin với tất cả những hệ lụy, những đòi buộc của nó, sẽ không còn là gánh nặng, mà là niềm vui và sức mạnh trong mọi biến cố, mọi hoàn cảnh cuộc đời. Suy cho cùng, ơn đức tin là ơn cao quý nhất. Ơn làm cho ta nhận biết Chúa. Ơn làm cho ta sống đạo vững mạnh.

Bổi cảnh lễ tạ ơn Chúa mừng 25 năm Tuyên Thánh Tử Đạo Việt Nam hôm nay trùng vào dịp hội thánh cử hành năm đức tin, phải chăng Chúa muốn mỗi người chúng ta hãy nhìn lại đức tin của mình? Và điều quan trọng nhất trong đời sống của người kitô là thực hành đức tin bởi vì “đức tin không việc làm là đức tin chết”.

Kết lễ, lời ca khúc “tạ ơn Chúa với mẹ” như một thông điệp đang vang dội vào trái tim băng giá của mỗi người bởi sự ích kỷ, vô ơn đối với Thiên Chúa. Xin các Thánh Tử Đạo Việt Nam cho mỗi người chúng ta được sống lại đức tin để tiếp tục cuộc tử đạo của các thánh.
 
- Kỳ thi giáo lý cuối năm tại giáo xứ Tuy hòa

Hôm nay Chúa nhật 11 thường niên C, sau thánh lễ thiếu nhi, các em tập trung thi học kỳ II. Đây là cuộc kiểm tra kết quả hằng năm sau mỗi niên khóa dành cho khối giáo lý thiếu nhi và khối giáo lý thanh thiếu niên.
 
Hơn bốn trăm em từ lớp một đến lớp chín ngồi đúng vị trí ở bốn dãy ghế đã được phân chia theo bên trong nhà thờ. Riêng lớp mười đến mười hai được thi tại khu trung tâm mục vụ giáo xứ. Trước giờ thi, cha Phêrô Đặng Son quản xứ Tuy Hòa có mấy điều khuyên nhủ với thiếu nhi:
 
Đã học thì phải có kiểm tra, mà khi kiểm tra thì ai cũng muốn đạt điểm mười. Nhưng điểm mười ở đây là tự sức mình đạt được, chứ không phải lấy cop hoặc hỏi bài của bạn.
 
Cuộc thi cuối năm học này không phải là lúc trả bài cho các anh chị giáo lý viên, cho quí soeur hay cho cha sở nhưng chính là tự trả bài với Chúa vì trong một năm qua, các con đã học được điều gì về Chúa, các con hiểu Chúa đến đâu?
 
Nếu các con yêu Chúa nhiều hẳn các con sẽ muốn biết về Chúa và sẽ khám phá ra những điều kỳ diệu về Chúa. Nhờ đó, đức tin của các con sẽ được nuôi dưỡng và triển nở.
 
Đến giờ thi, cha sở  khai mạc bằng kinh Chúa Thánh Thần, kinh nguyện thiếu nhi, bài Hành khúc thiếu nhi và bài hát chủ đề giáo lý Gặp gỡ Đức Kitô, sau đó các các giáo lý viên nhận đề thi theo từng khối lớp từ nơi cha sở để phát cho thiếu nhi, các em yên lặng và suy nghĩ để làm bài của mình.
 
 
Chương trình giáo lý được phân chia theo từng khối khác nhau. Khối mười một và mười hai học giáo lý vào đời. Khối mười học kinh thánh 3. Khối chín học kinh thánh 2. Khối tám học kinh thánh 1. Khối bảy học Căn bản 3. Khối sáu học Căn bản 2. Khối năm học Căn bản 1. Khối bốn học chương trình xưng tội rước lễ lần đầu của sơ cấp 2. Khối ba và khối hai học sơ cấp 1. Khối một và mấu giáo học Đồng cỏ non.
 
Đặc biệt có mấy chục em mẫu giáo cũng tham gia thi học kỳ 2 với đề tài tô tranh, các em nằm dài ở hành lang nhà thờ chăm chú làm đẹp cho bức tranh của mình.
 
Kỳ thi giáo lý cuối năm có cộng thêm phần thi kinh nguyện vào tuần sau nữa.
 
Giờ thi giáo lý kết thúc, cầu chúc các em luôn ý thức rằng việc học giáo lý là quan trọng, ngoài việc để sống đạo, sống chứng nhân của giáo lý mà mình đã học, đã biết và đã tin thì mỗi kitô hữu luôn mang trong mình một lệnh truyền của Ðức Kitô: "Anh em hãy đi khắp

- Thánh Lễ Mừng Bổn Mạng Cha sở Đồng Tre
  
Sau những ngày nóng bức của thời tiết, những cơn mưa ập tới làm cho khí trời trở nên mát dịu, cảnh vật và con người như đón nhận được sức sống mới.
 
Ngày 13 tháng 06 năm 2013, khi cả cộng đoàn Giáo xứ Đồng Tre cùng nhau hân hoan tổ chức thánh lễ: “Mừng thánh quan thầy Antôn Padua bổn mạng cha Antôn Padua Nguyễn Huy Điệp, cha sở Giáo xứ Đồng Tre”. Thánh đường tạm của Giáo xứ tuy chật chội nhưng mang lại bầu khí ấp ám thân thương của tình người, tình cha con. Niềm vui như được nhân lên khi có sự hiện diện của cha Phêrô Lê Nho Phú, cha Tôma Nguyễn Công Binh, cha F. Assidi Phạm Đình Triều cùng đồng tế thánh lễ với cha sở và cha phó Giáo xứ Đồng Tre. Cha Phêrô Lê Hoàng Vinh vì công việc mục vụ của Giáo xứ Tuy Hòa, chỉ đến chúc mừng cha bố trong ngày bổn mạng.
 
Chia sẻ Lời Chúa trong thánh lễ, cha phó Gioan Baotixita đã nói lên sứ vụ của vị chủ chăn; tương quan giữa cộng đoàn với chủ chăn và tương quan cộng đoàn với nhau trong sự hiệp nhất yêu thương. Khi nói về sứ vụ linh mục, thì linh mục là người kết hôn với Chúa Kitô và kết hôn với Giáo xứ, tức là không còn sống cho chính mình. Và đời linh mục là “người mắc nợ” như lời thơ của cha Giuse Trương Đình Hiền đã nói. Vì mắc nợ nên linh mục là “người phải ăn xin” như nhạc và lời của cha La Thập Tự. Là chủ chăn cho nên đời linh mục là một cuộc đời mắc nợ nên phải đi xin. Nhưng thật là dễ thương, khi mắc nợ những món nợ ân tình và phải ăn xin linh hồn cho Chúa Kitô đó là điều mà linh mục phải làm cho dù vất vả nhưng được nâng đỡ bởi tình yêu Chúa Kitô:  “Lời Thầy còn đó cứ vang lên “Con đừng ngao ngán ! cứ vững tin ! kiên trì sẽ có ! cứ kêu xin ! ai tìm sẽ thấy ! cứ kêu xin ! cứ kêu xin ! Con luôn nhớ rằng: không phải con làm nhưng là chính Thầy đã làm cho con nên linh mục của Thầy”.(La Thập Tự).
 
Vị quan thầy Antôn Padua là người có tài giảng thuyết, làm nhiều phép lạ và yêu thương người nghèo. Đây là hình ảnh mà cha Antôn Padua Nguyễn Huy Điệp đã múc lấy từ nơi thánh nhân, qua công việc lo lắng cho Giáo xứ từ cơ sở vật chất cho đến đời sống đức tin cũng như quan tâm giúp đỡ người nghèo.
 
Quả thật, qua 11 năm nhận xứ cha đã đem hết tâm huyết của người mục tử lo lắng cho đàn chiên. Những gì đã làm và đang làm, điều đó đã hiện hữu nơi Giáo xứ Đồng Tre này.
       
Trong tâm tình cảm tạ tri ân, ông Chủ tịch Hội đồng Chức việc đã có lời chúc mừng, cám ơn và mời gọi cộng đoàn cộng tác với cha sở nhiều hơn nữa trong đời sống đức tin cũng như công việc xây dựng ngôi thánh đường đang còn dở dang.
       
Chia sẻ niềm vui trong thánh lễ, cha sở Antôn Padua Nguyễn Huy Điệp nói rằng: khi đọc lại tiểu sử của thánh nhân với những gì ngài đã làm, điều đó đã khích lệ cha nhiều hơn nữa trong sứ vụ linh mục là phải chăm lo đàn chiên.
       
Bên trong Thánh lễ mừng bổn mạng tràn ngập bầu khí thân thương, trong khi đó bên ngoài những cơn mưa hồng ân cuốn trôi những gì u ám trong quá khứ và hướng tới một tương lai tươi đẹp.
 
Xin cảm tạ hồng ân Thiên Chúa đã ban cho Giáo xứ chúng con có một ngày đầy ý nghĩa. Nguyện xin Thiên Chúa là vua tình yêu nâng đỡ ủi an và ban cho cha sở Antôn Padua Nguyễn Huy Điệp:
 
Được ơn bền đỗ trong thiên chức linh mục,
Được tinh tuyền như tấm bánh mà cha dâng mỗi ngày trên bàn thờ,
Được ơn khôn ngoan trong tước hiệu mục tử để chăn đắt đoàn chiên,
Và được ơn bình an mỗi ngày trong cuộc sống.
Chúc cha luôn hạnh phúc trong tình yêu của Chúa Ba Ngôi.

- Mừng bổn mạng thiếu nhi giáo xứ Tuy Hòa
 
Sau những ngày nóng bức, khó chịu, bỗng một cơn mưa đầu hạ đổ xuống làm cho tiết trời trở nên mát mẻ thuận tiện cho việc sinh hoạt thiếu nhi trong ngày 01.06.
 
 Sáng nay lúc 7giờ, các em từ mẫu giáo đến lớp chín có mặt tại nhà thờ mừng bổn mạng Giuse Túc của mình. Thánh lễ khai mạc kính Giuse Túc tử đạo thật long trọng và sốt sắng trang nghiêm. Đặc biệt trong bài giảng, cha phó Phêrô Bùi Huy Ngọc đưa ra những điều khó khăn đối với các em trong việc giữ đạo như không vâng lời, ham mê những thú vui, làm biếng…Đọc lại tiểu sử của vị thánh trẻ tuổi này, anh Túc đã vâng lời cha mẹ chăm chỉ học chữ Nôm, miệt mài với nương ruộng, ngày ngày đọc kinh và trung kiên với đức tin chân chính. Để được nên thánh với Giuse Túc, các em phải:
 
Biết lắng nghe và vâng lời
Từ bỏ những thói hư tật xấu
Siêng năng cầu nguyện để gặp gỡ Chúa.
 
 
 Sau thánh lễ, cha sở đến chia vui cùng có vài lời khuyên bảo: các con hãy chơi hết mình, chơi thật vui, chơi trong tinh thần thi đua lành mạnh, không ganh đua hay ganh tỵ lẫn nhau. Tiếp đến cha sở tặng quà và chụp hình chung với các em mẫu giáo. Niềm vui được tăng thêm khi các em được hai cộng đoàn Phaolô và Mến Thánh Giá đến dự và mừng lễ, nhất là ban Huân giáo mà đại diện là ông chủ tịch Hội đồng giáo xứ luôn quan tâm, chỉ bảo cho thiếu nhi.
 
Đã đến giờ sinh hoạt, các em được chia thành mười đội và mỗi đội đều có mặt từ lớp một đến lớp chín, dưới sự điều hành của các em lớp chín để tham gia trò chơi lớn.
 
 Trong lần chơi này, các em sẽ làm quen với các mã khóa đơn giản đã được chị đoàn trưởng huấn luyện trong mỗi giờ giáo lý. Có tất cả năm trạm mà các đội phải qua để trình nội dung dịch từ mã khóa và hoàn tất một trò chơi nhỏ.
 
Trạm thứ nhất: mỗi em phải thổi một bong bóng và giữ không được bể
Trạm thứ hai: cùng nhau nối những ống nhựa để đưa nước vào bình
 Trạm thứ ba: Kể một câu chuyện về Cựu ước
 Trạm thứ tư: mỗi em bắt ba con kiến và dùng tóc cột lại
 Trạm thứ năm: cùng nhau đua thuyền trên cạn
 
 Mỗi trò chơi đều được cắt nghĩa cho các em hiểu như việc sống đức tin (thổi bóng), làm sao cho cánh đồng truyền giáo tươi tốt (đưa nước), phải học hỏi Kinh thánh (kể chuyện), chống lại những cám dỗ (bắt kiến), liên kết với nhau đưa Hội thánh đến bến bờ bình an (đua thuyền)
 
 Các em hồi hộp chờ đợi xem đội nào chiến thắng. Có ba giải nhất, nhì, ba được trao về cho ba đôi xuất sắc và được nhận phần thưởng từ tay cha sở .
 
Qua buổi sinh hoạt hôm nay, giúp cho các em biết sống cộng đoàn, có tính hiệp nhất và yêu thương nhau. Để “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy”

DÒNG TU
 
- Thánh lễ An táng Nữ tu Anê Bénigna Bùi Thị Lành

Nữ tu Anê Bénigna Bùi Thị Lành qua đời lúc 10 giờ 25 phút, ngày 27/6/2013. Vào lúc 14 giờ 30, Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn chủ sự Thánh lễ An táng ngày 28/6/2013, tại nguyện đường hưu dưỡng Ghềnh Ráng, Qui Nhơn.

            Có 32 linh mục trong Giáo phận cùng đồng tế, đông đảo chị em trong Hội dòng, các Soeurs cộng đoàn Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, cộng đoàn Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương, anh chị em Mến Thánh Giá tại thế Gò Thị, Qui Nhơn, cùng giáo dân Giáo xứ Ghềnh Ráng và bà con thân quyến của chị Bénigna tựu về tham dự Thánh lễ An táng này.

             Khởi đầu Thánh lễ, Đức Cha Matthêô nói: “Hôm nay, giữa bầu khí nóng bức khiến mọi thứ cảm thấy ngột ngạt, tuy nhiên vì tình yêu thương qui tụ chúng ta lại để nói lên sự thấm thía tình nghĩa sâu xa khi chúng ta tiễn đưa nữ tu  Anê Bénigna về với Chúa. Chị đã vác Thập Giá suốt 53 năm trường trong Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn. Những ngày cuối đời, chị thật sự đóng đinh vào Thập Giá Chúa Giêsu Kitô qua cơn đau thể xác để rồi được Chúa giải thoát phục sinh với Chúa. Chúng ta phó thác chị cho tình yêu Chúa, xin Chúa thương ban thưởng hạnh phúc Nước Trời cho chị sau một đời tận tụy hy sinh cho Chúa”.

            Nữ tu Anê Bénigna chào đời ngày 23/4/1934 tại Mằng Lăng, Tuy An, Phú Yên. Tại mảnh đất thánh thiện của vị Á Thánh Anrê Phú Yên, chị đã tìm thấy ơn gọi trong tình yêu dâng hiến cho Chúa khi tuổi đời vừa tròn 12. Chị gia nhập Phước viện Mằng Lăng, sau 8 năm tu luyện, chị được mặc chiếc áo dòng đen tận hiến. Từ đây, cuộc đời chị gắn bó với Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh trong tâm hồn đơn sơ, khiêm tốn, nhiệt thành hiến dâng, vui tươi và thánh thiện.

            Năm 1959, Giáo phận Qui Nhơn có chương trình thống nhất các Phước viện Mến Thánh Giá, chị đã vào Tập viện Gò Thị và tuyên khấn lần đầu ngày 31/5/1960. Chị tuyên khấn trọn đời ngày 25/6/1966.

            Kể từ ngày tuyên khấn lần đầu, năm 1960 – 1962, chị được sai đến phục vụ tại trường Trinh Vương, Qui Nhơn. Năm 1962 – 1967: trường Hòa Ninh, Qui Nhơn;           Năm 1967 – 1968, chị tiếp tục giúp dạy học tại trường Tiểu học Trinh Vương, Qui Nhơn. Năm 1968 – 1973, chị phục vụ tại trường Đồng Tiến, Qui Nhơn;  Năm 1973 – 1975, chị dạy học tại trường Đông Hải, Phan Thiết.

            Gần 15 năm trong ngành giáo dục, chị tận tụy trong công việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ với lương tâm của một nhà giáo chân chính và nhiệt huyết.

            Khi tình hình đất nước thay đổi, năm 1975 – 1976, chị vui vẻ nhận lãnh công việc trông coi đất tại Phan Rí. Năm 1976 – 1993, chị tiếp tục hành trang lên đường phục vụ tại cộng đoàn Trà Kiệu; Năm 1993 – 2011, chị được sai đến phục vụ cộng đoàn Phan Rí.

            Thời gian này, sức khỏe yếu dần, chị về nghỉ hưu tại cộng đoàn Thanh Hải, Nha Trang. Vào tháng 5/2013, chị phát bệnh, những khối u trong não đang hoành hành cơ thể chị làm chị đau đớn. Trong những cơn đau thể xác, chị âm thầm hiến dâng cho Đấng Chịu Đóng Đinh như một của lễ toàn thiêu… Và hôm nay chị thật sự vĩnh viễn cõi đời dương thế, chia tay mọi người để đi gặp Đức Lang Quân, Đấng lòng chị đã dâng hiến trọn tình.

            Với 79 năm hồng ân dương thế, 53 năm ân phúc khấn dòng, nữ tu Anê Bénigna đã hoàn tất cuộc đời trong an bình. Nguyện xin Chúa thưởng công cho nữ tỳ trung tín, nhẫn nhục, hy sinh, tận tụy của Chúa và ban phúc vinh quê Trời cho nữ tu Anê Bénigna như Lời Chúa đã từng nói: “Hỡi kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy vào hưởng hạnh phúc với chủ ngươi” (Mt 25, 34)

            Qua gương sáng của chị Anê Bénigna, Cha Linh hướng Giuse Phạm Thanh khẳng định trong bài giảng lễ: “Chị Anê Bénigna xứng đáng được Chúa ban ơn bình an. Vì như ngọn nến Phục sinh đang cháy sáng bên linh cửu chị, biểu lộ lòng chị đã tiêu hao để một mực trung thành phụng thờ Chúa và yêu thương tha nhân đến giây phút cuối đời”.

            Kết thúc Thánh lễ, chị Tổng Phụ trách Maria Võ Thị Tuyết bày tỏ tấm lòng tri ân của Hội dòng, của người quá cố đối với hai Đức Cha Giáo phận, quý Cha đồng tế và cộng đồng dân Chúa.

              Sau Thánh lễ, mọi thành phần chị em trong Hội dòng, bà con thân hữu tiễn biệt chị Anê Bénigna về với lòng đất mẹ tại Nghĩa trang Bùi Thị Xuân, Qui Nhơn.

- Về với quê mẹ

Sứ mạng truyền giáo của giáo hội, đôi khi đòi hỏi chúng ta phải nghĩ về quá khứ, nhờ đó chúng ta có chút ít kinh nghiệm cho công cuộc Tân Phúc Âm Hóa của ngày hôm nay, và chúng ta nhận ra lệnh truyền của Chúa Giêsu có tính xuyên thời gian, vì “ Đức Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một”.

Về nguồn, một chủ đề khá hấp dẫn, khi nghe, nó gợi lên trong ta bao nhiêu kỷ niệm của một thời đã qua. Đồng thời nó cũng kích thích trí tò mò tìm hiểu của ta về những gì liên hệ đến cội nguồn ấy, lắm lúc ta cảm thấy bồn chồn, không yên lòng chút nào khi chưa cất bước ra đi trở về để xem cội nguồn hôm nay thế nào.

Về quê mẹ, Ôi! Sung sướng biết bao
Tim phồng lên, những nhịp đập rộn ràng
Miên man nhớ, bao kỷ niệm trôi về.
Bước chân dài như vươn tới thiên thu
ấp ủ bao đời, đây quê mẹ
ngất ngây hồn, lặng thinh giữa cõi thiêng
huyền thoại quê mẹ, yên ấm lòng.

            Vào một ngày kia, chúng tôi đến thăm cha xứ, chúng tôi được nghe và giới thiệu về miền đất một thời nổi tiếng trong hành trình truyền giáo của các vị thừa sai, chúng tôi ai nấy đều giỏng tai lắng nghe cách nói hùng hồn, cảm động và đầy tự hào về truyền thống đạo đức của miền đất thuộc giáo xứ của cha. Có ai đó trong chúng tôi cất tiếng nói chen ngang: xem kìa, khuôn mặt cha đầy vẻ sung sướng, cái miệng nói sao mà duyên dáng, âm giọng lại truyền cảm nữa chứ. Cha xứ ngừng lại, vẻ mặt hơi ngượng ngượng, thấy thế, chúng tôi cùng cười phá lên một cách sung sướng. cha xứ cũng cười hòa theo cách thoải mái, thế là hòa cả làng.

            Cha xứ lên tiếng mời chúng tôi: Nào chúng ta lên xe bắt đầu đi đến nơi, xem tận mắt bắt tay, chứ quý vị cứ mãi chọc quê tôi hoài, khổ lắm. Một chị trong chúng tôi, lên tiếng nói rằng: nói đùa cho vui vậy thôi, chứ hôm nay chúng con đến trình diện, xin cha hướng dẫn chúng con đến thăm lại cái chiếc nôi của hội dòng chúng con. Thế mà ngay từ đầu không chịu lên tiếng, để người ta mất công, tốn biết bao nhiêu hơi, dẻo cả miệng mới chịu nói nên lời. đó là lời cha xứ.

            Chúng tôi được đưa dẫn đi qua những con đường cong ngoằn nghòe, xe chúng tôi dừng lại, cha xứ nói: nào bây giờ chúng ta đi xe dép, cuốc bộ từ đây. Chúng tôi rảo bước trên những con đường đất hẹp, được phủ bóng mát bởi những tàn cây, lũy tre xanh mượt, những hàng cau thẳng tắp nghiêm trang, phe phẫy những tàu lá do những làn gió nhẹ mát rượi, như chào đón chúng tôi. Cha xứ vừa đi vừa nói, tay chỉ về phía trước, đây rồi, mảnh đất này chính là nơi khai sinh Hội Dòng  Mến Thánh Giá Quy Nhơn. Đây chính là thôn An Chỉ, một dãi đất nổi tiếng của huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi, nơi mà Đức Cha Phêrô Lambert De La Motte sáng lập Hội Dòng Mến Thánh Giá. Các chị nghe thấy thế liền a lên một tiếng thật to, đôi mắt các chị lộ vẻ ngỡ ngàng. Thế à. Các chị vừa nói vừa trầm trồ: ôi! thật tuyệt vời, chúng ta về được nguồn cội của chúng ta rồi, thế là các chị hỏi ríu rít về nguồn gốc mảnh đất, nó tồn tại đến ngày hôm nay như thế nào qua bao nhiêu thăng trầm của của lịch sử? những nữ tu hồi đó sống và làm việc như thế nào? Các chị hỏi dồn dập đến độ cha xứ không kịp trả lời. chúng tôi biết được bà con giáo dân cùng với cha xứ ở đây đã biết bao nhiêu cố gắng, nếu không nói là những hy sinh, mới gìn giữ được dấu tích thiêng liêng này cho đến hôm nay. nhưng rồi cha xứ nói với chúng tôi rằng, trước hết chúng vào thăm ngôi nhà bên cạnh khu vườn này đã, đây là nhà một giáo dân của tôi, họ sống đạo đức chân chất, thật thà, tốt lắm. Gia đình này đang trông coi khu vườn này đấy nhé.

            Khi chúng bước vào nhà, cả gia đình và những người xung quanh hết sức ngỡ ngàng, vì thấy cha xứ của mình cùng với những khách tham quan bất ngờ đến nhà. Họ vội vàng chạy bàn tiếp nước mời khách. Cha xứ nói thong thả, đừng lo lắng,  đến thăm một tí thôi mà. Rồi chúng ta đi thăm khu vườn nhé. Cả đình tỏ vẻ hết sức hân hoan vui mừng vì có khách viếng thăm nơi mà họ từng tự hào về quá khứ đầy dấu ấn lịch sử truyền giáo, có lẽ, họ cũng cảm thấy hạnh phúc biết bao khi được sống bên cạnh mảnh vườn lịch sử này.

 Nói xong, chúng tôi được mời ra thăm khu vườn, ở đây các chị tha hồ chụp hình kỷ niệm, hỏi thăm nhiều điều về gốc tích của “chiếc nôi” này. Sau đó, chúng được hướng dẫn một con sông nhỏ phía trước khu vườn, con sông thật thơ mộng, bãi cát trắng xóa mịn màng như cố gắng giữ lại dấu chân của chúng tôi, dòng nước chảy hơi lượn quanh êm trôi nhẹ nhàng, những  ngọn đồi phía xa xa làm nền cho  khung cảnh trữ tình và những  lũy tre soi bóng trên dòng sông tựa như những mái tóc xõa của cô thôn nữ nào đó đang nghiêng mình chiêm ngắm vẻ nên thơ của dòng sông đầy kỷ niệm lịch sử truyền giáo của giáo Phận Đàng Trong, dòng sông cách khu vườn độ chừng 100 mét. Con sông này được cho biết chính là nguồn nước sinh sống của những nữ tu thời kỳ đầu tiên, và cũng là nơi cập bến của những vị thừa sai khi làm việc cho vùng đất thân thương triều mến này.

Chúng tôi rời con sông thân thương đáng nhớ này với những tấm hình kỷ niệm. Bãi cát trắng im lặng âm thầm gìn giữ bước chân của những khách về với cội nguồn. Hơn thế nữa, nó còn ẩn tích bao nhiêu dấu chân của các nhà thừa sai, mang trong mình những con tim đầy ắp yêu thương tình nhân loại, muốn cho mọi người đón nhận ơn cứu rỗi. và biết bao dấu chân  của các nữ tu miệt mài với với thập giá của Đức Kitô. Ôi! Con sông nhỏ đầy nhớ thương.   Chúng tôi ra về mà lòng đầy luyến tiếc, các chị cứ ngoái nhìn lại con sông với những nuối tiếc và lòng đầy ứ những suy nghĩ về một quá khứ của miền đất lịch sử gắn liền với sứ mạng truyền giáo của các vị thừa sai lừng danh.

- Kỷ niệm một năm hiện diện của cộng đoàn Nữ tỳ Chúa Giêsu tình thương

Lạy Chúa, tình thương Chúa muôn đời con ca tụng…”
 
Thấm thoát thời gian trôi - cộng đòan Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương đã tròn một tuổi,  dù là đứa bé vừa thôi nôi, bé nhỏ non yếu thời gian không lâu nhưng đủ để mỗi người cảm nhận bao ân tình mà Thiên Chúa qua Mẹ Giáo Phận dành cho.
       
Sáng 31/052013 Trong niềm vui tạ ơn chị em hân hoan chào đón Đức Giám Mục Giáo Phận Matthêô Nguyễn Văn Khôi về dâng thánh lễ Đức Mẹ thăm viếng, quan thầy của cộng đoàn và tạ ơn 1 năm khai sinh cộng đoàn.
     
Từ sáng sớm quý phụ huynh, quý ân nhân của chị em  trong vùng Bình Định, Quy Nhơn tiến về phá tan bầu khí tĩnh mịch, thâm trầm của khuôn viên TIỂU CHỦNG VIỆN  LÀNG SÔNG làm cho ngôi nhà cổ kính mang đậm nét lịch sử của Giáo Phận nhộn nhịp, rộn rã khác thường.
      
Trong bài giảng Đức Cha Mathêô đã nói lên ý nghĩa và sự cần thiết của việc thăm viếng trong thời đại @, thời đại của các phương tiện truyền thông. Cuộc thăm viếng của Đức Maria là cuộc thăm viếng mang niềm vui và phục vụ. Maria, Mẹ Thiên Chúa, Ngài đã làm những công việc âm thầm, khó khăn để phục vụ, yêu thương người chị họ trong lúc sinh nở. Mẹ ở lại với chị mình trong niềm vui cứu độ và tình yêu phục vụ. Và đây cũng chính là linh đạo của các chị Nữ Tỳ. “ Chọn ngồi vào chỗ rốt hết” để phục vụ trong yêu thương… Đức cha cầu chúc các chị em tìm gặp được địa chỉ mà Chúa muốn mời gọi mỗi chị em dấn thân phục vụ trong khiêm tốn theo gương Đức Giê-su.
 
Các chị em không phải “Chẳng là gì, nhưng sẽ là Dì để phục vụ trong yêu thương. Phần các chị em hân hoan vui mừng tạ ơn Thiên Chúa, tri ân mẹ Giáo Phận và quý thân nhân, ân nhân đã đang và con tiếp tục yêu thương nâng đỡ, dìu dắt quý chị em trong bước đầu nhiều gian truân.
      
Dù không nói thành lời nhưng niềm vui tri ân đọng trên khuôn mặt hân hoan vui mừng của các chị em. Mỗi người thầm ước mong và nguyện sống trọn tình con thảo đối với THIÊN CHÚA CHA, sống tâm tình người con hiền ngoan của giáo phận và mọi người; quyết tâm theo gương Mẹ Maria sống khiêm tốn, và phục vụ trong yêu thương, mang niềm cứu độ đến với những người anh chị em xung quanh, đến với những người mình có dịp tiếp xúc, gặp gỡ và viếng thăm.
 
 

Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 12
  • Khách viếng thăm: 9
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 3600
  • Tháng hiện tại: 131771
  • Tổng lượt truy cập: 12276031