Trang mới   https://gpquinhon.org

Linh mục coi xứ là người cha của gia đình giáo xứ

Đăng lúc: Thứ ba - 14/01/2014 17:47
LINH MỤC COI XỨ
LÀ NGƯỜI CHA CỦA GIA ĐÌNH GIÁO XỨ
 

Lời Chúa : Ga 10, 1- 6

I . Dẫn nhập:
           
            Chúa Giêsu đã khẳng định người mục tử chăm sóc đoàn chiên là người phải gắn bó với đoàn chiên, thân mật với chúng, biết tên từng con chiên, biết rõ đặc điểm từng con để có phương pháp chăm sóc phù hợp. Người chăm sóc đoàn chiên có trách nhiệm và đúng nghĩa mục tử của nó, chắc chắn chiên sẽ nghe tiếng, yêu mến và đi theo người mục tử đó. Người mục tử chăm sóc đàn chiên theo Chúa Giêsu muốn phải là người luôn luôn sẵn sàng chết cho đoàn chiên, để cho chiên được sống và sống dồi dào, không để chết hoặc mất một con chiên nào.

            Hình ảnh đàn chiên và người mục tử trong bài Tin Mừng chính là cha xứ và giáo dân thuộc ngài coi sóc. Tuy nhiên, trong ý nghĩa sống mầu nhiệm Hội Thánh hiệp thông mà Công đồng Vatican II khẳng định, chủ đề sống của năm 2014 mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đề ra là “Tân Phúc Âm hóa gia đình” và tinh thần sống của giáo phận Qui Nhơn trong năm nay mà Đức Giám mục giáo phận hướng dẫn là “Sống Đức ái”. Con xin được mạn phép trình bày một vài suy nghĩ của con về sự coi sóc của cha xứ đối với giáo xứ của ngài như là sự chăm sóc của một người cha trong gia đình.

            Đúng vậy, có một người giáo dân đã viết cảm nghĩ của mình về cha xứ như thế này:
            Thưa cha, cha là ai, con người của Mầu nhiệm?
            Do sự ngạo mạn nào mà cha đến gần Đấng Thánh,
            hiến dâng nam tính của mình để bầu bạn với Đấng Phu Quân
            và thề hứa lời từ bỏ đặc biệt để kết hôn với mẹ Giáo hội
            Và cùng với Giáo hội trong sự phối hợp thần linh, cha gieo hạt mầm sự sống?
            Dù không có con cái, làm sao cha lại là cha của chúng con?
            Có phải vì hàng ngày cha sinh các người con của Chúa?
            Có phải vì cha nói lời của Chúa bằng tiếng loài người?
            Có phải vì cha chay tịnh và phá chay, mời gọi chúng con đến bữa ăn,
            và qui tụ chúng con tại bàn ăn có bánh và rượu?
            Hay vì cha cử hành các nghi thức vượt qua.
            Khuyên bảo, sửa dạy, thanh tẩy chúng con bằng nước và lửa
            Có phải vì qua kinh nguyện cha nâng chúng con lên
            trong đôi tay cha ẵm bế và chúc lành mà chỉ người cha mới có thể làm?
            Hay vì cha nghe chúng con kêu gọi trong đêm,
            đã đến cầm tay chúng con và thắp lên một ngọn nến
            Hoặc trong vai trò như cha như mẹ, đã đến xức dầu, chỉ cho con đường vượt qua sự chết đến sự sống?
            Thưa cha, cha là ai, con người của mầu nhiệm?
            Cha kết hôn với mẹ Giáo hội thánh.
            Và ở bất cứ đâu, cùng với Giáo hội, trong sự phối hợp thần linh, cha gieo hạt mầm sự sống
            Cha sinh dưỡng con cái, uốn nắn và canh tân,
            chữa lành và chúc phúc mà một người cha mới có thể làm.
            Vì vậy, vào ngày hiền phụ, chúng con, những người con vô danh biết ơn và cầu nguyện “xin Đấng Phu Quân là sự sống và Thiên Chúa chúc lành cho cha.”
            Giờ đây, con xin kính mời Đức Cha và quý cha cùng đi vào chiêm ngưỡng hình ảnh sống động một người cha của gia đình giáo xứ.

II. Linh mục coi xứ là người cha của gia đình giáo xứ.

1. Thánh công đồng dạy: (Sắc lệnh về tác vụ đời sống các linh mục).

a. Đời sống linh mục: (Chương 1).

            Được tuyển chọn giữa loài người và được đặt làm đại diện cho con người trong những việc liên quan đến Thiên Chúa, để hiến dâng lễ vật và hy tế đền tội, các linh mục sống với người khác như với những người anh em. Chính thừa tác vụ đặc biệt của các ngài đòi buộc các ngài không được sống rập theo đời này, nhưng đồng thời lại đòi hỏi các ngài phải sống giữa mọi người trong thế gian này, phải như những mục tử nhân lành biết các con chiên của mình, lại phải tìm kiếm và dẫn về những con chiên chưa thuộc đàn này, để chúng được nghe tiếng Chúa Kitô và chỉ có một đàn chiên và một chủ chăn. Để được thế, các ngài cần phải có nhiều đức tính vẫn đang được xã hội loài người quý trọng như từ tâm, chân thành, dũng cảm, kiên trì, yêu chuộng công lý, hòa nhã và những đức tính khác, như thánh Phaolô Tông Đồ đã khuyên nhủ: “Anh em hãy tưởng nghĩ đến tất cả những gì là chân thật, tinh tuyền, công chính, thánh thiện, khả ái, những gì là danh thơm tiếng tốt, là đức hạnh, là đáng khen” (Pl 4, 8).

b. Thừa tác vụ linh mục (Chương 2)

            Đức tin có được nhờ nghe rao giảng, nhưng điều nghe được phải là lời Chúa Kitô (Rm 1, 17). Các linh mục mắc nợ mọi người về phận vụ phải thông truyền cho họ chân lý Tin Mừng các ngài đã nhận được nơi Chúa. Nhưng việc rao giảng này phải là một lời khẩn thiết mời gọi mọi người thống hối và sống thánh thiện. Vì thế, nhờ bí tích giải tội, các linh mục hòa giải tội nhân với Thiên Chúa và Giáo hội, với dầu bệnh nhân, các ngài xoa dịu nỗi khổ của người ốm đau, đặc biệt nhờ việc cử hành Thánh lễ, các ngài hiến dâng hy tế của Chúa Kitô theo thể thức bí tích. Trong hy tế thánh lễ, các linh mục hãy dạy cho các tín hữu biết dâng lên Chúa Cha lễ vật chí thánh và hiệp dâng vào đó lễ vật đời mình trong tinh thần của vị mục tử nhân lành, các ngài khuyên nhủ họ thành tâm thống hối, xưng thú lỗi lầm với Giáo hội qua bí tích giải tội để ngày càng quay về gần Chúa hơn. Cũng thế, các ngài hãy dạy bảo họ tham dự những buổi cử hành phụng vụ Thánh với lời cầu nguyện chân thành, hay hướng dẫn họ thực thi trong suốt cuộc sống tinh thần cầu nguyện ngày thêm hoàn hảo.

            Khi thi hành phận vụ của Đức Kitô là đầu và mục tử trong quyền hạn của mình, các linh mục nhân danh Giám mục, tụ họp gia đình Thiên Chúa như một cộng đoàn huynh đệ duy nhất và dẫn đưa họ đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần. Để thi hành tác vụ này, các linh mục phải noi gương Chúa để cư xử thật nhân hậu đối với tất cả mọi người. Tuy nhiên, các ngài không tìm cách làm đẹp lòng người đời, nhưng phải hành động theo những đòi hỏi của giáo thuyết và đời sống Kitô giáo, khi dạy dỗ và khuyên bảo mọi người như những người con rất yêu quý. (2Tm 4, 2).

            Để đạt được mục tiêu này, linh mục phải giúp các tín hữu sáng suốt nhận ra đâu là việc phải làm, đâu là điều Chúa muốn trong từng biên cố lớn nhỏ của cuộc sống. Các ngài cũng phải biết dạy các Kitô hữu đừng chỉ biết sống cho riêng mình nhưng mỗi người hãy dùng những ơn đã nhận được mà phục vụ lẫn nhau, theo như đòi hỏi của giới luật về tình yêu thương và như thế, toàn  thể tín hữu sẽ chu toàn các bổn phận trong cộng đoàn nhân loại theo đúng tinh thần Kitô giáo.

            Các linh mục cần phải biết rằng những người nghèo khổ và hèn kém lại được trao phó cho các ngài cách đặc biệt hơn, vì chính Chúa đã tự đồng hóa với họ và coi việc rao giảng Tin Mừng cho họ như là dấu chỉ của công trình cứu thế. Các ngài phải ân cần chăm sóc các thanh thiếu niên, những người sống đời hôn nhân và các bậc phụ huynh, khuyến khích họ họp thành những nhóm bạn hữu, cùng giúp nhau để có thể dễ dàng thực thi tinh thần Kitô hữu cách trọn vẹn hơn trong cuộc sống đầy khó khăn này.

            Sau cùng, các ngài phải ân cần thăm viếng, tận tâm chăm sóc những người yếu đau hấp hối và củng cố họ trong Chúa. Các linh mục phải quan tâm đặc biệt đến các dự tòng và tân tòng đang cần được hướng dẫn từng bước để hiểu biết và thực hành nếp sống Kitô hữu.

2. Thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2013: Công cuộc Tân Phúc Âm hóa.

            Trong năm 2014 sắp tới, chúng ta hãy cùng nhau Phúc âm hóa đời sống gia đình và thúc đẩy gia đình tham gia tích cực vào sứ vụ loan báo Tin Mừng. Để thực hiện những mục tiêu này, xin anh chi em hãy xây dựng gia đình thành một cộng đoàn cầu nguyện, sống tình yêu hiệp nhất, thủy chung, phục vụ sự sống và hăng say loan báo Tin Mừng.

a. Gia đình là cộng đoàn cầu nguyện, thờ phượng Thiên Chúa: Chúa Giêsu hiện diện trong gia đình khi vợ chồng, cha mẹ, con cái cùng cầu nguyện, và khi đó chính cuộc sống gia đình trở thành lời kinh sống động. Cuộc sống gia đình còn sống động hơn khi gia đình siêng năng tham dự Thánh lễ và lãnh nhận các bí tích.

b. Gia đình là cộng đoàn yêu thương.

            Bằng tình yêu thương hợp nhất thủy chung, xuất phát từ Thiên Chúa tình yêu. Mối tương quan giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái cũng như giữa anh chị em với nhau, phải là dấu chỉ sống động của tình yêu Thiên Chúa. Vì thế, các gia đình Công giáo phải loại bỏ mọi thứ bạo hành. “Hãy có lòng thông cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hền hòa, nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho nhau” (Cl 3, 12-13).

c. Gia đình là cộng đoàn phục vụ sự sống.

            Được khơi nguồn từ chính Thiên Chúa Hằng Sống, vợ chồng Kitô hữu yêu thương nhau bằng một tình yêu mở ra với sự sống, tôn trọng sự sống từ lúc mới thụ thai, cộng tác với Thiên Chúa tạo hóa qua việc sinh con có trách nhiệm, giáo dục con cái nên người tốt và nên con cái Chúa.

d. Gia đình là cộng đoàn tham gia vào sứ vụ Phúc âm hóa:

            Bằng lời cầu nguyện cũng như bằng hành động cụ thể, chính đời sống yêu thương hiệp nhất trong gia đình Công giáo, ngay giữa những khó khăn và thử thách của cuộc đời, tự nó đã là lời chứng âm thầm nhưng có sức thuyết phục của Tin Mừng. Gia đình Công giáo còn là nơi vun trồng ơn gọi linh mục và tu sĩ. Đồng thời, khi có thể, xin anh chị em hãy mạnh dạn chia sẻ và giới thiệu Đức Kitô cho người khác.

III. Gợi ý suy nghĩ:

            Những gì Thánh Công đồng dạy cũng như sự hướng dẫn của thư chung Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2013, chúng ta có thể thấy được một hình ảnh rất sống động và dễ thương từ giáo xứ qua sự tương quan cha xứ và giáo dân đó là hình ảnh của một gia đình ấm cúng và hạnh phúc gồm có một người cha và những người con sống trong một gia đình. Trong đó những người con quấn quít bên người cha và người cha luôn thương yêu, chăm sóc và giáo dục về mọi mặt cho những người con. Chúng ta sẽ thấy những điều đó qua những điểm sau đây.

1. Hạnh phúc và vui mừng khi được làm cha.

            Người cha trong gia đình luôn hạnh phúc khi được sống với con cái của mình. Người cha cảm thấy hạnh phúc và sung sướng hơn khi có những người con ngoan hiền, hiếu thảo, biết vâng lời cha mẹ. Người cha càng hãnh diện khi những người con của mình sống có ích cho người khác. Niềm vui của người cha là được chăm sóc dạy dỗ con cái.

            Giống như vậy, niềm vui và hạnh phúc của cha xứ là được sống và được phục vụ đoàn con giáo xứ của mình qua việc giáo dục đức tin và cử hành bí tích. Cha xứ sẽ cảm thấy hãnh diện khi con cái trong giáo xứ biết vâng lời cha xứ và thánh thiện, hiệp nhất yêu thương nhau.

2. Những người con cần gì nơi người cha? (Con cái trong gia đình giáo xứ cần gì nơi cha xứ?)

a. Những người con trong gia đình luôn cần cha của họ quan tâm đến họ, từ việc học tập đến công ăn việc làm và đời sống của từng người con. Họ rất cần người cha biết và lo lắng đến từng người một, khi họ có vấn đề, người cha cần đồng hành, thông cảm và chia sẻ tâm sự để mang lại bình an, và an ủi cho họ.

            Trong giáo xứ, những người con của giáo xứ rất cần cha xứ sống gần gũi, thân mật với họ, cha xứ cần phải biết từng người con của mình, để yêu mến, để quan tâm và để đối xử phù hợp. Nhất là những người con đi lạc, hoang đàng, mất đức tin, thiếu tình thương của Chúa, sống xa Chúa, cha xứ cần phải đi tìm để lôi kéo, để thuyết phục và dẫn những người con đó về với giáo xứ, giúp họ được nghe trở lại tiếng Chúa Kitô mời gọi họ quay trở về với Ngài để được sống trong bình an và hạnh phúc nhờ sự kết hợp lễ tế thiêng liêng của họ với hy tế của Chúa Kitô.

            Muốn sống gần gũi thân mật với con cái của mình, cha xứ cần phải có nhiều đức tính như từ tâm, chân thành, dũng cảm, kiên trì, yêu chuộng công lý, hòa nhã, chân thật, tinh tuyền, thánh thiện, khả ái.

            Ngoài ra, cha xứ muốn thể hiện là người cha nhân hậu, tràn đầy tình yêu thương thì cha xứ cần phải là cha siêng năng giải tội để thay mặt Chúa tha tội cho con cái; tuyên úy bệnh viện, cán sự xã hội, quản trị viên, giáo viên, nhà giảng thuyết, chuyên gia tài chính, chuyên viên tâm lý, nhà hoạt động trong khu xóm, nhà giáo luật, cố vấn pháp luật, ca trưởng, cố vấn hôn nhân và gia đình, thừa tác viên bí tích... để cha xứ có mặt khắp mọi nơi và bất cứ lúc nào khi con cái trong giáo xứ cần đến như là: chăm sóc cho người nghèo, gia đình đổ vỡ, gặp gỡ những người nghiện rượu, đối thoại những người bạo lực, giúp đỡ những gia đình gặp khó khăn, bênh vực những người cô thế cô thân trong giáo xứ.

b. Những người con trong gia đình rất mong muốn nơi người cha của họ sống đạo đức thánh thiện luôn làm gương sáng cho con cái, nhất là thông ban cho họ sự sống đức tin và ân sủng của Thiên Chúa qua sự cầu nguyện.

            Cha xứ được mời gọi thông truyền Lời Chúa cho con cái của ngài, để họ được sống thánh thiện như Lời Chúa hướng dẫn, giúp họ sống mạnh mẽ trong đức tin, phấn khởi trong đức cậy, sốt sáng với lòng mến. Nhờ việc cử hành các bí tích, cha xứ thông ban ân sủng của Chúa Kitô cho con cái giáo xứ, để họ có một đời sống Kitô hữu tốt hơn. Cha xứ cần phải dành nhiều thời gian trong ngày cho con cái khi họ cần đến hay những lúc cần thiết, những người đang sống trong tối tăm vì dốt nát hoặc nghi ngờ giáo lý đức tin cũng như những người khao khát ánh sáng của Chúa Kitô và giáo huấn của Giáo hội. Các trẻ em có linh hồn thật mong manh và cần được uốn nắn, những người bệnh tật đang chán nản vì đau khổ, những người đang bị thương tích vì tội lỗi hay không còn niềm tin, những tâm hồn trống rỗng và tan nát, chán chê với những dâm dật và xa hoa của thời đại chúng ta, những người già nua bị quên lãng.

            Có một cha xứ kể, ngài có cả một đội thừa tác viên giáo dân đem Mình Thánh cho bệnh nhân, nên ngài không bao giờ đi, ngài để giáo dân giúp chuẩn bị hôn nhân, ngài chỉ có mặt lúc làm lễ hôn phối mà thôi. Ngài để cho giáo dân chủ sự nghi thức rước lễ hai ngày một lần thay cho Thánh lễ; ngài để cho người phụ tá không có chức thánh giảng trong thánh lễ một ngày cuối tuần mỗi tháng, nên ngài không phải dọn bài giảng; ngài để giáo dân được huấn luyện làm những nghi thức canh thức người qua đời...để ngài có nhiều thời gian làm những việc quan trọng hơn.( việc quan trọng hơn là việc gì?)

            Cha xứ còn phải quy tụ con cái trong giáo xứ hàng ngày qua thánh lễ và đặc biệt là thánh lễ Chúa nhật để đưa họ đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần. Thánh lễ giúp cho giáo dân kết hợp mật thiết với Chúa hơn nhờ Lời Chúa là Lời Hằng Sống và Thánh lễ là nguồn lương thực nuôi sống linh hồn các tín hữu.

3. Cha xứ cần làm gì cho con cái của giáo xứ trong năm 2014 này?

            Theo đường hướng mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong năm 2014 là cùng nhau Phúc âm hóa đới sống gia đình và thúc đẩy gia đình tham gia tích cực vào sứ vụ loan báo Tin Mừng. Con nghĩ vấn đề này không chỉ áp dụng cho từng gia đình mà cha xứ với ý nghĩa rộng lớn, cần phải áp dụng cho toàn gia đình giáo xứ với hết mọi thành phần trong xứ.

            - Xây dựng gia đình giáo xứ thành một cộng đoàn cầu nguyện, sống tình yêu hợp nhất chung thủy, phục vụ sự sống và hăng say loan báo Tin Mừng.

            + Như đã nói ở trên, cha xứ cần có sáng kiến tạo ra nhiều buổi cầu nguyện, để giúp cho giáo dân quy tụ lại cầu nguyện, chia sẻ Lời Chúa và dâng Thánh lễ để giúp cho con cái trong xứ sống ngoan hơn, tốt hơn. Khi giáo dân có nhiều thời giờ gặp gỡ Chúa qua việc dâng Thánh lễ, lãnh nhận các ân sủng của các bí tích, và cầu nguyện sẽ giúp cho các giáo dân thấy được sự giới hạn của đời sống đạo của mình, giúp cho giáo dân sửa chữa và được biến đổi tốt hơn. Vd: tại giáo xứ Châu Ổ, người ta bỏ lễ Chúa nhật vì vụ mùa, nhờ đến các giáo họ dâng lễ mà họ có ý thức hơn.

            + Gia đình giáo xứ phải là một cộng đoàn yêu thương: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy là chúng con thương yêu nhau” (Ga 13, 35); “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12). Đây là mệnh lệnh Chúa Giêsu trao cho các môn đệ và qua các môn đệ, Chúa Giêsu trao cho Hội thánh. Giáo xứ là Hội thánh, mọi người sống trong giáo xứ là anh em. Vì vậy, cha xứ phải yêu mến các linh hồn, yêu mến hết mọi người trong giáo xứ, nhất là những người nghèo, những người thiếu thốn tình thương của Chúa, những người bấn cùng ơn cứu độ. Không những cha xứ yêu mến họ mà thôi, nhưng cha xứ còn phải giúp người ta yêu thương nhau nữa, sống hiệp nhất với nhau, hòa bình với nhau, thông cảm và tha thứ cho nhau. Cha xứ cần giúp cho giáo dân ý thức vai trò trách nhiệm xây dựng giáo xứ ngày càng lớn mạnh về mặt đức tin, bác ái và phục vụ. (Vd: Giáo xứ Châu Ổ).

            + Gia đình giáo xứ là cộng đoàn phục vụ sự sống: Trong giáo xứ, cha xứ cần phải khuyên bảo con cái mình tránh những xung đột bạo lực với nhau, nhất là các bạn trẻ, các thanh thiếu niên ngày hôm nay rất dễ bị ô nhiễm bởi những môi trường độc hại như cờ bạc, hút sách, rượu chè...từ đó rất dễ đâm chém nhau. Cha xứ cần quan tâm và có biện pháp để đưa các em quay trở lại với Thiên Chúa và biết sống chan hòa tình yêu thương. Cha xứ cần phải hướng dẫn các con chiên trong giáo xứ tương quan với nhau bằng trái tim biết rung động, biết yêu thương. Có như vậy, giáo xứ mới thực sự xây dựng tình huynh đệ hiệp nhất yêu thương nhau. Cha xứ cần phải đi đầu trong các vấn đề này là cha xứ như một người cha trong gia đình, phải quan tâm đến những người cô thân tất bạt, những người thiếu thốn tình thương, những người tài chánh eo hẹp, những người nghiện ngập để họ có được một đời sống bình an, tràn đầy tình yêu thương nhau và như thế sẽ không có bạo lực giết người.

            + Giáo xứ là cộng đoàn tham gia vào sứ vụ Phúc âm hóa: đây là công việc hàng đầu của toàn thể Giáo hội Việt Nam trong năm nay. Gia đình giáo xứ cần phải sống lại Tin Mừng, lấy lại những gì đã mất, cha xứ cần có những thao thức này đề có sáng kiến giúp cho giáo xứ sống lại Tin Mừng. Có Tin Mừng thì gia đình giáo xứ mới thật sự có bình an, hạnh phúc, chan hòa tình yêu thương và bảo vệ mạng sống của nhau. Không những thế, giáo xứ còn biết mang Tin Mừng cứu độ, tình thương của Con Thiên Chúa làm người đến cho mọi người, để cho mọi người có cuộc sống bình an, hạnh phúc và tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa.

            Như đã nói, cha xứ cần phải quan tâm đến từng đứa con trong gia đình giáo xứ. Vì thế, trong năm nay, theo sự gợi ý của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, cha xứ cần có chương trình chuẩn bị cho giới trẻ bước vào đời sống hôn nhân và gia đình là một công việc rất khẩn thiết. Ngài cần phải mở nhiều lớp giáo lý dự bị hôn nhân, giúp các bạn trẻ ý thức đời sống hôn nhân như một ơn gọi và sứ mạng cao quý được chọn lựa với ý thức tự do và trách nhiệm trước một xã hội xuống cấp về luân lý và đời sống đạo đức. (Nếu cần, giúp các bạn trẻ đi lại giáo lý từ đầu). Cha xứ cần có cảm giác bức xúc và thổn thức khi người ta đến với nhau không dựa trên tình yêu đích thực là Thiên Chúa mà là dựa trên sự đồi bại, trụy lạc của xã hội loài người không có nhân tính, để có những phương pháp chuẩn bị xa, chuẩn bị gần cho đời sống gia đình của các bạn trẻ.

            Với các gia đình trẻ ngày nay là yêu cầu mục vụ quan trọng, để giúp họ sống tình yêu vợ chồng với một tinh thần trách nhiệm, phục vụ sự sống, biết hòa hợp tình thương trong tổ ấm gia đình với trách nhiệm xây dựng Hội Thánh và đất nước. Với những gia đình đang gặp khó khăn về hôn nhân đổ vỡ và gia đình ly tán, cha xứ cần lấy lòng nhân ái của Thiên Chúa đồng hành và nâng đỡ họ đồng thời giúp họ nhận ra chân lý về đời sống gia đình là chung thủy, là tình yêu, là hạnh phúc và đó là ý muốn của Thiên Chúa, để giúp họ cầu nguyện và cố gắng hàn gắn lại.

            Tuy nhiên, cha xứ cũng có những lúc cần phải có thái độ nghiêm túc và cứng rắn trước những người con cố tình cứng đầu không chịu đón nhận sống Lời Chúa và coi thường, không vâng phục luật Hội Thánh.

IV. Kết luận:            

            Trong lời mở đầu của Sắc lệnh về tác vụ và đời sống các linh mục có ghi: Chức linh mục trong Giáo hội vô cùng cao trọng, đó là điều Thánh Công Đồng này đã nhiều lần nhắc nhở cho mọi người. Trong công cuộc canh tân Giáo hội, hàng linh mục giữ một vai trò rất quan trọng và càng ngày càng thêm khó khăn. Vì thế, thật hữu ích khi luận bàn cách rộng rãi và sâu sắc hơn về các linh mục. Những điều nói đây được áp dụng cho tất cả các linh mục, nhất là những vị hiện đang coi sóc các linh hồn và tùy nghi ứng hợp những điều liên quan đến các linh mục dòng. Quả thật, do chức thánh và sứ mệnh lãnh nhận từ các Giám mục, linh mục được đặc cử để phụng sự Đức Kitô là Thầy, là Tư tế và là Vua, tham dự vào tác vụ của Người để xây dựng Giáo hội ở trần gian thành dân Thiên Chúa, nên thân thể Đức Kitô và đền thờ Chúa Thánh Thần.

            Đúng thế, vai trò linh mục coi xứ rất cao quý và quan trọng. Trong một lần, các linh mục đến Rôma để chào Đức Giáo hoàng Gioan XXIII. Từng vị linh mục tiến đến trước mặt ngài, chào ngài và giới thiệu về công việc của mình. Có vị giới thiệu mình là giáo sư dạy ở một học viện, có vị giới thiệu là tuyên úy bệnh viện, có vị giới thiệu là chưởng ấn của giáo phận... có một vị linh mục cuối cùng giới thiệu với Đức Giáo Hoàng trong thái độ rụt rè: “Thưa Đức Thánh Cha, con chỉ là một linh mục coi xứ”. Sau khi nghe giới thiệu, Đức Giáo Hoàng bái gối trước mặt ngài, hôn tay ngài và đứng dậy nói: “Đó là công việc cao trọng nhất của linh mục”.

            Linh mục coi xứ luôn ở tuyến đầu của Giáo hội. Nhiều chương trình đề ra, nhiều đường hướng mục vụ đề ra, phong trào... nhưng nó sẽ không có kết quả nếu không được thực hiện trong giáo xứ dưới sự hướng dẫn của các cha xứ thánh thiện, nhiệt thành và đầy tình yêu mục tử.

            Vì tình yêu mục tử, mà cha thánh Gioan Maria Vianey đã sống hết mình với giáo xứ. Ngài luôn khẳng định những người sống trong giáo xứ của mình là con và ngài là cha. Vì thế mà ngài đã sống gắn bó với giáo xứ, dành hết thời gian quý báu cho đoàn chiên giáo xứ. Ngài làm việc không ngừng nghỉ dành cho con cái trong giáo xứ của ngài từ việc dâng thánh lễ cho đến việc cử hành bí tích thông ban ân sủng của Chúa Kitô cho mọi người. Ngài đã thể hiện là một người cha đầy nhân ái dành tình thương cho đoàn con giáo xứ của ngài. Ngài đã không loại trừ ai, không kết án ai. Ngài chỉ muốn cho đoàn chiên của ngài được sống và được sống dồi dào mà thôi.

            Xin cho đoạn Lời Chúa làm nền tảng cho bài chia sẻ này và những gì đã được viết lên sẽ được suy nghĩ và gạn lọc để đi vào tâm tình và trách nhiệm của từng người cha đang coi sóc giáo xứ của giáo phận Qui Nhơn này.
 
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Văn Châu DCCT
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 51
  • Khách viếng thăm: 23
  • Máy chủ tìm kiếm: 28
  • Hôm nay: 6498
  • Tháng hiện tại: 140959
  • Tổng lượt truy cập: 12285219