Trang mới   https://gpquinhon.org

Đề tài học hỏi tháng 12: Sự trưởng thành của các giáo hội địa phương (Ad Gentes, chương III)

Đăng lúc: Thứ hai - 02/12/2013 22:03
HỌC HỎI SẮC LỆNH
VỀ HOẠT ÐỘNG TRUYỀN GIÁO CỦA GIÁO HỘIAD GENTES
CHƯƠNG III:
CÁC GIÁO HỘI ÐỊA PHƯƠNG

SỰ TRƯỞNG THÀNH CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG

 
 

1. Sự trưởng thành của các Giáo Hội địa phương và việc truyền giáo

Chương III của sắc lệnh truyền giáo đặc biệt nói đến các giáo hội địa phương. “Giáo Hội địa phương hay Giáo Hội riêng biệt là toàn thể các Giáo Hội "địa phương" trong một miền hay trong một nước nhất định; danh gọi đó chỉ tất cả các giáo phận hay những giáo khu trong một nước.”  Và cũng như bất kỳ đời sống nào, các giáo hội này phải tăng trưởng qua thời gian và đạt đến độ trưởng thành. “Các Giáo Hội trẻ phải tiến đến sự trưởng thành và phải trưởng thành, vì sự viên mãn hay kết quả của việc vun trồng Giáo Hội là Giáo Hội trưởng thành. Vun trồng Giáo Hội địa phương là công trình của một đời sống tuần tự như sự tăng trưởng của cây cối hay của con người; khó mà quy định một cách chính xác lúc nào một Giáo Hội mới bắt đầu trưởng thành.” Tuy nhiên, đời sống Dân Chúa phải trưởng thành về mọi phương diện của đời sống Kitô giáo được canh tân theo những tiêu chuẩn sau đây của Công Đồng Vatican II:   
     
1. Các cộng đoàn tín hữu mỗi ngày một ý thức hơn rằng mình trở nên những cộng đoàn sống đức tin, phụng vụ và bác ái;
2. Nhờ chuyên lo hoạt động dân sự và tông đồ, giáo dân phải cố gắng thiết lập trật tự bác ái và công bằng trong xã hội;
3. Phải xử dụng các phương tiện truyền thông xã hội một cách thích hợp và khôn ngoan;
4. Nhờ sống đời sống thực sự Kitô giáo, các gia đình phải trở nên những vườn ương việc tông đồ giáo dân, ơn gọi linh mục và tu sĩ.
5. Sau hết, đức tin phải được giảng dạy nhờ khoa dạy giáo lý thích hợp, được cử hành trong Phụng Vụ hợp với đặc tính dân tộc, và được đưa vào các tổ chức lành mạnh cũng như các phong tục địa phương nhờ bản giáo luật thích ứng. (Sắc lệnh về truyền giáo Ad Gentes, chương III, số 19)

Ngoài những tiêu chí trên, việc dấn thân truyền giáo cũng một trong những cột mốc đánh dấu sự trưởng thành của một giáo hội.  ĐGH Phanxicô trong Sứ điệp ngày thế giới truyền giáo năm 2013, số 1, đã nói: “Việc loan báo Tin mừng là một phần của việc trở thành môn đệ Đức Kitô và đó là một cam kết liên tục và làm sinh động toàn thể đời sống Giáo hội. “Dấn thân truyền giáo là một dấu chỉ rõ ràng cho thấy sự trưởng thành của một cộng đoàn Giáo hội.” (ĐGH Bênêđictô XVI, Verbum Domini, 95). Mỗi cộng đoàn được coi là “trưởng thành” khi tuyên xưng đức tin, vui mừng cử hành đức tin trong phụng vụ, sống bác ái, không ngừng rao truyền Lời Chúa, ra đi để mang Tin mừng cho ‘người ngoài’, nhất là những người chưa có cơ hội biết Đức Kitô. Về phương diện cá nhân cũng như cộng đoàn, sức mạnh đức tin của chúng ta có thể được đo bằng khả năng thông truyền cho người khác, để truyền bá và sống Tin mừng trong tình bác ái, để làm chứng Tin mừng cho những người chúng ta gặp gỡ và những người chia sẻ cuộc sống với chúng ta.”

Và bất cứ công cuộc truyền giáo nào, dù là của từng cá nhân hay của toàn giáo hội, cũng đòi hỏi phải có hai chiều kích, hai hướng đi: hướng nội hướng ngoại. Một ví dụ cụ thể để chúng ta có thể hình dung được hai hướng đi này trong công cuộc truyền giáo là câu chuyện ơn gọi của Anrê và những người đồng hành trong Tin Mừng Thánh Gioan 1, 35-42. Anrê và những người đồng hành nghe Thánh Gioan Tẩy Giả nói về Chúa Giêsu nên quyết định tự mình tìm hiểu thêm; họ bắt đầu bằng việc đi theo Ngài. Chỉ đến khi được gợi ý bằng câu hỏi của Chúa Giêsu: “Các anh muốn gì?”, họ đã nói lên nguyện vọng của mình: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?”. Và đến lúc đó, Chúa Giêsu đã kêu mời họ đến và gặp gỡ cá nhân với Ngài: “Hãy đến và xem!”. Điều xảy ra sau đó chính là chiều kích “hướng nội” của việc truyền giáo: “Họ đã ở lại với Ngài ngày hôm ấy”. Bất kỳ một cuộc rao giảng Tin Mừng nào đều bắt đầu bằng cuộc gặp gỡ của chính chúng ta với Thiên Chúa. Mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa là trọng tâm trước hết.

Chiều kích “hướng ngoại” chỉ xảy ra sau cuộc gặp gỡ thân mật với Chúa Giêsu. Đó là khi ngày hôm sau Anrê gặp em mình là Simon và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Cứu Thế, Ngài là Giêsu Nazarét”. Ông đã dẫn em mình đến gặp Chúa Giêsu. Rồi đến lượt Simon lại ra đi từ cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu để đem người khác đến với Chúa. Công việc truyền giáo qua mọi thời vẫn tiếp diễn như thế, tuần tự theo một chu kỳ nhất định: trước hết là cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa (hướng nội) để rồi ra đi đem Chúa đến cho người khác (hướng ngoại).

2. Phúc Âm hóa đời sống gia đình

Việc đem Chúa đến cho người khác trước tiên phải được thực hiện ngay trong gia đình của mình. Chính vì thế mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã chọn chủ đề cho năm 2014 là: “Phúc Âm hóa đời sống gia đình”. Gia đình chiếm một vị trí quan trọng trong công cuộc Phúc Âm hóa bởi vì gia đình chính là kênh truyền thông chính của đức tin. Chính cha mẹ là những người đem con cái đến nhà thờ để được rửa tội, gia nhập Giáo Hội. Qua những lời dạy dỗ và gương sáng, chính cha mẹ là những người có trách nhiệm giúp con cái mình trưởng thành trong đức tin. Giáo xứ cũng có một vai trò quan trọng nhưng không thể nào thay thế gia đình như là môi trường Phúc Âm hóa đầu tiên. Thư Chung Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam năm 1998, số 7, đã khẳng định cách rõ ràng: “Cha mẹ chính là những nhà giáo đầu tiên; sách giáo khoa đầu tiên chính là những quan hệ trong gia đình, giữa cha mẹ với nhau, giữa cha mẹ với con cái, giữa gia đình này với gia đình khác.” và “những bài học đầu tiên về cầu nguyện, về mến Chúa yêu người đều được học và được dạy trong gia đình.”

Gia đình là trường học tập sự thánh thiện. Gia đình ở dưới thế này chuẩn bị cho gia đình dành cho các con cái Chúa ở trên trời. Vì thế, bổn phận đầu tiên của cha mẹ trong gia đình là dạy con cái biết luôn hướng về Thiên Chúa. Gia đình là Giáo Hội tại gia: việc đọc kinh cầu nguyện chung trong gia đình, khi cả gia đình tụ họp lại cùng nhau trước bàn thờ, cùng hướng về Thiên Chúa, đó là hình ảnh của Giáo Hội tại gia. Trong Giáo Hội thu nhỏ này, con trẻ học biết cách cầu nguyện và sự cần thiết của cầu nguyện. Khi đưa con cái đến nhà thờ để tham dự thánh lễ, cha mẹ dạy cho con cái biết những ý nghĩa của phụng vụ. Các cử chỉ trong phụng vụ cũng là những bài học luyện tập nhân đức: cúi mình, quỳ gối, đấm ngực dạy cho trẻ biết về đức khiêm nhường; sự thinh lặng dạy cho trẻ biết về sự thánh thiêng …

3. Gia tăng đức ái (trong gia đình)

Gia đình đồng thời cũng là môi trường nền tảng rất tốt và thuận lợi để dạy và học đức ái. Trong Tông huấn về gia đình “Familiaris Consortio”, số 17, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói: “Yếu tính và bổn phận của gia đình được định nghĩa bằng đức ái, sự yêu thương. Vì thế, gia đình có nhiệm vụ gìn giữ, thông truyền đức ái, sự yêu thương, thật sự thông phần vào tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại và tình yêu của Đức Kitô dành cho hôn thê là Giáo Hội”. Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ đề năm 2014 của Giáo phận Qui Nhơn là: “Gia tăng đức ái”, cụ thể là đức ái trong gia đình.  

Tất cả những niềm vui nỗi buồn sâu xa nhất chúng ta đều kinh nghiệm từ trong gia đình. Niềm vui gặp lại bạn bè đâu có thể nào sánh được với cuộc hội ngộ với người thân. Nỗi đau bị bạn bè xa lánh đâu bằng sự đau khổ khi bị gia đình từ bỏ. Niềm vui xuất phát từ tình yêu sâu đậm của chúng ta đối với người khác khi ta đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích của chính mình. Tất cả mọi thành viên trong gia đình phải học biết tha thứ để nuôi dưỡng mối liên hệ gia đình. Một khi loại bỏ được sự căng thẳng trong gia đình thì tình yêu và lòng bác ái sẽ nẩy nở.

 “Nếu không có bác ái, công việc bề ngoài không có giá trị, nhưng bất cứ điều gì được thi hành trong đức ái, dù nhỏ bé và tầm thường, sẽ sinh kết quả vì Thiên Chúa để ý đến lòng bác ái trong hành động của họ chứ không phải chính việc làm.” (Thomas à Kempis, Noi gương Đức Kitô, cuốn I, chương 15).

Một trong những bài học lớn nhất mà trẻ con có thể học được là sự quan tâm đến người khác. Sự quan tâm đến người khác dạy con trẻ bước ra ngoài thế giới nhỏ bé của mình và nhận ra rằng mình không phải là những người duy nhất có nhu cầu hay ước muốn điều này điều kia. Nhờ thế, chúng sẽ vẫn cảm thấy vui khi nhu cầu của mình không được đáp ứng và nhận ra niềm vui thật sự khi quan tâm giúp đỡ người khác. Điều này làm phát triển đức ái nơi con trẻ. Các nhân đức nhỏ như: lịch sự, lòng biết ơn, sự chân thật, ý tứ, tính vui vẻ, sự thận trọng, tính tiết kiệm, sự chính xác, lòng kiên nhẫn, tính chăm chỉ, sự kiên trì sẽ là những đức tính đồng minh cần thiết cho việc thi hành đức ái.

Thánh Gia luôn là mẫu gương đức ái cho mọi gia đình. Ngoài tình yêu đối với Thiên Chúa mà mỗi thành viên đều đặt lên hàng đầu, Chúa Giêsu, Thánh Giuse và Đức Maria luôn thể hiện đức ái đối với nhau: Thánh Giuse đã biết chấp nhận mầu nhiệm nơi Đức Maria với một đức ái trọn vẹn và cả hai đã nhiều lần cùng nhau vượt qua thử thách (hành trình về Bêlem, cuộc chạy trốn sang Ai Cập, sự nghèo khó ở Nadarét). Đức ái trỗi vượt và lòng thương cảm vô bờ của Chúa Giêsu đối với mọi người chính là điều mà Ngài đã học được từ trong gia đình, được thừa hưởng từ truyền thống gia đình, từ cha mẹ, từ ông bà nội ngoại.

Cuối cùng, để chuẩn bị ngày lễ Giáng Sinh sắp đến, chúng ta cũng nên khẳng định lại chương trình truyền giáo của gia đình theo tinh thần Giáo huấn số 2 của Giáo phận Qui Nhơn: “Tích cực cầu nguyện cách riêng là cho những người mà gia đình mình đã có tâm nguyện tìm mọi cách để chia sẻ ơn đức tin cho họ. Ngoài đối tượng chung mà cả gia đình cùng hiệp ý cầu nguyện như thế, mỗi người nên tạo tình thân và chia sẻ Tin Mừng Giáng Sinh với những người cùng cảnh ngộ, hàng xóm láng giềng, thông gia, bạn hữu, những người cùng đi làm hay cùng đi học với ta … Đừng quên mời họ dự lễ Giáng Sinh, và nếu được, cũng nên nghĩ tới một bữa ăn mừng lễ, trong đó ta sẽ mời họ đến chung vui. Mỗi người thêm một chút cố gắng, chắc hẵn lễ Giáng Sinh ở mỗi gia đình năm nay sẽ ý nghĩa hơn và sẽ góp phần không ít vào nỗ lực chung của giáo phận trong việc loan Tin Mừng cứu độ của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.” (Lịch Công giáo Giáo phận Qui Nhơn, năm 2014, Giáo huấn số 2, trang 19) 
 
 
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 34
  • Khách viếng thăm: 22
  • Máy chủ tìm kiếm: 12
  • Hôm nay: 14534
  • Tháng hiện tại: 120008
  • Tổng lượt truy cập: 12409720