Trang mới   https://gpquinhon.org

Đề tài học hỏi tháng 11 (tuần III)

Đăng lúc: Thứ sáu - 15/11/2013 17:47
BÀI 7 :   ĐỨC CHA PHÊRÔ LAMBERT DE LA MOTTE
Đời sống thiêng liêng

Dung mạo tinh thần của Đức Cha Phêrô-Maria Lambert là một tổng hợp giữa những nét oai nghiêm và mộc mạc, giữa một ý chí cương nghị và một trí tuệ thông minh phi thường. Theo nhận định của Đức Cha Bernard Jacqueline, Đức Cha Lambert có sự khôn ngoan của vị thẩm phán và tính giản dị của bác nông dân, lòng nhiệt thành của nhà tiên tri và vẻ uy nghi của Đấng kế vị các Thánh Tông đồ. Khoa luật và nghề trạng sư đã tôi luyện cho ngài có biệt tài lý luận tinh vi và sắc bén, ngài có sức thuyết phục phi thường, khiến cho những ai tiếp xúc với ngài đều bị thu hút.

 Đời sống thiêng liêng của Đức cha quy hướng vào Ba Ngôi Thiên Chúa: Lắng nghe Chúa Thánh Thần, sẳn sàng chịu sát tế với Đức Kitô và ký thác trọn vẹn cuộc đời trong tình yêu quan phòng của Cha trên trời. Đặc biệt, ngài có tâm hồn chiêm niệm sâu sắc, luôn quy hướng về Chúa Kitô tử nạn. Qua những tháng ngày cầu nguyện và tìm ý Chúa, ngài đã quyết định từ bỏ nghề luật sư đang hứa hẹn một tương lai sáng lạn để bước vào đời sống tu trì, trở thành một Linh mục, một Giám mục, một thừa sai cho miền Viễn Đông.  Ơn gọi truyền giáo ấy của ngài đã xuất phát từ sự yêu thích cầu nguyện, sự hy sinh vì lòng yêu mến Thiên Chúa và các linh hồn. Chính ngài đã ghi lại tâm tình sau Thánh lễ mở tay: “Tình yêu Thiên Chúa đã đốt lên nơi tôi lòng nhiệt thành đến với người chưa biết Chúa, để nhờ công nghiệp Máu Thánh Chúa đổ ra, họ cũng được ơn cứu độ”.

Đức Cha Lambert rất tôn sùng Chúa Thánh Thể và thích cầu nguyện lâu giờ trước Nhà Tạm, nhất là khi phải tìm giải pháp cho những vấn đề khó khăn. Ngài luôn khát khao đồng hóa với Chúa Giêsu trong Mầu Nhiệm Tử Nạn. Ngài muốn tiếp nối cuộc đời đau khổ của Chúa Cứu Thế và sẵn sàng cho Chúa Giêsu mượn thân xác để tiếp tục hy sinh. Có lần ngài nói với các linh mục của mình: “Hãy học hỏi Chúa Kitô chịu tử nạn, đó là phương thế chắc chắn đem lại sự khôn ngoan và lòng yêu mến”. 

Đức Cha Lambert sống rất khắc khổ, kết hợp hy sinh với cầu nguyện. Ngài không cậy dựa vào tiền bạc, sự thông thái của mình hoặc thế lực của quan quyền, nhưng chỉ dùng những phương tiện Phúc Âm đề ra: Đó là rao giảng Lời Thiên Chúa với lòng tín thác vô biên, với tinh thần bác ái vô hạn, với tinh thần sẵn sàng hiến dâng mạng sống để minh chứng Thiên Chúa tình yêu. Đức Cha nhắn nhủ các vị thừa sai: “Trước khi gieo vãi hạt giống Phúc Âm, anh em hãy dùng lời nguyện cầu làm cho mưa móc từ trời sa xuống trên cánh đồng”. Khi còn là linh mục, Đức Cha Lambert đã dâng cúng tài sản của ngài cho chương trình truyền giáo Viễn Đông. Trong cơn bệnh nguy tử năm 1660, ngài xin được chôn cất như những người nghèo khó, và sau đó tại Ayuthia, ngài muốn nhường chức Giám Mục cho một người khác. Theo Cha Launay, nét nổi bật trong tính tình của Đức Cha là tự nguyện chịu sỉ nhục vì Chúa Kitô.

Đức Cha Lambert yêu mến đặc biệt Đức Mẹ Maria và Thánh Giuse. Ngài quý chuộng kinh Mân Côi và tuần cửu nhật kính Đức Trinh Nữ. Ngài dành cho Đức Mẹ tước hiệu đầy vinh dự “Đấng Sáng Lập các miền truyền giáo của chúng tôi”. Ngài chọn Thánh Giuse làm bổn mạng Dòng Mến Thánh Giá, Chủng viện, nhà thờ, nhà thương tại Ayuthia, Giáo phận Đàng Ngoài, Giáo phận Đàng Trong và  vùng truyền giáo Đông Á. Về khía cạnh huấn giáo, ngài viết Bài xét mình của một thừa sai Tông toà vào năm 1666:Xét về lòng bác ái đối với tha nhân : chúng ta đã yêu mến Rất Thánh Đồng Trinh như thế nào ? chúng ta đã làm gì đặc biệt để tôn kính Người mỗi ngày trong đời của chúng ta không ? Lòng sùng kính nào chúng ta dành cho thánh Giuse vinh hiển ? cho các vị thánh bổn mạng của chúng ta ? cho vị thiên thần bản mệnh của chúng ta ? và cho tất cả các thánh trên thiên đàng ? Chúng ta có cám tạ Thiên Chúa vì hạnh phúc của các ngài không ?”.  Một Việt kiều đầu tiên được ngài rửa tội vào ngày 21 tháng 01 năm 1663 tại Thái Lan, ngài đặt tên thánh cho anh là Giuse. Một vị quan được ngài rửa tội như thư ngài gửi Đức cha Pallu: “ Hôm qua, tôi đã rửa tội cho một vị quan của Xiêm La mà cha Laneau là người đỡ đầu, đã đặt tên cho ông là Giuse”.
 
Tác giả bài viết: Lm. Gioan Võ Đình Đệ
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 67
  • Khách viếng thăm: 44
  • Máy chủ tìm kiếm: 23
  • Hôm nay: 11466
  • Tháng hiện tại: 115285
  • Tổng lượt truy cập: 12404997