Trang mới   https://gpquinhon.org

Chuẩn bị hôn nhân theo Tông huấn Amoris Laetitia

Đăng lúc: Thứ hai - 10/10/2016 18:19


CHUẨN BỊ HÔN NHÂN

THEO TÔNG HUẤN AMORIS LAETITIA

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Việt, CSsR
 

 
 
 A. CHUẨN BỊ HÔN NHÂN CHO NGƯỜI ĐÃ ĐÍNH HÔN
I. VIỆC CHUNG CỦA CỘNG ĐOÀN KITÔ HỮU

  1. Từ hoàn cảnh thực tế: “Sự phức tạp của xã hội ngày nay và những thách thức các gia đình đang phải đương đầu đòi hỏi nhiều nỗ lực về phía toàn bộ cộng đoàn Kitô hữu trong việc chuẩn bị cho những người sắp kết hôn” (206).
  2. Đức Thánh Cha nhắn nhủ: “Cha khuyến khích các cộng đoàn Kitô hữu nhận ra lợi ích lớn lao chính mình nhận được qua việc nâng đỡ các đôi bạn đã đính hôn khi họ lớn lên trong tình yêu […] các đôi bạn ấy là “một nguồn vô giá vì, khi chính họ cam kết lớn lên trong tình yêu và việc tự hiến, họ có thể giúp canh tân công trình xây dựng của toàn thân thể Hội thánh” (207).
II. MỤC TIÊU

Giúp các đôi bạn:

  1. “Khám phá ra phẩm giá và vẻ đẹp của hôn nhân” (205).
  2. Nhận ra “sự hấp dẫn của việc kết hợp hoàn toàn, một sự kết hợp nâng cao và hoàn thiện chiều kích xã hội của sự sống, đem lại cho giới tính ý nghĩa sâu xa nhất của nó và đem lại lợi ích cho con cái bằng cách cho chúng bối cảnh tốt nhất để lớn lên và phát triển” (205).
  3. Giúp đôi bạn “mỗi người học cho biết yêu thương chính con người thật ấy mà họ đang có kế hoạch chia sẻ toàn bộ cuộc sống.” (208).
  4. Đồng thời có khả năng cắt đứt một quan hệ yêu đương mà thấy trước nguy cơ hôn nhân thất bại. Đôi bạn cần trao đổi bàn luận để biết : “họ chờ mong gì nơi hôn nhân, họ hiểu thế nào về tình yêu và sự cam kết, họ muốn gì nơi nhau và muốn cùng nhau xây dựng một kiểu sống nào. Những bàn luận ấy sẽ giúp họ thấy nếu thật sự họ không có nhiều điểm chung và nhận ra chỉ một mình việc hấp dẫn nhau thôi sẽ không đủ để giữ họ lại với nhau.” Điều cần lưu ý : “Ta đừng bao giờ khuyến khích quyết định kết hôn trừ phi đôi bạn đã phân định những lý do sâu xa hơn sẽ giúp họ bảo đảm được việc cam kết chân thật và ổn định” (209).
  5. Cần biết khuyết điểm của nhau. Cần phát huy ưu điểm để quân bình khuyết điểm. Sẳn sàng hy sinh đương đầu với những xung đột bất ngờ xãy đến và quyết tâm mạnh mẽ sẳn sàng chấp nhận thực tế đó. “Cần có khả năng phát hiện ra những tín hiệu nguy hiểm trong mối tương quan của mình và trước khi kết hôn, phải tìm ra các cách đáp trả các tín hiệu ấy cách hiệu quả.” Thực tế cho thấy, đôi bạn có thể có nhiều cái chung “nhưng lại chưa đương đầu với thách thức bộc lộ chính mình và vẫn chưa biết người kia thật sự là ai” (210).
  6. Hiểu rõ lễ cưới không phải là đoạn kết, hôn nhân là hành trình kéo dài suốt đời với khả năng đương đầu mọi thử thách gian nan (x. 211).
III. NHỮNG TIÊU CHÍ CỦA NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH (206)
  1. Chương trình chuẩn bị hôn nhân cần lưu ý đến “tầm quan trọng của các nhân đức.” Đặc biệt nhân đức khiết tịnh “rất quan trọng đối với sự phát triển đích thật của tình yêu giữa hai người.”
  2. “Nhấn mạnh đến chứng tá của chính các gia đình.”
  3. “Gắn việc chuẩn bị hôn nhân vào tiến trình khai tâm Kitô giáo đưa ra mối liên kết giữa hôn nhân, Thánh tẩy và các bí tích khác.”
  4. “Cho đôi bạn một kinh nghiệm đích thật về việc tham gia vào đời sống Hội thánh.”
  5. “Giới thiệu trọn vẹn các khía cạnh khác nhau của đời sống gia đình”
IV. PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN
  1. “Cung cấp một nền đào tạo thích hợp mà không làm cho giới trẻ xa cách bí tích” (207).
  2. “Không phải là “nhồi nhét” kiến thức về giáo lý “mà là khả năng cảm nhận và tận hưởng các sự việc đem lại sự hài lòng và thỏa mãn cho linh hồn cách nội tâm” (207).
  3. “Phải ưu tiên – cùng với việc loan báo Kerygma cách mới mẻ – cho việc trình bày cách hấp dẫn và hiệu quả thông tin có thể giúp đôi bạn sống với nhau, “cách hết sức can đảm và hào phóng” (207).
  4. Bên cạnh việc giúp đôi bạn đón nhận giáo huấn của Hội Thánh là biết tận dụng những “nguồn tài nguyên giá trị của Hội Thánh” cho đời sống hôn nhân. Ta cần “đưa ra những chương trình thực tế, các lời khuyên tốt lành, các chiến lược từng trải và việc hướng dẫn tâm lý. Tất cả những điều ấy đòi hỏi một khoa sư phạm về tình yêu, phù hợp với tình cảm và nhu cầu của các bạn trẻ và có thể giúp họ phát triển nội tâm. Việc chuẩn bị hôn nhân cũng phải cung cấp cho đôi bạn tên của những nơi, những người và các dịch vụ họ có thể đến xin giúp đỡ khi có vấn đề. Nhắc cho họ biết về sự sẵn sàng của bí tích Hòa giải cũng là điều quan trọng, nơi bí tích ấy họ có thể đưa đến trước Thiên Chúa, các tội lỗi của quá khứ và cả mối tương quan của mình và đón nhận sự tha thứ nhân từ và sức mạnh chữa lành của Ngài” (211).
    1. NHỮNG NGUỒN HỖ TRỢ KHÁC (208)
  5. Các gia đình truyền giáo, các gia đình của riêng đôi bạn. “Những người được chuẩn bị tốt nhất để kết hôn có lẽ là những người đã học biết hôn nhân Kitô giáo là gì từ nơi cha mẹ họ, những người đã chọn nhau cách vô điều kiện và canh tân quyết định ấy mỗi ngày.”
  6. “Và các tài nguyên mục vụ khác nhau, qua gương sáng và các lời khuyên tốt lành.”
  7. “Các nhóm hội thảo, các cuộc nói chuyện nhiệm ý về các chủ đề khác nhau thật sự hấp dẫn giới trẻ.”
  8. “Một cuộc gặp gỡ cá nhân vẫn rất quan trọng.”
  9. “Không được đánh giá thấp giá trị mục vụ của các thực hành tôn giáo truyền thống.”
 
B. CHUẨN BỊ CHO VIỆC CỬ HÀNH HÔN LỄ
I. TỔ CHỨC HÔN LỄ (212)

1. Thực trạng thường xảy ra
Chuẩn bị hôn lễ thường đặt nặng hình thức bên ngoài: thiệp mời, áo quần, tiệc tùng, tổ chức lễ cưới hoành tráng. Những thứ đó vắt cạn sức dẫn đến tình trạng:

  • “Vợ chồng đến với lễ cưới thường mệt lử và lo ra, chứ không tập trung và sẵn sàng cho bước quan trọng họ sắp thực hiện.”
  • “Thay vì phải quan tâm trước hết đến tình yêu và việc cử hành tình yêu ấy trước sự hiện diện của người khác, đôi bạn lại như thể không bao giờ kết hôn.”
2. Đức Thánh Cha nhắn nhủ
  • “Đừng để mình bị xã hội tiêu thụ và chuộng vẻ giả dối bên ngoài nuốt chửng. Điều quan trọng là tình yêu các con chia sẻ, được ân sủng củng cố và thánh hóa. Các con có thể chọn một nghi lễ đơn sơ và giản dị hơn trong đó, tình yêu vượt trên mọi sự.”
  • “Những người làm mục vụ  và toàn cộng đoàn có thể giúp làm cho ưu tiên này thành qui tắc chứ không phải là luật trừ.”
  •  
II. CỬ HÀNH PHỤNG VỤ

1. Điều quan trọng phải hướng tới (213)

  • “Khuyến khích đôi bạn làm cho việc cử hành phụng vụ thành một kinh nghiệm bản thân sâu sắc và đánh giá đúng ý nghĩa của mỗi dấu chỉ.”
  • Đối với người Công Giáo hôn nhân hoàn hợp là “dấu chỉ của giao ước tình yêu và sự kết hợp giữa Con Thiên Chúa nhập thể và Hội thánh Ngài.”
  • “Lời và dấu chỉ trở thành một ngôn ngữ hùng hồn của đức tin.”
  • “Trong giao ước hôn nhân mầu nhiệm được diễn tả và được hiện thực là mầu nhiệm có nguồn gốc nơi chính Thiên Chúa.”
2. Những khuyết điểm phải tránh để có ý thức đúng
  • “Đôi khi, đôi bạn không hiểu thấu đáo ý nghĩa thần học và linh đạo của lời ưng thuận, lời làm sáng tỏ ý nghĩa của mọi dấu chỉ theo sau” (214). Do đó, cần ý thức :
+  Không ai được giảm những lời ấy xuống chỉ còn là những lời thuộc hiện tại; những lời ấy liên  quan tới một toàn thể bao gồm cả tương lai: “Cho tới chết mới chia cắt ta” (214).
+  Nội dung của các lời ưng thuận ấy cho thấy rõ “sự tự do và trung thành không chống lại nhau, nhưng nâng đỡ nhau, cả trong các mối tương quan liên vị lẫn xã hội” (214).
+  “Kính trọng lời nói của con người, trung  thành với lời hứa của mình” là những điều không thể mua bán hay ép buộc để có, chỉ giữ được khi có hy sinh (214).

  • Có người do tập trung vào ngày cưới và quên mất việc cam kết suốt đời họ sắp đi vào. Vì thế, đôi bạn phải hiểu rằng:
+ Bí tích không phải là một khoảnh khắc đơn độc, sẽ lui vào quá khứ trở thành kỷ niệm, “nhưng là một thực tại không ngừng ảnh hưởng  trên toàn bộ đời sống hôn nhân” (215).
+ “Ý nghĩa sinh sản của giới tính, ngôn ngữ thân xác, và các dấu chỉ của tình yêu được chiếu tỏa suốt  cuộc sống hôn nhân, tất cả đều trở nên một “sự liên tục không bị đứt quãng của ngôn ngữ phụng vụ” và “đời sống vợ chồng  theo một nghĩa nào đó  luôn trở nên có tính phụng vụ” (215).
3. Để thêm giá trị cho buổi cử hành (216)

  • “Đôi bạn cũng có thể suy gẫm về các bài đọc Kinh thánh và ý nghĩa của các chiếc nhẫn họ trao cho nhau và các dấu chỉ khác là những thành phần của nghi lễ.”
  • Cùng cầu nguyện với nhau và cho nhau sống trung thành và quảng đại, biết Chúa chờ đợi mình điều gì và dâng hiến cho Đức Trinh Nữ Maria tình yêu của mình. Những người đồng hành cần giúp đôi bạn biết sống những giây phút cầu nguyện này.
  • “Phụng vụ hôn nhân là một biến cố độc nhất vô nhị, một cử hành vừa của gia đình vừa của cộng đoàn.” Có thể có những người thuộc tôn giáo bạn tham dự, do đó, nó trở thành cơ hội có giá trị cho việc loan báo Tin Mừng.
 
 
 
C. VIỆC ĐỒNG HÀNH NHỮNG NĂM ĐẦU ĐỜI HÔN NHÂN
LÝ DO CẦN PHẢI ĐỒNG HÀNH

Hôn nhân phải là kết quả của tình yêu mà hai người tư do chọn nhau. Nếu chỉ vì sự hấp dẫn của thân xác, hay đến với nhau bằng tình yêu mờ nhạt thì tình vợ chồng rất dễ tổn thương khi sự hấp dẫn không còn mạnh, và tình yêu đã phôi phai. Đây là tình trạng thường xảy ra do giai đoạn đính hôn quá ngắn, lại bị thôi thúc vì nhiều lý do, và vợ chồng chưa đủ trưởng thành trong sự hiểu biết về hôn nhân. Vì thế, phải đồng hành với đôi bạn suốt những năm đầu của đời sống hôn nhân để đào sâu và làm cho phong phú quyết định có ý thức và tự do yêu nhau, thuộc về nhau cho đến cùng (218)

NHỮNG ĐIỀU CẦN GIÚP ĐÔI BẠN

1. Ý THỨC (218)
Đôi bạn mới cưới có bổn phận hoàn tất tiến trình đáng lẽ phải thực hiện trong thời kỳ đính hôn tức là ý thức:

  • Cuộc hôn nhân của đôi bạn không phải làm một lần là xong, nhưng chỉ mới bắt đầu bước vào một tiến trình.
  •  Hôn nhân không thể hủy bỏ, lại còn được bí tích hôn phối củng cố và hiến thánh.
  • Đời sống chung là cả hai cùng hướng về tương lại, nhờ ân sủng Chúa, mỗi ngày cả hai cùng thực hiện chung một dự án xây dựng gia đình mình. Vì thế đôi bạn cần :
+ Tránh mọi ảo tưởng và thái độ đòi hỏi bạn đời của mình hoàn hảo. Trái lại với lòng kiên nhẫn, cảm thông, khoan dung và đại lượng, chấp nhận con người thật của người bạn đời là chưa kiện toàn, đang trong hành trình được lớn lên.
+ Tránh chỉ trích, vì chỉ trích là không coi hôn nhân như một dự án cùng nhau xây dựng, và không có khả năng giúp nhau trưởng thành và lớn lên trong tình hiệp nhất.
+ Nhưng “chậm mà chắc”, hãy giúp nhau xây dựng sự hợp nhất trưởng thành bằng cách: “không ngừng thắc mắc và phê bình, dừng lại nơi những điểm tốt và xấu của nhau, đưa ra mục đích cao nhất và tham gia vào việc thi đua tự công chính hóa mình.” Cần ngồi xuống và nói chuyện với nhau về việc làm thế nào để đạt được mục đích cách cụ thể.”

  • Ý thức được như thế đôi bạn mới có sức vượt qua những rủi ro gặp phải trên hành trình hôn nhân của hai người. “Việc chúc lành hôn phối họ  nhận được là một ân sủng và một sự khích lệ trong cuộc hành trình này.”
2. NIỀM HY VỌNG (219)
  • Như “ao tù nước đọng”, nếu những năm đầu của đời sống hôn nhân tình yêu không còn lửa, nó sẽ mất đi “chính sự hấp dẫn đáng lẽ phải là sức mạnh có tính thôi thúc của nó. Tình yêu non trẻ cần nhảy tới tương lai với niềm hy vọng bao la.”
  • Hy vọng là chất men giúp đôi bạn nhìn xa hơn để vượt qua những mẫu thuẫn, bất đồng, xung đột.
  • Hy vọng “kiểm soát những gì ta không chắc chắn và các mối bận  tâm của ta để có được sự triển nở”
  • Hy vọng giúp đôi bạn sống tốt giây phút hiện tại, đó là cách chuẩn bị hay nhất cho một tương lai vững vàng.
3. TÌNH YÊU THEO HƯỚNG MỞ (220)

Hành trình này xảy ra trong các giai đoạn khác nhau, các giai đoạn đòi hỏi sự đại độ và hy sinh

  • Sự hấp dẫn ban đầu nhường bước cho việc nhận thấy người ấy là một phần của đời tôi.
  • “Niềm hoan lạc của việc thuộc về nhau đưa tới chỗ nhìn cuộc sống như một chương trình chung […] hân hoan nhận ra rằng cuộc hôn nhân này làm phong phú xã hội”
  • Khi tình yêu trưởng thành:
+ Đôi bạn học được cách “thương thảo” để tình yêu không còn vị kỷ nhưng là  hỗ tương, cho và nhận, vì lợi ích của gia đình.
+ Đôi bạn phải có nhu cầu ngồi xuống xem lại những gì đã đồng ý để không có kẻ được người mất mà cả hai cùng được.
+ Không có quyết định đơn phương vì mỗi người đều chia sẻ trách nhiệm của gia đình.

4. NHỮNG LÚC GẶP SÓNG GIÓ (221)

Thực tế cho thấy nhiều giới hạn và khó khăn hơn người ta tưởng, khi có “kỳ vọng cao cách bất hợp lý về đời sống vợ chồng” dễ làm hôn nhân đổ vỡ. Những lúc ấy đôi bạn:

  • Tránh giải pháp vội vàng vô trách nhiệm là chia tay, nhưng tỉnh táo nhận ra hôn nhân là một tiến trình, mỗi người là một phương tiện Chúa dùng làm cho người kia trưởng thành.
  • “Thay đổi, cải thiện, làm cho những phẩm chất tốt lành vốn có trong mỗi người nở hoa, tất cả những điều ấy đều có thể làm được [...] nhờ ơn Thiên Chúa và sự đáp trả sáng tạo và quảng đại về phía ta.” Sứ mạng lớn nhất của đôi bạn là giúp nhau hình thành căn tính của mình.
  • “Tình yêu là một nghề thủ công”. Qua câu chuyện sách Sáng Thế (x. St 2,7), “cuộc sống vợ chồng, cả những lúc gian nan, người này vẫn có thể làm cho người kia ngạc nhiên và những cánh cửa mới vẫn có thể mở ra cho tương quan của họ, như thể họ gặp nhau lần đầu vậy. Vào mỗi giai đoạn mới, họ đều có thể “hình thành nên” nhau. Tình yêu làm cho người này đợi chờ người kia với sự kiên nhẫn của thợ thủ công, một sự kiên nhẫn xuất phát từ Thiên Chúa.”
5. TRAO BAN SỰ SỐNG (222)

Vợ chồng mới cưới cần quảng đại trong việc trao ban sự sống. Đôi bạn cần nắm rõ với cái nhìn mới mẻ về giáo huấn của Hội Thánh(Thông điệp Humanae Vitae (x. 1014) và Tông huấn Familiaris Consortio (x. 14; 2835) để chống lại não trạng thù địch với sự sống. Do đó, việc làm cha làm mẹ có trách nhiệm cần:

  • Phải có việc đào tạo lương tâm.
  • Cố lắng nghe Thiên Chúa và các điều răn của Ngài trong lương tâm mình (x. Rm 2, 15).
  • Được đồng hành về mặt thiêng liêng.
  • Sinh con só trách nhiệm theo giáo huấn Công Cồng. Đôi bạn “sẽ đưa ra những quyết định nhờ nỗ lực và việc bàn bạc chung. Hãy để họ cân nhắc thật kỹ lợi ích của mình và của con cái, những đứa đã và những đứa sẽ ra đời trong tương lai. Vì việc cân nhắc này họ cần tính toán cả điều kiện vật chất lẫn tinh thần của thời đại cũng như tình trạng của cuộc sống họ. Họ cũng nên tham khảo quyền lợi của các nhóm gia đình, của xã hội hiện nay và Hội thánh. Cuối cung, chính cha mẹ chứ không ai khác phải đưa ra phán đoán này dưới mắt Thiên Chúa.”
  • Hơn nữa, phương pháp tự nhiên và khả năng sinh con tự nhiên (x. Humanae Vitae, 11) phải được đề cao, vì “các phương pháp này tôn trọng thân xác của vợ chồng, khích lệ sự âu yếm giữa họ và ủng hộ việc giáo dục sự tự do chân thực.”
  • Cần ý thức: “con cái là quà tặng tuyệt vời của Thiên Chúa và là niềm hoan lạc cho cha mẹ và Hội thánh. Nhờ chúng, Chúa canh tân thế giới này.”
 
Kết

Ngày nay, khủng hoảng hôn nhân đã trở thành rộng khắp, về tận nhà quê, những vùng đất ngỡ như yên bình với luỹ tre xanh, tình làng nghĩa xóm, “tối lửa tắt đèn có nhau”, tháp chuông nhà thờ, sáng lễ chiều kinh... “Chị Lucia dos Santos – một trong ba trẻ nhỏ đã thị kiến các cuộc hiện ra của Đức Mẹ tại Fatima – qua đời vào năm 2005. Nhưng trước khi về với Chúa, Chị tiên báo rằng “trận chiến sau cùng” giữa Chúa Kitô và Satan sẽ là trận chiến trên lĩnh vực hôn nhân và gia đình” [1]. Đức Thánh Cha Phanxicô đón nhận thực tế của đời sống hôn nhân gia đình hiện nay không phải với thái độ bi quan yếm thế, ngài nhận thấy khía cạnh tích cực trong đó[2], hân hoan dẫn Hội Thánh đi “xây nhà” cho con cái qua Tông huấn Amoris Laetitia. Bằng cách: “trợ giúp và khích lệ các gia đình trong những trách nhiệm và thách thức hàng ngày của họ” [3]; giúp họ biết quý trọng ân ban của hôn nhân gia đình, nuôi dưỡng tình yêu nhuần thấm lòng quảng đại, sự dấn thân, trung tính và kiên nhẫn; nhắn nhủ mọi người sống lòng xót thương ở những nơi cuộc sống gia đình thiếu vắng an bình và niềm vui[4]. Với Tông Huấn này, người Kitô hữu, cách riêng các linh mục, vừa được thêm “vốn”, lại được thêm cú hích để nhiệt thành chú tâm vào việc “chăm sóc” những đôi bạn trong việc chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân gia đình.



[1] http://vietcatholic.org/News/Html/187941.htm
[2] x. Amoris Laetitia, số 1.
[3] Amoris Laetitia, số 4.
[4] Amoris Laetitia, số 5.

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 22
  • Khách viếng thăm: 21
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 5942
  • Tháng hiện tại: 122230
  • Tổng lượt truy cập: 12266490