Trang mới   https://gpquinhon.org

Cha sở và trách nhiệm giáo dục tôn giáo

Đăng lúc: Thứ sáu - 17/01/2014 21:43
 


Lm. Brian Mullady, OP


Trong phạm vi gia đình, giáo thuyết Công giáo dạy rằng cha mẹ là những nhà giáo dục tôn giáo đầu tiên. Trách nhiệm này được những người khác chia sẻ, những người thay thế cha mẹ  “loco parentis” (thay thế cho cha mẹ). Họ là cha xứ, những người có trách nhiệm tôn giáo trong giáo xứ và trường học Công Giáo.

Trong giáo xứ, bổn phận đầu tiên của cha sở là phải bảo đảm một nền giáo dục tôn giáo thích đáng cho lớp trẻ cũng như mọi giáo dân của mình được dạy dỗ và hiểu Lời Chúa. Cha sở là nhà giáo dục đầu tiên của giáo xứ. Ngài có bổn phận này bởi vì đó là sự thông phần vào nhiệm vụ ngôn sứ như là kết quả của chức linh mục đã lãnh nhận. Sự đồng hình đồng dạng với Đức Kitô như là vị ngôn sứ đòi hỏi linh mục phải nói lên sự thật và dạy dỗ những người khác trong sự thật.

Bộ Giáo Luật vạch rõ vai trò và trách nhiệm của cha sở, không chỉ gồm có trách nhiệm giáo dục cho lớp người trẻ hay những người trở lại đạo mà còn có huấn luyện trí thức thường xuyên cho các tín hữu nữa (trong trường hợp có trường học của giáo xứ như thời gian trước kia tại Việt Nam[1]). “Cha Sở có bổn phận dự liệu để Lời Chúa được rao truyền cách toàn vẹn cho mọi người đang cư ngụ trong giáo xứ; vì thế phải lo giảng dạy các giáo dân về các chân lý Ðức Tin, nhất là nhờ việc giảng lễ trong các ngày Chúa Nhật và các ngày Lễ Buộc, và nhờ việc dạy đạo lý; ủng hộ giúp đỡ những chương trình nhằm cổ động tinh thần Phúc Âm kể cả trong lãnh vực công bình xã hội; cần phải để ý cách riêng tới việc giáo dục công giáo cho thiếu nhi và thanh niên; cố gắng, bằng mọi phương tiện có thể, cùng với sự hợp tác của các tín hữu, để sứ điệp Phúc Âm được đạt đến với cả những người đã lơ là việc giữ đạo hoặc không tuyên xưng Ðức Tin chân thật nữa.” (Bộ Giáo Luật, điều 528, 1)

Vì cha xứ thật sự có bổn phận này cho nên ngài cần phải cập nhật những luồng tư tưởng thần học mới nhất, đặc biệt là các văn kiện của Tòa Thánh hay Hội Đồng Giám Mục. Rủi thay, nhiều linh mục không đọc hay nghiên cứu thần học ngay sau khi bước chân ra khỏi chủng viện. Nhiều vị dựa suy tư của mình trên các tờ tuần báo hoặc ngay cả trên các phương tiện thông tin đại chúng thế tục. Điều này khó lòng duy trì một đức tin trưởng thành cho chính mình với tư cách là một linh mục huống chi là dạy giáo lý cho các tín hữu. Đồng thời, nhiều linh mục cứ lấy gương của người nào đó như cha Thánh Gioan Vianney chẳng hạn để nói rằng không học vẫn làm cha xứ tốt. Thế nhưng thật sự Cha Gioan Vianney không giỏi tiếng Latinh khi còn ở chủng viện nhưng bài làm bằng tiếng Pháp thì ngài vẫn làm khá. Ngoài ra, ngài còn có vài trăm bộ sách trong tủ sách cá nhân.

Dĩ nhiên các linh mục có thể sử dụng các giáo dân đã được huấn luyện hay các tu sĩ để giúp đỡ mình trong nhiệm vụ dạy giáo lý, thế nhưng sẽ là sai lầm nếu cứ phó thác hết mọi chuyện giáo dục tôn giáo cho người khác, ngoại trừ việc giảng lễ ngày Chúa Nhật. Chẳng hạn, trong Nghi Thức Khai Tâm Kitô Giáo cho Người Lớn / Giáo Lý Dự Tòng (Rite of Christian Initiation of Adults – gọi tắt là RCIA), mặc dù có thể nhờ giáo dân hướng dẫn những người trở lại đạo, nhưng cha sở phải là người cuối cùng quyết định những người dự tòng ấy có ý hướng đúng hay đã được hướng dẫn đủ để sống đức tin Công giáo hay không. Vì thế, chính cha sở phải thỉnh thoảng tham gia vào các lớp giáo lý dự tòng của giáo xứ, trường học của giáo xứ hay các chương trình giáo dục tôn giáo cho lớp người trẻ của giáo xứ.

Giáo dục cho người lớn cũng là một vấn đề quan trọng. Nhiều người Công giáo hiện nay được huấn luyện sơ sài về đức tin. Họ biết nhiều điều từ các chương trình nói chuyện trên truyền hình hơn là các hướng dẫn của giám mục hay giáo hoàng. Phận sự của cha sở là phải dành ít thời gian để huấn luyện người trưởng thành trong giáo xứ, hoặc do chính ngài phụ trách hay một người có thẩm quyền nào khác. Chẳng hạn, trong các lớp giáo lý tiền hôn nhân, sẽ rất thú vị nếu trong các hội thảo nhóm có phần trình bày của cha sở về thần học hôn nhân, một đôi vợ chồng chia sẻ kinh nghiệm của mình về vấn đề nào đó chẳng hạn như kế hoạch hóa gia đình tự nhiên, hoặc một chuyên viên y tế nói về cùng một đề tài dưới khía cạnh y học.

Nhiều người nghĩ rằng đời sống mục vụ chỉ là thực hành các bí tích. Công việc mục vụ trộn lẫn vào các hoạt động trong giáo xứ như đĩa mì “spaghetti”. Mặc dù mục vụ là quan trọng nhưng nên nhớ rằng Chúa Giêsu là “Chủ chăn tối cao” cũng là “Thầy dạy tối cao”. Vì thế, dạy dỗ phải là một phần trong sứ vụ mục vụ.
 

[1] Chú thích của người dịch
 
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 33
  • Khách viếng thăm: 21
  • Máy chủ tìm kiếm: 12
  • Hôm nay: 6023
  • Tháng hiện tại: 140484
  • Tổng lượt truy cập: 12284744