Trang mới   https://gpquinhon.org

Để Chúa gỡ thế bí cho ván cờ mục vụ

Đăng lúc: Thứ ba - 06/05/2014 18:13
HÃY ĐỂ TRẺ EM ĐẾN VỚI CHÚA
VÀ ĐỂ CHÚA GỠ THẾ BÍ CHO VÁN CỜ MỤC VỤ
 

Được tin bác Hai Luyện không khỏe lắm, tôi ghé thăm. Lễ xong đã 20 phút bác mới về. Qua tuổi 80 rồi, bác xin thôi ban kinh giáo xứ cách nay đã hai năm nhưng không có người thay nên đến nay vẫn còn phải đảm đương công việc. Tôi thở dài cảm thông. Bác bảo:

- Chuyện này còn dễ. Bữa nào con chết thì chiều đến cũng sẽ có ai đó mở cửa nhà thờ, bật đèn, bắt kinh rồi tắt đèn, đóng cửa, nhưng chuyện dạy giáo lý dự tòng mới gay go! Từ thời cha Thăm, con đã xin tìm người để con “truyền nghề” nhưng qua mấy đời cha sở, đã mấy chục năm rồi nay vẫn chưa có ai.

Năm 2012, giáo xứ Chính Tòa đã có một ban chức việc mới với những thành phần trẻ hơn nhưng hầu như tất cả đều đã trên tuổi 50. Lớp người đang nhiệt thành phục vụ hiện nay tại giáo xứ Tuy Hòa là những huynh trưởng do cha phó xứ Gioakim Nguyễn Hoàng Trí đào tạo từ trước năm 1975. Tại cả hai giáo xứ, dường như sau đó lớp người kế tục sẽ đứt đoạn. Mười năm, hai mươi năm nữa những chức việc ấy lần lượt được Chúa gọi về, ai sẽ thay thế họ? Câu hỏi thật đáng quan ngại vì ta không dễ dàng tìm thấy bóng dáng người trẻ trong công việc thường nhật của giáo xứ, cả người trẻ ở độ tuổi 25-40 lẫn người trẻ được “ươm mầm” 13-18 tuổi.

Giải văn thơ linh mục Đặng Đức Tuấn được tổ chức để tìm kiếm nguồn nhân lực và đào tạo tài năng trẻ cho giáo phận. Giáo xứ Tuy Hòa năm ngoái chỉ có 3 em gửi bài, năm nay cha sở và cha phó cho biết cứ mỗi bài dự thi đem nộp là được tưởng thưởng ngay 30.000 đồng. Giáo xứ Chính Tòa suốt ba năm liền không một em nào tham gia, năm nay cha sở cũng kêu gọi và “trả thù lao” cho mỗi bài dự thi là 30.000 đồng. Kết quả: cả hai giáo xứ năm nay vẫn không có một bài dự thi nào. Học sinh giáo lý tại hai giáo xứ thành phố không màng 30.000 đồng mà cũng chẳng quan tâm gì đến lời kêu gọi của cha sở. Hình như trong mắt các em, việc đi học kèm ở trường quan trọng và thực tế hơn là để mình bị lôi dần vào một định hướng “chăm lo việc đạo” lỗi thời của người lớn, chẳng hứa hẹn gì cho sự nghiệp mai sau. Có thể chúng ta đã không đặt nặng vấn đề nhưng hình như đó là dấu hiệu không lành về cái chọn lựa nền tảng (option fondamentale) giữa Thiên Chúa và Tiền Của: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (x. Mt 6,24). Phải chăng trong thâm tâm các em đã đặt hai lựa chọn thực tế ấy lên hai đĩa cân và trong mắt các em, Thiên Chúa là chuyện mơ hồ, làm sao bằng Tiền Của được? Những người khai lý lịch Công giáo, có đi nhà thờ vẫn còn đấy, nhưng lời cảnh báo của Chúa không nói về những người đi nhà thờ mà nói về đức tin: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18).

Tại các giáo xứ miền quê vẫn còn một số em hưởng ứng chuyện trau dồi tài năng để phục vụ Chúa và Hội Thánh, nhưng chỉ đối chiếu con số năm ngoái và năm nay đủ thấy sự giảm sút rất nhanh. Năm ngoái, 27 giáo xứ có các em gửi bài dự thi, năm nay chỉ còn 24. Năm ngoái tổng số bài dự thi là 542, năm nay là 433, giảm 20%. Năm ngoái 209 em dự thi, năm nay chỉ có 160, giảm 20%. Giải văn thơ và học bổng “Linh mục Đặng Đức Tuấn” chưa đi tới đâu thì dường như đã có điềm báo hoàng hôn. Thêm vào đó, cả giáo xứ miền quê lẫn giáo xứ thành phố đều đối diện với thực trạng đa số các em vừa học xong lớp 12 là rời bỏ giáo xứ đi tìm một “chân trời mới” hấp dẫn hơn... Những em ở nhà, không tiếp tục đi học, không đi làm, lại có thể rơi vào biếng nhác và dối trá, suốt ngày la cà quán xá, bi da, chọc phá, chơi bời để giết thời giờ...

Sức ép của cuộc chạy đua kinh tế cho gia đình và của xã hội tiêu thụ gây nên cho cả giáo xứ thành phố lẫn giáo xứ miền quê những khó khăn khiến nhiều cha xứ gần như bó tay. Các phụ huynh cũng bó tay hoặc lơ là, nhiều gia đình có vẻ như bỏ bê cả việc giáo dục con cái, phó mặc cho nhà trường. Sáng sáng, học sinh tất bật đến trường và miệt mài chạy đua học thêm từ bé tới lúc vào đời, với một thái độ thực dụng: học để mong sau này dễ tìm việc làm kiếm được nhiều tiền – một triết lý sống hoàn toàn xa lạ với Tin mừng, vắng bóng Thiên Chúa, chưa nói là hạ bệ Ngài, tạo nên một tâm lý hành động lệch hướng không dễ gì đổi thay.

Cha Trưởng ban Mục vụ Giới trẻ giáo phận cũng chưa biết phải làm thế nào. Sau hai khóa linh hoạt viên, mỗi khóa 200 người dự và sau ngày hội giới trẻ qui tụ cả ngàn người, vẫn chưa tạo được cơ cấu hoạt động của giới trẻ tới các giáo xứ. Cha đã dò dẫm một cách thế mới: qui tụ các linh hoạt viên trên facebook, số người giao lưu lên đến trên 700, cả những bạn trẻ ở ngoài giáo phận và cả những người không là linh hoạt viên (cũng lắm linh hoạt viên không vào internet). Từ đó một số bạn trẻ Tp Qui Nhơn và phụ cận đã hẹn nhau gặp gỡ “Agape”, hai hoặc ba tháng một lần, số tham dự trồi sụt, có lần lên đến 150 nhưng cũng có lần chỉ được 20.

Về giáo lý viên, bảy năm qua chỉ có ba khóa đào tạo, mỗi khóa ba hoặc bốn ngày. Vẫn còn đó những khó khăn nhất định. Ban Giáo lý đã thực hiện bộ giáo trình theo tuổi, cả sách học sinh và sách thầy giáo, in đẹp, bán rẻ, nhưng việc dạy giáo lý tại các giáo xứ không dễ. Giáo lý viên nhiều người như bị “bắt cóc bỏ dĩa” nên không chuyên tâm và thiếu tính “chuyên nghiệp”, tỉ lệ các em đi học thì thưa thớt và không khí học tập uể oải. Liệu các lớp giáo lý như vậy có đủ sức trang bị cho các em một đức tin và một đức mến cần có?

Làm sao vượt qua được những khó khăn nói trên, để 20-30 năm nữa giáo xứ nào cũng không thiếu những người tâm huyết chăm lo từ việc kinh lễ ở nhà thờ, việc săn sóc người neo đơn, người già, người bệnh, việc dạy giáo lý và việc loan báo Tin mừng?

Những ngày gần đây, tại nhà Hưu dưỡng Tòa Giám mục Qui Nhơn, cha già Phaolô Trương Đắc Cần miệt mài luyện trí thao bằng cờ tướng, động não nhớ lại những nước cờ hay để nhờ đó mà phục hồi trí nhớ. Ngài cho biết chỉ mới nhớ được hơn hai phần ba... Nghị lực ấy chưa khiến tôi cảm phục cho bằng tấm lòng khiêm nhường của ngài. Ngài thận trọng tính từng nước cờ và gặp những ván cờ lâm vào thế bí, ngài thường thẳng thắn nhìn nhận mình thua trước khi đối phương kịp “chiếu tướng” khẳng định thế thắng.

Trước viễn cảnh thật mịt mù nói trên của “ván cờ mục vụ”, thiết tưởng chúng ta cũng nên bắt chước ngài, dám nhận mình đang yếu thế, dám đối mặt với sự thật, dám quyết liệt hỏi tại sao, để khiêm nhường nhận trách nhiệm trước mặt Chúa và để Chúa giúp gỡ bí xoay chuyển đảo ngược nước cờ.

Vâng, những cố gắng rời rạc của từng gia đình, từng giáo xứ, từng ban ngành, nếu cứ tiếp tục riêng rẽ mãi như xưa nay sẽ chẳng đi tới đâu. Mà ngay cả khi chúng ta hết sức yêu thương nhau, kết hợp thật chặt chẽ, hỗ trợ nhau từng chút cũng chưa hẳn đã lội ngược được dòng chảy của xã hội. Tuy nhiên “đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được” (Mt 19,26). Vâng, cuộc cờ của lịch sử đã đến lúc buộc chúng ta phải trở lại với đức tin, với ơn Chúa, qua Chúa Giêsu Thánh Thể và Mẹ Maria. Với tông huấn “Niềm vui của Tin mừng”, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi đi ra khỏi những lề lối cũ không còn hiệu năng, để xác tín lại tư cách thiêng liêng của chủng tộc được cứu chuộc (NvTm 268-274), gặp gỡ thân tình với tình yêu cứu dộ của Đức Giêsu (sđd 264-267), cùng với Đức Maria, Mẹ của công cuộc truyền giáo (sđd 284-288) cầu nguyện (sđd 281-283) và đặt mình dưới hoạt động mầu nhiệm của Đức Kitô Phục sinh và của Thánh Thần Ngài (sđd 275-280).

Cũng chính vì thế, Đức Giám mục chúng ta đã quyết tâm thực hiện đều khắp tại các giáo xứ trong Giáo phận hai hội đoàn Legio Mariae và Thiếu Nhi Thánh Thể. Legio Mariae hiện đã có tại khá nhiều giáo xứ, việc phổ cập không khó lắm. Còn Thiếu Nhi Thánh Thể chỉ mới có tại hai giáo xứ, việc thực hiện đều khắp và có thực chất không dễ. Do đó, ba ban mục vụ Giới Trẻ, Giáo Lý và Văn Hóa Giáo Dục đã liên kết xúc tiến thực hiện bước đầu: Tổ chức hai khóa học về Thiếu Nhi Thánh Thể trong mùa hè 2014.

Hai khóa học và việc thành lập đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể chẳng phải là đôi đũa thần. Chúng chỉ hữu hiệu nếu có sự hưởng ứng tích cực của quý Cha, quý tu sĩ nam nữ, quý chủng sinh, các anh chị em giáo lý viên, huynh trưởng và các phụ huynh. Hai khóa học không dừng ở một số kiến thức và kỹ năng chuyên môn nhưng để tất cả cùng rủ nhau yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, đến với Chúa để được Chúa nâng đỡ: “Hỡi những ai lao đao vác nặng, tất cả hãy đến với Ta, Ta sẽ bổ sức cho” (Mt 11). Điều quan trọng là tấm lòng của chúng ta đối với Chúa. Hãy đến với Chúa bằng tất cả xác tín. Bắt đầu từ chính mình, rồi đem các bạn trẻ đến với Chúa để chính Chúa đích thân đào tạo cho các em có đức tin và đức mến: “Cứ để trẻ em đến với Thầy” (Lc 18,16). Đem các bạn trẻ và các gia đình đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta sẽ nhận được sức sống mới cho gia đình, giáo xứ và Giáo phận thân yêu. Không nhiều thì ít, nhất định nỗ lực chung này sẽ đem lại kết quả. Rồi chúng ta sẽ có nhiều ơn gọi hơn, sẽ có nhiều bạn trẻ đi học xa sẵn lòng quay về phục vụ trong lòng Giáo phận, vì các em đã đi qua trường học của bí tích Tình yêu, của Chúa Giêsu Thánh Thể.  

Nguyện xin Lòng Thương xót Chúa an ủi chúng ta, ban đầy ánh sáng và sức mạnh của Thánh Thần, để chúng ta không nản lòng trước những bế tắc mà nền mục vụ bảo tồn lâu nay đã gây nên, để chúng ta lại phấn khởi háo hức lên đường, đi ra khỏi những thói quen cũ mòn và dấn thân theo ơn Chúa, lòng chất chứa “Niềm vui của Tin mừng”.

Lm. Gioan Phêrô Võ Tá Khánh
Tác giả bài viết: Lm. Gioan Phêrô Võ Tá Khánh
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 17
  • Hôm nay: 6562
  • Tháng hiện tại: 141023
  • Tổng lượt truy cập: 12285283