Trang mới   https://gpquinhon.org

Lễ Thánh Stêphanô Thể

Đăng lúc: Thứ tư - 11/11/2015 18:10



LỄ THÁNH STÊPHANÔ THỂ

(Kn 3,1-9; Rm 8,31b-39; Ga 12,24-26
)



Hôm nay chúng ta long trọng mừng lễ Thánh Stêphanô Thể, vị Giám mục thứ mười trong lịch sử hình thành và phát triển của giáo phận Qui Nhơn thân yêu. Thánh nhân đã để lại công sức vô cùng lớn lao và nhất là cái chết đầy anh dũng của Ngài hầu làm nảy nở những bông hạt đức tin trên quê hương chúng ta. Đó là hành trình hy sinh mỗi ngày vì tình yêu với Đức Kitô, một sự hy sinh như hạt lúa gieo vào lòng đất và chấp nhận mục nát như Lời Chúa đã nói với chúng ta trong Thánh Lễ hôm nay.

Vì tình yêu với Chúa Kitô, ngài đã hiến tế cuộc đời của ngài trong ơn gọi linh mục dù cho bước khởi đầu con đường học vấn của ngài gặp nhiều chông gai. Khi được thụ phong linh mục, có thể một tương lai tươi sáng đang chờ đợi ngài nơi chính quê hương. Nhưng không, ngài muốn hiện thực hóa ước mong lớn lao mà ngài hằng luôn ấp ủ khi còn là chủng sinh: được đi truyền giáo. Thánh Stêphanô đã từ bỏ tất cả để lên đường, đáp lại lời mời gọi của Thầy Chí Thánh Giêsu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15).

Một hành trình mới nhưng đầy gian khổ đang chờ ngài ở phía trước. Một phương trời xa xôi, một nền văn hóa mới lạ, một điều kiện sống khác thường, một cánh đồng truyền giáo mênh mông không làm nản chí bước chân của vị thừa sai nước Pháp. Sau những năm tháng truyền giáo tại Việt Nam và gặt hái được những thành công, ngài đã được tấn phong giám mục khi 32 tuổi. Ngài cai quản giáo phận Đàng Trong rộng lớn từ sông Gianh vào đến hết miền nam Việt Nam và gồm cả nước Campuchia ngày nay. Với tài lãnh đạo, với những sáng kiến, Thánh nhân đã để lại những công trình lớn lao, từ việc đào tạo hàng linh mục bản xứ, tổ chức và đào tạo các thầy giảng, chức việc đến việc mở đường truyền giáo sang vùng Tây Nguyên. Đối với các linh mục bản xứ, ngài quan tâm đến việc nâng cao kiến thức và nhân đức cho hàng giáo sĩ, mỗi năm ngài gởi cho các linh mục những bài học hỏi về tín lý, luân lý. Các cha sẽ viết bài và nộp trong kỳ tĩnh tâm hàng năm. Sau đó, chính Thánh nhân đọc, sửa bài và gửi thư nhắn nhủ cho từng linh mục. Đối với giáo hữu, ngài chủ trương rằng “phương pháp tốt nhất để đức tin của các giáo hữu vững vàng là đào tạo họ thành những tông đồ truyền giáo”.

Điều đáng nói là những công trình lớn lao đó đượcThánh nhân xây nên trong hoàn cảnh khó khăn và bi đát nhất. Các thừa sai có thể bị bắt và bị giết bất cứ lúc nào trong những cuộc bách đạo khốc liệt từ thời vua Minh Mạng, Thiệu Trị cho đến Tự Đức. Thánh nhân không bỏ cuộc, không trốn chạy nhưng tìm mọi cách để tiếp tục sứ mạng. Ngài ý thức được rằng: “Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói” (Lc 10,3) nhưng sức mạnh của Thiên Chúa đủ cho ngài. Thánh nhân như là một tông đồ Phaolô mới, giữa những thử thách vẫn có thể thốt lên: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo”? (Rm 8,35). Chính tình yêu đã làm phát sinh một sự gắn kết vững bền giữa Thánh nhân với Thiên Chúa và qua đó với đoàn chiên như cành nho kết hợp với thân nho để có kết quả là những hoa trái.

Trong cơn bách đạo, Giáo Hội Việt Nam nói chung và cách riêng là giáo phận chúng ta như đàn chiên bị thú dữ xâu xé nhưng vị mục tử nhân lành không bỏ chạy, trái lại đối diện với sự dữ để đem sức sống, sự bình an cho đoàn chiên. Trong những lúc nguy nan, Đức cha đã khuyên các thừa sai trong giáo phận di tản vào Sài Gòn, nhưng chính ngài tình nguyện ở lại, ngài đưa ra một phương châm bất hủ: “Dù chỉ còn một thừa sai chẳng làm được gì ngoài việc đọc kinh thần vụ, thì nguyên việc hiện diện của vị đó đủ để nâng đỡ niềm tin và sinh hoạt của tín hữu rồi”. Thánh nhân đã gầy dựng nên đoàn chiên, đã sống với đoàn chiên và cũng đã chết cho đoàn chiên. “Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Và đúng như vậy, ngài đã bị bắt, trải qua những ngày tháng ngục tù và cuối cùng chấp nhận cái chết cũng vì đoàn chiên.

Đó là đỉnh điểm cho tình yêu của Thánh Stêphanô dành cho Đức Kitô. Ngài không bị đổ máu mình ra như các vị tử đạo khác nhưng cả cuộc đời của ngài là bằng chứng hùng hồn cho một cuộc tử đạo anh dũng. Ngài đã trở nên như hạt lúa gieo vào lòng đất và chấp nhận mục nát từ từ để làm nảy sinh những bông hạt khác. Hạt giống đó đã được Thiên Chúa âm thầm gieo vào lòng đất không một ai biết trước. Hạt giống đó đã bị chôn vùi và mục nát trong những điều kiện khắc nghiệt nhất nơi cánh đồng truyền giáo Việt Nam, bởi những con người chưa tin, chưa biết Chúa, cùng với những khó khăn trăm bề trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Công sức, mồ hôi, nước mắt và cả máu của Thánh nhân đã thấm đượm trên quê hương chúng ta.

Kính thưa cộng đoàn,

Đến hôm nay, hạt giống mang tên Stêphanô Théodore Cuénot làm nảy nở biết bao những bông hạt khác là những tín hữu chúng ta. Ngài để lại cho các tín hữu Qui Nhơn một niềm tin quý giá cùng với một tình yêu sắc son, một sự tận tụy trong việc truyền giáo. Trong tư cách là Kitô hữu trong gia đình giáo hội hoàn vũ, chúng ta nhận ra sự sáng láng hiển vinh nơi vị Thánh đã được tôn phong vào ngày 18/6/1988. Trong tư cách là người công giáo của vùng Á đông này, chúng ta cảm nhận được lòng nhiệt thành của vị thừa sai nước Pháp. Còn trong tư cách là con chiên của giáo phận Qui Nhơn, chúng ta nhìn thấy ngời lên hình ảnh của người cha, của vị chủ chăn đầy khả kính và sống chết vì đoàn chiên. Tất cả những điều đó nhắn nhủ chúng ta tiếp nối con đường mà Đức Cha Stêphanô kính yêu đã đi vì lòng hiếu thảo và vì bổn phận của mình. “Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn” (Lc 12,48). Nói như thánh Vinh-Sơn thành Lérins (+ 445): “Thuở xưa, cha ông chúng ta đã gieo hạt giống đức tin trong thửa đất này của Hội Thánh: thật là vô cùng bất xứng và không xứng hợp, nếu chúng ta là con cháu các ngài, thay vì gặt lúa miến là chân lý đích thực, lại lượm cỏ lùng là sai lầm tai hại”.

Những kho tàng quý giá chúng ta nhận được và với những lời nhắn nhủ chân thành của các bậc thánh nhân, chúng ta phải trở nên là những hạt giống đức tin của thế hệ này để tiếp tục làm nảy sinh những hạt giống khác, và cứ như vậy tiếp nối nhau, cùng nhau hướng đến hạnh phúc quê trời.

Thân lạy Thánh Stêphanô,
Chúng con xin hết lòng tạ ơn Người
Vì mọi ơn lành Người đã làm cho chúng con.
Xin Người tiếp tục cầu cho chúng con,
Biết sống đức tin vững mạnh,
Biết sốt sắng tôn thờ phụng sự Chúa
Và yêu mến tha nhân.
Hầu sau khi trung thành noi gương quảng đại,
Và hy sinh của Người,
Chúng con được cùng Người,
Vui hưởng hạnh phúc muôn đời trên Thiên Đàng. Amen.
Tác giả bài viết: Lm.Giuse Phan Thế Vinh
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 21
  • Khách viếng thăm: 20
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 5523
  • Tháng hiện tại: 139984
  • Tổng lượt truy cập: 12284244