Trang mới   https://gpquinhon.org

Bài giảng lễ đêm giáng sinh tại nhà thờ chính toà Qui Nhơn

Đăng lúc: Thứ năm - 24/12/2015 18:02
LỄ ĐÊM GIÁNG SINH 2015
(Is 9,1-6; Tt 2,11-14; Lc 2,1-14)
+ ĐGM Matthêô Nguyễn Văn Khôi  
LỜI ĐẦU LỄ
 
Đêm nay, cùng với hàng tỷ người trên thế giới, chúng ta hân hoan và long trọng cử hành đại lễ mừng kính ngày Giáng sinh lần thứ 2015 của Đức Giêsu Kitô, trong khung cảnh Năm Thánh Lòng Thương Xót vừa được khai mạc trên qui mô Giáo Hội hoàn vũ vào ngày 08 và tại giáo phận Qui Nhơn chúng ta vào ngày 13 tháng 12 vừa qua.

Sau khi nguyên tổ loài người là ông Ađam và bà Eva sa ngã phạm tội, khiến cho nhân loại phải sống trong đau khổ lầm than, Thiên Chúa đầy lòng thương xót vẫn không bỏ rơi con người cho quyền lực của sự ác, nhưng đã ban cho họ lời hứa cứu độ. Khi thời gian tới hồi viên mãn, cách đây 2015 năm Thiên Chúa đã sai Con Ngài giáng trần để cứu độ nhân loại. Đó chính là Đức Giêsu Kitô. Người là khuôn mặt hữu hình của Thiên Chúa Cha đầy lòng thương xót, qua lời giảng dạy, cuộc sống và cái chết của Người.

Lễ Giáng sinh là dịp để mỗi người chúng ta chiêm ngắm khuôn mặt lòng thương xót ấy, để luôn sống trong niềm cậy trông phó thác vào Thiên Chúa, bất chấp mọi đau thương, khó khăn và thử thách của cuộc đời. Đồng thời đây cũng là dịp Thiên Chúa mời gọi chúng ta noi gương Đức Giêsu Kitô, để có lòng thương xót như Chúa Cha đối với những người bất hạnh xung quanh. Có như thế, đại lễ Giáng Sinh sẽ trở thành một điểm nhấn đặc biệt trong tiến trình tân Phúc Âm hóa đời sống xã hội mà Giáo Hội Việt Nam và cách riêng giáo phận Qui Nhơn chúng ta đang theo đuổi, một xã hội đang còn đầy dẫy những người sống trong đau khổ tuyệt vọng và những người có nhiều của cải trần gian nhưng không có niềm hy vọng về hạnh phúc vĩnh cửu trên trời.
 
 
 
BÀI GIẢNG
 
Hằng năm lễ Giáng Sinh là dịp để chúng ta cùng nhau suy niệm về mầu nhiệm của một vị Thiên Chúa đã chấp nhận từ bỏ cõi trời để đến với chúng ta trong kiếp phàm nhân, không phải chỉ để cứu chúng ta khỏi tội lỗi, mà còn để đồng hành với mỗi người chúng ta, chia sẻ cuộc sống của chúng ta và hướng dẫn chúng ta trên con đường dương thế như một chuyến lữ hành tiến về Nước Trời. Chúng ta hãy hướng về mầu nhiệm Giáng Sinh để tìm kiếm ánh sáng cho lộ trình mục vụ và truyền giáo mà giáo phận Qui Nhơn chúng ta đã chọn cho năm 2016: đó là "cậy trông và thương xót để tân Phúc Âm hóa đời sống xã hội".

Trong bài đọc I (Is 9,1-6), ngôn sứ Isaia đã viết: "Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. Chúa đã ban chứa chan niềm hoan hỷ, đã tăng thêm nỗi vui mừng" (Is 9,1-2a). Bóng tối mà ngôn sứ Isaia nói đến ở đây là cảnh sống lầm than đau khổ của dân Do thái nơi lưu đày. Lời ngôn sứ đã khơi dậy nơi họ một niềm trông cậy hướng về sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế như ánh sáng phá tan cảnh đời tăm tối ấy.

Ngày nay nhân loại cũng đang lần bước trong tối tăm do ánh sáng văn minh vật chất tạo ra, giống như người bị chóa mắt vì một ánh đèn pha không còn thấy gì nữa. Thực vậy, chúng ta đang sống trong một xã hội tự hào là văn minh. Đời sống vật chất của người dân ngày càng được nâng cao nhờ những tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật. Nhưng ánh sáng của văn minh vật chất lại làm cho con người lóa mắt không nhìn thấy mục đích tối hậu của cuộc sống con người trên dương thế. Người ta mù quáng chạy theo sự quyến rũ của văn hóa hưởng thụ chỉ biết tìm kiếm tiện nghi sang giàu trong hiện tại, mà không hướng lòng về hạnh phúc đích thực trong cuộc sống mai sau.

Trong cuộc chạy đua tìm kiếm của cải vật chất, chẳng những con người đánh mất khát vọng hạnh phúc Nước Trời, mà còn bị rơi vào vòng xoáy của cạnh tranh giành giật, của bất công xã hội, của hưởng thụ ích kỷ, khiến nhiều gia đình phải rơi vào cảnh sống lầm than khốn khổ, nhiều người phải sống vất vưởng bên lề xã hội, không có tương lai và cũng không có niềm hy vọng. Đó là một thứ bóng tối khủng khiếp đang phủ trên bao kiếp người. Những người này đang cần đến ánh sáng của mầu nhiệm Giáng Sinh, để nuôi dưỡng một niềm trông cậy khi thấy rằng Thiên Chúa đặc biệt bày tỏ lòng thương xót đối với họ, đến độ đã tự nguyện chia sẻ cuộc sống lầm than của họ qua hình ảnh một bé thơ nằm trong máng cỏ, như thánh Luca đã mô tả trong đoạn Tin Mừng hôm nay (Lc 2,1-14).

Lòng thương xót là cách độc đáo mà tình thương của Thiên Chúa được mạc khải và thực hiện để chống lại sự dữ trong thế gian. Trong tiếng La-tinh, lòng thương xót được gọi là misericordia. Trong chữ misericordia có chữ miseri là những người bất hạnh và chữ cor là trái tim. Thiên Chúa đã đặt trái tim của Ngài gắn liền với những người bất hạnh, để họ không còn cảm thấy cô đơn trong đau khổ, nhưng luôn có Chúa bên cạnh, và sự bất hạnh của họ bị tan biến trong trái tim đầy thương xót của Thiên Chúa.

Thiên Chúa là Đấng đầy lòng xót thương. Điều này trước tiên có nghĩa là Ngài  muốn trở thành một Thiên Chúa ở cùng chúng ta. "Emmanuel", "Thiên Chúa ở cùng chúng ta", đó là tên gọi của Ngôi Hai Thiên Chúa trong mầu nhiệm Giáng Sinh. Một Thiên Chúa không chỉ hiện hữu một mình trong cảnh vực thần linh, nhưng hiện diện với nhân loại trong trần gian bằng một lòng thương xót để chia sẻ những khổ đau của họ. Như vậy, Đức Giêsu chính là hiện thân lòng thương xót của Thiên Chúa được mạc khải trong Cựu Ước.
Thiên Chúa ở cùng chúng ta, liên đới với chúng ta. Điều này không có nghĩa là Người giải quyết hết mọi vấn đề của chúng ta, nhưng Người sẵn sàng cùng với chúng ta đi vào những vấn đề và những lo âu của chúng ta. Khi gọi Người là Emmanuel, chúng ta nhìn nhận rằng Người đã dấn thân sống trong sự liên đới với chúng ta, để chia sẻ cuộc sống của chúng ta, để cùng chúng ta chịu đựng mọi sự. Điều thực sự đáng giá đó là trong những lúc đau khổ có một ai đó ở với ta. Sự hiện diện của người nào đó quan tâm đến ta quan trọng hơn mọi lời khuyên và mọi hành động, vì việc ấy đòi họ phải tham dự vào sự yếu hèn của ta.

Trong bức thư thứ hai gửi các tín hữu Côrintô, thánh Phaolô đã viết: "Quả thật, anh em biết Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quí, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có" (2Cr 8,9).

Qua những dòng trên đây, thánh Phaolô đã cho thấy lý do của sự nghèo khó nơi Chúa Giêsu: đó là vì lòng thương xót đối với nhân loại, cách riêng đối với những người phải sống trong hoàn cảnh túng thiếu. Là một Ngôi Vị Thiên Chúa, chủ tể trời đất, Đức Giêsu đã tự nguyện sống cuộc sống khó nghèo từ lúc sinh ra cho đến lúc chết, để chia sẻ cuộc sống của người nghèo. Người thương người nghèo không phải theo kiểu của một người giàu hạ cố đem tiền của phân phát cho người nghèo, nhưng Người muốn trở thành một người như họ, thậm chí còn thiếu thốn hơn họ. Điều Người ban tặng cho họ còn cao trọng hơn bất kỳ một của cải vật chất nào, vì Người đã trao ban chính mình cho họ như ngôn sứ Isaia đã viết trong bài đọc I: "Một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta" (Is 9,5).

Qua mầu nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa cao cả đã trở thành nhỏ bé nơi con người của Đức Giêsu Kitô. Người đã chọn sinh ra trong một gia đình thuộc giới lao động, từ một người mẹ khiêm hạ tự nhận mình là nữ tì của Thiên Chúa. Người đã được sinh ra trong chuồng bò như một người vô gia cư. Những người đầu tiên được loan báo tin vui Giáng Sinh là những mục đồng hèn mọn. Dấu hiệu để họ nhận ra Người là một bé thơ nằm trong máng cỏ. Nhưng Người đẵ sẵn sàng chấp nhận tất cả, bởi vì chính Người đã muốn tự đồng hóa mình với những người bị loại trừ, bị khinh khi và hất hủi nhất trong xã hội. Người đã kêu gọi những người quê mùa dốt nát, thậm chí tội lỗi, làm môn đệ và tông đồ của Người. Người thường đi đến những nơi bị coi như vùng ngoại biên của xã hội để gặp gỡ những thành phần xã hội bị người Do thái đương thời coi khinh.

Từ tấm gương của Đức Giêsu, Đức Phanxicô đã nhắn nhủ mỗi người chúng ta bằng những lời sau đây trong tông sắc Misericordiae Vultus, số 15: "Trong Năm Thánh này, chúng ta trông đợi những trải nghiệm của việc mở lòng mình ra với những người đang sống bên rìa ngoài cùng của xã hội: chính cái xã hội hiện đại này tạo ra những vùng ngoại vi như thế. Có biết bao những tình huống bấp bênh và đau đớn trên thế giới hiện nay!... Chúng ta hãy mở to mắt và nhìn rõ sự đau khổ của thế giới, và những vết thương của những anh chị em chúng ta là những người đang bị từ chối phẩm giá của họ, và để cho chúng ta nhận ra rằng chúng ta bắt buộc phải chú ý đến tiếng kêu muốn được giúp đỡ của họ!"

Những người bé nhỏ thấp kém mà chúng ta cần phải bày tỏ lòng thương xót là những người có thân phận thấp kém trong xã hội, không được mọi người tôn trọng, những cô nhi quả phụ không nơi nương tựa, những người già không được con cháu chăm sóc, những người thiểu năng, tàn phế tật nguyền, những người nghiện ngập, những người lạc lõng bơ vơ nơi đất khách quê người, những người vô gia cư sống bên lề xã hội, những tù nhân, những nạn nhân của ức hiếp, nhân phẩm và quyền lợi của họ bị chà đạp, nhưng không thể lên tiếng nói, cũng không được ai che chở bênh vực trước pháp luật, v.v.

Kính chúc mọi người một đêm Giáng Sinh chan chứa niềm vui, một mùa Giáng Sinh đầy tràn ánh sáng và một Năm Thánh dồi dào ân sủng nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa, trong khi "trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Kitô Giêsu là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang", như lời thánh Phaolô đã viết cho ông Titô trong bài đọc II (Tt 2,11-14).
Tác giả bài viết: + Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 15
  • Khách viếng thăm: 12
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 3600
  • Tháng hiện tại: 130811
  • Tổng lượt truy cập: 12275071