Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật III Thường Niên C

Đăng lúc: Thứ tư - 20/01/2016 17:48
CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN – NĂM C

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Trên con đường hành trình đức tin, người Kitô hữu được nuôi dưỡng không chỉ nhờ vào Thánh Thể Chúa nhưng còn nhờ vào ngay chính Lời của Ngài. Vì thế, ý thức được tầm quan trọng của Lời Chúa, Công Đồng Vaticanô II đã dành nguyên Hiến chế Dei Verbum để nói về Lời Chúa. Trong đó, số 21 nói rõ : “Giáo hội luôn tôn kính Thánh Kinh như chính Thân Thể Chúa, nhất là trong Phụng Vụ Thánh, Giáo Hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu.” (DV 21)
Và hôm nay, trong Thánh Lễ Chúa Nhật III thường niên năm C, các bài đọc thánh mà Giáo Hội cho phép đọc lên như thể nói đến tầm quan trọng của Lời Chúa, và hơn nữa là một lời hướng dẫn, cũng như mời gọi con cái mình sống ý thức hơn với Lời Chúa.
“Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa ... Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành” (Ga 1,1-3). Và điều đăc biệt là : “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”(Ga 1,14). Ngôi Lời ấy chính là Đức Giêsu Kitô, Đấng được Thiên Chúa Cha gửi đến trần gian để loan truyền về Thiên Chúa Cha – Đấng giàu lòng xót thương. Vì thế, trong niềm tin về Thiên Chúa, chúng ta xác tín rằng mọi thứ chúng ta có được ngày hôm nay và ngay phút hiện tại này đều phát xuất từ tấm lòng bao dung của Thiên Chúa qua Lời của Ngài.
Bên cạnh đó, Chúa Giêsu đã nói : “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30), trong đó cuộc đời và con người của Chúa Giêsu, tất cả lại được nói lên trong Thánh Kinh. Do đó, để biết được Người Cha giàu lòng xót thương của chúng ta là Thiên Chúa Cha, không lẽ gì chúng ta không biết về con người của Chúa Giêsu. Cho nên, Thánh Kinh quả thật là cần thiết và quan trọng cho mỗi người Kitô hữu chúng ta – “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô”(Hieronimô). Mà hơn thế nữa, không biết Chúa Kitô là không có được sự sống đời đời làm gia nghiệp : “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6), “ai tin thì được sự sống đời đời”(Ga 6, 47).

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Vì là quan trọng và cần thiết cho cuộc hành trình đức tin của mỗi người Kitô hữu, do đó Kinh Thánh phải được gắn chặc với mỗi người chúng ta trong mọi biến cố cuộc sống. Thế nhưng đứng trước một cuộc sống xô bồ và thực dụng của nền kinh tế thị trường lớn mạnh về mặc công nghệ hôm nay; cuộc sống mà dường như con người không cảm nghiệm được chút thời gian rảnh rỗi để có thể chia sẻ, nói chuyện với nhau hay thậm chí cùng ăn với nhau một bữa cơm thân mật ngay chính trong gia đình của mình, thì làm sao có thể dành cho Chúa một thời giờ cần thiết để đọc và suy niệm Lời Chúa để rồi áp dụng vào cuộc sống hằng ngày. Quả thật, đây là một thách đố lớn cho những ai mang lấy sứ vụ làm người rao giảng Tin Mừng cho Chúa : Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy (x. Mt 28,19).
Như thế, một câu hỏi được đặt ra : Ai là người được mời gọi ra đi để làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy Chí Thánh Giêsu?
Qua Bí tích Rửa Tội, và nơi Bí tích ấy sẽ là câu trả lời cho từng người chúng ta. Được trở nên giống Chúa Kitô và mặc lấy Chúa Kitô cùng các sứ vụ của Ngài là : Tiên tri, Tư tế và Vương đế. Do đó, sứ vụ rao giảng sẽ không phải là một sứ vụ của riêng một ai mà là sứ vụ của toàn bộ Dân Thánh. Tức là của tất cả từng người Kitô hữu chúng ta.
Thế nhưng, Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực khôn ngoan do đó mà mỗi người sẽ được nhận lấy những nén vàng rao giảng khác nhau tùy theo khả năng. Bởi lẽ, “thưa anh em, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể” trong Đức Kitô. Và dĩ nhiên các chi thể không thể giống nhau về chức năng, tức là không cùng một thứ bộ phận (x. Bài đọc II).
Vì thế, sứ điệp Lời Chúa hôm nay một cách nào đó mời gọi tất cả chúng ta đều phải ra sức để làm cho Lời Chúa được lan tỏa. Bằng cách hãy chuyên cần đọc và học hỏi Lời Chúa như ông Étra, các thầy Lêvi và dân chúng (đàn ông, đàn bà, và tất cả các trẻ em đã tới tuổi khôn) ngày xưa đã làm mà chúng ta đã được nghe trong Bài đọc thứ I.
Hơn thế nữa, ví như Đức Giêsu Kitô, là phận Thiên Chúa nhưng Ngài cũng đã ra sức làm gương cho chúng ta trong việc quan trọng đó : “Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày Sabát, và đứng lên đọc Sách Thánh” (Lc 4, 16), thì lẽ gì mỗi người chúng ta không biết rập theo mẫu gương ấy.

Cộng đoàn phụng vụ thân mến,

Từ việc đọc và học hỏi Lời Chúa để đem áp dụng vào cuộc sống quả là một việc làm không đơn giản chút nào nếu không có ơn Chúa cùng với việc thấm nhuần Lời ấy trong tâm hồn. Vì chưng, “lòng có đầy, miệng mới nói ra” (Mt 12,31).
Quả thật, vì là một việc làm linh thánh, tức là Thiên Chúa dùng miệng lưỡi con người để nói lên sứ điệp của Ngài cho dân chúng hay Thiên Chúa đang ngỏ lời với con người. Vì thế, chúng ta cần phải xác tín rằng : con người không đủ sức để có thể làm việc đó. Và nếu có vinh phúc làm việc đó thì cũng do chính lòng xót thương của Thiên Chúa đã đoái thương nhìn đến phận tôi tớ hèn mọn. Cho nên, việc cử hành Lời Chúa là một việc của ơn Chúa : “khi ấy, được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giêsu trở về niềm Galilê,... rồi Người vào hội đường như Người vần quen làm trong ngày Sabát, và đứng lên đọc Sách Thánh.” (x. Lc 4,14-16)
Bên cạnh đó, mỗi người Kitô hữu được ví như là chi thể của Chúa Kitô là Đầu. Cho nên tự bản chất mỗi người được kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô, tức là được gắn chặt với Lời. Vì thế, thiết nghĩ mỗi người cần ý thức để sống xứng đáng với ơn huệ cao cả này. Bằng cách ôn lại các giờ kinh gia đình, một truyền thống đạo đức bình dân đang dần mất đi do những tác động của các trào lưu xã hội, cùng với việc lồng vào các giờ kinh đó những đoạn Lời Chúa. Và xin ơn Chúa để chính Ngài làm cho Lời ấy được thấm nhuần nơi tâm hồn của từng người, giúp mỗi người cảm nghiệm được Chúa muốn nói gì với mình và soi mình trong lời của Chúa. Từ đó, chính Lời Chúa sẽ giúp mỗi người được hoán cải, và rồi có thể tác động đến những người xung quanh : “toàn dân đều khóc khi nghe lời sách Luật”(Nkm 8,9).
Lạy Chúa, xin cho con xác tín rằng : “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119,105). Amen.


 
Tác giả bài viết: Lm. Luy Hồ Trọng Hưng
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 33
  • Hôm nay: 3143
  • Tháng hiện tại: 133265
  • Tổng lượt truy cập: 12277525