Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật XI Thường Niên

Đăng lúc: Thứ năm - 11/06/2015 18:40
CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN
Hạt Giống Âm Thầm

(Ed 17,22-24; 2Cr 5,6-10; Mc 4, 26-34)



Một hôm, Cha Petitjean đến giảng đạo tại Nagasaki cho một số đông người Nhật. Nghĩ rằng họ đều là người ngoại giáo, nên sau bài giảng, Cha tươi cười hỏi:
-    Anh em có thắc mắc gì không?
-    Một người đưa tay đặt câu hỏi:
-    Chúng tôi muốn được hỏi ông ba điều, yêu cầu ông trả lời có hay không? Câu hỏi thứ nhất, các ông có tin Đức Mẹ đồng trinh không?
-    Có.
-    Câu hỏi thứ hai: Các ông có vâng lời và hiệp thông với Đức Giáo Hoàng không?
-    Có.
-    Câu hỏi thứ ba: Là linh mục, các ông có giữ mình khiết tịnh và sống độc thân không?
-    Có.
-    Vậy thì mấy trăm người chúng tôi đây với ông là đồng đạo. Chúng tôi là người Công giáo cả.
Cha Petitjean bàng hoàng như từ cung trăng rơi xuống. Rồi Cha con vui mừng ôm cổ nhau. Nhà truyền giáo hỏi:  Bấy lâu nay, có ai giảng dạy cho anh em không?
- Thưa Cha, không có ai suốt hai thế kỷ rồi! Đó là nhờ ông bà tổ tiên chúng con truyền lại, rồi chúng con âm thầm cầu nguyện, dạy giáo lý cho con em, đoàn kết đùm bọc nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ông bà chúng con trước khi chết có nhắn nhủ: Sau này có ai đến giảng đạo, hãy cảnh giác, phải lấy ba tiêu chuẩn ấy mà nhận xem họ có phải là các cha đích thực, là người của Hội Thánh sai đến không.
Kể từ đó, Giáo Hội Nhật Bản được tái sinh sau 200 năm cấm đạo. Hạt giống Lời Chúa đã được gieo vào lòng đất Nhật Bản từ 200 năm trước vẫn âm thầm nẩy mầm, mọc lên và sinh hoa kết quả.

Sự kiện lịch sử này đưa chúng ta đến hai dụ ngôn về hạt giống trong Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu nói: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện người gieo giống trong đồng ruộng. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên bằng cách nào, thì người ấy không biết”. “Nước Thiên Chúa cũng giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên thế giới. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng”.

Hai dụ ngôn đều cho ta thấy đây là Nước của Thiên Chúa, chứ không phải nước của con người, nên hạt giống Nước ấy lớn lên và sinh hoa kết quả là do sức tăng trưởng nội tại của mình, do quyền năng của Thiên Chúa chứ không do tài sức của con người. Và vì thế, chắc chắn kết quả chung cuộc sẽ lớn lao bất ngờ hơn so với hạt giống bé nhỏ ban đầu.

Có những loài phong lan ủ rễ trong lòng đất hàng chục năm trước khi nở ra những cành lá xanh và bông hoa xinh đẹp, quý hiếm. Cũng như bộ rễ của cây to thường phát triển chậm, nhưng có thể mọc xuyên qua vách đá hoặc xi măng, không có gì có thể ngăn cản nó nổi. Cũng vậy, Nước Thiên Chúa có thể tăng trưởng chậm, lâu dài và âm thầm. Loài người có thể không nhận ra sự tăng trưởng của Nước ấy, nhưng chắc chắn Nước của Thiên Chúa vẫn luôn tăng trưởng không ngừng, âm thầm nhưng mãnh liệt, không có gì có thể ngăn cản được. Nước của Thiên Chúa vẫn luôn phát triển cả bề trong lẫn bề ngoài, cả chất lượng lẫn số lượng. Nước Thiên Chúa hôm nay vẫn chỉ nhỏ bé, nhưng Thiên Chúa đang làm cho Nước ấy lớn lên, trở thành nơi nương náu cho mọi dân tộc.

Trong lịch công giáo của Giáo Phận Qui Nhơn, giáo huấn số 29 với chủ đề Chiếu tỏa niềm tin khi vươn tới tha nhân có viết: Nước Trời là “điểm đến”, là cứu cánh của công cuộc cứu độ bắt nguồn từ ý định yêu thương của Thiên Chúa, được chính Chúa Kitô thực hiện và sẽ thành tựu nhờ Chúa Thánh Thần vào ngày cánh chung. Mầu nhiệm Nước Trời đó đang khởi sự ngay trong thế giới này qua dấu chỉ của “một cuộc sống xứng đáng và sung mãn”. Tuy nhiên, để điều đó trở thành hiện thực, trong tông huấn niềm vui Tin Mừng, số 9, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta cần ra đi đến với người khác vì lợi ích của họ:

 “Nếu chúng ta muốn có một cuộc sống xứng đáng và sung mãn, chúng ta phải vươn ra tới người khác và mưu cầu lợi ích cho họ. Hiểu theo nghĩa này, một số câu nói của Thánh Phaolô sẽ không làm chúng ta ngạc nhiên: “Tình yêu của Đức Kitô thúc bách tôi” (Cr.5,14); “Vô phúc cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”(1Cr.9,16).

Theo lời Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi, người tín hữu hãy mạnh dạn tiến bước, bền chí lên đường đi gieo vãi hạt giống Lời Chúa. Trong lịch sử Giáo Hội, có nhiều tấm gương sáng ngời cho chúng ta noi theo. Có những nhà truyền giáo rời bỏ quê hương để đi đến những nơi xa xôi hẻo lánh rao giảng Tin Mừng như Thánh  Phanxicô Xaviê. Cũng có những chứng nhân dâng cả cuộc đời hy sinh và đau khổ của mình để cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo như Thánh Nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Nhưng cũng có những mẫu gương âm thầm hiện diện và chia sẻ với những người nghèo khổ như Charles de Foucauld.

Âm thầm hiện diện nhưng vẫn có thể chiếu sáng niềm tin yêu hy vọng: đó là mẫu người tín hữu mà Giáo hội tại Việt Nam đang cần hơn bao giờ hết. Tại nhiều giáo xứ, một trong những hội đoàn hoạt động rất hiệu quả cho công việc truyền giáo đó là hội đoàn Lêgiô Mariae. Những anh chị em Lêgiô Mariae đã âm thầm dâng những lời kinh nguyện của Lêgiô, tự nguyện làm chiến sĩ của Đức Mẹ, lặng lẽ dấn thân đến những nơi đầy khó khăn, nguy hiểm để làm công việc của người gieo giống. Đêm hay ngày, dù ngủ hay thức, hạt giống vẫn nảy mầm và mọc lên bằng cách nào, thì người Lêgiô cũng không biết, chỉ biết rằng: “Tôi trồng, Apolo tưới, còn Thiên Chúa mới làm cho mọc lên” (1Cr.3,6). Thật ra, những công việc anh chị em Lêgiô làm nhìn bên ngoài không có gì nổi bậc cả, có làm được điều gì, anh chị em cũng không được phép huênh hoang tự đắc. Thế nhưng, những việc âm thầm mà anh chị em Lêgiô làm thường đem lại những kết quả rất bất ngờ, đem lại những mùa gặt bội thu. Mỗi hội viên Lêgiô có lẽ cũng tâm niệm rằng: Tôi chỉ góp phần rất bé nhỏ, còn chính Thiên Chúa mới làm cho hạt giống Nước Chúa lớn lên theo cách của Thiên Chúa. Có khi chính trong lúc ta tưởng chừng như thất bại lại là lúc hạt giống đang nẩy mầm dưới lòng đất, chỉ chờ thời gian phát triển thành cây lớn mạnh bất ngờ - như Giáo Hội Nhật Bản đã phải trải qua 200 năm âm thầm và kiên nhẫn chờ đợi ngày tái sinh. Điều đó cho ta thấy, Chúa thường làm nên những việc kỳ diệu lớn lao bắt đầu từ sự khiêm tốn nhỏ bé của con người.

Vì thế, mỗi chúng ta đừng bao giờ ngại phải hy sinh cho Chúa, cho Giáo Hội, chúng ta đừng ngại vì mình ít khả năng, mình ít học, mình nghèo khổ, mình thiếu hiểu biết, mình tội lỗi quá nhiều. Đối với Chúa những điều đó không quan trọng, Chúa chỉ cần ở nơi chúng ta tấm lòng: một tấm lòng nhiệt thành, một tấm lòng yêu mến Chúa, yêu mến Giáo hội. Hằng ngày, mỗi lời cầu nguyện của chúng ta dâng, mỗi việc bái ái chúng ta làm, mỗi cử chỉ yêu thương chúng ta thực hiện cho tha nhân đều có giá trị vô cùng lớn lao trước mặt Chúa và những điều đó rất cần cho các linh hồn. Vì thế, chúng ta hãy mạnh dạn, can đảm theo gương Chúa để làm người gieo giống, gieo những hạt giống Lời Chúa và với quyền năng của Chúa, chúng ta tin những hạt giống ấy sẽ âm thầm mọc lên, sẽ sinh hoa kết quả dồi dào, đợi chờ một mùa bội thu trong ngày tận cùng của thế giới.

Chớ gì, xin Chúa giúp chúng ta ghi nhớ sứ điệp Lời Chúa hôm nay để tích cực xây dựng Nước Trời ngay từ cuộc sống trần gian này. Amen.
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Bá Trung
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 95
  • Khách viếng thăm: 47
  • Máy chủ tìm kiếm: 48
  • Hôm nay: 14555
  • Tháng hiện tại: 24106
  • Tổng lượt truy cập: 12313818