Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật XIII Thường Niên

Đăng lúc: Thứ tư - 24/06/2015 18:46
CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN
 

Khi tội lỗi đã vào thế gian, đau khổ và sự chết như là một định mệnh đối với con người. Chính trong hoàn cảnh bi thảm đó, chúng ta được một niềm an ủi lớn lao khi nghe lời mời gọi tha thiết của Chúa: "Tất cả những ai đang vất vả mang gáng nặng nề, hãy đến cùng tôi, ..."(Mt 11, 28a) hay " Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian"(Ga 16, 33). Vâng, nếu ai chạy đến với Chúa, với lòng tin, với thành tâm thiện chí, Chúa sẵn sàng thi thố quyền năng và lòng nhân hậu của Người. Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su chấp nhận bỏ lỡ chương trình của mình để đi với ông Giai-rô, vui lòng đáp ứng khát mong của ông. Chúa Giê-su chấp nhận những thua thiệt, những hy sinh về thể chất và tinh thần để thi ân giáng phúc. Đặc biệt, Lời Chúa hôm nay cho thấy: Chúa là Đấng chữa lành và ban sự sống. Phép lạ chữa lành cũng được tìm thấy trong Cựu Ước, nơi sách Các Vua quyển thứ nhất và thứ hai, được thực hiện bởi ngôn sứ Ê-li-a và Ê-li-sha. Nhưng ở đây có Đấng hơn cả Ê-li-a, Ê-li-sha cũng như các ngôn sứ thời cánh chung. Như thế, có một cái gì lớn hơn chứ không phải chỉ là tường thuật về phép lạ. Phải chăng đó là Đấng ban sự sống, đó là đức tin, đó là sự sống lại của chúng ta? Những người tin vào Chúa Giê-su không còn nói về một cái chết nghiệt ngã, nhưng về một sự sống.

Trong thất vọng, Chúa Giê-su động viên: "...đừng sợ, chỉ cần tin thôi". Chúa Giê-su đã không đến quá trễ, mặc dầu đối với con người tưởng chừng như không thể cứu vãn được nữa. Người ta đã thốt lên cách buồn khổ, đắng cay: "Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?". Con gái của ông Giai-rô trước mắt mọi người xem như đã chết, đã có những tiếng ồn ào kêu la như một nghi thức để xua đuổi ma quỷ không cho nó chiếm hữu linh hồn người chết. Nhưng đối với Chúa Giê-su, em bé ở đây chỉ  ngủ chứ không chết. Phải chăng đây là cái nhìn từ viễn cảnh cánh chung Phục Sinh, dẫn đến tương đối hóa sự chết? Sự chết không là tiếng nói cuối cùng, không là dấu chấm hết cho hành trình dương thế. Giữa những đau thương vẫn chứa chan niềm hy vọng. Giữa cảnh hoang tàn của chết chóc vẫn nhú lên mầm của sự sống. Thế nhưng, trong thực tế, người ta vẫn thấy: Có nhiều người gặp phải khủng hoảng, khi họ cầu xin mà không được nhậm lời, hoặc họ thấy cảnh đời oan trái dường như vắng bóng Thiên Chúa, họ đâm ra thất vọng chán chường. Chính giữa tình trạng bi đát nầy, người ta cần nhìn vào Chúa Giê-su. Người đã mở một lối ra và một con đường cứu thoát. Khi Ngài nói:"Ta bảo con: ... chổi dậy đi", làm chúng ta nhớ lại lịch sử sáng tạo: Thiên Chúa đã phán và đã tạo dựng. Hôm nay Đức Giê-su nói: "Ta li ta kum" một mặt như là một câu thần chú ma thuật đối với những Ki-tô hữu gốc Hy-lạp, mặt khác biểu thị lời quyền năng của Chúa. Máu biểu trưng cho sự sống, Người đàn bà bị băng huyết xem như sức sống ngày càng cạn kiệt. Bà được chữa lành như là sự sống được ban trở lại.

Chúng ta hôm nay tin vào một cuộc sống mới được tạo dựng từ cái chết và phục sinh của Chúa Ki-tô. Chúng ta vui mừng đi vào bàn tiệc Nước Trời và sẽ ăn như con gái của Giai-rô. Người con gái nầy tưởng như đã chết nay được cứu sống, được chứng kiến bởi các môn đệ Chúa gọi đầu tiên, có tên trong danh sách 12 tông đồ, chứng kiến phép lạ đầu tiên của Chúa Giê-su, những nhân chứng duy nhất của biến cố hiển dung, những người đồng hành duy nhất với Chúa đến vườn Giết-sê-ma-ni và là những chứng nhân cũng như rao truyền Chúa Phục Sinh, rao truyền một sự sống mới - sự sống vĩnh cửu.

Sự sống mới nầy chỉ được trao ban cho những ai có lòng tin. Quả thế, đức tin đòi hỏi một nỗ lực, một chấp nhận, một vượt thắng, cho dẫu vẫn biết: Đức tin là một ân ban nhưng không. Ông trưởng hội đường đã khiêm nhường sụp lạy và van xin. Người đàn bà bị băng huyết nhiều năm, chắc đã tiều tụy lắm rồi, yếu mệt lắm rồi, nhưng lại ra đi chen lấn giữa đám đông và vượt qua mọi rào cản của lề luật để có thể đụng vào gấu áo của Chúa. Hoại huyết không chỉ là vấn đề y khoa mà còn mang chiều kích tế tự và tôn giáo: Người bị băng huyết không được đụng đến người khác, không được tham dự nghi lễ ở đền thờ. Vì thế, bà muốn đến gần Chúa nhưng cần giữ khoảng cách, vì bà bị ô uế. Bà đến gần để có thể đụng gấu áo của Chúa, cái đụng cố ý, đụng lén như sợ bị bắt quả tang, nhưng đủ để được Chúa chữa lành. Sự chữa lành bởi một sức mạnh tràn đầy và tự động ban cho những ai biết vượt qua trở ngại để đến với một lòng tín thành.

Trong đời sống Ki-tô hữu, chúng ta đã nhiều lần đụng vào Chúa. Chúng ta cần đụng đến Ðức Giêsu mỗi ngày và chúng ta cũng cần được Người đụng đến. Cần có lòng tin khi đụng vào Chúa Giê-su. Cần nhạy cảm để nhận ra cái đụng nhẹ của Người. Khi đụng vào Thân Mình Chúa nơi bí tích Thánh Thể, chúng ta được mời gọi đụng đến nỗi khổ của anh em, là những chi thể của Nhiệm Thể Người. Khi đụng đến Lời Chúa nơi những trang Tin Mừng, chúng ta được mời gọi chạm đến Lời Chúa nơi mọi biến cố. Với tất cả lòng thành, chúng ta để Chúa đụng đến, đời chúng ta sẽ đổi mới.

Xin được kết thúc với lời phỏng dịch một bài thơ của Lothar Zenetti:
"Khi tôi chết, người ta sẽ chôn tôi trong lòng đất. Khi tôi bị lạc mất và bị bỏ rơi, Chúa giữ tôi trong cánh tay của Ngài. Khi tôi bị bỏ rơi và bị quên lãng, Chúa sẽ gọi tên tôi. Khi tôi bị quên lãng và bị đánh mất, Chúa giấu tôi trong lòng thành tín của Người".


 
Tác giả bài viết: Lm. Anrê Đoàn Văn Điểm
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 75
  • Khách viếng thăm: 62
  • Máy chủ tìm kiếm: 13
  • Hôm nay: 32448
  • Tháng hiện tại: 85549
  • Tổng lượt truy cập: 12375261