Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật XXIII Thường Niên

Đăng lúc: Thứ tư - 03/09/2014 18:55
CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN A
Mt 18, 15-20



Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Việc sửa lỗi anh chị em là một việc cần thiết để giúp người anh chị em sống tốt hơn. Nhưng việc sửa lỗi anh chị em cũng là việc mà con người thường hay vấp phạm nhiều nhất.

Trước hết việc sửa lỗi anh chị em là việc cần thiết để giúp người anh chị em sai lỗi biết sửa sai và sám hối. Tuy nhiên đó là việc rất khó khăn và tế nhị. Chúng ta cần tiến hành sửa sai như thế nào cho hợp thánh ý Chúa? Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta cách thức sửa sai một người anh chị em đã trót phạm tội (phạm tội cách công khai rõ ràng), theo từng bước khác nhau.

Bước thứ nhất, gặp trực tiếp một mình mình với người đó. Việc gặp gỡ thân tình cá nhân giữa hai người dễ dàng hai bên cởi mở và đón nhận lời góp ý chân thành.
Nếu bước một không hiệu quả thì sang bước hai. Đó là đem theo một hoặc hai người nữa, là những người có uy tín và dựa vào căn cứ của hai hay ba nhân chứng mà người anh em dễ dàng nhận ra khuyết điểm và sửa lỗi.

Nếu bước hai không được thì hãy đưa ra cộng đồng. Và nếu tại cồng đồng mà họ cũng cố chấp không sửa lỗi thì hãy phó thác cho Thiên Chúa nghĩa là hãy cầu nguyện cho người anh em sớm nhận ra lỗi lầm.

Tuy việc sửa lỗi anh chị em là việc tốt nên làm nhưng cũng là việc mà con người thường hay vấp phạm nhiều nhất. Bởi vì nếu không cẩn thận thì việc nhắc đến lỗi lầm của người khác sẽ mang tội nói hành nói xấu, hoặc là tội vu khống, xuyên tạc sự thật. Đây là những tội gây ra đau khổ và bất công cho tha nhân nhiều nhất, nhưng thường ẩn nấp dưới lớp vỏ bọc tốt lành là có ý tốt với người sai lỗi.

Điều này xảy ra là bởi vì thường chúng ta không theo các bước mà Chúa Giêsu đã dạy khi cần góp ý sửa lỗi người khác. Chúng ta thường không góp ý trực tiếp với người sai lỗi và lấy lí do là đó là việc tế nhị, việc khó nói và sợ không dám góp ý trực tiếp. Nếu chúng ta không góp ý trực tiếp mà đi kể cho người đầu trên xóm dưới nghe thì đó là tội nói hành nói xấu. Nói sau lưng thì không phải là góp ý mà bêu xấu người khác. Đây là tội mà nhiều người thường vấp phạm khi chúng ta thích kể tội người khác và gián tiếp tự nâng mình lên cho mình là trong sạch và chỉ có người khác là tội lỗi thôi “hãy lấy cái đà trong mắt anh trước rồi mới lấy cái rác trong mắt người anh em” “ai tự nâng mình lên thì sẽ bị hạ xuống”.

Và nếu việc nói xấu sau lưng này là việc mà chính chúng ta không nhìn thấy, ví dụ như chỉ nghe kể lại, hay không chắc chắn sự thật đã xảy ra và chỉ là phỏng đoán hoặc chỉ có một phần sự thật còn lại là do thêm thắc thì chúng ta mang thêm tội vu khống, xuyên tạc sự thật.

Để rõ hơn về vấn đề góp ý sửa sai như Chúa đã dạy và tránh tội nói hành nói xấu, vu khống, xuyên tạc, chúng ta cùng tìm hiểu câu chuyện của nhà hiền triết Socrates sau đây.

Thời Hilạp cổ đại, triết gia Socrates là một người nổi tiếng về sự thông thái khôn ngoan và được nhiều người ngưỡng mộ.
Một hôm có một người quen đến nói thì thầm vào tai ông rằng : “Ông có biết chuyện gì mới xảy ra cho ông bạn thân của ông hay không ?”.
- Socrates liền nói : “Khoan đã. Trước khi nghe ông kể câu chuyện đó, tôi muốn ông cùng với tôi xem xét để sàng lọc ba bước về câu chuyện đó đã”.
- Người kia hỏi lại : “Xem xét để sàng lọc ư ?”.
- Socrates đáp: “Đúng vậy. Bước sàng lọc thứ nhất là XÉT VỀ SỰ THẬT : Ông có cam đoan với tôi rằng những gì ông sắp nói ra về ông bạn thân của tôi hoàn toàn chính xác hay không ?”.
- Người kia trả lời : “Không chắc lắm. Thật ra tôi chỉ được nghe người khác thuật lại mà thôi”. 
- Socrates liền nói : “Được rồi. Bây giờ qua bước sàng lọc thứ hai là XÉT VỀ THIỆN Ý: Điều ông sắp nói ra với tôi có phải là điều tốt đáng biểu dương không ?”. 
- Người kia trả lời : “Không phải điều tốt, mà còn ngược lại !”.
- Socrates tiếp tục : “Như vậy là ông đang định nói một điều không tốt về người bạn thân của tôi. Nhưng ông lại không chắc điều đó có phải là sự thật hay không. Bây giờ là bước sàng lọc cuối cùng là XÉT VỀ ÍCH LỢI : Câu chuyện ông sắp nói với tôi có mang lại lợi ích gì cho tôi không ?”
- Người kia đáp : “Không. Thực sự là không !”.
- Bấy giờ Socrates mới ôn tồn kết luận như sau : “Vậy thì những điều ông muốn nói với tôi không phải là sự thật, không phải là điều tốt đáng biểu dương, và cũng chẳng đem lại lợi ích gì cho tôi. Thế thì ông nói nó ra với tôi làm chi?”.

Kính thưa cộng đoàn,

Qua những bước Chúa Giêsu dạy chúng ta góp ý sửa lỗi người khác và câu chuyện của nhà hiền triết Socrates về việc nói xấu người khác, chúng ta thấy giữa việc góp ý và việc nói xấu có ranh giới mong manh. Vì thế những điểm quan trọng chúng ta cần lưu ý khi thực hiện việc sửa lỗi anh chị em mình, đó là:

- Cần phải xác định tính chính xác của lỗi phạm anh chị em. Lỗi phạm đó là công khai và có bằng chứng xác thực, chứ không phải chỉ là phỏng đoán và tin đồn.
- Cần góp ý trực tiếp với người sai lỗi dù là thực hiện ở bước nào như Chúa Giêsu đã dạy thì cũng là góp ý trực tiếp chứ không qua trung gian người khác, hoặc là nói xấu sau lưng. Nếu chúng ta không đủ can đảm để góp ý trực tiếp thì hãy âm thầm cầu nguyện cho người anh chị em.
- Lời góp ý sửa sai phải nhẹ nhàng, tế nhị và đầy thông cảm vị tha.
- Lời góp ý sửa sai không phải là lời lên án và kết tội người khác, nhưng là lời yêu thương và mong muốn điều tốt thật sự cho người anh chị em, chứ không phải điều tốt giả hình.

Xin Chúa cho chúng ta luôn biết đề phòng cảnh giác trước những lỗi phạm mà chúng ta hay gặp phải để trong mọi việc chúng ta làm đều là làm sáng danh Chúa và mang lại điều tốt lành cho anh chị em. Amen.
Tác giả bài viết: Lm Giuse Nguyễn Đức Minh
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 9
  • Khách viếng thăm: 6
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 3600
  • Tháng hiện tại: 131129
  • Tổng lượt truy cập: 12275389