Trang mới   https://gpquinhon.org

Trên con đường đầy những đám ma

Đăng lúc: Thứ bảy - 04/06/2016 20:30
TRÊN CON ĐƯỜNG ĐẦY NHỮNG ĐÁM MA
(CHÚA NHẬT 10 THƯỜNG NIÊN - NĂM C 2016)
 

          Trên mỗi một chặng đường dài thăm thẳm của kiếp nhân sinh, của mỗi cuộc đời, đều có những “điểm giao lộ”, những cuộc hạnh ngộ lạ lùng, để có thể tạo nên một khúc quanh, một cuộc bẻ ngoặc đổi thay vận mệnh cuộc đời.
          Con đường từ thành Na-im đi tới nghĩa trang của chàng thanh niên với thân xác bất động và hồn đã lìa xa, con trai một phụ nữ góa chống, tưởng đâu sẽ tới cửa ải cuối cùng là ngôi huyệt mộ ; nhưng cũng ngay trên con đường vẳng tiếng khóc ai oán của người phụ nữ khóc con đó, từ chiều đối diện, một nguồn sự sống đang tới. Và rồi, cuộc hạnh ngộ đã xảy ra. Con đường dẫn tới sự chết đã ngưng lại, tiếng khóc của người mẹ góa đã đổi thành tiếng cười vui hạnh phúc, và thân xác bất động đang chết của chàng thanh niên đã chỗi dậy và đứng lên chào mừng sự sống.
          Giả thử, nếu không có cuộc hạnh ngộ nầy, cuộc gặp gỡ với Vị Thầy Giêsu người Na-da-rét, không biết cuộc đời của người phụ nữ góa chồng lại mất con đó rồi sẽ ra sao ? Có một điều chắc chắn là chàng thanh niên kia sẽ không còn có thời gian để vui hưởng niềm hạnh phúc ít ỏi của tuối đời trai trẻ mà sẽ nằm im và mục nát trong huyệt mộ nghìn thu.
          Trong cái nhìn đức tin và lịch sử cứu độ, không có chuyện chi được xem là tình cờ. Từ cuộc gặp gỡ với một Đấng vô hình để theo tiếng gọi mà ra đi mà không biết mình đi đâu, Abraham đã trở thành Tổ phụ của một dân và là Dân ưu tuyển. Cuộc gặp gỡ của nàng công chúa trong triều đình Pharaô với chiếc thúng đang trôi theo dòng sông trong đó có một đứa bé Do Thái mà sau đó mấy chục năm, nhân loại đã có một Mô-sê, một nhà giải phóng vĩ đại của Ít-ra-en và là biểu tượng uy hùng nhất cho công cuộc giải thoát thân phận nô lệ của con người.
          Hay như trích đoạn sách Các Vua trong BĐ 1 hôm nay, nếu bà góa ở Sarepta nhỏ nhen và ích kỷ, đóng cửa đuổi xua “người của Thiên Chúa” là ngôn sứ Êlia, thì chắc chắn “hủ bột và bình dầu” của bà  đã cạn từ lâu và bà đã chết khô trong cơn đại hạn ; và hơn thế nữa, đứa con trai của bà cũng đã ra người thiên cổ khi tuổi đời còn ở ngưỡng cửa thiếu nhi !
          Cũng y như thế, lời tường thuật hôm nay của trích thư Galat, Thánh Phaolô đã bộc bạch về ơn gọi và sứ mệnh của mình, một ơn gọi đã khởi sự trên con đường Đamát thuở nào, một cuộc gặp gỡ để bị luồng ánh sáng đánh cho mù mắt và ngã ngựa. Chắc chắn, nếu không có cuộc “chạm trán nẩy lửa” nầy, Ki-tô giáo làm sao có được một “Tông đồ dân ngoại” lừng danh, và chàng thanh niên đó, mãi mãi cũng chỉ là một Saolô vô danh tiểu tốt hung tàn, khát máu qua đi như bao nhiêu con người cuồng tín khác trong lịch sử loài người…
          Suốt chiều dài của lịch sử cứu độ, từng trang Thánh Kinh xuyên suốt từ Cựu ước sang Tân ước, gần như đều là những chuyện kể, những giai thoại, những hồi ức…về những cuộc “chạm trán” giữa Thiên Chúa và con người.
          Chắc chắn, nếu không có cuộc hạnh ngộ của sứ thần Gabrien thì phải chăng cô nàng Maria ở Nadaret rồi cũng đã tan thành tro bụi với thời gian để chẳng một ai trên thế giới nầy biết cô là ai và đã làm gì ! Cũng vậy, nếu các anh dân chài ở bờ hồ Ti-bê-ri-át không gặp được “người thợ mộc đến từ Na-da-rét” cùng với tiếng gọi “ta sẽ biến các anh thành những tay chài người”, thì e rằng cái đạo Ki-tô cũng đã chẳng xuất hiện và phát triển trên toàn thế giới cho đến hôm nay. Giakêu cũng vẫn là một tên thu thuế tham lam và ích kỷ nếu anh ta không chịu đi ra khỏi nhà và leo lên một cây sung để bắt gặp cho được ánh mắt của Thầy Giêsu ; và cô Mai-đệ-liên mãi mãi chỉ là cô gái điếm thảm thương nếu không chịu can đảm đến gặp cho được vị Thầy nhân ái để nhỏ những giọt nước mắt sám hối ăn năn…Ôi còn biết bao nhiêu cuộc hạnh ngộ để đời !
          Vâng, Thiên Chúa luôn có những cuộc hành trình đi ngược đường với mỗi một cuộc đời để làm nên những điều kỳ diệu mà rất nhiều khi không ai có thể biết trước và sẽ như thế nào.
          Tuy nhiên, có một điều chắc chắn, tất cả đều không là chuyện tình cờ, mà là cả một chương trình của tình thương cứu độ, tình thương tha thứ, tình thương an ủi, tình thương giải thoát…như cách cảm nhận của ngôn sứ Giêrêmia : “Trước khi ngươi hình thành trong dạ mẹ, ta đã biết ngươi ; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, ta đã thánh hóa ngươi…” (Gr 1,5) ; đó cũng điều Thánh Phaolô đã xác tín : “Nhưng Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong bụng mẹ, và đã gọi tôi nờ ân sủng của Người” (Gl 1,15).
          Nhưng chúng ta cũng đừng quên, đã có biết bao con người từng chạm trán, gặp gỡ với Thiên Chúa, với Đức Ki-tô, nhưng, thay vì đổi hướng đi cùng chiều với sự sống, lại cứ ngang nhiên tránh né và giữ nguyên lộ trình của riêng mình, lộ trình của đam mê, tội lỗi, hận thù, ghen ghét. Một tông đồ Giuđa có cả 3 năm ở với Đức Ki-tô, nhưng cuối cùng, đã tự mình ra đi về nơi bóng tối. Đức Ki-tô đã không làm được phép lạ nào ngay trên chính quê hương Na-da-rét của mình, bởi thay vì đón nhận cuộc “hồi hương” nầy như một vinh dự, họ đã tẩy chay và dè biểu Ngài, thậm chí, muốn xô Ngài xuống vực cho tiêu đời. (Xem Mc 6,5 ; Lc 4,26-29). Cùng đi chung trên một con đường khổ nạn, nhưng chỉ có người trộm bị đóng đinh bên hữu nhận được lời hứa “Hôm nay anh sẽ ở trên thiên đường với ta”… (Lc 23,39-43).
          Từ dấu lạ “phục sinh chàng thanh niên con bà góa ở Na-im”, Chúa Giêsu còn muốn đi xa hơn trong giáo huấn và Tin Mừng của Ngài : Sự chết không là tiếng nói cuối cùng.  Vâng, chính Đấng mà hôm nay chạm tay vào quan tài để kéo chàng thanh niên chết cứng chỗi dậy thành người sống, thì sau đó một thời gian, Ngài cũng đã bị đóng đinh và chết nhục nhã trên đồi Sọ, để cũng như bao thân phận con người khác, được đưa vào huyệt mộ với một thân xác bất động để chôn táng. Tuy nhiên, cũng ngay từ “địa chỉ” tối tăm hắc ám nầy, Ngài đã phục sinh vinh hiển. Cho nên, dấu lạ “phục sinh” con trai bà góa hôm nay chỉ là một tiên báo cho con đường dẫn vào sự sống mà Ngài sẽ thực hiện ngang qua cái chết.
          Và cuối cùng, Lời Chúa hôm nay muốn vạch ra một “tấm bảng chỉ đường” dẫn con người tiến về sự sống vĩnh hằng mà hướng đi phải phát xuất từ Chúa Ki-tô và cùng tháp tùng với Ngài. Mọi con đường đối ghịch đều dẫn tới sự chết. Thế giới hôm nay đang bị chi phối bởi một “nền văn minh sự chết”, bởi đã chọn hướng đi hoàn toàn nghịch lại với con đường “Tám mối phúc thật”, con đường của “giới răn yêu thương”, con đường của khiêm hạ phục vụ…
          Ở trên những con đường đầy “những đám ma” đang đi về cõi chết đó, người Kitô hữu được gọi mời cùng với Đức Kitô đi ngược chiều và sẵn sàng, không chỉ với đôi bàn tay, mà bằng cả trái tim, chạm vào những nổi đau và bất hạnh, những vết thương không gì băng bó nổi và những cuộc đời đang sống dở chết dở… để mang lại niềm tin yêu hy vọng và dẫn lối đi về nguồn sống đích thực.
 
Trương Đình Hiền
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 17
  • Khách viếng thăm: 16
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 4481
  • Tháng hiện tại: 138942
  • Tổng lượt truy cập: 12283202