Trang mới   https://gpquinhon.org

Thánh Philipphê và Giacôbê

Đăng lúc: Thứ ba - 29/04/2014 22:41
THÁNH PHILIPPHÊ VÀ THÁNH GIACÔBÊ
(1 Cr 15, 1-8; Ga 14, 6-14)




Thánh Philipphê là người cùng quê với thánh Phêrô và Anrê sinh tại Betsaiđa. Trước kia ngài theo thánh Gioan Tiền Hô và đã trở thành một trong những môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu. Chính ngài đã bảo cho Nathan biết Ðấng Cứu Thế đã đến và dẫn ông ta đến gặp Chúa. Phúc Âm đã nói lên mối liên hệ mật thiết giữa ngài với Chúa Giêsu. Trước khi làm phép lạ bánh hóa nhiều, Chúa đã hỏi thử Philipphê tìm kiếm thức ăn cho mọi người. Cũng chính ngài đã được lương dân xúm lại hỏi han và yêu cầu cho xem Ðấng Cứu Thế. Rồi trong bữa tiệc ly, ngài đã xin Chúa Giêsu tỏ cho mình và các môn đệ được thấy Chúa Cha, và Chúa Giêsu đã trả lời: "Ai thấy Ta là thấy Chúa Cha".

Sau khi đã nhận lãnh Thánh Thần, ngài đã đi rao giảng, đem đức tin và rửa tội cho toàn thể dân thành Sitti. Hoàn thành công tác và trách nhiệm ở Sitti, thánh nhân đã đi tới miền Hiêrapoli, xứ Rigie, ngài đã nhiệt thành, hăng say rao giảng Tin Mừng. Chúa đã thưởng công ngài và ban cho ngài triều thiên tử đạo, ngài đã bị đóng đinh để làm chứng cho Đức Giêsu Kitô. Xác thánh nhân được chôn cất tại Rigie và sau này được cải táng đem về Roma chôn cạnh mồ thánh Giacôbê.

Thánh Giacôbê "người anh em của Chúa" (Cl 1,19) là thủ lãnh Giáo hội Giêrusalem (Cv 12,17). Ngài đã giữ được một địa vị sáng giá trong Giáo hội sơ khai, thánh Phêrô khi được cứu thoát khỏi tù đã nói : - "Hãy đem tin cho Giacôbê và các anh em được biết" (Cv 12,17). Chính thánh Phaolô đã khẳng định : "Giacôbê, Kêpha và Gioan, những vị có thế giá như cột trụ ấy đã bắt tay tôi và Barnaba tỏ dấu thông hiệp" (Gl 2,9). Tại công đồng Giêrusalem, Giacôbê đã lên tiếng sau Phêrô, tóm kết diễn từ về việc rao giảng Phúc âm cho dân ngoại (Cv 15,13-31). Lần sau cùng về Giêrusalem, thánh Phaolô đã đến gặp thánh Giacôbê đang họp với hàng niên trưởng (Cv 21,18). Sự thánh thiện của Giacôbê được thánh Eusêbiô và Hiêrônimô chứng thực rằng: thánh nhân giữ mình đồng trinh suốt đời và con người hiến mình cho Thiên Chúa nay không uống rượu, kiêng thịt, đi chân không và chỉ có một chiếc áo. Quì cầu nguyện nhiều, đầu gối Ngài chai cứng như da lạc đà.

Năm 62, các luật sĩ lo lắng vì sự rạng rỡ Giacôbê mang lại cho Kitô giáo. Họ triệu vời thánh nhân đến ở trước ông nghị để tra vấn xem Ngài nghĩ gì về Chúa Kitô. Trên sân thượng ngoài đền thờ, họ bắt thánh nhân công khai nói lời bội giáo cho dân nghe, Ngài nói : - Chúa Giêsu là con người đang ngự bên hữu Thiên Chúa quyền năng và đến một ngày kia sẽ đến trên mây trời. Dân chúng đồng loạt lên tiếng tôn vinh Chúa Giêsu trong khi các luật sĩ và biệt phái xông vào thánh nhân. Họ đã quyết định ném đá Ngài.

Cả hai vị Tông đồ là những mẫu gương tuyệt vời về niềm tin. Các ngài đã hiến thân rao giảng Tin Mừng cho mọi người nhận biết Chúa mà được hạnh phúc. Các ngài là những người được Chúa Giêsu kêu gọi, huấn luyện, được sống với Chúa và chứng kiến những việc Chúa làm, nghe những lời Chúa giảng dạy ; các ngài còn trực tiếp chứng kiến việc Chúa Giêsu chịu tử nạn và phục sinh vinh hiển. Các ngài giúp cho mọi người nhận ra Đức Giêsu là Đấng cứu độ qua lời giảng, gương sáng cuộc đời và mạng sống của mình.

Nhờ đâu mà các ngài trở nên những vị Thánh sáng ngời? Trước hết, đương nhiên là nhờ tình thương và ân sủng của Chúa. Nhưng nổ lực và cộng tác của các ngài là điều đáng cho chúng ta học hỏi và bước theo. Lời Chúa sẽ soi sáng cho chúng ta bước theo con đường các ngài đã đi qua.

Được sống với Thầy, được nghe những bài giảng của Thầy về Chúa Cha, cùng với các tông đồ, Philipphê nhận ra Chúa Cha là Đấng cao cả và rất tốt lành, là nguồn hạnh phúc, cho nên ông và các tông đồ khác đã ước ao được thấy Chúa Cha.

Thánh Philipphê đã xin Chúa Giêsu cho được thấy Chúa Cha, chứng tỏ lúc ấy ông vẫn chưa hiểu được Thầy đúng mức. Ông yêu cầu: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện”. Không chỉ Philipphê mà có lẻ tất cả các tông đồ đều chưa hiểu đúng về Thầy Giêsu, các ông còn mù tối chưa nhận ra những việc Chúa làm, những lời Chúa nói đều ứng nghiệm những gì kinh thánh cựu ước đã nói về Đấng Messia.

Chúa Giêsu có vẻ vừa ngạc nhiên, vừa trách cứ : “Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư ? Philipphê, ai thấy Thầy là xem thấy Cha. Sao con lại nói: 'Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha ?' Con không tin Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy ư ?” Qua đó, Chúa mạc khải Người và Chúa Cha là một, hiệp nhất mật thiết và luôn ở trong nhau. Vì thế, con đường duy nhất để đến với Chúa Cha, để gặp thấy Chúa Cha là con đường Giêsu Kitô. Làm sao Chúa Giêsu không trách móc các môn đệ khi giờ tử nạn đã đến, ngay trong bữa tiệc chia ly mà các ông chưa nhận ra sứ mạng cứu thế của Người, chưa nhận ra Người và Cha là một. Suốt ba năm qua, Chúa đã ở với các ông, đã giảng dạy bao điều, đã làm biết bao việc đã trở nên vô ích sao? Vì sao các tông đồ chưa hiểu biết đúng về Người và về Cha? Các ông đã ở, đã thấy Chúa, “ai thấy Thầy là thấy Cha” cơ mà!

Cùng với các tông đồ, Philipphê và Giacôbê đã thấy Chúa Giêsu chữa bệnh, đuổi quỷ, phục sinh kẻ chết. Họ đã thấy Chúa Giêsu đi trên mặt nước, thấy Chúa Giêsu nuôi sống mấy ngàn người, thấy Chúa Giêsu đuổi bọn con buôn ra khỏi Đền Thờ. Họ đã được nghe Người giảng dạy, được nghe Bài Giảng Trên Núi, được nghe những bài dụ ngôn, những lời khuyến cáo, những câu trấn tỉnh, những tiếng khích lệ...  Họ đã chứng kiến mọi người muốn tôn Chúa làm vua, họ đã thấy Chúa cỡi lừa tiến vào thành Giêrusalem giữa muôn tiếng tung hô chúc tụng… Nhưng họ vẫn chưa thấy điều mà Chúa mong muốn họ thấy, họ chưa thật sự “biết Chúa”. Phải chăng vì họ dễ say men kiêu căng trước những phép lạ Chúa làm, họ đang mong muốn sớm thấy ngày Chúa đăng quang để được ngồi bên tả hay bên hữu, được làm lớn hay được hưởng lợi… Với những ước muốn của thế gian, những suy nghĩ phàm tục như thế làm sao họ có thể nhận ra và thực sự thấy được Chúa ?

Biến cố thập giá đã đánh đổ mọi ước muốn kiểu thế gian của các tông đồ, đã tiêu huỷ mọi suy nghĩ phàm tục của các môn đệ Chúa. Giacôbê, Philipphê và các tông đồ đã bị thập giá của Chúa làm tiêu tan mọi ước mơ và hoài bão khi họ theo Chúa. Vì khi họ có mặt trong buổi Tiệc Ly, họ có mặt lúc Thầy bị bắt, họ có mặt tại Giêrusalem lúc thầy bị đóng đinh… tất cả đều tiêu tan. Họ chỉ còn lại đau khổ, sợ hãi và thất vọng.

Nhưng “ai thấy Thầy là thấy Cha”, lời ấy càng đúng hơn khi Chúa Giêsu chỗi dậy từ cõi chết. Lời ấy đã biến thành “ai thấy Đấng Phục sinh là thấy vinh quang Thiên Chúa, thấy vui mừng và hy vọng”. Thật vậy, Chúa Phục sinh đã hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ (1 Cr 15,7), họ đã thấy Thầy Phục Sinh, họ đã từng nghe Chúa Phục sinh giải thích kinh thánh và từng thấy Chúa bẻ bánh trao cho họ (Lc 24, 13-35), họ đã từng ăn uống với Chúa Phục Sinh. Họ đã hân hoan vui mừng nhận lãnh bình an của Chúa Phục Sinh và nhất là đã nhận lãnh sức mạnh Thánh Thần của Đấng Phục sinh ban tặng (Ga 20,22).

Gặp thấy Chúa Phục sinh và đón nhận Thánh Thần trong ngày Lễ Ngũ tuần, các tông đồ đã thật sự “thấy Chúa Cha”. Nhờ đó, từ đây các ngài hoàn toàn được đổi mới, hoàn toàn thuộc về Chúa. Không một đau khổ hay nhục hình, không một vinh dự hay lợi lộc trần gian nào có thể làm các ngài quỵ ngã. Các ngài luôn hy sinh quên mình tìm vinh danh Chúa và hết mình dấn thấn rao truyền đạo thánh Chúa cho mọi người, mọi dân tộc. Quả thật, cuộc đời các ngài đã làm biết bao việc lớn lao, kỳ diệu như lời Chúa Giêsu tuyên bố: "Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha" (Ga 14,12).

Đấy là việc Chúa đã chọn và dẫn dắt Philipphê, Giacôbê và các tông đồ. Các ngài đã tìm thấy nơi Chúa Giêsu tất cả những gì ông tìm kiếm, tất cả những gì làm ông thao thức. Niềm tin phải được kiểm chứng bằng thực nghiệm: "Ai đã thấy Thầy là đã xem thấy Cha Thầy".

Thế là đối với tất cả những ai thao thức, tất cả những ai tìm kiếm chân thành, gương các Tông Đồ đã gửi đến một lời mời gọi rất chân thực: Vâng, bạn hãy đến, và xem cho chính bạn...

Lạy Chúa Giêsu Phục sinh, xin cho chúng con thực sự được gặp gỡ Chúa trong tin kính và mến yêu, được xem thấy tỏ tường những việc Chúa làm, được nghe thấu những lời Chúa phán dạy. Xin cho chúng con biết noi theo gương hai Thánh Philipphê và Giacôbê trở nên những chứng nhân cho Chúa trước mặt mọi người, biết đem hết khả năng và nhiệt huyết của mình hăng say rao truyền danh Chúa, và làm chứng cho Chúa trước mặt mọi người chúng con gặp gỡ bằng lời nói hay bằng việc làm trong đời sống hàng ngày.
Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Trương Minh Thái
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 10
  • Khách viếng thăm: 8
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 2677
  • Tháng hiện tại: 144357
  • Tổng lượt truy cập: 12288617