Trang mới   https://gpquinhon.org

Giảng lễ tĩnh tâm (Thứ Tư III PS)

Đăng lúc: Thứ tư - 07/05/2014 06:22
GIẢNG TỈNH TÂM THÁNG 05/2014
(Ga 6, 35-40)

 
Theo Tin Mừng của Thánh Gioan, sau khi làm phép lạ Hóa Bánh ra nhiều cho 5000 người ăn no, ở chương 6,1-15, thì hôm sau CGS đã ban một diễn từ về Bánh Ban Sự Sống với đề tài được xác định trong chương 6, câu 35 và 51: “ Chính tôi là Bánh Trường Sinh “ và “ Tôi là Bánh Hằng Sống Từ Trời xuống.”, cùng với một lời mời gọi thiết tha : “Ai đến với Tôi, không hề phải đói; ai tin vào Tôi chẳng khát bao giờ” (Ga 6, 35)
 
1/ “Chính tôi là Bánh Trường Sinh”:

Đây là một sáng kiến tuyệt vời của tình yêu Thiên Chúa để chuyển thông sự sống vĩnh cửu của Ngài vào trong tâm hồn và cuộc sống chúng ta. Nhưng sáng kiến trao ban của Chúa đòi hỏi chúng ta phải Đến và phải Tin vào Ngài. Lương thực của Chúa lúc nào cũng dọn sẵn nhưng nếu chúng ta không Tin và không Đến với Ngài, lương thực ấy chẳng đem lại sự sống vĩnh cửu cho chúng ta. Đến với Chúa và tin vào Ngài không phải là hai thái độ khác nhau mà chỉ là hai cách diễn tả của cùng một tâm tình. Việc tin vào Chúa được thể hiện nơi thái độ chúng ta đến với Ngài. Đó là niềm xác tín của Thánh Phêrô Kim Ngôn khi Ngài nói về bí tích Thánh Thể: “Cha trên trời của chúng ta khuyên mời chúng ta là những người con của trời, hãy xin Bánh bởi trời. Chính Chúa Giêsu Ki-tô là tấm bánh ấy, được gieo trong lòng Đức Trinh Nữ Maria, được mọc lên trong xác thịt, được nhào nặn trong cuộc khổ nạn, được nướng chín trong lò mồ thánh, được cất để giành trong Giáo Hội, được dọn ra trên các bàn thờ, và mỗi ngày cung cấp lương thực nhà trời cho các tín hữu” (GLCHCG # 2837). Vì thế, điều quan trọng là chúng ta phải đặt trọn vẹn niềm tin nơi CGS, là tấm bánh cứu độ muôn đời và năng chạy đến với Ngài. Chúng ta tự hỏi: mỗi ngày chúng ta đã dành bao nhiêu thời giờ để đến với Chúa? Rồi khi chúng ta tưởng nhớ, cầu nguyện, suy gẫm và nhất là khi chúng ta dâng lễ, tham dự Thánh Lễ lòng chúng ta có thật sự đến với Chúa Không? Khi tâm hồn chúng ta cảm thấy đói khát, chúng ta có tìm đến với Chúa hay chạy đến với những quyến rũ của thụ tạo, những phát minh của khoa học, của những trào lưu văn minh vật chất, vô thần …

Linh Mục Giuse Hồ Anh Nghĩa CSsR đã viết: “Thật vậy, Chúa Giêsu đã không nói rằng ai chứng kiến Ta giáng sinh thì người ấy có sự sống đời đời; Chúa Giêsu cũng không nói ai thấy Ta biến hình trên núi Tabor thì kẻ ấy có sự sống đời đời; Chúa Giêsu cũng không nói ai mục kích Ta sống lại từ cõi chết thì người ấy có sự sống đời đời. Trái lại, Chúa Giêsu quả quyết: “Ai đến với Ta sẽ không bao giờ đói, ai tin vào Ta sẽ không khát bao giờ.”

2/Bánh Trường Sinh là Bánh Hy Tế:

Nhưng để trở thành Bánh Trường Sinh, ĐKT phải bị nghiền nát. Điều mà CGS mong ước là được trở thành Bánh hằng sống qua con đường hy tế. Có chết đi, có đổ máu ra ĐKT mới trở thành lương thực tình yêu cho con người. ĐGM Giuse Ngô quang Kiệt đã có những tâm tình sâu xa khi đến với “Tấm Bánh Tình Yêu”. Ngài viết “Mỗi khi chiêm ngắm Thánh Thể Chúa, tôi không ngừng ngỡ ngàng trước tình yêu của Người. Tình yêu ấy vô cùng cao cả nhưng lại rất đỗi đơn sơ. Sao Chúa không hoá thân làm viên kim cương quý giá mà lại làm một tấm bánh? Tấm bánh bình thường, quen thuộc quá. Chúa trở thành tấm bánh để gần gũi với loài người, để đi vào sinh hoạt đời thường của con người. Con người có thể đến với Chúa dễ dàng, không e ngại, sợ sệt. Chỉ là một tấm bánh vừa tầm tay mọi người. Chỉ là một tấm bánh sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của con người. Thật đơn sơ nhưng cũng thật sâu xa vì tấm bánh nói lên tình yêu tự hiến. Bánh sẽ chẳng còn ý nghĩa nếu chỉ để trưng bày cho người ta chiêm ngắm. Bánh chỉ có ý nghĩa khi được sử dụng. Được sử dụng là bị bẻ ra, bị nghiền nát, bị tan biến, bị tiêu hoá. Vì thế, trở thành tấm bánh là chấp nhận chịu đau đớn, chịu huỷ hoại. Tấm bánh gợi lên một bàn tiệc tại đó anh em quây quần trong tình thương, chia sẻ lương thực và chia sẻ tâm tình. Chính Chúa Kitô bị bẻ ra để cho tình huynh đệ nhân loại được mặn mà thắm thiết. Khi xưng mình là bánh bởi trời, Chúa Giêsu bày tỏ một tình yêu tha thiết, sẵn sàng chịu nghiền nát, tan biến, chịu chết cho nhân loại. Chúa chịu huỷ hoại cho ta được lành lặn các thương tích. Yêu mến Bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là trở nên hiền lành khiêm nhường, sống gần gũi với những người nhỏ bé nghèo hèn? Cử hành Bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là chấp nhận hao mòn, quên mình, thiệt thòi vì Chúa và vì anh em? Sống Bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là xây dựng tình đoàn kết, tình huynh đệ với những người sống quanh ta, trong mọi môi trường cuộc sống?

Con người ngày nay vẫn còn đói khát, không phải chỉ đói khát cơm bánh vật chất, nhưng nhất là đói khát nhân phẩm, tự do, đói khát tình yêu, công bình, chân lý và lòng nhân ái. Nhân loại vẫn khao khát những tấm bành trường sinh được phân phát từ Giáo Hội qua cuộc sống hy tế của chúng ta. Lệnh truyền của ĐKT cho các môn đệ của Chúa hôm qua vẫn là lệnh truyền cho những tông đồ của Chúa hôm nay: “Các con hãy cho họ ăn đi”

3Chúng ta phải là tấm bánh cho anh em mình: Một chứng tích

Cha Damien Joseph de Veuster of Molokai, vị tông đồ đặc biệt của những người bị bệnh phong là một chứng tích sồng động cho chúng ta..Ngài là ai? Cậu bé Damien chào đời ở Belgium, Bỉ Quốc ngày 03-1-1840, Ngài xuất thân từ một gia đình nông dân; vì nhà nghèo cộng với đông anh chị em, cậu bé Damien bị bố mẹ bắt buộc bỏ học khi lên 13 tuổi để gánh vác với gia đình trong những công việc đồng áng. Sáu năm sau, ngài xin nhập vào dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu và Khiết Tâm Mẹ Maria. Khi người anh ruột của ngài là cha Pamphile, cũng là tu sĩ dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu và Khiết Tâm Mẹ Maria bị một cơn bạo bệnh và không thể nhận bài sai đi đến Hawaii để phục vụ cho thổ dân, thầy Damien tình nguyện đi truyền giáo thay cho anh mình. Tháng 5 năm 1864, 2 tháng sau khi ngài đặt chân đến miền đất truyền giáo, thầy Damien được thụ phong Linh mục tại Honolulu và bài sai đầu tiên của ngài là giúp cho bệnh nhân bị phung hủi. Theo luật định của miền truyền giáo, các linh mục thay phiên nhau đến giúp cho trại cùi, mỗi nhiệm sở là 3 tháng trong vòng một năm; nhưng đối với cha Damien, ngài xin ở lại túc trục thường xuyên với các bệnh nhân. Ngài ở đó để chăm sóc về phần tâm linh cho bệnh nhân; phát thuốc cho bệnh nhân; rửa vết thương, khử trùng cho họ, và nhất là ngài ao ước dâng Thánh Lễ cho các bệnh nhân; bởi vì ngài cảm nhận rằng chỉ có Thánh Thể Chúa mới có năng lực xoa dịu vết thương thể xác và tâm hồn cho các bệnh nhận phong cùi. Hơn ai hết, cha Damien biết rằng những con người đau khổ kia sẽ chết dần chết mòn vì bệnh cùi; nhưng họ cần phải có Thánh Thể là của ăn của uống cho phần hồn.

Cha Damien đã không chỉ không quản ngại vất vả để thăm viếng cũng như dâng Thánh Lễ cho bệnh nhân; ngài còn trở nên tấm bánh cho các bệnh nhân hưởng dùng khi ngài chia sẻ căn bệnh khủng khiếp này với họ; và sau cùng cha Damien cũng đã chết vì căn bệnh này vào ngày 15-04-1889 lúc Ngài tròn 49 tuổi..Ngài đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước năm 1995; và Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI phong hiển thánh vào ngày 11 tháng 10 năm 2009.

3/ Lời Kết

 Là Linh Mục, là hy tế của ĐKT và Giáo Hội, chúng ta hãy nài xin Chúa biến đổi chúng ta trở thành Bánh Hằng Sống trên bàn thờ mỗi ngày, trở thành lương thực tình yêu cho anh em chúng ta. Xin cho chúng ta được nghiền nát thành tấm bánh tinh tuyền và thơm ngon để góp phân nuôi dưỡng Giáo Hội và các linh hồn... Xin các thánh Tử Đạo, đặc biệt các thánh tứ Đạo VN và Giáo Phận Qui Nhơn tăng cường lòng nhiệt thành cho các Linh Mục cúa Chúa để biết tôi luyện trong đau khổ, biến nung nấu trong gian lao và tung gieo những hạt giống Tinh Yêu trên cánh đông truyền giáo của Giáo Hôi và đác biệt của Giáo phận Qui Nhơn , để chúng ta xứng đáng hát khúc hoan ca tạ ơn trong những ngày mùa gặt kỷ niệm 400 năm Tin Mùng đến với giáo phận thân yêu của chúng ta. Amen.


 
Tác giả bài viết: Lm. Anrê Hoàng Minh Tâm
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 11
  • Khách viếng thăm: 8
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 2459
  • Tháng hiện tại: 144139
  • Tổng lượt truy cập: 12288399