Trang mới   https://gpquinhon.org

Chàng “họa sĩ dại khờ” vẻ chân dung Chúa (Bài giảng mừng ngân khánh linh mục)

Đăng lúc: Thứ sáu - 09/05/2014 07:40
Chàng “họa sĩ dại khờ” vẻ chân dung Chúa

BÀI CHIA SẺ LỜI CHÚA

NHÂN DỊP KỶ NIỆM 25 NĂM LM CỦA ĐỨC CHA MATTHÊÔ NGUYỄN VĂN KHÔI
 

 
      Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ,
     
Đặc biệt, trọng kính Đức cha Matthêô, là Chủ tế cũng là nhân vật chính trong Thánh Lễ tạ ơn mừng Ngân Khánh linh mục hôm nay
     
Trước hết, cùng với Đức cha Vinh Sơn, Giám mục Ban Mê Thuột, toàn thể cộng đoàn chúng con cảm ơn Đức cha, đã thân thương mời gọi chúng con quy tụ về đây để cùng với Đức cha hân hoan tạ ơn Chúa vì hồng ân 25 năm trong chức linh mục của Đức Cha. (Chúng con xin cám ơn và chúc mừng Đức cha bằng một tràng pháo tay thật nồng nhiệt…)
     
Vào năm 1989, tức sau biến cố 1975 đúng 14 năm, giáo phận Qui Nhơn lần đầu tiên có một lễ phong chức linh mục. Đây đúng là một sự kiện mục vụ quan trọng và đầy ý nghĩa. Bởi vì, khởi đi từ lễ phong chức nầy, con đường đến với chức linh mục của nhiều anh em chủng sinh không còn quá xa xôi và mịt mù nhưng đã hứa hẹn một chân trời rạng sáng hơn, đầy hy vọng hơn. Nói theo ngôn ngữ thi ca của cố linh mục Phêrô Đặng Xuân Thành, một linh mục trí thức, đạo đức và tài hoa xuất thân từ Qui Nhơn vừa mới qua đời trong tháng 11 năm 2013, thì biến cố ngày 10.5.1989 quả là một “Mảnh ván con” Chúa gởi tới cho giáo phận, cho nhiều người, khi “con tàu ơn gọi” một cách nào đó, đã vỡ tan tành :
 
      Bổng sớm kia Chúa thương tình gởi tới
      Mảnh ván con cho tôi rướn bám vào
      Từ tro tàn Ngài đã khơi lửa mới
      Và trong tôi hy vọng đã xôn xao [1]
     
Nếu thời điểm năm 1989 đã ghi một dấu ấn lịch sử không phai nhòa trong cuộc đời của Đức cha qua nhiệm tích truyền chức, thì cùng thời điểm đó, con vẫn còn nhớ, thế giới đã trải qua những sự kiện quan trọng:
 
- Riêng tại Việt Nam, chúng ta không thể quên một sự kiện quan trọng liên quan đến Giáo Hội Việt Nam trong thời điểm nầy :
 
- Hồng y Roger Etchegaray, đại diện Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II thăm Việt Nam từ ngày 1 đến 13.7.1989. Đây là lần đầu tiên, kể từ năm 1975, một viên chức cao cấp của Toà Thánh đến viếng thăm Giáo hội Việt Nam.
     
Nhắc lại những sự kiện tiêu biểu đó, để chúng ta cảm nhận rằng : Thiên Chúa chính là “Người Mục Tử” nhân lành và sáng suốt đã dẫn dắt cuộc đời mỗi người, Giáo Hội cũng như toàn thế giới đi trong “nẻo chính đàng ngay”, hay như cách diễn tả của TV 22 mà nhạc sĩ Phanxicô đã diễn đạt bằng những ca từ và  giai điệu đầy thi vị theo ngôn ngữ của Việt Nam :
 
Người đưa tôi đi lên vườn trái ngát xanh trên đồi. Người dẫn tôi về tựa trùng dương buông gió dìu mây trời. Người sắp cho tôi yến tiệc thơm hương hoa, Người rót cho tôi ly rượu thắm chan hoà. Đầu tôi Người xức dầu thơm nồng nàn.(NS. Phanxicô)
Vâng, chuyện chức linh mục, trước tiên đó là chuyện của Chúa. Vì thế, mà người ta vẫn nói : linh mục đó là một huyền nhiệm. Thế nhưng, đấy cũng là chuyện của con người. Tôi vẫn nhớ, vào tuần tĩnh tâm linh mục giáo phận tháng 3/1989, Đức cha Phaolô Huỳnh Đông Các đã gọi, báo tin và hỏi ý kiến của 3 anh em chúng tôi khi cả 3 đang lao động tại các vùng quê ở : An Hội Quảng Ngãi (Cha Grg. Anh), Gò Thị-Bình Định (Đức cha Matthêô Khôi) và Mằng Lăng-Phú Yên (…). Nếu ngày xưa Chúa gọi các Tông Đồ khi tay các ông đang còn cầm lưới trên thuyền câu nơi biển hồ Galilê, thì vào năm 1989, Ngài đã kêu gọi khi chúng tôi đang cầm cuốc trên những mảnh ruộng của đồng quê “liên khu 5” – Ngãi –Bình- Phú.
 
Xin cộng đoàn cùng lắng nghe chính lời của Đức cha đã ghi lại hoàn cảnh lúc bấy giờ :
 
“Tôi quyết định tham gia lao động trong hợp tác xã nông nghiệp tại Gò Thị quê hương tôi, vừa để nuôi sống cha mẹ già, vừa để chia sẻ cuộc đời lam lũ của bà con trong xóm. Cuộc sống thật nhiều vất vả từ sáng sớm đến tối mịt, dãi nắng dầm mưa, với những công việc đồng áng nặng nhọc theo tiếng kẻng chát chúa…”[2]
 
Và dĩ nhiên, trong hoàn cảnh đó, trước tiếng gọi của Chúa, tất cả chúng tôi đều có thể chấp nhận hay khước từ. Nhưng, như một lời thơ của thi sĩ nổi tiếng người Nga, thi sĩ Raxul Gamzatov :
 
“Trên trái đất đường đi không kể xiết ,
Đường dài lâu gian khổ cũng rất nhiều.
Nhưng anh hiểu khó và dài hơn hết
Là con đường ta vẫn gọi : Tình yêu”
     
Vâng, cách đây đúng 25 năm, chủng sinh Matthêô Nguyễn Văn Khôi mà hôm nay là Giám Mục Qui Nhơn đang chủ tế Thánh lễ nầy, đã chọn con đường tình yêu, con đường “khó và dài hơn hết”, con đường linh mục. Một con đường mà chính Đức cha Matthêô, từ năm 1977, đã tự đặt cho mình là con đường của “Người Viễn Khách” trong dáng đứng của người viễn khách Abraham. Quả thật lúc ấy, chàng “viễn khách Matthêô Nguyễn Văn Khôi” đã bước đi trong mịt mờ vô vọng khi Giáo Hoàng Học Viện Pio X bị giải thể, đã trở về quê hương Gò Dài với tờ giấy nhỏ trong tay : “Về gia đình làm ăn sinh sống chờ ngày chiêu sinh”.
     
Trọng kính Đức cha Matthêô, trong cuộc hành trình đến chức linh mục của Đức Cha, cha Văn Ngọc Anh và con, vào thời điểm trước năm 1989, quả là con đường gai góc, nhọc mệt và đợi chờ trong tăm tối mịt mù, mà phần nào được chính Đức cha với bút danh “Người Viễn Khách” đã ghi lại trong bài thơ “Đèn Khuya”. Con xin trích một đôi câu :
 
      Tôi muốn thức trọn đêm
      Bên ngọn đèn bé nhỏ
      Chờ đợi Ngài đến gõ
      Mời Ngài vào nghỉ đêm
      Mà sao Ngài chậm thế?
      Tôi đã chờ mỏi mê
      Đèn cạn dầu leo lét
      Ngồi lâu chân đã tê.
     
Và trong cuộc hành trình tiến chức nầy lại làm con chợt nhớ một cuộc hành trình khác, trước đó 14 năm, vào tháng 3 năm 1975, cuộc hành trình di tản từ Qui Nhơn tới Nha Trang-Phan Rang rồi từ Phan Rang về lại Qui Nhơn, cả ba anh em chúng ta đã cùng bước xuống trên một chiếc thuyền và ngồi chung trên một chuyến xe. Từ trong những cuộc hành trình của cuộc đời đến cuộc hành trình trong chức linh mục, hôm nay, cả ba chúng ta lại được liên kết để phục vụ Chúa, Giáo Hội và giáo phận Qui Nhơn trong thiên chức mục tử. Quả thật Người Mục Tử Giêsu đã dẫn dắt chúng ta trên những nẻo đường quanh co nhiệm mầu nhưng đầy lòng ưu ái xót thương.
     
Bàn tiệc Lời Chúa hôm nay đều quy hướng về huyền nhiệm mục tử mà chính Đức Ki-tô là cánh cửa chuồng chiên và Mục Tử tốt lành.
     
Bước lên bàn Thánh, bước vào chức linh mục, phải chăng Đức cha đã đi vào Cánh Cửa chuồng chiên là Đức Ki-tô, một cánh cửa mà tất cả những ai muốn đi qua đều phải chấp nhận trả giá bằng hy sinh và từ bỏ, bằng quảng đại cho đi và yêu thương phục vụ.
     
Cho dù trong trách nhiệm Mục Tử Giám Mục cao trọng và đầy thách đố, con tin rằng, hồng ân linh mục cách đây 25 năm vẫn luôn là dấu ấn đặc biệt và sâu sắc nhất trong cuộc đời của Đức cha : một tiếng thưa vâng, một lời đáp trả đầy tin yêu và trách nhiệm trước tiếng gọi mời và sự đồng hành của Mục Tử Giêsu, như thi sĩ Trăng Thập Tự đã gởi gắm trong bài thơ “Theo Ngài” :
 
      Người về, Người gọi em theo,
      Trăm năm lội suối trèo đèo có nhau.
      Người về em bước theo sau,
      Đường xa quảy gánh thương đau, thoảng cười.
      Gánh thương đau bước theo Ngài,
      Thấy từng giọt thắm nở tươi đóa hường…
     
Trong dịp kỷ niệm đặc biệt nầy, chúng con, toàn thể dân Chúa giáo phận, mọi người thân yêu và bạn hữu, trong đó chắc chắn có song thân phụ mẫu của Đức Cha, có Cố Đức cha Phaolô Huỳnh Đông Các, (vị nghĩa phụ và cũng) là người đặt tay phong chức linh mục cho Đức cha sẽ vui mừng và cầu nguyện nhiều cho Đức cha để Đức cha đi trọn con đường tình yêu mà Đức cha đã chọn cách đây 25 năm ; con đường trở thành Alter Christus hay nói theo ngôn ngữ của Đức cha đó là con đường của “Chàng họa sĩ dại khờ” miệt mài vẽ chân dung của Chúa bằng “những nét nên thơ”:
 
      Lạy Chúa Ngài là vẽ đẹp tuyệt mỹ
      Mà con là chàng họa sĩ vụng về
      Muốn đem chút tài năng ra để vẽ
      Khuôn mặt Ngài bằng những nét nên thơ…[3]
     
Chúng con cầu xin cho Đức cha giữ mãi được cái hồn sáng tạo của “người họa sĩ dại khờ đó” để giới thiệu chân dung nên thơ của Chúa cho anh chị em mình ; hay như ĐTC Phanxico trong Bài giảng Lễ Dầu vừa qua tại Rôma, giữ mãi được “Dầu Hoan Lạc” mà Đức cha đã lãnh nhận để vừa củng cố niềm vui ân thánh nơi mình và đồng thời chia sẻ niềm vui ấy cho Dân Chúa :
 
      “Chúa đã xức dầu cho chúng ta trong Đức Kitô, Ngài xức bằng dầu hoan lạc và việc xức dầu này mời gọi chúng ta hãy đón lấy và lãnh nhận hồng ân cao cả này: niềm vui, niềm hoan lạc linh mục. Niềm vui của chức linh mục là một thiện ích quí giá không những cho đương sự nhưng còn cho toàn thể dân trung thành của Thiên Chúa: dân trung thành mà linh mục được kêu gọi đến giữa họ để được xức dầu và được sai đi để xức dầu cho dân.”
     
Kính thưa ông bà và anh chị em,
     
Cách đây 25 năm, giáo phận chúng ta có được một lễ phong chức linh mục sau 14 năm gián đoạn. Nhưng cũng kể từ đó, liên tục có nhiều lễ phong chức, nhiều anh em được chọn gọi làm mục tử phục vụ trong vườn nho giáo phận. Ước mong sao, cứ mỗi lần có một linh mục tiến lên bàn thánh lại một lần cả giáo phận bừng nở tin yêu và rực lên mùi thơm ân thánh của tình yêu hiến dâng và đáp trả, mùi thơm của những tâm hồn quảng đại như cô Maria ở Bêtania, sẵn sàng đập bể bình dầu thơm cam tùng để xức chân cho Chúa.
     
Tuy nhiên, như anh chị em vẫn biết : chúng tôi chỉ là những chiếc bình mỏng dòn, yếu đuối. Niềm vui thánh chức trong chúng tôi sẽ có lúc bị dập tắt khi phải đối diện với bao nhiêu phức tạp và sóng gió của cuộc đời. Chính vì thế, chúng tôi cần sự nâng đỡ, hy sinh và cầu nguyện của anh chị em, như chính lời huấn dụ của ĐTC Phanxicô trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh vừa qua :
 
“Cả trong những lúc buồn sầu, khi mọi sự dường như trở nên u tối và sự cô lập choáng váng cám dỗ chúng ta, trong những lúc lãnh đạm và chán nản mà nhiều khi chúng ta gặp phải trong đời linh mục (và tôi cũng đã trải qua những lúc như thế), cả trong những lúc ấy, dân Chúa có khả năng bảo tồn niềm vui, có khả năng bảo vệ linh mục, an ủi, giúp linh mục cởi mở con tim và tìm lại được một niềm vui.”
     
Và để thể hiện tình thần hiệp thông, liên đới đó, con xin đại diện cho cộng đoàn PV hôm nay, dâng về Đức cha một lời nguyện chúc gói ghém trong ca khúc : Xin dẫn con trên đường yêu thương :
 
….Cho dù chân đã mỏi, mắt mờ tóc nhuốm màu, con xin vững một niềm. Ngài thương dắt dìu con, tình yêu luôn ngời sáng hướng dẫn con từng ngày.
ĐK : Cúi đầu xin cám ơn, tri ân hết tâm hồn, xin Ngài thương dẫn con qua hết đường yêu thương….[4]
 

[1] Trích trong bài thơ “Tàu Đời Tôi” của thi sĩ Nguyễn Ca Nguyện (Cố LM. Phêrô Đặng Xuân Thành)
[2] Có một vườn thơ đạo, Tập 3, trang 318
[3] Trích trong bài thơ “Người họa sĩ dại khờ”, SĐD trang 323.
[4] Bài hát “Xin dẫn con trên đường yêu thương”, nhạc và lời của Sơn Ca Linh.

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Trương Đình Hiền
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 22
  • Khách viếng thăm: 21
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 3600
  • Tháng hiện tại: 130283
  • Tổng lượt truy cập: 12274543