Trang mới   https://gpquinhon.org

Các tranh cãi tại Côrintô (I)

Đăng lúc: Chủ nhật - 19/01/2014 21:13


 
Lm. Peter Edmonds SJ

Trong chu kỳ các bài đọc Chúa Nhật, chúng ta đang bước vào Mùa Thường Niên năm A, và trong một vài tuần kế tiếp nhau, chúng ta sẽ nghe các bài đọc thứ II trích từ thư thứ nhất của Thánh Phaolô gởi tín hữu Côrintô. Qua những trích đoạn này, Thánh Phaolô đã chứng tỏ tài năng là một nhà thần học, chủ chăn và là một văn sĩ khi sử dụng những tương phản để làm nổi bật vấn đề.

Vào các tuần lễ đầu tiên của mỗi năm, khi Mùa Giáng Sinh chấm dứt, các bài đọc II được trích từ thư thứ nhất của Thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Côrintô. Trong năm A này, chúng ta nghe đọc 7 trích đoạn từ phần đầu thư mà sau lời chào hỏi Thánh Phaolô đã cố gắng hóa giải những tranh cãi và chia rẽ trong cộng đoàn Côrintô do người nhà của Chloe báo cáo cho ngài (1 Cr 1:11). Ngài viết thư này khi ở Ephesus và dù vắng mặt ngài vẫn luôn cảm thấy: “còn có nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh” (2 Cr 11:28). Nhờ sự khủng hoảng nơi cộng đoàn này mà chúng ta thấu hiểu tâm hồn của Thánh Phaolô như là một nhà thần học, biết được tài năng chủ chăn của ngài và thán phục khả năng viết lách của ngài. Ta hãy tập chú vào những mối tương phản rõ rệt trong những đoạn trích được lựa chọn làm các bài đọc trong phụng vụ.

1 Cr 1:1-3  –  Lời chào [Chúa Nhật II Năm A]

 
Phaolô, do thánh ý Chúa, được kêu gọi làm Tông đồ của Chúa Giêsu Kitô, và Sôtênê, anh em chúng tôi, kính chào Hội Thánh Chúa ở Côrintô, những người được thánh hoá trong Chúa Giêsu Kitô, được kêu gọi nên thánh, làm một với tất cả mọi người khắp nơi đang kêu cầu thánh danh Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta: Nguyện chúc cho anh em được ân sủng và bình an của Thiên Chúa Cha chúng ta, và của Chúa Giêsu Kitô.

Thánh Phaolô mở đầu bức thư với lời chào. Ta lưu ý đến sự tương phản giữa hai thế giới sống của ngài. Vào thời đó, người ta có quy ước mở đầu thư bằng tên của người gởi và người nhận, kết thúc với lời chúc phúc và sức khỏe. Thánh Phaolô cũng tuân theo tục lệ này nhưng ngài còn nhắc đến một thế giới vô hình khác. Trong thế giới đó, Thiên Chúa là ưu việt. Đối với Phaolô, Thiên Chúa chỉ có một, tương phản với “nhiều thần thánh và lãnh chúa” được nhận biết trong các thành phố ngoại giáo như Côrintô chẳng hạn (1 Cr 8:5-6).  Đây là Thiên Chúa Cha và do ý muốn của Ngài mà Thánh Phaolô được kêu gọi làm tông đồ. Ngay trong phần mở đầu thư này, Phaolô đã 4 lần nhắc đến Đức Giêsu Kitô. Trong các thư khác cũng như ở thư này, Thánh Phaolô xác định Đức Giêsu là Đấng Kitô, Đấng Cứu Thế mà dân Israel trông đợi (Rm 9:5). Trong lời chào, hai lần Thánh Phaolô gọi Đức Giêsu là “Đức Chúa”. Đối với Phaolô,  quyền lãnh chúa của Đức Giêsu tương phản với quyền của hoàng đế  Roma, người tự xưng là lãnh chúa của toàn đế quốc Roma rộng lớn, có người đại diện là thống đốc ở Côrintô (Cv 18:12). Còn đối với các tín hữu Côrintô, họ cũng được gọi là các thánh, một dân thánh được dành riêng để phục vụ Thiên Chúa, cũng như các tín hữu ở khắp nơi được gọi là kitô hữu. Thánh Phaolô cầu chúc cho họ được ân sủng và bình an: ân sủng là ân huệ nhưng không mà Thiên Chúa ban cho họ trong Đức Kitô (Rm 3:24); bình an là tình trạng hòa giải hiện có giữa họ và Thiên Chúa nhờ công nghiệp của Đức Kitô (Rm 5:1, 11). Lời chào mở đầu này mời gọi chúng ta nhận ra thế giới vô hình này của Thánh Phaolô mà chúng ta cũng đang sống trong đó.

1 Cr 1:10-13, 17 – Vấn đề [Chúa Nhật III Năm A]

 
Anh em thân mến, nhân danh Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi xin anh em tất cả hãy đồng tâm hiệp ý với nhau, giữa anh em đừng có chia rẽ; hãy đoàn kết chặt chẽ trong cùng một thần khí và cùng một tâm tình. Anh em thân mến, tôi đã được các người nhà Khloê cho hay rằng: giữa anh em đang có những sự bất đồng. Tôi có ý nói điều này, là mỗi người trong anh em nói: "Tôi, tôi thuộc về Phaolô; - "Tôi về phe Apollô"; - "Còn tôi, tôi về phe Kêpha"; - "Và tôi thuộc về phe Chúa Kitô". Chúa Kitô bị phân chia rồi sao? Có phải Phaolô đã chịu đóng đinh vì anh em đâu? Hay là nhân danh Phaolô mà anh em chịu phép rửa? Ðức Kitô không sai tôi đi rửa tội, mà là đi rao giảng Tin Mừng, không phải bằng lời nói khôn khéo, kẻo thập giá của Ðức Kitô ra hư không.

Trích dẫn thứ hai bắt đầu với một câu cho thấy vấn đề nổi cộm trong các đoạn trích của thư này mà chúng ta sẽ đọc trong Năm A.

Anh em thân mến, nhân danh Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi xin anh em tất cả hãy đồng tâm hiệp ý với nhau, giữa anh em đừng có chia rẽ; hãy đoàn kết chặt chẽ trong cùng một thần khí và cùng một tâm tình. (1:10)

Sự tương phản trong câu này đã quá rõ. Một mặt, theo lối viết của mình trong thư đầu tiên (1 Tx 2:1), Phaolô gọi các tín hữu ở Côrintô là “anh em” (tiếng Hy lạp là: adelphoi). Phaolô hiểu rằng nhờ điều mà Đức Kitô đã hoàn tất qua cái chết và sự phục sinh của Ngài, bây giờ chúng ta là con cái Thiên Chúa và đồng thừa kế với Đức Kitô (Rm 8,17). Đã là một gia đình thì phải nhất trí với nhau và một lòng một ý. Đây là sự nhất trí có nguồn cội từ Đức Kitô; ở nơi khác, Thánh Phaolô thúc giục cộng đoàn Roma: “anh em hãy đón nhận nhau, như Đức Kitô đã đón nhận anh em, để làm rạng danh Thiên Chúa” (Rm 15:7). Thế nhưng sự chia rẽ vẫn xảy ra nơi mỗi gia đình. Tại Côrintô, các tín hữu không gắn bó với Đức Kitô cho bằng với các thầy dạy của họ - như với Apollos, với Cephas (được nhiều người biết đến với tên gọi Phêrô), hoặc ngay cả với Phaolô. Vậy là họ trở thành đối thủ của nhau. Apollos  được sách Công vụ tông đồ nói là: “người có tài hùng biện và thông thạo Kinh Thánh” (Cv 18:24). Ông quê ở Alexandria,  xứ Ai Cập, mà người con danh tiếng của xứ sở này là Philo đã đặt nặng dấu ấn trong di sản triết học của Do Thái giáo. Kitô giáo của Apollos đã hấp dẫn các triết gia trong số những người Corintô. Thánh Phêrô thì bị Thánh Phaolô cự lại trong thư gởi tín hữu Galát vì đã giải thích Lề luật Do Thái theo kiểu thỏa hiệp (Gl 2:11-14) – có lẽ Phêrô còn gắn bó với các thực hành của người Do Thái mà Đức Kitô cho rằng đã lỗi thời. Đây là điểm bắt đầu cho huấn giáo của Thánh Phaolô: “Ai đã mê hoặc anh em là những người đã được thấy hình ảnh Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá phơi bày ra trước mắt?” (Gl 3:1). Đoạn thư này mời gọi mọi người nhìn về thập giá được trưng bày trong mọi nhà thờ của chúng ta.

(còn tiếp)



 
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 34
  • Khách viếng thăm: 29
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 4339
  • Tháng hiện tại: 136247
  • Tổng lượt truy cập: 12280507