Trang mới   https://gpquinhon.org

Giấc Mơ trong Kinh Thánh

Đăng lúc: Thứ bảy - 15/02/2014 20:17
GIẤC MƠ TRONG KINH THÁNH



 
Nữ Tu B.  E. Reid, OP
Tạp chí "The Bible Today"
Jan / Feb 2014, tr. 45-47

Các nhà tâm lý quả quyết rằng tất cả mọi người đều nằm mơ, mặc dầu nhiều người khi tỉnh dậy không biết là mình có mơ lúc ngủ hay không. Đôi lúc chúng ta có những giấc mơ đẹp, nhưng cũng có lúc chúng ta lại gặp những giấc mơ sợ điếng người.  Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc các giấc mơ. Nhà phân tâm Freud định nghĩa "những giấc mơ là những bài thơ chúng ta tự ngâm lúc ban đêm để sống thực những ước vọng nằm trong vô thức." Nhiều người khác lại nghĩ rằng mơ là cách chúng ta ứng xử khi gặp những tình huống ngặt nghèo.  Cũng có những người coi giấc mơ như một loại trị liệu tâm lý khi ngủ. Và rồi có cả một kỹ nghệ chuyên giúp cắt nghĩa những giấc mơ, thường là trong việc giúp người có giấc mơ được hiểu sâu xa hơn về mình.

Trong Kinh Thánh, giấc mơ thường được mô tả như dụng cụ mặc khải của Chúa. Qua những giấc mơ, Chúa hướng dẫn một người vào một thời điểm quan trọng việc phải làm hay nơi phải đi . Ví dụ như trong Tin Mừng Mátthêu, Chúa hướng dẫn thánh Giuse và các nhà thông thái qua giấc mơ để các ngài biết phải làm gì nhằm bảo vệ mạng sống mình và hài nhi Giêsu.  Khi được tin Maria mang thai, Giuse đã gặp một tình thế khó xử.  Ngài là một người chính trực, nhưng nếu Ngài cứ làm theo luật tức là hủy hôn ước với Maria, Ngài sẽ công khai làm Maria hổ thẹn. Vậy Ngài phải làm gì để gìn giữ sự chính trực của mình cũng như danh dự của Maria và hài nhi sẽ được sinh ra? Giuse đã nhận được lời giải đáp qua giấc mơ.  Thật thế, một thiên thần Chúa đã hướng dẫn Giuse kết hôn với Maria và giảng nghĩa về nguồn gốc thần linh và sứ mạng của hài nhi, đồng thời thiên thần cũng bảo đảm với Giuse rằng Chúa hiện diện ngay giữa hoàn cảnh rối rắm đó. Giuse đã làm theo điều Chúa đã chỉ bảo (Mt 1,18-25).  Ở hồi kế tiếp, các nhà thông thái đã được cảnh báo trong giấc mộng đừng trở về gặp Hêrốt sau khi gặp hài nhi Giêsu, nhưng hãy trở về cố hương bằng con đường khác (Mt 2,12). Giuse còn nhận được trong giấc mơ ba lời hướng dẫn du hành nữa: thứ nhất, Chúa bảo ngài đưa con trẻ và mẹ ngài trốn qua Ai Cập (Mt 2,13-15), thứ hai, trở lại Israel sau khi vua Hêrốt chết (Mt 2,19-21), và thứ ba, đi tới Galilê thay vì Juđêa (Mt 2,22-23).  Rõ ràng các giấc mơ của Giuse đến từ Thiên Chúa và được thông truyền bởi sứ thần Chúa; chính sự vâng lời của Giuse đã làm các lời tiên báo trong Kinh Thánh thành hiện thực.

Sách Tông Đồ Công Vụ tại một vài đoạn cũng kể chuyện Chúa hướng dẫn thánh Phaolô cách tương tự trong các hành trình truyền giáo. Mặc dầu từ "giấc mơ " không được dùng, thánh Phaolô đã  có "những thị kiến ban đêm" qua đó Ngài được chỉ dẫn đi tới Makêđônia (Cv 16,9) và ở lại Côrintô (Cv 18,9).  Khi thực hiện xong chuyến viếng thăm truyền giáo, một đêm kia thánh Phaolô được Chúa đứng kế bên, Ngài khuyến khích ông  làm chứng lần cuối cùng tại Rôma(Cv 23,11).  Sứ điệp này được lập lại trong một đêm khác, khi thiên thần Chúa bảo đảm cùng thánh Phaolô rằng ngài và tất cả các môn đồ đi theo sẽ sống sót sau cuộc hải hành (Cv 27,23). 

Không phải tất cả các giấc mơ trong Kinh Thánh đều có tính cách an ủi khuyến khích, hay chỉ đường tới nơi an toàn. Có những giấc mơ mang lại sợ hãi, chẳng hạn như những giấc mơ cảnh báo người Ai Cập về cái chết của những đứa con đầu lòng của họ (Kn 18,17-19). Nỗi khổ đau của thánh Gióp bao gồm những giấc mộng kinh hoàng và những thị kiến làm hoảng sợ (G 7,14). Êlihu, bạn của thánh Gióp, khuyên ông rằng những giấc mộng kinh hoàng là sự cảnh báo của Chúa muốn ông tránh xa những việc làm tội lỗi (G 33,15-17). Đây cũng là chức năng của loại giấc mơ  mà Vua Avimeléc đã có, khi ông bị Chúa cảnh báo là phải trả Xara lại cho Abraham (St 20,1-7).

Có một số giấc mơ trong Kinh Thánh cần phải giải thích. Tiên tri Đanien được nói là " hiểu biết mọi thị kiến và điềm báo mộng" (Đn 1,17). Khi những thầy phù thuỷ, pháp sư, đồng bóng và chiêm tinh của vua Nabucôđônôxo không thể giải thích được giấc mơ khiến vua bối rối (Đn 2,1-11), nhưng Đanien đã có thể làm được chuyện giải thích đó sau khi ông"được mặc khải điều bí nhiệm ấy trong giấc chiêm bao ban đêm" (Đn 2,19). Nhờ chuyện giải thích giấc chiêm bao này mà ông đã được khen thưởng, thăng chức làm người đứng đầu các nhà thông thái của Babylon (Đn 2,46-49).

Tuy nhiên, không phải tất cả những người giải mộng đều được trọng vọng cả. Ông Giuse bị các anh em ghét bỏ vì ông đã nói cho họ biết về chiêm bao trong đó ông có quyền hành trên các anh em mình (St 37,5-11). Các anh em ghét ông đến nỗi đã ném ông xuống giếng, và rồi bán ông cho những lái buôn người Mađian, những người này sau đó đã đem ông tới Ai Cập (St 37,19-28). Ở đó, ông Giuse tiếp tục giải thích các giấc chiêm bao, trước tiên cho quan chánh chước tửu và quan chánh ngự thiện (40,1-23) rồi cho chính vua Pharaô.  Tài năng của ông Giuse trong việc giải thích giấc mơ của vua Pharaô đã dẫn đến kết quả tốt khi Ai Cập thành công ngăn ngừa được nạn đói (41,1-36).

Đôi lúc giấc mơ được diễn tả với đặc tính thoáng qua (G 20,8), hay là một thứ gì đó mau nhạt nhoà và tàn úa (Tv 90,5-6). Cũng có lúc những giấc mơ bị miệt thị, xem như là phương tiện đặt điều dối trá của những tiên tri giả nhằm đưa dân đi trên con đường lầm lạc (Gr 23,25-32) và nói những lời an ủi vu vơ (Dcr 10,2). Ben Sira phê phán các giấc mơ đã giúp "những kẻ xuẩn ngốc chắp cánh bay cao" (Hc 34,1) và ông quả quyết rằng ai "tin vào mộng mị thì khác nào bắt bóng và đuổi theo gió" (Hc 34,2). Đối với ông, mộng mị là hão huyền (Hc  34,5) và khiến bao người lầm lạc (Hc 34,7).

Thế nhưng, đôi lúc  giấc mơ cũng là phương tiện mang đến hy vọng. Khi cơ nghiệp của Israel được trùng tu sau thời kỳ lưu đầy, những người đi tới Sion "tưởng mình như giữa giấc mơ" (Tv 126,1). Riêng đối với tiên tri Giôen, nằm mơ, nói tiên tri và thấy thị kiến là những biểu hiện của thần khí Chúa tuôn trào (Ge 2,28). Trong Tân Ước, thánh Phêrô  đã trích lại câu này để giải thích điều đang xảy ra vào ngày lễ Ngũ Tuần (Cv 2,17). Điều đã nói nay được thực hiện là: vào những ngày cuối cùng, khi Thần Khí Chúa được tuôn đổ trên hết thảy mọi người, khiến con trai con gái trở thành ngôn sứ, thanh niên thấy thị kiến, và bô lão được báo mộng.

Chúng ta có thể nói rằng Chúa Giêsu là một người “mộng mơ” nổi trội, dầu cho từ  này không được dùng trong Kinh Thánh. Tuyên ngôn của Ngài về nước Trời và việc Ngài làm nhằm đem nước Trời đến đã hiện thực hóa giấc mơ của Chúa mong nhân loại và toàn thể vũ trụ  được hợp nhất và hạnh phúc. Ngài mơ đến việc mang tin mừng đến tất cả người nghèo khó, giải thoát kẻ bị giam cầm, cho người mù được sáng mắt, và trả lại tự do cho người bị áp bức (Lc 4,18). Những giấc mơ như thế thật đáng giá. Thật vậy, những ai mà cuộc sống của họ bị đe dọa bởi người “mộng mơ” như vậy sẽ tìm cách bịt miệng và thậm chí giết người ấy, như trong trường hợp của ông Giuse trong sách Sáng Thế, hay như trường hợp của Tiến sĩ Martin Luther King, Jr. trong thời đại ngày nay.  Thế nhưng, ngay cả cái chết cũng không thể giết được giấc mơ hay tinh thần của người đã nói ra điều mộng mơ đó. Chúng ta thấy giấc mơ của Thiên Chúa về công lý và hiệp nhất lại một lần nữa bừng phát nơi các môn đệ Chúa Giêsu, và họ đã không chút sợ hãi giảng rao về giấc mơ của Ngài.



 
Tác giả bài viết: Luke Khổng Kim Quang chuyển ngữ
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 32
  • Khách viếng thăm: 17
  • Máy chủ tìm kiếm: 15
  • Hôm nay: 4339
  • Tháng hiện tại: 137522
  • Tổng lượt truy cập: 12281782