Trang mới   https://gpquinhon.org

"Trước mặt con người là cửa sinh cửa tử" (Hc 15,17)

Đăng lúc: Chủ nhật - 23/02/2014 19:50
"TRƯỚC MẶT CON NGƯỜI LÀ CỬA SINH CỬA TỬ" (HC 15,17)



Nữ tu Dianne Bergant, CSA
The Bible Today (Jan-Feb 2014)
tr. 23-28
 

Sống và Chết

....Khi chúng ta nghiên cứu những khái niệm về sống và  chết trong sách Huấn Ca, chúng ta thấy chúng được bàn đến qua nhiều cách khác nhau. Trước tiên, Ben Sira, tác giả nguyên thủy của cuốn sách, xác định rằng "Lành dữ, sống chết, giàu nghèo, tất cả đều do Đức Chúa" (Hc11,14).  Lời phát biểu văn vẻ này đi ngược lại với quan niệm của phái Nhị Nguyên cho rằng các lực lượng của thiện và ác tranh giành quyền làm bá chủ thế giới. Đối với Ben Sira chỉ có một Thiên Chúa và Ngài là nguồn gốc của mọi loài đang hiện hữu.  Thiên Chúa này không phải là một loại quyền lực thần thánh,  chỉ tác tạo và rồi để mặc thụ tạo tự lo liệu lấy. Ben Sira đã thân thưa cùng Chúa:
 
Lạy Đức Chúa là Cha và là Chúa Tể đời con (23,1)
Lạy Đức Chúa là Cha và là Thiên Chúa của đời con (23,4)
 
Tình thương mến và sự thân mật toát ra từ hai câu trên bộc lộ đặc điểm mối liên hệ của tác giả với Thiên Chúa, một liên hệ đã trở thành nền tảng cho những lời giảng dạy của ông.  Thật thế ông khuyến khích một cách sống đức độ và liêm chính.  Những lời khuyên khôn ngoan của ông đã trở thành nền tảng của luật Do Thái, dầu rằng những lời khuyên đó không nhắm cụ thể đến truyền thống tôn giáo.  Hơn thế nữa chúng bắt nguồn từ mối quan tâm chủ yếu tới hạnh phúc con người -  rõ ràng đây là một nét đặc trưng nơi tính nhân đạo cơ bản trong luật Do Thái. Tuy nhiên, là một người suy tư sâu xa về kinh nghiệm con người, Ben Sira mau mắn nhắc nhở những người xin ông hướng dẫn rằng mọi chọn lựa của họ đều có hậu quả: "Trước mặt con người là cửa sinh cửa tử, ai thích gì, sẽ được cái đó (15,17). Nói cách khác, con người có quyền lựa chọn cách sống dẫn tới một cuộc sống phong phú hay tới một ngõ cụt với thất vọng ê chề.

Suốt trong thế kỷ thứ ba trước công nguyên, Israel được tiếp xúc với tư tưởng Hy-lạp, lúc đó đang là một phong trào văn hóa phổ biến tại  nhiều vùng trên thế giới. Một trong những quan niệm của Hy-lạp đã ảnh hưởng đến dân Do-thái là quan niệm cuộc sống sau khi chết. Những văn bản Kinh Thánh soạn vào thời điểm đó, chẳng hạn như sách Khôn Ngoan của vua Salômon và các sách Macabê, đều ám chỉ đến khả năng có một hình thức hiện hữu khác sau khi chết:

Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa... nhưng họ vẫn chứa chan hy vọng được trường sinh bất tử.(Kn 3, 1&4)
... nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn.(2 Mcb 12,44)

Tuy nhiên, Ben Sira, với những lời giảng huấn có trước thời các cuốn sách được kể trên, rõ ràng không đề cập gì đến hy vọng sống lại đó.  Khi vị tôn  sư này nói đến những tưởng thưởng cho ai ăn ở tốt lành và hậu quả nhãn tiền cho ai ăn ở ác nhơn ác đức, ông cho rằng những kết quả đó diễn ra ngay tại đời này, không phải ở một hình thức sống nào đó sau khi chết. Theo ông, cuộc sống này là cuộc sống duy nhất Chúa đã trao ban cho nhân loại, ai không sống cho đúng ý nghĩa sống thì sẽ chuốc lấy cái chết.

Kính Sợ Thiên Chúa

Kinh nghiệm sống cho chúng ta biết được sống thế nào để có hạnh phúc và thành công, và sống thế nào sẽ dẫn tới thảm họa. Thật thế, mỗi việc chúng ta làm đều mang lại một hệ quả. Suy tư của Ben Sira về cách con người cư xử đối đãi với nhau đã giúp ông hiểu thêm về cuộc sống. Dù gì đi nữa, ông yêu mến Lề Luật của Israel như một tập hợp những chỉ dẫn giúp con người biết quyết định, và ông dạy rằng ai tuân theo những lời chỉ dẫn đó sẽ vui hưởng cuộc sống:

Người còn ban kiến thức cho chúng,
và cho thừa hưởng luật đem lại sự sống.
Người đã lập với chúng một giao ước muôn đời,
và tỏ cho thấy những điều Người phán quyết. (Hc 17, 11-12)
 
Ai tin tưởng Lề Luật thì gắn bó với lệnh truyền.
Kẻ cậy trông Đức Chúa sẽ chẳng hề thua thiệt. (32, 24)
 
Ông cũng nói rằng những ai không tuân theo Lề Luật sẽ gánh chịu hậu quả từ những quyết định xuẩn ngốc của chúng: Người khôn thì không ghét bỏ Lề Luật, còn kẻ giả hình giữ Lề Luật thì cũng như con tàu giữa phong ba" (33,2).

Lề Luật không bị coi là gánh nặng cho Israel, nhưng là sự hướng dẫn. Lề Luật bổ sức cho tâm hồn và làm hoan hỷ cõi lòng (Tv 19, 8-9). Lề Luật hướng con người tới Thiên Chúa với lòng kính sợ. Quan niệm kính sợ Thiên Chúa này dựa trên nền tảng nhận biết tính thánh thiện của Thiên Chúa.  Người ta cảm thấy sợ khi đối diện với Thiên Chúa rất đỗi vĩ đại và nhận ra ngay sự kém cỏi của bản thân mình, tuy nhiên đây không phải là ý chính được nhắm tới.  Lòng kính sợ Thiên Chúa bao hàm vừa cảm giác sợ lẫn sự tôn kính, lòng kính sợ đó không phải  là sự khiếp sợ. Người ta cảm thấy kính sợ, chứ không khiếp sợ, khi thấy được sự siêu việt của Thiên Chúa, Đấng Bảo Vệ Con Người  như Ben Sira đã nhận ra.  Tác giả này hiểu về lòng kính sợ Thiên Chúa cũng như tác giả thánh vịnh nhận ra giá trị của Lề Luật.

Kính sợ Đức Chúa đem lại vinh quang và tự hào, hân hoan và phấn khởi.
Kính sợ Đức Chúa khiến tâm hồn sung sướng, cho con người được hoan hỷ mừng vui
và an khang trường thọ. (Hc 1, 11-12)

Thế nhưng, Ben Sira không coi lòng kính sợ chỉ như là một thái độ của tình cảm con người, Hơn thế nữa, đó là nền tảng luân lý mà ông muốn trình bày. Ông đã đan quyện ba ý tưởng chính lại với nhau: luật Chúa; lòng kính sợ Chúa; và phác họa về người khôn ngoan, người sẽ có một cuộc sống sung túc và trường thọ.
 
Vì lòng kính sợ Đức Chúa là trường dạy khôn ngoan, và điều Người ưa thích là tín thành và nhân hậu. (1,27)

Những ai kính sợ Đức Chúa thì không ngang bướng bất tuân lời Người dạy,
và những ai kính mến Người thì giữ vững đường lối của Người.
Những ai kính sợ Đức Chúa thì tìm điều Người ưa thích, và những ai kính mến Người thì no thoả Lề Luật. (2,15-16) ....
 
Kết Thúc Cuộc Sống

Ben Sira không quên nói đến tính tất yếu của cái chết. "Khi có người nào chết, con chớ vui mừng,  hãy nhớ rằng tất cả chúng ta đều phải chết" (8,7) và cái tính "đến không ai ngờ" của cái chết: "Hãy nhớ rằng cái chết không trì hoãn đâu,  và ngày hẹn của âm phủ, con nào có biết!" (14,12). Thế nhưng tác giả đã không bàn sâu về các đặc tính này. Ông có một thái độ thực tế về cái chết và nỗi đau buồn mà cái chết gây ra. Ông có những lời khuyên về cách thương tiếc người quá cố. Chẳng có một tiêu chuẩn rõ rệt xác định phải thương tiếc ngần nào mới đủ. Đôi lúc cái chết của một người thân làm đảo lộn cả một cuộc sống. Khi đối diện với cái chết, người ta có trách nhiệm vừa với người quá cố lẫn kẻ đang còn sống. Tác giả xác định rằng người ta phải kính trọng thân xác người quá cố và nên tham dự nghi thức chôn cất. Khi việc thương tiếc người quá cố là việc đúng đắn, thì trái lại, buồn rầu quá mức lại là một điều không khôn ngoan. Việc thương tiếc phải giữ sao cho vừa phải, vì buồn rầu quá mức chẳng đem ích lợi gì cho người quá vãng, trái lại nó còn làm ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ người đang muộn phiền. Người chết rồi sẽ chẳng thể sống lại như xưa, vì thế người còn sống phải can đảm đứng lên, tiếp tục sống.

Ông nhận thấy rằng người ta đối diện với cái chết bằng nhiều cách khác nhau, tuỳ theo lối sống mà họ đã có:

Hỡi tử thần, nhớ đến ngươi thật là cay đắng
đối với ai đang an hưởng tài sản của mình,
đối với người không phải âu lo,
người thành công trong hết mọi việc,
người còn khoẻ mạnh để hưởng thú vui.
Hỡi tử thần, phán quyết của ngươi hay thật
đối với kẻ bần cùng, với người thiếu sức khoẻ,
với người già nua tuổi tác, lo lắng trăm chiều,
với người tuyệt vọng, không còn kiên nhẫn nữa. (41,1-2)
 
Tác giả thường đề cập đến sự thưởng phạt tuỳ theo cách mà một người đã sống, nhưng ông đã không nói rõ khi nào hay nơi nào những thưởng phạt đó sẽ diễn ra.
 
Trong ngày mệnh chung,
trả cho con người theo lối họ đã sống,
đối với Đức Chúa, là chuyện thật dễ dàng.(11,26)
Đừng khen ai có phúc trước khi họ lìa đời,
vì nhìn vào con cái, người ta sẽ biết họ.(11,28)
Hãy nhớ đến cơn thịnh nộ trong những ngày cuối cùng,
đến giờ báo oán, khi Người ngoảnh mặt đi.(18,24)
 
Ben Sira không phải là người theo thuyết Định Mệnh, nhưng là một người thực tế. Điều quan trọng đối với ông là một cuộc sống tốt lành, sống sát với những điều được rút tỉa ra từ kinh nghiệm và được hướng dẫn bởi Lề Luật. Ông cổ vũ một cuộc sống kính sợ Thiên Chúa, một cuộc sống được định hướng bởi sự khôn ngoan đích thực. Từ lúc được sinh ra cho tới ngày nhắm mắt xuôi tay, con người đã phải lao động nhọc nhằn và nặng gánh với những âu lo. Nỗi nhọc nhằn không vơi bớt đi, ngay cả lúc ngủ, vì những rối rắm xuất hiện ngay cả trong những giấc mơ của con người. Kẻ xấu có thể phải chịu trách nhiệm cho nhiều bất hạnh gặp phải trong cuộc sống, nhưng tất cả các thụ tạo trên trái đất, ngay cả muông thú, phải gánh chịu hậu quả từ những tội lỗi của chúng. Kết luận: ai được sinh ra sẽ cũng phải chết. Của cải giàu sang mà kẻ dữ tích luỹ rồi cũng tiêu tan. Chỉ có sự thiện hảo mà người ngay chính thực hiện sẽ tồn tại, dầu cho họ có thể không còn sống để vui hưởng sự thiện hảo đó.
 
Hãy Chọn Sự Sống!

Những ngày đầu năm là thời điểm thích hợp để chúng ta suy xét lại cách chúng ta đang sống và tính toán xem rằng chúng ta sẽ làm gì để thăng tiến cuộc sống của chúng ta.  Trong thời điểm này, Ben Sira khuyến khích chúng ta xem xét lại điều gì là thực sự quan trọng trong cuộc sống: lòng thương xót và lòng tin vào Thiên Chúa, tình gia đình thân thiết và tình bạn nồng ấm, tính ngay thẳng và lòng quảng đại trong mối tương quan với người khác.  Hằng ngày, chúng ta phải lựa chọn giữa sống và chết, và "ai thích gì, sẽ được cái đó" (15, 17). Cái đó là gì vậy nhỉ?
 
 

 
Tác giả bài viết: Luca Khổng Kim Quang chuyển ngữ
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 41
  • Khách viếng thăm: 23
  • Máy chủ tìm kiếm: 18
  • Hôm nay: 4339
  • Tháng hiện tại: 136337
  • Tổng lượt truy cập: 12280597