Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Giêsu đã làm gì bên bờ giếng? (Ga 4, 4-42)

Đăng lúc: Thứ bảy - 20/10/2012 17:07
CHÚA GIÊSU ĐÃ LÀM GÌ BÊN BỜ GIẾNG? (Ga 4, 4-42)

 
 
 
 
Người phụ nữ Samaritanô bên bờ giếng
Tranh dầu của Annibale Carracci (1560-1609)
hậu bán thế kỷ XVI

 
Jeremy Thompson
Tạp chí "The Bible Today"
Vol. 50, số 4, July/August 2012, tr. 215-220

chuyển ngữ
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

 
Đọc Kinh Thánh đôi lúc làm ta có cảm tưởng như xem cuốn phim Groundhog Day (Ngày chuột chũi). Trong phim, nhân vật chính cứ mỗi sáng thức dậy là sống lại cùng một “ngày chuột chũi” với những thay đổi khác nhau nhưng vẫn cũng là một ngày đó. Tương tự như vậy, khi đọc Kinh Thánh, thảng hoặc ta cứ ngờ ngợ rằng đã đọc điều này ở đâu đấy rồi. Ta bắt đầu nhận ra rằng các câu chuyện được viết theo mẫu, với đôi chút thay đổi nhưng vẫn giống nhau đến nỗi ta lờ mờ nhận ra sợi dây nối kết các câu chuyện. Ta cũng có thể thấy được rằng những thay đổi khác nhau trong câu chuyện là manh mối giúp tìm ra ý nghĩa của nó. Một ví dụ đáng chú ý là các mẫu chuyện đính hôn trong Cựu Ước, một khuôn mẫu có nhiều điểm chung với câu chuyện Chúa Giêsu gặp người phụ nữ bên bờ giếng trong Tin Mừng Thánh Gioan. Câu chuyện trong chương 4 của Tin Mừng Thánh Gioan có khớp với những cảnh đính hôn trong Cựu Ước không? – nếu có, đâu là ý nghĩa thần học mà hậu cảnh này đóng góp cho câu chuyện?

Mẫu cảnh đính hôn trong Cựu Ước

Trong cuốn The Art of Biblical Narrative (Nghệ thuật kể chuyện của Kinh Thánh), Robert Alter đã viết đại khái những khuôn mẫu chúng ta có thể gặp thấy trong Kinh Thánh mà ông gọi là “những cảnh mẫu” (type-scenes). Ông đặc biệt chú ý đến các mẫu cảnh đính hôn. Trong đoạn sau đây, ông đã trình bày những yếu tố chính:  

Mẫu cảnh đính hôn phải xảy ra với chú rể tương lai, hoặc người đại diện, đi đến miền đất lạ. Ở đó anh ta gặp một người con gái (từ “na’arah” luôn xuất hiện trừ phi cô gái được xác định là con ông nầy ông kia) hoặc nhiều cô gái bên bờ giếng. Rồi một ai đó, hoặc người đàn ông hay cô gái kéo nước từ giếng lên; sau đó cô gái hoặc các cô gái chạy về báo tin có người khách lạ đến … và cuối cùng cuộc đính hôn được cam kết giữa người khách lạ và cô gái mà trong phần lớn trường hợp chỉ xảy ra sau khi anh ta được mời dùng bữa.

Chúng ta có thể liệt kê những yếu tố sau đây:

1. Hành trình đi đến miền đất lạ
2. Gặp cô gái (hay nhiều cô) bên bờ giếng
3. Chàng trai hay cô gái (hoặc nhiều cô) kéo nước lên
4. Cô gái (hay nhiều cô) chạy về báo tin có khách lạ
5. Cuộc đính hôn được cam kết sau bữa ăn

Những cuộc đính hôn sau đây đều theo khuôn mẫu này: Isaac và Rebecca, Giacóp và Rachel (và Lêa), Môisen và Zíppora.
Mẫu cảnh hứa hôn của ông Môisen diễn ra như một phiên bản mẫu và chúng ta hiểu ý nghĩa của câu chuyện này sau khi phác mẫu ra:

1. Môisen chạy trốn Pharaon và ở lại miền đất Mađian. Ông ngồi bên bờ giếng (Xh 2, 15)
2. Thầy tư tế Mađian có bảy người con gái. Các cô đến múc nước và đổ đầy máng cho chiên của cha mình uống (2, 16)
3. Bấy giờ, có những người chăn chiên đến và đuổi các cô đi. Ông Môisen liền đứng lên bênh vực các cô và kéo nước cho chiên uống. (2, 17)
4. Các cô về với cha là ông Rơuen. Ông hỏi: "Sao hôm nay các con về sớm thế? ". Các cô thưa: "Có một người Ai Cập đã cứu chúng con khỏi tay bọn chăn chiên, lại còn múc nước giùm chúng con và cho chiên uống nữa." (2, 18-19)
5. Người cha hỏi các con: "Thế người đó đâu rồi? Sao lại bỏ người ta ở đấy? Mời người ta đến dùng bữa đi!". Ông Môisen bằng lòng ở lại với thầy tư tế, và ông này gả con gái là Zíppôra cho ông. (2, 19-20).

Hình thức phiên bản mẫu này thật có ý nghĩa bởi vì ông Môisen là hình ảnh kiểu mẫu của Cựu Ước. Ơn kêu gọi của ông trên núi Sinai cũng trở thành kiểu mẫu cho ơn gọi của các ngôn sứ sau này. Cứ xem lại thì thấy rằng các ngôn sứ đều lên tiếng thoái thác khi được gọi, y như ông Môisen đã làm trên núi Sinai (Ví dụ: ngôn sứ Isai: “Tôi là người miệng lưỡi không tinh sạch”; Ngôn sứ Giêrêmia: “Tôi còn quá trẻ”).

Những thay đổi so với mẫu cảnh cũng rất quan trọng, nó tiết lộ cho chúng ta nhiều điều về người được đính hôn. Lấy trường hợp Isaac làm ví dụ. Ông ấy không hiện diện trong buổi đính hôn của mình. Người giúp việc cho Abraham gặp một phụ nữ bên bờ giếng tại miền đất lạ và rồi ký kết hôn ước cho Isaac (sau khi cô gái hối hả chạy về nhà và chuẩn bị bữa ăn). Ông Isaac có vẻ ít hoạt động so với cái nhìn chung chung về các câu chuyện của các tổ phụ. Cứ xem thì thấy có rất ít dữ liệu liên quan đến cuộc sống thời trưởng thành của Isaac trong sách Sáng Thế so với các ông Abraham, Giacóp và ngay cả ông với Giuse là người chẳng được thừa kế lời hứa. Lại nữa, sự thiếu vắng ý kiến của ông Isaac cũng có thể dẫn đến một trong những xung đột đỉnh điểm trong cuộc đời ông. Ông chờ cho đến phút cuối cuộc đời, khi đã bị mù lòa và nằm trên gường chờ chết, để sắp đặt vấn đề ai là người sẽ nhận lãnh sự chúc lành của ông. Cuối cùng, điều này cho phép Giacóp và Rêbecca đánh lừa ông. Sự thụ động của Isaac trong cuộc đính hôn của mình đã mách cho ta biết về cá tính của ông.

Chúa Giêsu và người phụ nữ bên bờ giếng

Hãy xem bạn khám phá ra điều gì trong câu chuyện Chúa Giêsu gặp người phụ nữ bên bờ giếng Samaria. Tất cả các yếu tố của mẫu đính hôn có hiện diện trong câu chuyện này không? Trước hết, đề tài hôn nhân đã nổi bật lên trong cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với người phụ nữ:

Người bảo chị ấy: “Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây.” Người phụ nữ đáp: “Tôi không có chồng.” Đức Giê-su bảo: “Chị nói: “Tôi không có chồng” là phải, vì chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng.” (4, 16-18)

Bây giờ hãy xem từng yếu tố một, theo thứ tự.

1. Hành trình về miền đất lạ

Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với người phụ nữ bên bờ giếng xảy ra không chỉ ở Samaria, nhưng bên bờ giếng của Giacóp, được người Samaria xem như là thánh địa. Theo một chú giải, người Do Thái và người Samaria “xem thường nơi thờ tự của nhau và vẫn còn hiềm khích với nhau trong nhiều thế kỷ”. Như vậy, dù cho người Samaria có liên hệ với người Do Thái, nhưng từ quan điểm của người Do Thái khi đọc Tin Mừng Thánh Gioan thì có thể hiểu câu chuyện xảy ra ở phần đất lạ.

2. Gặp người phụ nữ bên bờ giếng

Câu chuyện xảy ra tại giếng Giacóp, vì thế chúng ta không cần phải đi vào chi tiết ở đây. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là hành động xảy ra tại giếng Giacóp. Chúng ta cũng đã thấy sự liên kết giữa Giacóp và mẫu chuyện đính hôn, dù cho “Giếng Giacóp” không phải là nơi ông Giacóp gặp bà Rachel. Người phụ nữ trong câu chuyện có thể không phải là “một cô gái” hay “thiếu nữ” gì cả bởi vì từ Hy Lạp được dịch ra là “người phụ nữ” trong chương này có thể được dùng để chỉ bất kỳ người đàn bà trưởng thành nào. Yếu tố này có nghĩa là câu chuyện Chúa Giêsu không cùng một khuôn mẫu đính hôn hoặc có thể chỉ là một khác biệt nho nhỏ.

3. Người đàn ông hoặc người phụ nữ kéo nước lên

Thực tế, Chúa Giêsu lẫn người phụ nữ, chẳng ai thực sự kéo nước lên cả. Song Chúa Giêsu xin chị kéo nước lên cho Ngài. Và rồi tiếp theo đó là cuộc đối thoại thẳng thắn về nước và kết thúc với chuyện người phụ  nữ xin Chúa Giêsu nước uống:

Có một người phụ nữ Samari đến lấy nước. Đức Giêsu nói với người ấy: "Chị cho tôi xin chút nước uống! " Lúc đó, các môn đệ của Người đã vào thành mua thức ăn. Người phụ nữ Samari liền nói: "Ông là người Do Thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao? " Quả thế, người Do Thái không được giao thiệp với người Samari. Đức Giêsu trả lời: "Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: "Cho tôi chút nước uống", thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống." Chị ấy nói: "Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống? Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Giacóp, người đã cho chúng tôi giếng này? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy." Đức Giêsu trả lời: "Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời." Người phụ nữ nói với Đức Giêsu: "Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước." Người bảo chị ấy: "Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây." 

Cuối câu chuyện, khi người phụ nữ kéo mọi người trong thành phố đến gặp Chúa Giêsu, độc giả có thể kết luận rằng chị đã thực sự nhận được nước hằng sống mà Chúa Giêsu đã nói đến.

4. Người phụ nữ vội vã chạy về loan tin về người khách lạ

Câu 28: “Người phụ nữ để vò nước lại, vào thành và nói với người ta”. Không thấy từ nào đề cập đến sự vội vã, thế nhưng thực sự chị đã vội vàng đến nỗi bỏ quên vò nước lại. Trong câu tiếp theo, chúng ta thấy quả thực có sự vội vàng trong lời nói khi chị bắt đầu bằng hai động từ mệnh lệnh cách (imperative): “Hãy đến xem, có một người …”. Không có giới tự “” ở giữa hai động từ này trong bản tiếng Hy Lạp.

5. Cuộc đính hôn được cam kết bằng bữa ăn

Một lần nữa chúng ta thấy có sự thay đổi so với mẫu cảnh đính hôn. Chúa Giêsu không ký giao ước hôn  nhân với chị phụ nữ tại bờ giếng sau bữa ăn, nhưng ta thấy có cuộc thảo luận đầy ý nghĩa về lương thực trong các câu 31-38:

Trong khi đó, các môn đệ thưa với Người rằng: "Rabbi, xin mời Thầy dùng bữa." Người nói với các ông: "Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết." Các môn đệ mới hỏi nhau: "Đã có ai mang thức ăn đến cho Thầy rồi chăng? " Đức Giêsu nói với các ông: "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người…”

Như thế, tất cả những yếu tố của mẫu cảnh đính hôn đều hiện diện dưới hình thức này hay hình thức khác. Một người đàn ông và một phụ nữ gặp nhau bên bờ giếng tại miền đất lạ nói về hôn nhân. Có cuộc đối thoại về nước uống và lương thực, và rồi người phụ nữ phấn khích chạy đi loan tin về người khách lạ. Chỉ có sự thay đổi rất ý nghĩa liên quan đến lương thực và nước.

Ý nghĩa câu chuyện

Như ta đã thấy, mẫu cảnh đính hôn như trên là cảnh rất quen thuộc và giàu ý nghĩa trong Cựu Ước. Ta đã thấy điều đó trong cuộc đời của các hình tượng lớn như ông Môisen, Giacóp hay Isaac. Tất cả những yếu tố của mẫu cảnh này đều hiện diện trong chương 4 của Tin Mừng Gioan dưới hình thức nào đó, chẳng biết tác giả Tin Mừng Thánh Gioan có cố ý viết như vậy hay không. Dù cho tất cả các yếu tố này hiện diện nhưng chúng vẫn được cấu tạo khác đi một chút. Chính những sự khác biệt này đem lại cho chúng ta những suy tư thần học cao sâu hơn về câu chuyện.

Phải chăng vài yếu tố trong mẫu đính hôn, đặc biệt là yếu tố bị bỏ sót trong câu chuyện xét về mặt văn tự, lại mang ý nghĩa thần học? Chúng ta đoán được điều này khi nhìn lại yếu tố “nước” trong đoạn trước. Theo mạch văn tự thì không ai trong chương 4 của Gioan uống nước cả, nhưng phải chăng chị phụ nữ Samaria đã uống nước hằng sống mà Chúa Giêsu nói đến? Khi thỏa mãn cơn khát nước, chị đã bỏ vò nước lại bởi vì lòng ngập tràn ước muốn loan tin người khách lạ này là Đấng Cứu Thế.

Nếu “làm theo ý Chúa Cha” là lương thực của Chúa Giêsu thì chị phụ nữ Samaria có thông phần cùng một của ăn này vào đoạn kết của câu chuyện không? Thánh Gioan đã đóng khung cuộc thảo luận về lương thực (cc. 30-38) bằng hai câu này: “Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao?” (c. 29) và “Có nhiều người Samari trong thành đó đã tin vào Đức Giêsu, vì lời người phụ nữ làm chứng” (c. 39). Khi “làm theo ý Chúa Cha” bằng cách loan báo Chúa Giêsu như là Đấng Cứu Thế thì chị phụ nữ đã tham dự vào một bữa tiệc còn vui vẻ hơn bữa tiệc đính hôn.

Cuối cùng, về chuyện đính hôn thì sao? Một cách nào đó, có thể nào chị phụ nữ đã đính hôn với Chúa Giêsu? Chúng ta không cần phải đi đâu xa để nhận ra rằng các tác giả Kinh Thánh thường dùng hình ảnh cô dâu để nói về giáo hội, nơi hội tụ của những người đã được lãnh nhận ân sủng đức tin. Hãy xem mẫu gương của chị phụ nữ: sau khi thỏa mãn cơn khát, đã chia sẻ lương thực với Chúa Giêsu và sống trọn vẹn với Đức Kitô với tư cách là cô dâu. Điều này khiến chúng ta phải tìm ra cách nào đó để cạnh tranh với chị.


 
Gpquinhon.org ®
 
 
 
 

 
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Nguồn tin: Gpquinhon.org

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 14
  • Khách viếng thăm: 13
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 7066
  • Tháng hiện tại: 125164
  • Tổng lượt truy cập: 12269424