Trang mới   https://gpquinhon.org

Ngôn ngữ của các Tin Mừng là ngôn ngữ của Chúa Giêsu?

Đăng lúc: Thứ bảy - 27/10/2012 17:54
NGÔN NGỮ CỦA CÁC TIN MỪNG LÀ NGÔN NGỮ CỦA CHÚA GIÊSU?
 
 
 
Biển hồ Galilê
 


 
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính biên dịch


Bốn Tin Mừng trong quy điển đều được viết bằng tiếng Hy Lạp. Chỉ có Tin Mừng Matthêu được cho là có một bản gốc viết bằng tiếng Aram. Thông tin này là do Papias, Giám mục thành Hierapolis (Phrygie) sống vào đầu thế kỷ thứ II. Hai thế kỷ sau, một giám mục khác là Eusèbe de Césarée đã thuật lại lời của ngài trong cuốn Histoire ecclésiastique (Hist. Ecc. III, 39, 15-16), nhưng chúng ta không bao giờ tìm thấy tài liệu này và cũng không biết chắc được nó có thật hay không vì chẳng còn dấu vết nào về thông tin này. Các Giáo phụ (Irênê thành Lyon, Origen, Giêrônimô) cũng khẳng định như vậy nhưng các ngài cũng chỉ dựa vào nguồn tin của Papias.

Có ba ngôn ngữ được nói ở xứ Palestine vào thời Chúa Giêsu. Tiếng Aram, tiếng Hébreu và tiếng Hy Lạp. Người ta chỉ tìm thấy một ít dấu vết tiếng Latinh. Ngôn ngữ hành chính và của giới tinh hoa là tiếng Hy Lạp. Dân cư sống dọc theo khu vực Địa Trung Hải và người Do Thái tha hương (diaspora) cũng nói tiếng Hy Lạp, nhưng ở nội địa và nhất là ở vùng Galilê thì người dân nói tiếng Aram vì đó là ngôn ngữ phổ biến tại xứ Palestine vào thời ấy. Sử gia Flavius Josèphe đã viết cuốn “Chiến tranh của người Do Thái” (Guerre des Juifs) bằng tiếng Aram và Bar Kokhba ở Giêrusalem cũng viết phần lớn thư từ của mình bằng tiếng Aram. Cư dân làng Galilê không nói tiếng Hy Lạp. Họ chỉ bắt đầu nói tiếng Hy Lạp vào thế kỷ thứ II Công nguyên khi mà miền Galilê được đô thị hóa. Tại miền Bắc Galilê, người ta chỉ tìm thấy một ít văn bia bằng tiếng Hy Lạp, hầu hết bằng tiếng Hébreu hoặc Aram.

Tiếng Hébreu được nói ở miền Giuđê. Ở Galilê cũng có người nói tiếng Hébreu thế nhưng đây là ngôn ngữ thánh, ngôn ngữ của các nghi thức tang lễ, của kinh nguyện mà người ta thuộc nằm lòng vì vào thời đó các truyền thống được lưu truyền bằng miệng (truyền khẩu – bởi vì rất ít người biết đọc biết viết). Tiếng Hébreu chỉ trở thành ngôn ngữ phổ biến ở Galilê vào thế kỷ thứ III và IV. Sự bành trướng này bắt đầu từ thế kỷ thứ II khi mà các thầy Do Thái giáo trốn khỏi Giêrusalem đến miền Galilê sau cuộc cách mạng lần thứ hai của người Do Thái: cuộc nổi loạn của Bar Kokhba (132-135). Trước hết họ sống tại Beth Shearim, rồi chuyển đến Sepphoris và Tibériade. Họ mở trường dạy học. Hoàng thân Giuđa (đầu thế kỷ thứ III) đã viết sách Mishnah tại đây và gây ảnh hưởng khắp vùng (cả người Do Thái tha hương nữa).

Chúa Giêsu nói tiếng gì? Trong các Tin Mừng, Ngài nói tiếng Aram, ví dụ như: «Talita qoum» (Mc 5, 41), «Ephphata» (Mc 7, 33). Maria Magđala cũng gọi Ngài bằng tiếng Aram «Rabbouni» (Ga 20,16). Vậy thì Chúa Giêsu nói tiếng Aram. Những lời cuối cùng của Ngài (là lời của Thánh vịnh 22): «Eloï, Eloï lama sabaqthani» (Mc 15, 34) cũng là tiếng Aram chứ không phải tiếng Hébreu.

Chúa Giêsu có nói tiếng Hy Lạp không? Hy Lạp là ngôn ngữ hành chính và của giới tinh hoa. Chúa Giêsu không thích “những người sống trong cung vàng điện ngọc” (Lc 7, 25) nên ta có thể đoán được rằng ngài không giao du với họ hoặc nói tiếng của họ. Các Tin Mừng không hề nói rằng ngài từng đi qua thành Séphoris, một thành phố Hy Lạp hóa, mặc dù nó rất gần với Nazareth. Trái lại, các môn đệ của Ngài như Philipphê và Anrê (có tên bằng tiếng Hy Lạp) nói tiếng Hy Lạp bởi vì họ là trung gian giữa “những người Hy Lạp” và Chúa Giêsu (Ga 12, 20-22).

Nếu Chúa Giêsu nói tiếng Aram, tại sao các Tin Mừng được viết bằng tiếng Hy Lạp? Trước hết là bởi vì các Tin Mừng không được viết ở xứ Palestine: Tin Mừng Matthêu được viết ở Antiokia thuộc xứ Syrie; Tin Mừng Marcô được viết ở Rome; Tin Mừng Luca được viết ở Akaia thuộc Hy Lạp; Tin Mừng Gioan được viết ở Êphêsô. Thế nhưng các tác giả Tin Mừng vẫn sử dụng chất liệu viết là các truyền thống truyền khẩu, và họ đã xếp đặt chúng lại tùy theo quan điểm thần học hay đời sống cộng đoàn của họ. Thứ đến, các bản văn này được viết cho những người nói tiếng Hy Lạp.

Hơn nữa, sự kiện các Tin Mừng được viết bằng tiếng Hy Lạp cũng tiêu biểu cho công cuộc khai mở mạc khải cho muôn dân: cho người Do Thái cũng như dân ngoại. Trong bối cảnh ngôn ngữ của thời đại, điều này có nghĩa là Giao Ước Mới đã trở nên dễ tiếp cận với mọi người, «cắt bì» cũng như «không cắt bì», tất cả đều hội tụ lại trong Đức Kitô (Ep 2,11-18).
 

 
(Theo Yolande Girard, interbible)
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 22
  • Khách viếng thăm: 5
  • Máy chủ tìm kiếm: 17
  • Hôm nay: 8303
  • Tháng hiện tại: 126401
  • Tổng lượt truy cập: 12270661