Trang mới   https://gpquinhon.org

Ngôi sao Đavít

Đăng lúc: Thứ sáu - 25/11/2016 17:26

Ngôi sao Đavít
 
 
Ngày nay, ngôi sao Đavít là biểu tượng phổ biến của dân Do Thái, nhưng ngày xưa biểu tượng này thuộc về những dân tộc khác của vùng Cận Đông cổ và lưu vực Địa Trung hải. Được tạo thành do hai tam giác đều bắt chéo nhau, nguyên thủy ngôi sao này được dùng để bảo vệ người dân chống lại ma quỷ và quyền lực sự dữ. Theo truyền thuyết Do Thái, người ta tin rằng khi một đứa trẻ sinh ra là một ngôi sao mới xuất hiện trên bầu trời.

Tại xứ Palestine, ông Alexandre Jannée (103-76 av. J.C.) kiêm nhiệm chức thượng tế và vua Israël, đã cho rập hình một ngôi sao trên đồng tiền. Vào cuộc khởi nghĩa lần thứ hai của người Do Thái (66-70 ap. J.C.), Rabbi Aqiba nhìn thấy Đấng Cứu Thế trong vị thủ lãnh của những người nổi dậy là Bar Kosiba, và đã đổi tên ông này thành Bar Kohba : con của ngôi sao.

Thời xa xưa, ngôi sao này không có tên riêng. Nó chỉ bắt đầu có tên trong (truyền thống) Kabbale[1], thế kỷ XIV, khi cháu của  Nahmanide chính thức gán cho nó một cái tên. Ông gọi nó là Magen David và đưa vào lời chúc tụng thứ ba được đọc trong Hội đường, ngay trước bài đọc các ngôn sứ.

Magen David nghĩa là tấm khiên của Đavít. Đây là tấm khiên của con vua Đavít, người mà YHWH báo trước sự xuất hiện qua ngôn sứ Samuel (2 Sm 7,12[2]). Việc gắn kết cái tên với ngôi sao xuất phát từ lời sấm của  Balaam (Ds 24,17[3]), mà bản Bảy Mươi dịch ở thì tương lai: một ngôi sao sẽ xuất hiện từ Giacóp và một người sẽ trỗi dậy từ Israël. Như vậy, nó tượng trưng cho vị Vua – Cứu Thế (Roi-Messie), Đấng phải đến.

Từ thế kỷ XIV - XVIII, ngôi sao Đavít được phổ biến rộng rãi nhờ máy in. Vào thế kỷ XVII, cộng đoàn Do Thái ở Prague, rồi đến cộng đoàn ở Amsterdam đã dùng nó làm biểu tượng cho cộng đoàn của mình. Trong cuộc chiến 30 Năm (1618-1648), trong (truyền thống) kabbale, đây là biểu tượng cho sự Cứu Rỗi. Sau đó biểu tượng này phổ biến khắp các cộng đồng Do Thái trên toàn thế giới. Trong thế chiến thứ hai, Đức Quốc Xã đã gán cho biểu tượng này như là dấu hiệu nhận diện của người Do thái, gây ra cái chết cho sáu triệu người trong cộng đồng Do Thái, phong trào sioniste đã dùng nó làm biểu tượng cho mình.

Từ đó, Magen David đối với người Do Thái như là cây thập giá đối với các kitô hữu: một biểu tượng đau khổ nhưng đồng thời cũng là biểu tượng của niềm hy vọng.

Cuối cùng, chủ đề ngôi sao không vắng bóng trong Kitô giáo vì trong tin mừng của mình, Thánh Matthêô đã lấy lại lời ngôn sứ Mikha : « Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ítraen dân Ta sẽ ra đời » (Mk 5,1; Mt 2,6). Các đạo sĩ được một ngôi sao dẫn đường ở Phương Đông (Mt 2,9), được truyền thống giải thích là ngôi sao Đấng Cứu Thế.

Trong sách Khải Huyền, người ta lấy lại ý nghĩa này khi nói về Chúa Giêsu : « Ta là Giêsu, Ta đã sai thiên thần của Ta đến với các ngươi để làm chứng về những điều trên đây, liên quan đến các Hội Thánh. Chính Ta là Chồi Non và Dòng Dõi Đavít, là Sao Mai sáng ngời”(Kh 22,16). Như vậy, trong hai truyền thống này, ngôi sao Đavít tượng trưng cho Đấng Cứu Thế.
 
Yolande Girard
 
 

[1] KABBALE = Phái bí truyền Do thái (hay Cabale do tiếng Do thái qabbalah = truyền thống): khuynh hướng chú giải Kinh Thánh và phong trào tu đức có tính cách phiếm thần, được xây dựng trên một cách giải thích có tính bí truyền và tượng trưng về bản văn của Kinh Thánh, gắn bó với giá trị con số của các chữ. Những người theo phái này đã cho học thuyết này bắt nguồn từ thời bị lưu đày ở Babylon, hơn nữa, từ Abraham hoặc ngay cả từ Ađam. Trào lưu thần bí, vào thời Trung cổ, có những quyển sách của nó: Jezirah, Bahir và Zohar và nó biểu lộ rõ ràng nhất trong lịch sử ở Provence vào thế kỷ XIII. Nó cũng đâm rễ trong thuyết thần tri và thuyết khải huyền (l'apocalyptique) của những thế kỷ đầu kỷ nguyên chúng ta và sẽ có ảnh hưởng ở thế kỷ XVII trong vài phong trào Mêsia, như phong trào của Zabbatað Zwi. (Olivier de La Brosse, Antonin-Marie Henry, Philippe Rouillard, Từ Điển Đức Tin Kitô Giáo)
[2] Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi -một người do chính ngươi sinh ra-, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền.
[3] Tôi thấy nó, nhưng bây giờ chưa phải lúc, tôi nhìn, nhưng chưa thấy nó kề bên; một vì sao xuất hiện từ Giacóp, một vương trượng trỗi dậy từ Ítraen sẽ đập vào màng tang Môáp, đánh vỡ sọ tất cả con cái Sết,
 
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 7
  • Hôm nay: 1804
  • Tháng hiện tại: 128326
  • Tổng lượt truy cập: 12272586