Trang mới   https://gpquinhon.org

Nhật ký gặp gỡ Đại chủng sinh Qui Nhơn mùa hè 2013

Đăng lúc: Thứ sáu - 09/08/2013 19:07
NHẬT KÝ CUỘC GẶP GỠ VÀ HỌC HỎI-CHIA SẺ
ĐẠI CHỦNG SINH QUI NHƠN
MÙA HÈ 2013
(29.07 - 01.08.2013)

 
 
Theo truyền thống hàng năm của giáo phận, anh em đại chủng sinh có cuộc gặp gỡ học hỏi-chia sẻ vào dịp hè. Đây là dịp để anh em có những ngày sống tương quan yêu thương huynh đệ, hiểu biết và gắn kết nhau hơn và nhất là được học hỏi những đề tài quý báu cho đời sống ơn gọi theo Chúa. Năm nay, 2013, cha giám đốc chủng viện Giuse Huỳnh Văn Sỹ tổ chức cuộc gặp diễn ra từ ngày 29.07 đến trưa ngày 01.08. tại chủng viện Qui Nhơn thân yêu.
 
Ngày 29.07
 
Sau khi hầu hết quý thầy tập trung về chủng viện lúc 15h ngày 29.07, theo sự hướng dẫn của anh hai Nguyễn Minh Yên, anh em đã đi chào trình diện quý Đức cha giáo phận. Vì Đức Cha Matthêu đang có chuyến công tác nước ngoài nên anh em chỉ đến chào Đức Cha Phêrô. Ngài nhắn nhủ anh em hãy sống yêu thương, huynh đệ và cố gắng rèn luyện vì tương lai của giáo phận. Ngài hứa sẽ cầu nguyện cho đợt gặp gỡ này.

Sau đó anh em tập trung về họp bầu và phân chia công tác cho những ngày gặp mặt.

Vào lúc 15h50, cha GĐ Giuse đã đến gặp gỡ anh em. Sau khi chào thăm và hỏi sĩ số hiện diện, ngài đã lưu ý một số điểm về đợt gặp gỡ này.
  • trước hết cần phải giữ kỷ luật chung, sống huynh đệ với tinh thần tu đức, tri thức, khác với đợt tập trung lao tác 10 ngày trước đó
  • toàn bộ anh em phải ở phòng 352, không được chọn phòng ở theo ý riêng
  • các giờ đạo đức phải mặc áo soutane
  • giữ đúng giờ, có công việc gì đột xuất phải báo cáo và xin phép
  • giữ vệ sinh sạch sẽ
  • sau đợt gặp gỡ này, mỗi thầy phải viết bài cảm nhận theo các đề tài các cha trình bày, gợi ý. Bài viết ít nhất là hai trang A4, ngài lưu ý phải viết và nộp bài đúng hạn, tránh tình trạng nợ bài. Hạn chót nộp bài là ngày 30. 08. 2013
Cha Giám Đốc cho biết, quý Đức cha, quý cha giáo phận rất lưu tâm đến cuộc gặp gỡ này. Đặc biệt là Đức Cha Matthêu, dù đang bận công việc ở nước ngoài, nhưng ngài rất lưu tâm. Chủ đề chính của năm nay là Củng Cố Đức Tin, sau khi Sám Hối và Canh Tân năm 2012. Đây là chương trình chung của giáo phận hướng đến đại năm thánh 2018, mừng 400 năm Tin mừng đến với giáo phận. Một sự trùng hợp tuyệt vời nhờ ơn Chúa Thánh Thần, Giáo Hội năm nay cử hành Năm Đức Tin, cùng lộ trình với giáo phận chúng ta.

Theo chủ đề đó, các đề tài quý cha trình bày đợt này được sắp xếp một cách có hệ thống và logic, được chọn lọc kỹ lưỡng giúp soi sáng định hướng cho mỗi người không chỉ trong năm Đức Tin này mà còn suốt đời sống theo Chúa. Các đề tài học hỏi – chia sẻ đó là:
  • Huấn từ - Đường hướng giáo phận do cha Tổng Đại Diện trình bày
  • Lịch sử giáo phận trước thời Đức Cha Stêphanô Thể do cha Gioan Võ Đình Đệ trình bày
  • Những trợ giúp cho việc giáo dục đức tin do cha Giám Đốc trình bày
  • Giáo dục đức tin và việc dạy Giáo lý do cha Phêrô Võ Thanh Nhàn trình bày
  • Đức tin và cộng đoàn Giáo Hội do cha Phêrô Trương Minh Thái trình bày
  • Khó khăn và thử thách trong đời sống đức tin do cha Phêrô Nguyễn Đình Hưng trình bày
  • Học hỏi văn kiện Ad Gentes do cha Phaolô Nguyễn Minh Chính trình bày

Ngày 30.07
 
Hôm nay ngoài những giờ đạo đức và sinh hoạt chung thường lệ, anh em chủng sinh đã được học hỏi – chia sẻ ba đề tài đầu.
  1. Huấn từ - Đường hướng giáo phận
Cha TĐD với phong thái điềm đạm, sâu sắc đã truyền đạt cho anh em nội dung thật ý nghĩa về đường hướng giáo phận. Ngài trình bày theo bố cục: hướng – đường – đức tin.
  1. Hướng
Như chúng ta đã biết, giáo phận đang trên đường tiến đến mừng kỷ niệm 400 năm Tin mừng đến với giáo phận. Đó là hướng đi chung của giáo phận đã được khởi hành từ năm trước. Chúng ta phải nỗ lực truyền giáo, sống chứng nhân bằng tình yêu thương trong gia đình, giáo xứ. Việc phục hồi các giáo xứ đã bị mai một cũng là một ưu tư.
  1. Đường
Sau khi đã vạch ra hướng, bước kế tiếp là chỉ ra con đường đi. Theo lời cha Tổng, con đường để chúng ta đi đến hướng đó là con đường đức tin. Vì thế, chúng ta phải củng cố đức tin (là chủ đề của năm nay) và sống đức tin ấy. Đức Cha giáo phận đã viết gần 20 thư mục vụ gởi cho mọi thành phần dân Chúa cũng xoáy mạnh vào nội dung đức tin. Lấy đức tin làm nòng cốt vì đức tin là con đường đến với ơn cứu độ.
  1. Đức tin là gì?
Không có một định nghĩa rõ ràng nào về đức tin, cả trong sách GLHTCG cũng như quyển tổng luận thần học của Thánh Tôma. Đức tin là một hồng ân Thiên Chúa ban, việc tìm hiểu đức tin trong công tác thần học phải khởi nguồn từ đức tin. Lý trí cần được đức tin soi dẫn, việc trình bày đức tin được hệ thống thành hai điểm chính: 1. Nội dung đức tin. 2. Sắp xếp hệ thống nội dung đó nhờ các khoa học nhân loại như: siêu hình học, các khoa học xã hội. Giáo hội luôn xin Chúa ban thêm đức tin.
  1. Lịch sử giáo phận trước thời Đức Cha Stêphanô Thể
Với sự nhiệt huyết, cha Gioan Võ Đình Đệ đã trình bày một số điểm nòng cốt của lịch sử Giáo phận trong giai đoạn 1659-1840, khởi đi từ việc thành lập hai giáo phận Việt Nam đầu tiên là Đàng Ngoài và Đàng Trong cho đến việc tập hợp các công đồng truyền giáo. Ngài nhấn mạnh tính hiện sinh của công đồng Ayuthia tại Thái Lan, trong đó công đồng nhấn mạnh đến việc đào tạo nhân sự, đời sống thiêng liêng phục vụ cho công tác truyền giáo. Ngài cũng nhắc nhở chủng sinh đừng coi thường những giờ kinh chung với giáo dân, tránh tình trạng đi muộn về sớm. Thời gian dù ít ỏi nhưng cha đã đốt lên lòng yêu mến lịch sử Giáo Hội, cách riêng lịch sử Giáo phận để từ đó hun đúc tinh thần truyền giáo hướng tới năm thánh 2018.
  1. Những trợ giúp cho việc giáo dục đức tin
Đề tài rất thiết thực này được cha giám đốc chia sẻ, đặc biệt ngài nhấn mạnh đến Lời Chúa trong đời sống đức tin.
  1. Đức tin và Lời Chúa
Mỗi tôn giáo có một quyển sách chỉ nam. Người Hồi yêu mến và quy hướng mọi sự đến quyển kinh Koran, người Tin Lành rất gắn bó, tiếp xúc với Thánh Kinh và đây là điểm mà chúng ta cần khiêm tốn học hỏi, cố gắng tìm đến, cầu nguyện với Lời Chúa sau một thời gian không ngắn Giáo Hội cẩn thận và dè dặt trong việc cho giáo dân tiếp xúc với Thánh Kinh. Công đồng Vaticanô II đã mở cửa cho mọi tín hữu bằng nhiều cách tiếp cận với Lời Chúa trong Kinh Thánh, nhưng mức độ lưu tâm và yêu mến nơi người giáo dân vẫn chưa cao.

Lời Chúa đóng vai trò quan trọng trong đời sống đức tin. Vì đó ta phải có thái độ lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa. Lời Chúa là hồng ân đem lại sự sống, có sức xây dựng và chữa lành. Ta cần yêu mến và gắn bó Lời Chúa theo gương các thánh. Lời Chúa là nguồn mạch đầu tiên hướng dẫn và nâng đỡ cho đời sống đức tin của chúng ta. Bởi thế ta phải thao thức đem Lời Chúa đến cho người khác bằng cách sáng kiến trong việc phổ biến Lời Chúa.
  1. Đức tin và Bí tích
Bí tích giáo huấn và nuôi dưỡng đức tin. Đó là đường lối sư phạm của Thiên Chúa và là một loại ngôn ngữ Thiên Chúa nói với con người. Lời nói và các hành động dùng trong cử hành bí tích rất quan trọng và có ý nghĩa đặc biệt. Các bí tích hợp thành cấu trúc hữu cơ, trong đó mọi bí tích có vai trò rất sinh động như một tiến trình của cuộc sống trên đường hướng về cùng đích của con người.

Chúng ta cần tránh một số nghi cơ về việc cử hành bí tích như hành chính hóa việc cử hành bí tích, hay thể hiện quyền bính, chế tài.
  1. Phụng vụ và giáo dục đức tin
Chúng ta cần tham sự phụng vụ cách trọn vẹn, linh động và ý thức. Cần lưu tâm đến việc thich nghi với những tập tục địa phương. Việc giảng lễ xuất phát từ Lời Chúa, làm sáng tỏ Lời Chúa. Bài hát phụng vụ, nhạc khí giúp tăng thêm lòng yêu mến và long trọng cho các nghi thức. Tôn chỉ của thánh nhạc là tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu, nên biết áp dụng đúng mực và thích hợp các bài hát qua đó tạo sự nâng đỡ đức tin và đời sống cầu nguyện của các tín hữu. Việc sáng tác thánh ca theo làn điệu dân tộc là một lưu tâm. Cách riêng tại Giáo phận thế hệ sau chưa có sự kế tục về việc sáng tác thánh ca như các thế hệ trước. Đây là điểm mà các anh em chủng sinh cần thao thức và luyện lập.
 
Ngày 31.07

Ngày hôm nay anh em chủng sinh tiếp tục được quý cha trình bày thêm ba đề tài kế tiếp ngày hôm qua.
  1. Giáo dục đức tin và việc dạy giáo lý
Theo sự sắp xếp của cha giám đốc, cha sở Sông Cạn Phêrô Võ Thanh Nhàn đã từ đất Tây Sơn xuống chủng viện để chia sẻ một đề tài rất thiết thực cho anh em. Việc giáo dục đức tin và việc dạy giáo lý là những vấn đề sống còn của Giáo Hội. Trong sứ vụ giáo dục đức tin Kitô giáo mang tính toàn diện, thì dạy giáo lý là một phần quan trọng. Trọng tâm đức tin Kitô giáo chính là Chúa Giêsu và giáo lý của Người. Đây không phải là một nội dung mới nhưng mang tính vĩnh cữu vì là chân lý cứu độ. Trong lịch sử ơn cứu độ, Thiên Chúa đã nhiều lần nhiều cách giảng dạy qua các ngôn sứ và được viên mãn nơi Con Một của Người và được ủy thác cho Giáo Hội sau khi Chúa Giêsu về trời.

Bản chất của việc dạy giáo lý không phải là nhồi nhét một số kiến thức mà là hướng dẫn người khác đến với Chúa Giêsu, gặp gỡ và gắn bó với Người. Mục đích của giảng dạy giáo lý là giúp người học đi vào tương quan mật thiết với Chúa Giêsu.

Giáo lý viên đóng vai trò quan trọng trong việc giảng dạy giáo lý nên họ cần được lưu tâm đào tạo kỹ lưỡng cả về kiến thức cũng như đời sống đạo đức. Một vai trò không thể thiếu đó là cha mẹ, là những người đầu tiên giáo dục đức tin cho các em bằng đời sống làm gương, bằng việc hướng dẫn, những giờ kinh, giờ cầu nguyện chung trong gia đình,…
  1. Đức tin và cộng đoàn Giáo Hội
Với sự thông thái như quý danh của mình, cha sở giáo xứ Mằng Lăng, Phêrô Trương Minh Thái đã trình bày cách rõ ràng, dễ hiểu bằng những liên hệ thực tế về Giáo Hội (GH), nhất là hai chiều kích hữu hình và thiêng liêng.

GH mang bốn đặc tính duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền với hai khía cạnh hữu hình và thiêng liêng, cả hai đều quan trọng, không thể thiếu một trong hai.

Với chiều kích nhân loại, GH là một tổ chức có cơ cấu phẩm trật và đây là ý muốn của Chúa Giêsu là đầu của Nhiệm Thể GH. Cũng như bí tích có dấu chỉ khả giác và thực tại thiêng liêng thì GH cũng là một bí tích, khía cạnh hữu hình là công cụ Chúa dùng để cứu chuộc loài người. Với chiều kích này, GH cần sự hiệp thông trong vâng phục.

GH còn có chiều kích thiêng liêng, là Nhiệm Thể Chúa Kitô, được Ba Ngôi Thiên Chúa yêu thương quy tụ. GH khác hẳn với bất cứ cộng đồng chính trị, nhân loại nào. GH được hiến tế để thuộc về Chúa Cha, liên kết với đầu là Chúa Kitô.

GH phải thực hiện căn tính loan báo Tin mừng của mình hầu mang ơn cứu độ đến cho muôn người.
  1. Khó khăn và thử thách trong đời sống đức tin
Bằng những kinh nghiệm mục vụ thực tế, cha sở Lục Lễ Phêrô Nguyễn Đình hưng đã nêu lên cách khái quát những khó khăn và thách đố trong đời sống đức tin. Khó khăn và thách đố thì muôn vàn nhưng chỉ xin liệt kê ra một số điểm như sau:
  1. Cung cách giữ đạo vừa phải
Việc giữ đạo vừa phải không chỉ diễn ra trong đời sống giáo dân mà cả trong đời sống tu trì (cách riêng là chủng sinh). Việc tham dự bí tích, nhất là thánh lễ thì chủ yếu là giữ ngày Chúa nhật, họ ỷ lại lòng thương xót của Chúa. Điều này gây ra nguy cơ dẫn đến xa lìa, chệch hướng hay chai lỳ, một cám dỗ nhẹ nhàng tinh vi nhưng rất nguy hiểm.
  1. Tình trạng hôn nhân gia đình gặp nhiều khủng hoảng
Ly dị là một thực trạng đáng buồn từ ngoài xã hội cho đến các gia đình công giáo. Hôn nhân khác đạo tìm ẩn nhiều nguy cơ hơn là hiệu quả tốt, nhất là bên nữ là tín hữu công giáo sau khi lấy chồng phụ thuộc nhà chồng. Đấy là một thực trạng mà những ứng sinh linh mục không thể không lưu tâm. Một vấn đề nhứt nhói nữa là tình trạng ngoại tình gia tăng, làm tan vỡ không ít gia đình.
  1. Vấn đề kinh tế gia đình khó khăn
Đây là một khó khăn chung của kinh tế Việt Nam vốn được quản lý kém hiệu quả. Nó tác động không cho đời sống đạo, trộm cắp xảy ra nhiều. Đó là chưa kể việc cờ bạc cá độ.
  1. Tình trạng sống thử và phá thai
Đây là một thực trạng nhứt nhói, nhất là ở các thành phố lớn tại Việt Nam. Giới trẻ ngày nay quá dễ dãi trong vấn đề tình dục, bị ảnh hưởng các văn hóa đồi trụy. Từ đó việc mang thai ngoài hôn nhân rất nhiều dẫn tới tình trạng phá thai gia tăng. Đó là chưa kể những gia đình tương đối ổn định nhưng vẫn phá thai vì sợ nuôi con thiếu thốn hay muốn sinh con theo ý muốn.
  1. Mê tín, bói toán và ma thuật
Việc mê tín, bói toán và ma thuật không chỉ diễn ra bên ngoài xã hội mà len lỏi ngay cả trong việc cử hành các nghi thức phụng vụ trong Đạo, trong việc hiếu kính ông bà tổ tiên. Nó ảnh hưởng đến những người tín hữu, làm sai lệch đời sống đức tin.

Những khó khăn trên đây vẫn đang diễn ra ngày một gia tăng, là những thực trạng mà một ứng sinh linh mục

Ngày 01.08

Ngày hôm nay, anh em được học hỏi đề tài cuối cùng, liên quan đến truyền giáo. Đó là học hỏi sắc lệnh Ad Gentes do cha thư ký Phaolô Nguyễn Minh Chính trình bày. Sau khi chào, hỏi thăm tình hình anh em chủng sinh, cha đã đi vào nội dung liên quan đến sắc lệnh.
  1. Từ ngữ:
Hai từ ngữ được dùng để chỉ cho việc truyền giáo đó là “missio” và “evangelisatio”. “Missio” gốc tự từ động từ mittere, nghĩa là sai đi. Sai đi đem Tin Mừng đến cho dân ngoại chưa nhận biết Chúa. Sau công đồng Vat II, từ “evangelisatio” xuất hiện được dùng để chỉ sứ vụ Phúc Âm hóa cho tất cả mọi người, cả những người tín hữu cũng như những người chưa biết Chúa, nhằm cải biến các thực tại trần thế cho hợp với tinh thần của Phúc âm.
  1. Hoạt động truyền giáo
Hoạt động truyền giáo vừa duy nhất vừa đa dạng. Duy nhất vì xuất phát từ cùng một nguồn là Thiên Chúa Ba Ngôi. Đa dạng vì nó nhằm đến nhiều đối tượng khác nhau mà có thể liệt kê thành ba nhóm (Redemptoris Missio, số 33):

- những dân tộc chưa biết Đức Kitô cùng Phúc Âm của Người. Đây là truyền giáo Ad Gentes đúng nghĩa của từ ngữ.
- những cộng đồng Kitô hữu đã được thiết lập đầy đủ và vững chắc. Giáo Hội thực hiện hoạt động và việc mục vụ chăm sóc tín hữu của mình nơi những cộng đoàn này.
- những xứ sở có gốc gác Kitô giáo lâu đời nhưng đã mất đi cảm quan sống động của đức tin cần được tái truyền giáo
  1. Bố cục sắc lệnh
Sắc lệnh Ad Gentes gồm 42 số, chia thành 6 chương:
  • Chương 1: Giáo thuyết căn bản
  • Chương 2: Công cuộc truyền giáo
  • Chương 3: Giáo Hội địa phương
  • Chương 4: Các nhà truyền giáo
  • Chương 5: Tổ chức hoạt động truyền giáo
  • Chương 6: Sự cộng tác trong sứ vụ truyền giáo
Cha Phaolô đã đặc biệt nhấn mạnh đến số 16 của sắc lệnh Ad Gentes bởi có liên quan đến việc đào tạo chủng sinh, chuẩn bị cho họ có những hiểu biết, tâm tình truyền giáo sau này.

ĐÚC KẾT CHUNG SAU BA NGÀY GẶP GỠ

Qua ba ngày gặp gỡ học hỏi-chia sẻ các đề tài, thấy được tâm tình chung là rất thiết thực và bổ ích cho anh em chủng sinh. Đây là tâm huyết của quý Đức cha, quý cha giáo phận được diễn đạt qua những bài chia sẻ mà các cha đã đầu tư rất kỹ để dọn, tất cả đều nhắm đến hướng chung của giáo phận là Củng Cố Đức Tin như chủ đề năm nay đề ra trong lộ trình hướng đến đại năm thánh mừng kỷ niệm 400 năm Tin Mừng đến với giáo phận 2018.

Tổng cộng anh em đã học hỏi-chia sẻ được 7 đề tài, khởi từ đi từ huấn từ Đường hướng giáo phận đến sắc lệnh Ad Gentes. Mỗi đề tài đều giúp anh em phản tỉnh lại đời sống đức tin của mình, khơi lên những thao thức cho việc chung sức xây dựng và phát triển giáo phận. Đời sống đức tin rất cần những hướng dẫn, hâm nóng luôn luôn đã được quý cha hun đúc qua những đề tài. Những trợ giúp và những khó khăn cho đời sống đức tin cũng cho anh em có cái nhìn rõ ràng hơn, từ đó chuẩn bị cho mình những hành trang cho đời mục tử sau này. Một ý thức về việc gắn bó với giáo phận qua việc tìm hiểu lịch sử giáo phận cũng được hâm lại và củng cố. Tất cả những kiến thức và tâm tình đó hướng đến sứ vụ Ad Gentes.

Về phần thảo luận các đề tài các cha gợi ý, nhìn chung hầu hết anh em đều nhiệt tình đóng góp ý kiến. Những thảo luận này rất bổ ích vì đây là dịp anh em có cơ hội nói lên cảm nghĩ và thao thức cũng như những khó khăn mà mình gặp thấy, qua đó chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm cùng những ưu tư, trăn trở cho đời mục vụ sau này. Tổng cộng có 15 đề tài để thảo luận, nhưng vì thời gian có hạn cũng như dừng lại để mổ sẻ sâu một số đề tài nên anh em không thảo luận đủ hết 15 đề tài. Hy vọng những điều chưa thảo luận được đó vẫn đọng lại nơi suy nghĩ của mỗi anh em để tiếp tục tìm ra những giải đáp trong tương lai.

Đó là những đúc kết chung cho việc học hỏi thảo luận. Còn lại, những giờ đạo đức, thánh lễ, sinh hoạt chung trong thể thao ăn uống đều diễn ra sốt sắng, kỷ luật, trong tinh thần huynh đệ yêu thương. Anh em xác tín rằng có được ba ngày tốt lành như vậy trước là nhờ hồng ân Thiên Chúa ban cho, kế đó là nhờ sự quan tâm yêu thương của quý Đức cha, quý cha giáo phận, cách riêng là cha Giám Đốc và cha đồng hành. Tất cả vì tương lai của giáo phận thân yêu. Xin Thiên Chúa luôn yêu thương và chúc lành cho tất cả chúng ta.

Sau khi đúc kết chung, anh em cùng tham dự giờ chầu tạ ơn cách sốt sắng, và kết thúc bằng bữa cơm trưa ngon miệng, vui vẻ, hiệp nhất. Hẹn cuộc gặp mặt năm sau, 2014!
 



 




 
Tác giả bài viết: Đại chủng sinh Qui Nhơn
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 83
  • Khách viếng thăm: 80
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 9152
  • Tháng hiện tại: 140340
  • Tổng lượt truy cập: 12430052