Trang mới   https://gpquinhon.org

Một ngày "Quân Sư Phụ"

Đăng lúc: Thứ năm - 10/11/2016 17:33


            Sáng ngày 07.10.2016, lúc 09g00 sáng, tại Nhà thờ Tuy Hòa, Thánh lễ Tạ ơn mừng thượng thọ đã diễn ra một cách trang trọng. Người giáo dân hạnh phúc ấy là ông  Đôminicô Nguyễn Hoàng Khánh ( 1936 -  2016 ). Tôi đã từng được tham dự nhiều Lễ Tạ Ơn dịp thượng thọ như thế. Lễ nào cũng rất sốt sắng và cảm động, vì tuổi già thì đáng quí trọng, cộng với sự hiếu thảo của con cháu, giờ đây đã thành một đại gia đình.

            Ở phần cuối Thánh Lễ, như mọi khi, một đại diện con cháu cám ơn Cha xứ, quí Cha đồng tế và cộng đoàn, cũng có những lời đầy cảm động của con cháu gửi đến Ông, Cha, Bác, Chú… Hoàng Khánh, để bày tỏ lòng biết ơn…  

            Và đến chính lúc này đây, tôi đã bị bất ngờ, vì nhìn một đàng lại cảm nhận một nẻo, mũi tên được nhắm đích, nhưng còn đi xa hơn, nếu ở đoạn kết của Thánh Lễ đã diễn ra một điều không mong đợi, mà nếu không có điều đó, có lẽ không có bài viết này.

            Đó là phần cảm tạ của của các học trò với ông Đôminicô Nguyễn Hoàng Khánh, lúc này tước hiệu đã đổi thay: “Thầy Hoàng Khánh”. Thảo nào từ trên bàn thờ nhìn xuống, tôi đã thấy nhiều người khách lạ tham dự Thánh Lễ. Các học trò nối đuôi nhau lên nói lời tri ân thầy, vỗ tay đồng ca bài “Bụi phấn”, rồi tặng hoa, liễn, những cái ôm xiết thân thương…Độ dài của phần này lấn át cả phần cảm tạ của con cháu, và làm cho Thánh Lễ như… không có kết, nếu Cha xứ, cũng là Chủ tế, không đứng lên, không nói gì, nhưng là một dấu nhắc…để ban Phép lành kết thúc.

 Đến phần tiệc mừng, sự diễn cảm của tình thầy trò, trước đó phải tạm dừng trong Thánh Lễ, giờ đây được trải dài qua phần văn nghệ, đa số là do các học trò cũ trình bày. Hôm nay cũng có một thầy cùng dạy một trường với thầy Khánh về dự, tuổi đời cũng sấp sỉ 80.

            Tôi đã giúp xứ Tuy Hòa từ 1996 – 2002, đã tiếp xúc nhiều với gia đình thầy Hoàng Khánh, đến độ thân tình, làm lễ cưới cho người con trai trưởng, tham dự lễ an táng của cô, và hầu như đều có mặt trong những sự kiện lớn của gia đình … Hình như tôi có nghe thầy nhắc đến quá khứ trước khi đến lập cư tại giáo xứ Tuy Hòa, nhưng nếu có cũng dễ quên, vì những  năm dạy học  của thầy ở mãi tận Lạc Lâm trên cao nguyên ở thập niên 60. Hôm nay, quá khứ ấy hiện về rõ mồn một, vì những học trò tóc còn xanh của năm xưa, nay đang cùng với thầy cũ tái hiện một thời kỳ niệm không bao giờ quên. Thầy nhìn trò, trò nắm tay thầy, tóc bạc như nhau!!!

            Thế là quá khứ cũng đầy kỷ niệm tình thầy trò trong đời tôi lại hiện về, vẫn rõ nét như thuở nào. Tôi nhớ lúc ấy khoảng thập niên 60, tôi lên 8, còn ba tôi khi ấy chắc đã ngoài 30 tuổi. Đó là dịp ba tôi tốt nghiệp và được lãnh bằng…tiểu học ( bây giờ là cấp 1 ). Ba tôi đã tổ chức một bữa tiệc mừng, có các thầy giáo và bạn bè đến dự. Tôi còn nhớ rất rõ hình ảnh cảm động và cao đẹp của tình thầy trò. Các thầy giáo ngồi giữa, ung dung tự tại bên các học trò vừa tốt nghiệp, bằng thì nhỏ, nhưng tất cả đều đã lớn tuổi, nhất là lớn cả về nhân cách của con người. Tôi vô cùng thán phục và có nhiều ước mơ…  Và tôi cũng nhớ thời tiểu học, các thầy cô đối với tôi, và cả thế hệ các học trò lúc ấy, như những ông tiên bà tiên hiền từ. Hình ảnh uy nghi và mô phạm buộc chúng tôi phải nể phục và vâng lời. Tôi yêu quí thầy cô thậm chí còn hơn cả bố mẹ. Mỗi lần đến nhà thăm thầy chơi, chúng tôi rất vui nếu được quét nhà, dọn dẹp nhà cửa giúp thầy…

            Sự pha trộn một cách tự nhiên và tự phát: Thánh Lễ Tạ ơn, Lòng Hiếu Thảo và Tình Thầy Trò, đã làm ngộ ra một điều: Từ 2500 trước, Đức Khổng Tử đã nêu ra quan niệm “Quân – Sư – Phụ”. Điều đó đến nay vẫn mang tính thời sự. Ba yếu tố ấy đã tạo nên cho đời những hiền nhân quân tử. Huống chi trong Thánh Lễ hôm nay, có Đấng còn cao trọng hơn “Quân” ( còn được gọi là Thiên tử ). Sự giao thoa thật đẹp: Khi con người biết tôn sư trọng đạo, giữ đạo hiếu với ông bà cha mẹ,  thì cũng là đang sống tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, hay ngược lại.

            Điều suy gẫm tiếp theo là tại sao hôm nay, những hình ảnh về con người và lòng biết ơn, giữa thầy và trò, lại ít được phổ biến, bên cạnh rất nhiều thông tin về những con người tiêu cực và nền giáo dục xuống cấp. Trong lúc này, ngày 09.10.016, trên trang mạng giaoduc.edu.com, đang có bài của Thạc sĩ Nguyễn Minh Hải: “Nghĩ về quan niệm “quân – sư – phụ”. Phần mở đầu đã viết: “Clip thầy và trò đánh nhau ngay trên lớp học ở Bình Định vừa qua là một hình ảnh xấu xí về giáo dục nói chung và quan hệ thầy trò nói riêng. Đây không phải là lần đầu tiên có “sự cố” như vậy, khi liên tiếp có những sự việc đau lòng xảy ra, làm mối quan hệ thầy trò như ngày càng xa cách, từ chuyện sinh viên tạt axit vào thày, học sinh đánh thầy giáo, đến việc giáo viên gạ tình nữ sinh, giảng viên “bán điểm”…

Đây chính là động lực hướng đến môi trường giáo dục từ đầu, đã tạo nên nhân cách một con người: gia đình và học đường. Theo ThS. Minh Hải, phần lớn thời gian của trẻ em là học đường ( mỗi ngày khoảng 7 – 8 giờ, với học sinh nội trú thì nhiều hơn ), sự tác động của giáo viên đối với trẻ nhiều hơn cha mẹ. Tuy vậy, vai trò của gia đình qua cha mẹ lại có những đóng góp nền tảng từ khi đứa bé được sinh ra, trước khi đến gõ cửa nhà trường. Và trong thực tế, sự hình thành và phát triển một con người không kết thúc ở từng giai đoạn, mà kéo dài hết cả một cuộc sống. Cho nên, cha mẹ ở gia đình, người thầy ở học đường, những người phục vụ trong xã hội đều góp phần giáo dục con người. Cuộc đời và giới trẻ hôm nay đang cần những bậc phụ huynh gương mẫu, những người thầy mô phạm, những viên chức thanh liêm. Không nên cứ đổ lỗi cho giới trẻ hôm nay xuống cấp, mà xem chúng đã được lớn lên trong hoàn cảnh nào, được giáo dục bởi những con người và môi trường nào, khi mà tư tưởng của Khổng Tử vẫn còn giá trị: “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”…

Quay về Thánh Lễ Tạ Ơn mừng thượng thọ, niềm tin vào Thiên Chúa trong cuộc đời đã giúp cho con người có thể lội ngược dòng, đi tìm lại những gì đã đánh mất. Và sẽ không bao giờ những hình ảnh này có thể phục hồi, nếu cứ loay hoay ở phần ngọn, để triệt hạ được ngọn này, thì ngọn khác, cũng y như thế, lại mọc lên.

Giáo Hội Công giáo đang sống trong tháng 11, tháng cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà cha mẹ đã qua đời. Đây cũng là thời gian cuối trong Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa. Và Thánh Lễ mừng thượng thọ hôm nay giúp chúng ta thấm sự sâu lắng của Tình Chúa và tình người, đan quyện vào nhau trong lòng biết ơn, những tiếng cám ơn, và những chứng từ của yêu thương phục vụ.      
                                                                         
Giáo xứ Sông Cầu, ngày 09.11.2016                                                                                                              
Lm. Antôn Nguyễn Huy Điệp
                                                                                   
 











          
                         
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 11
  • Hôm nay: 8424
  • Tháng hiện tại: 127413
  • Tổng lượt truy cập: 12271673