Trang mới   https://gpquinhon.org

Giới khoa học quốc tế đang nhìn về Quy Nhơn

Đăng lúc: Thứ hai - 22/04/2013 18:42

 
Trung tâm Giáo dục và Khoa học Liên ngành Quy Nhơn  

Pierre Darriulat 
 
 
Chỉ ít tháng nữa, Trung tâm Giáo dục và Khoa học Liên ngành (Trung tâm) sẽ được khánh thành ở Quy Nhơn. Người sáng lập dự án là GS Trần Thanh Vân, người đã cùng vợ là bà Lê Kim Ngọc, tạo dựng được uy tín trong cộng đồng khoa học quốc tế nhờ những hoạt động thúc đẩy phát triển KHCN và hợp tác giao lưu giữa các nhà khoa học trong lĩnh vực vật lý hạt, vật lý thiên văn, và sinh học.
 
Ông đã phát động thành công một số chuỗi hội thảo quốc tế, như Gặp gỡ Moriond (Rencontres de Moriond, Rencontres de Blois) và Gặp gỡ Việt Nam (Rencontres du Vietnam), là các hội thảo nổi tiếng thu hút được sự quan tâm rộng rãi của giới khoa học nhờ đạt được những kết quả xuất sắc và cách thức tổ chức hết sức cởi mở thoải mái.

Tham vọng của Trung tâm là trở thành nơi tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, và các trường học, thu hút các nhà khoa học trẻ và già từ khắp nơi trên thế giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Qua đó tạo cơ hội cho họ gặp gỡ, trao đổi ý tưởng trong một môi trường vui vẻ thoải mái. Mục tiêu nhằm giúp thúc đẩy phát triển khoa học trong khu vực Vành đai Thái Bình Dương và tăng cường hợp tác giữa các nước đã phát triển với các nước đang phát triển thông qua quan hệ hợp tác ưu tiên.

Địa điểm dự án nằm trên bờ biển, tại cửa một con sông nhỏ, trên một mảnh đất rộng 50 hecta. Trong giai đoạn đầu, dự án xây dựng một tòa nhà hội nghị với một hội trường lớn (350 chỗ ngồi), một phòng hội thảo (150 chỗ ngồi), hai phòng tọa đàm (mỗi phòng 40 chỗ ngồi), các văn phòng là nơi làm việc của nhân viên và các nhà khoa học khách mời, một sảnh tiếp đón, một nhà ăn và một hiên ngắm cảnh góc nhìn rộng. Đây sẽ là nơi tiếp nhận các cuộc hội thảo quốc gia và quốc tế, những khóa đào tạo dành riêng cho các nghiên cứu sinh tiến sỹ, tổ chức theo chuyên ngành thông thường hoặc theo từng chủ đề. Thông thường, mỗi cuộc hội thảo sẽ tiếp đón khoảng 70 tới 150 người tham dự trong vòng 6 ngày, còn các khóa đào tạo theo chủ đề sẽ dành cho 40 tới 50 nghiên cứu sinh tiến sỹ và hậu tiến sỹ trong vòng 2 tuần.

Sau này, Trung tâm nên được bổ sung thêm một cung thiên văn, một trường kỹ thuật, và một khách sạn resort. Từ ngày 11 tới 17 tháng 8, Trung tâm sẽ khai trương bằng hội thảo quốc tế “Windows on the Universe” (“Những cửa sổ Vũ trụ”). Sự kiện này sẽ đưa nhiều nhà khoa học có tên tuổi – trong đó có vài người từng đoạt giải Nobel – đến với Quy Nhơn, biến nơi đây thành một tiêu điểm thu hút sự chú ý của giới khoa học quốc tế trong vòng vài ngày.

Tuy nhiên, sau khi tiếng chuông đồng hồ điểm vào lúc nửa đêm ngày 17 tháng 8, để cỗ xe ngựa không trở về hình dạng quả bí ngô ban đầu1, cộng đồng khoa học Việt Nam cần gánh vác một vai trò quan trọng nhằm đem lại sức sống thực sự cho Trung tâm. Những hỗ trợ của các nhà khoa học từ nước ngoài, như đến thuyết trình và trình bày các nghiên cứu mới trong các hội thảo, chỉ đem lại lợi ích khi có những nỗ lực từ trong nước nhằm tiếp nối các sự kiện này. Nếu thiếu những nỗ lực như vậy thì chúng ta chỉ làm lãng phí thời gian của nhau, và thật không may đây là điều thường rất hay xảy ra.

Vậy trong thực tế chúng ta cần làm gì? Những cơ quan cấp kinh phí, ví dụ như Quỹ Nafosted, cần có chính sách hỗ trợ tài chính cho hoạt động gửi các nhà khoa học trẻ và các nghiên cứu sinh đi đào tạo ở nước ngoài hoặc tham dự các hội thảo trong những lĩnh vực mà các nhà khoa học Việt Nam có thể tham gia; các trường và viện nên khuyến khích những hoạt động tích cực như vậy và giám sát lợi ích thu được bằng cách yêu cầu những người tham gia phải báo cáo lại với các đồng nghiệp dưới hình thức làm tọa đàm, và/hoặc trình bày bài giảng, và/hoặc viết báo cáo bằng văn bản. Các cơ quan cấp kinh phí cũng nên ưu tiên khuyến khích và hỗ trợ việc tổ chức các trường đào tạo và các hội thảo đáp ứng nhu cầu của cộng đồng khoa học Việt Nam. Hay nói cách khác, cộng đồng khoa học Việt Nam nên nhận thức rõ về những lợi thế tiềm năng từ sự ra đời của Trung tâm, và hợp tác với Trung tâm nhằm gặt hái được giá trị cao nhất, thông qua đó xây dựng và thực hiện một chính sách khoa học hiệu quả.

Trên thế giới, đã có nhiều trung tâm ở các địa phương hoạt động thành công, cung cấp cho chúng ta nhiều kinh nghiệm để học hỏi. Trung tâm uy tín nhất có lẽ là Tổ chức Ettore Majorana và Trung tâm Văn hóa Khoa học ở Erice, Sicily. Trung tâm này được thành lập từ 50 năm trước, và kể từ đó hằng năm nó là điểm đến cho các tác giả của những khám phá và sáng chế mới; 76 trong số họ là những người đoạt giải Nobel sau khi tham dự hoạt động tại trung tâm và 49 người đoạt giải Nobel trước khi tham dự. Đây là nơi những nhà khoa học đầu ngành trên thế giới hướng dẫn cho các nghiên cứu sinh đến từ khắp nơi trên thế giới, những người mong muốn được học hỏi các tri thức mới nhất trực tiếp từ chính các tác giả. Có hàng trăm nghìn các nhà khoa học từ một trăm bốn mươi quốc gia đã tham dự vào các hoạt động trên cấp đại học, tụ họp dưới khẩu hiệu trong khoa học không có bí mật và không biên giới. Cộng đồng khoa học này đã nỗ lực phá bỏ những rào cản mang tính ý thức hệ, chính trị, và sắc tộc, những tác nhân vốn không phải là sản phẩm từ khoa học (trích từ lời giới thiệu của Trung tâm Erice). Đúng như tôn chỉ này, Erice đã đóng một vai trò quan trọng giúp nuôi dưỡng mối quan hệ khoa học giữa Đông và Tây trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, và nổi tiếng vì công bố Tuyên bố Erice trong đó đề nghị các chính phủ trên thế giới nghiêm cấm việc che giấu thông tin, bỏ qua các rào cản biên giới quốc gia và thúc đẩy hợp tác hòa bình trong khoa học. Qua nhiều năm, trung tâm này đã dành sự quan tâm đặc biệt cho những vấn đề cấp bách của hành tinh, như hiện tượng nóng ấm toàn cầu, ô nhiễm môi trường, sức khỏe, lương thực và nước, vũ khí hạt nhân, v.v. và không lâu nữa họ sẽ thành lập một phòng thí nghiệm mới chuyên phục vụ những nghiên cứu của mình.

Trung tâm Giáo dục và Khoa học Liên ngành ở Quy Nhơn cũng có thể trở thành một địa chỉ quan trọng trong đời sống khoa học của khu vực ASEAN, hoặc thậm chí của toàn khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, nếu các nhà khoa học Việt Nam nhận thức đúng về cơ hội mà trung tâm này có thể mang lại, và sẵn sàng nỗ lực để tận dụng nó một cách tốt nhất vì lợi ích của đất nước.

PHẠM TRẦN LÊ dịch

---

1 Tác giả dùng hình ảnh ẩn dụ từ tích chuyện Cô bé Lọ Lem được bà tiên trợ giúp bằng cách biến quả bí ngô thành cỗ xe ngựa lộng lẫy đưa cô đến dự tiệc trong hoàng cung.

 

Nguồn tin: Tiasang.com
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 50
  • Khách viếng thăm: 38
  • Máy chủ tìm kiếm: 12
  • Hôm nay: 16979
  • Tháng hiện tại: 99687
  • Tổng lượt truy cập: 12389399