Trang mới   https://gpquinhon.org

Đón Tết với người Bana

Đăng lúc: Thứ năm - 11/04/2013 04:46


Anna Trần Vũ Khánh Ly (Gx. Đại Bình)
 
 
Có lẽ khi đặt bút viết thì thời gian đã đủ lâu để tôi có thể quên đi mọi thứ của ngày hôm đó. Thế nhưng, đối với tôi nó như là câu chuyện của ngày hôm qua vậy. Cũng dễ hiểu, vì đó là chuyến đi đặc biệt mà tôi “không được phép” quên – chuyến đi “gieo giống”.

Trong cái khí trời se se lạnh và mưa xuân lất phất, chúng tôi đã “trèo đèo lội suối” đúng nghĩa vượt qua chặng đường 30 cây số, để đến ăn Tết cùng với những gia đình người dân tộc Ba-na của giáo xứ Gia Chiểu. Đến  bây giờ tôi vẫn nhớ lại một cách hài hước, chúng tôi gồm 10 người trên 5 xe máy ví như 10 chiến sĩ cưỡi 5 chú ngựa bất kham trên con đường trơn trợt để đi đánh trận vậy.

Chặng đầu tiên, chúng tôi dừng chân tại một gia đình mới trở lại đạo. Chúng tôi được nghe kể về con đường quay về với Chúa của họ, và lạ lùng hơn khi chúng tôi được biết về câu chuyện “như chia hề có cuộc chia ly” của gia đình. Vì bất đồng với gia đình, người con từ trên vùng KonTum đã xuống đây sinh sống, lập gia đình riêng. Tưởng chừng cả đời sẽ chẳng còn có cơ hội đoàn tụ sau bao năm xa cách, nhưng với một sự tình cờ kì diệu, họ đã tìm về với nhau và hóa giải được những bất đồng bao năm. Chúng tôi cũng đến thăm vài gia đình lân cận đó. Nếu như lúc đầu tôi chẳng hăng hái lắm với chuyến đi mà điểm đến không mấy  hứng thú và nằm ngoài kế hoạch này, thì giờ đây tôi đã bắt đầu hứng thú bởi những câu chuyện được kể. Tôi còn được biết nhiều hơn về cuộc sống chật vật của người dân nơi đây, thậm chí còn nhiều gia đình phải dùng ánh sáng đèn dầu chứ đừng nói đến những tiện nghi khác. Một cái Tết ảm đạm được sưởi ấm hơn bằng “sự đỏ lửa” của giáo xứ, bằng những trợ cấp xã hội, bằng ít kí gạo, vài ba lít dầu từ thiện… Những cánh đồng lúa nương trước nhà thì rầy chuột cũng thay nhau phá hoại, thu hoạch chả được là mấy. “Vậy đó, nhưng không làm thì lấy gì mà ăn, được ít ăn ít, được nhiều ăn nhiều…”, một người mẹ già đã tâm sự với chúng tôi. Không những thế, những phiên chợ thiếu thốn, chỉ họp vài lần trong tháng thì làm sao có thể cung cấp đầy đủ cho cuộc sống. Ăn uống còn vậy huống chi là nói đến bệnh tật. Mỗi lần đau bệnh chỉ có đủ khả năng để tìm đến các lá cây, rễ cây là những bài thuốc gia truyền để cầm bệnh thay vì phải đến trạm xá. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi tiền còn không đủ lo cho cái ăn thì lấy đâu ra tiền mà lo tiền thuốc, tiền chữa trị. Nhìn người mẹ già kham khổ kể cho chúng tôi mà tôi cảm thấy xót xa vô cùng. Gương mặt mẹ đã hằn lên thêm nhiều vết nhăn vì cái nghèo, cái lam lũ. Cuộc sống kham khổ đã cướp đi của mẹ hơn 20 năm tuổi đời. Lúc đầu, chúng tôi ngỡ mẹ đã 70 tuổi nhưng thật bất ngờ khi được biết mẹ mới 50 tuổi thôi…

Đến lúc này tự đáy lòng tôi muốn thốt lên lời cảm tạ Chúa. Cuộc sống của tôi tuy không bằng ai nhưng lại hơn rất nhiều người. Thế nhưng tôi chỉ mãi nhìn lên mà có khi nào tôi biết nhìn xuống đâu, chính bởi vậy lúc nào tôi cũng thấy mình bất hạnh, để rồi tôi đâu biết rằng còn vô số người còn thống khổ hơn tôi rất nhiều. Tôi sinh ra trong một gia đình có đủ điều kiện để cho tôi ăn ngon mặc đẹp, trong khi cuộc sống này còn rất nhiều người chỉ có khát khao là làm sao ăn đủ no, mặc đủ ấm mà thôi. Thế đó, cứ trách Chúa sao không cho tôi cái này, không làm tôi bằng người kia, mà không chịu khiêm nhường nhận ra rằng: Được Chúa đem đến thế gian này đã là một hồng ân, và Chúa đã cho tôi có một “định dạng” riêng, mục đích riêng mà tôi không thể so sánh với bất kì ai được. Tôi cứ mãi nhìn vào cái tôi đã mất đi để rồi không biết rằng cái tôi được thì rất nhiều.

Trở lại hành trình của chúng tôi, sau khi được thăm những gia đình, chúng tôi quay lại điểm dừng chân ban đầu để dùng bữa với các anh chị em của mình. Bữa ăn đó để lại một ấn tượng vô cùng mạnh mẽ và  làm tôi phải nhớ mãi. Một bữa ăn đơn sơ, đạm bạc nhưng chan chứa tình yêu thương và đầy ắp tình bác ái. Nói vậy đó chứ chỉ vài phút trước tôi đã ái ngại và e dè vì những người “lạ”, vì thức ăn lạ… Khi trút được cái kiêu ngạo, cái tôi ra rồi thì chính bản thân tôi đã hưởng được niềm vui trọn vẹn từ bữa cơm thân mật này. Tôi vui cùng niềm vui của những người trong đoàn đem đến, vui cùng niềm vui của những anh chị em nơi đây. Cuộc sống thiếu thốn của họ không cho chúng tôi một bữa ăn thịnh soạn nhưng mang cho chúng tôi một bữa tiệc linh đình, bữa tiệc của tình người, tình hiệp thông. Xen trong bữa ăn chúng tôi được kể về sự nảy mầm của những “hạt giống đức tin” nơi chính tâm hồn, chính gia đình của họ. Chị em trong đoàn vô cùng xúc động khi chứng kiến những con người giao tiếp với nhau bằng tiếng Ba-na đang cố gắng đọc kinh Lạy Cha bằng tiếng Kinh. Chúng tôi lại được chia sẻ về cái khó khăn khi đưa ảnh Chúa và Đức Mẹ lên bàn thờ trước sức ép của xã hội, sức ép của chính quyền và hơn hết là sức ép từ chính bản thân họ. Cuộc sống dựa vào những đồng tiền trợ cấp, nếu can đảm công khai rằng mình có đạo e rằng cuộc sống đã thiếu lên hụt xuống sẽ chật vật hơn rất nhiều. Mặt khác, cái lạc hậu, cái chật vật và sự ít hiểu biết làm cho những suy nghĩ không còn là chính họ nữa mà là của những lời “hứa hẹn”… Tôi đã thấy được vẻ mặt hạnh phúc của những anh chị em nơi đây khi họ mặc kệ những rào cản, dám khẳng khái tuyên xưng đức tin. Vì hơn hết, kể từ đây họ đã tìm được chỗ dựa, tìm được nơi mà họ có thể trông cậy vào, và nơi đó không đâu khác chính là tình thương bao la của Chúa. Để đáp lại sự nồng hậu đó, chúng tôi cũng chia sẻ với họ rất nhiều điều, cùng ê a như những đứa trẻ để tập vài tiếng thông dụng của người dân nơi đây, và có lúc lại say sưa vào những điệu đàn hát nghiệp dư của dân tộc Ba-na. Chúng tôi ai ai cũng nở nụ cười trên môi. Hành trình  của chúng tôi bây giờ mới bắt đầu thật sự. Tôi ngỡ mình như những “người gieo giống” thật sự vậy. Bằng công sức nhỏ nhoi và tấm lòng đơn sơ mà có thể giúp nhiều linh hồn về với Chúa, tôi phấn khởi vô cùng.
Chúng tôi tiếp tục chuyến đi của mình. Gia đình lúc nãy chúng tôi dừng chân có lẽ là trong số ít những người may mắn vì gần nhà Chúa hơn, gần với cuộc sống tiện nghi hơn, và cũng “Kinh hóa” hơn rất nhiều. Hơn chục cây số tiếp theo, chúng tôi đến với những làng của xã Bok Tới – thôn T3, T4. Nơi đây có lẽ mới là “dân tộc” thật sự. Khi vừa dừng chân đến  đây, tôi bị ấn tượng bởi những nụ cười toả nắng trên khuôn mặt rám đen, nhem nhuốc và từ một thân thể gầy gò. Tôi lại nói vui rằng: Họ thấy chúng tôi từ đồng bằng đi xe máy lên đây cũng như chúng tôi những người thôn quê thấy người Tây đi xe du lịch vậy. Có chút gì đó e dè, chút gì đó niềm nở và vui mừng gì lắm vậy… Khó tả lắm! Một cái nhìn xa lạ, ái ngại nhưng lại vừa mừng rỡ khiến tôi tin tưởng hơn. Gia đình nào cũng mở lòng đón chúng tôi vào nhà. Họ sẵn lòng đem những thứ ngon nhất ra để thiết đãi chúng tôi. Thậm chí, những bình rượu cần được ủ lâu năm chỉ để đãi cho những vị khách quí cũng dành cho chúng tôi, và những thức ăn dân dã mà có thể đó là những bữa ăn của những ngày kế tiếp, cũng được mang ra cho những vị khách không mời mà đến như chúng tôi. Thật sự họ nghèo về vật chất nhưng cuộc sống giữa người với người thì không nghèo tí nào, chúng tôi được tiếp đãi bằng tất cả những gì họ có. Trước sự nhiệt tình muốn chúng tôi đến thăm nhà đã làm chúng tôi khó cầm lòng, không muốn bỏ nhà nào. Nhưng… trong tình huống thời gian không cho phép, chúng tôi cố gắng đi mỗi gia đình một ít và gởi lời mời đến với “Ngôi nhà chung” của chúng tôi, khi đó chúng tôi sẽ có dịp nói cho họ biết nhiều hơn về người Cha yêu dấu. Họ cũng thật sự cảm kích khi nhận từ chúng tôi những món quà nhỏ đầu xuân, đó là cái khăn quàng cổ, vài bộ quần áo cũ… Và khi đến mỗi gia đình, quan trọng hơn hết, chúng tôi đọc lên Kinh Lạy Cha xin Cha trên trời ban muôn hồng phước trên gia đình. Không từ ngữ nào có thể diễn tả niềm vui của họ và niềm vui “gieo giống” trong mỗi chúng tôi.

Trời đã bắt đầu xâm xẩm tối, chúng tôi trở về sau một chuyến đi khá mệt nhưng ai nấy đều rất vui. Chúng tôi đi dọc đường cũng ôn lại những từ mà chúng tôi đã được dạy: Ét là uống, Đát là nước, Trô là rượu, Trô Triêng là rượu cần, Trô Hơi là rượu gạo, Nham là ngon, Sa là ăn, Tạp là nhiều, Rai là cơm, Nhun là heo, là bò…

Đó là cái Tết Nhâm Thìn 2012. Và một năm đã qua, khi tôi được nghe kể lại về nơi ấy, đã có vài người muốn trở lại đạo và sẵn sàng học biết Giáo lý, tôi lại muốn hát lên lời cảm tạ Chúa.

“…Xin tạ ơn, con xin tạ ơn Chúa, mãi muôn đời con xin tạ ơn Chúa.
Dù trần gian bao khó nguy ngập tràn, tình Ngài thương con bước đi bình an.
Xin ngợi ca bao la tình thương Chúa,
mãi muôn đời ca vang tình thương Chúa.
Trọn niềm tin con phó trong tay Ngài,
vì đời con tất cả là hồng ân….”
 
(Khúc ca tạ ơn – Lm.Thiên Ân)
 

 
Tác giả bài viết: Anna Trần Vũ Khánh Ly (Gx. Đại Bình)
Nguồn tin: Nội san Hoa Biển 8
Đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 74
  • Khách viếng thăm: 61
  • Máy chủ tìm kiếm: 13
  • Hôm nay: 21111
  • Tháng hiện tại: 104108
  • Tổng lượt truy cập: 12393820