Đức Giám mục Giáo phận kinh lý Giáo xứ Kim Châu

Thứ hai - 04/12/2017 08:50

ĐỨC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN KINH LÝ TẠI GIÁO XỨ KIM CHÂU

Trong bầu khí sốt sắng của Chúa nhật thứ nhất mùa Vọng, cuộc kinh lý của Đức Giám mục Giáo phận Qui Nhơn trong Năm Thánh đã diễn ra tại giáo xứ Kim Châu, bắt đầu lúc 7h30 sáng ngày 03.12.2017.

Sau nghi thức đón tiếp và viếng Chúa, chương trình kinh lý bắt đầu ngay tại nhà thờ. Cha Gioakim Huỳnh Công Tân, chánh xứ Kim Châu đã giới thiệu chuyến kinh lý mục vụ của Đức Giám mục Giáo phận cho cộng đoàn giáo xứ. Tiếp đến cha chính xứ giới thiệu các thành phần cộng đoàn giáo xứ đang hiện diện cho Đức cha. Đáp lại, Đức cha đã gởi lời chào trân trọng đến cha chánh xứ Gioakim, cha phó, quí tu sĩ, cùng toàn thể quí ông bà anh chị em trong cộng đoàn giáo xứ Kim Châu. Đức Cha cũng chúc toàn thể cộng đoàn bước vào mùa Vọng với tất cả tâm tình đạo đức, sốt sắng trong tình hiệp thông với toàn thể Giáo Hội và cách riêng trong khung cảnh tạ ơn Thiên Chúa trong Năm thánh 400 Năm Loan Báo Tin Mừng tại Giáo phận.

TRAO ĐỔI GIỮA ĐỨC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN VÀ CỘNG ĐOÀN

Sau phần giới thiệu, Đức cha đã trình bày mục đích và lý do cuộc kinh lý được thực hiện tại giáo xứ Kim Châu trong Năm thánh Giáo phận: Theo tinh thần của giáo luật, Giám mục chủ chăn phải thực hiện cuộc kinh lý tại tất cả các giáo xứ, các dòng tu trong Giáo phận của mình. Trước hết, cuộc kinh lý nói lên sự gần gũi giữa vị chủ chăn với đoàn chiên. Qua cuộc gặp gỡ, vị chủ chăn mới biết rõ những sinh hoạt, những tâm tư và nguyện vọng của cộng đoàn dân Chúa. Đồng thời trong cuộc kinh lý này, tôi sẽ được Cha chính xứ trình bày về hiện tình của giáo xứ, các giáo họ, các cơ sở vật chất, những nhà thờ, ruộng đất, và những vấn đề còn tồn đọng trong giáo xứ cần phải giải quyết.

Cuộc kinh lý cũng là dịp đặc biệt để cộng đoàn biết và quan tâm hơn đối với lịch sử giáo xứ và giáo phận của mình, như lời Đức cha: “Dĩ nhiên, trong cuộc gặp gỡ này, tuy thời gian không nhiều lắm, nhưng qua đó chúng ta biết được những điều quan trọng, để sau đó cũng giúp cho tôi có những phương án cùng với cha chánh xứ làm cho sinh hoạt của giáo xứ được tốt hơn. Nhất là trong Năm thánh Hồng ân mừng kỷ niệm 400 năm loan báo Tin Mừng! Trong tâm tình đó, tôi cầu chúc tất cả mọi người đang hiện diện cùng lắng nghe, hiệp thông, theo dõi các trình bày của cha chánh xứ cũng như của cộng đoàn. Sau đó, tôi sẽ có lời tổng kết giúp cho cộng đoàn chúng ta nắm vững được những nội dung chính yếu. Cũng như, nếu có thể được tôi sẽ giải đáp những vấn nạn mà quí ông bà anh chị em đưa ra trong cuộc gặp gỡ này!”

Tiếp đến là phần trình bày sơ lược lịch sử giáo xứ và bản tường trình của cha chánh xứ. Sau đó là phần trao đổi giữa vị chủ chăn của Giáo phận với mọi thành phần dân Chúa trong giáo xứ. Đây là một phần trong nội dung quan trọng của cuộc kinh lý. Cuộc trao đổi diễn ra hết sức cởi mở, chân thành và tốt đẹp. Nội dung trao đổi cụ thể liên quan đến ba vấn đề chính yếu như: việc tham dự Thánh lễ trong phụng vụ, việc học hỏi giáo lý nơi giáo xứ, và vấn đề truyền giáo.

Trước hết, liên quan đến vấn đề Thánh lễ trong phụng vụ, một giáo dân đã xin Đức Cha giải đáp việc tham dự Thánh lễ buổi chiều thứ Bảy có phải là thay thế Thánh lễ Chúa nhật không?  Về vấn đề này, Đức cha đã giải thích: “Ở đây, chúng ta không tính theo thời gian tự nhiên, nhưng theo thời gian phụng vụ và theo sự tiện lợi cho anh chị em giáo dân. Thứ nhất, theo truyền thống Tông Đồ, cộng đoàn cử hành Chúa nhật vào chiều thứ Bảy. Vì ngày Chúa nhật lúc ấy, Giáo Hội chưa có quyền để tổ chức ngày nghỉ. Thứ Bảy là ngày nghỉ của người Do Thái nên Giáo Hội đã tập trung vào chiều thứ Bảy để cử hành lễ Chúa nhật. Thứ hai, với mục đích giúp cho anh chị em giáo dân có thể thờ phượng Chúa ngày Chúa nhật mà không mang tội bỏ lễ Chúa nhật, Giáo Hội đã quyết định các ngày lễ trọng (tức là Chúa nhật và các ngày lễ trọng khác) thì thời gian cử hành đó không riêng chính ngày mà kéo dài sang ngày hôm trước từ giờ kinh chiều I. Nghĩa là khi ngày vừa xế bóng, các linh mục và tu sĩ có thể đọc kinh chiều I ngày lễ trọng hôm sau. Đó là khung cảnh thời gian phụng vụ ngày Chúa nhật. Cho nên theo luật qui định, chiều thứ Bảy mà có giáo dân tham dự đông đảo thì các linh mục sẽ dâng lễ ngày Chúa nhật để tạo điều kiện thuận lợi cho anh chị em giáo dân giữ luật dự lễ ngày Chúa nhật (Xem Lịch Công giáo Giáo phận Qui Nhơn, Năm Phụng vụ 2017-2018, tr. 4)”.

Về điều kiện hình thành nên một giáo họ, một giáo dân cũng đã xin Đức cha giải thích làm sao từ một xóm đạo lên được giáo họ. Để trả lời cho câu hỏi này, Đức cha cũng đã giải thích: “Về vấn đề phân chia giáo xứ và giáo họ, thông thường một giáo xứ gồm nhiều giáo họ, nơi có nhà thờ giáo xứ gọi là họ chính, còn những họ xung quanh gọi là họ nhánh hay họ lẻ. Trước đây mỗi giáo họ là một cộng đoàn xung quanh một nhà thờ. Tuy nhiên, hiện nay nhiều giáo xứ số lượng giáo dân khá lớn, nhưng không thể xây thêm nhà thờ vì không có đất, nên một số cha xứ cũng chia giáo xứ của mình ra thành một số họ đạo khác, mặc dầu ở đó không có nhà thờ.”

Về vấn đề hôn nhân dị giáo, một giáo dân đã hỏi: “Nếu như trong một gia đình mà chồng thờ Chúa còn vợ thờ người khác thì có hợp lý không? Hoặc có phải Giáo hội đã dễ dãi hơn trong vấn đề đồng ý cho chuẩn hôn nhân khác đạo? Trả lời cho vấn đề này, Đức cha nói rằng: “Trước hết, nếu trong một gia đình cả hai vợ chồng đều là bên lương thì một trong hai người xin theo đạo có được hay không? Đương nhiên là được mà không cần phải đến nhà thờ để làm phép hôn nhân lại vì hôn nhân tự nhiên của họ đã thành rồi. Về việc chuẩn hôn nhân dị giáo, trong hoàn cảnh hiện nay, số giáo dân ít mà lương dân lại nhiều. Nhiều thanh niên gặp gỡ và yêu thương người lương và bổn phận của họ là phải động viên người bạn của mình theo đạo. Đó cũng là bổn phận truyền giáo. Thế nhưng, trong một số trường hợp phía bên lương chưa thể theo đạo được, Giáo Hội ban phép chuẩn ngăn trở khác đạo để họ cử hành hôn phối thành sự theo giáo luật, với một số điều kiện. Về phía người có đạo, khi xin chuẩn hôn nhân khác đạo thì phải học hỏi giáo lý không những như những người công giáo khác mà có lẽ còn phải hơn thế nữa. Bởi vì, họ sống trong hoàn cảnh dễ bị mất đức tin, nhất là khi người đó lại là phụ nữ, người vợ. Chính bản thân phía bên lương cũng cần được dạy cho biết về hôn nhân cũng như những thực hành công giáo. Do đó, việc chuẩn hôn nhân khác đạo là chuyện cực chẳng đã mà Giáo Hội vì thương con cái của mình mà cho phép chứ không phải là một điều tự nó tốt đẹp để đòi hỏi!”

Về việc lãnh ơn toàn xá trong Năm thánh của Giáo phận, một giáo dân đã bày tỏ ưu tư với Đức Cha rằng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn và phải đi làm xa nên chúng con rất khó khăn để nhận lãnh ơn toàn xá. Về vấn đề này, Đức cha cũng đã giải thích lại ý nghĩa và điều kiện để lãnh nhận ơn toàn xá. Cách đặc biệt trong Năm thánh Hồng ân của Giáo phận, Đức cha đã nhấn mạnh đến việc hành hương trong Giáo phận và việc tham dự Thánh lễ khi có Giám mục cử hành. Những ai vì đau yếu không thể đi hành hương hay tham dự Thánh lễ nhưng giục lòng ăn năn tội, hướng về cuộc hành hương và Thánh lễ rồi đọc những kinh mà Giáo hội qui định thì cũng có thể lãnh nhận ơn toàn xá. Còn những ai vì công việc làm ăn xa thì cũng cần cố gắng trở về quê hương của mình một chuyến để đi hành hương hay là tham dự một Thánh lễ mà có Giám mục chủ sự để lãnh ơn toàn xá.

Về vấn đề truyền giáo, một giáo dân đã xin Đức Cha chỉ dạy những phương thế để truyền giáo sao cho hiệu quả trong thời đại hôm nay. Trả lời cho vấn đề này, Đức Cha cũng nói rằng truyền giáo là vấn đề ưu tư rất lớn của Giáo hội, cách riêng là Giáo phận qua 400 năm loan báo Tin Mừng. Nếu hiểu truyền giáo theo nghĩa loan báo Tin Mừng, ta có thể làm được rất nhiều điều trong mỗi trường hợp và hoàn cảnh khác nhau như: cha mẹ dạy giáo lý cho con cái, cha sở dạy giáo lý cho các em và cộng đoàn tín hữu tại nhà thờ… Do đó, chúng ta không thể bỏ qua việc học giáo lý hay huấn giáo tại nhà thờ được. Ngoài ra, còn có loan báo Tin Mừng cho những người chưa biết Chúa nữa, như việc hôn nhân giữa hai người khác đạo cũng là cơ hội tốt để chúng ta truyền giáo giữa hai gia đình với nhau.

NHẬN ĐỊNH CUỐI CÙNG CỦA ĐỨC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN

Giáo xứ Kim Châu có một bề dày lịch sử khá lâu vì có nhiều cơ sở lớn liên quan đến truyền giáo, giáo dục, y tế, từ thiện… Giáo xứ Kim Châu cũng là giáo xứ mẹ sinh ra nhiều giáo xứ mới như: Huỳnh Kim, Chánh Thạnh, giáo họ biệt lập Đập Đá. Ngày nay giáo xứ vẫn còn một cộng đoàn rất lớn, cho nên qua sự phát triển như vậy chúng ta thấy tổ tiên chúng ta đã vất vả nhiều để xây dựng được những cơ sở vật chất và đời sống đức tin mạnh mẽ. Cũng vậy, qua phần trình bày về hiện tình giáo xứ, cha xứ đã cho thấy những nét đầy đủ về những sinh hoạt trong giáo xứ. Đó là những điều chúng ta đang làm. Nếu chúng ta thấy có điều gì chưa hợp lý hay còn bất cập, chưa đạt hiệu quả thì ta cứ tiếp tục bàn bạc và đưa ra ý kiến của mình trong những cuộc gặp gỡ của giáo xứ.

Sau khi nghe qua ba nét lớn mà cha xứ ưu tư là vấn đề tham dự Thánh Lễ, học giáo lý, và truyền giáo, thì tôi rất mong muốn anh chị em cũng noi theo những tiền nhân ngày xưa trong đời sống đạo. Ngày xưa, mặc dù tham dự Thánh lễ bằng tiếng Latinh mà chẳng hiểu gì, nhưng ông bà ta không bao giờ bỏ lễ. Ngày nay, điều kiện sống của chúng ta tốt hơn nhiều, nhưng chúng ta đã quên ơn Chúa, coi thường việc tham dự Thánh lễ Chúa nhật. Còn Thánh lễ ngày thường cũng là cơ hội để ta thờ phượng và lắng nghe Lời Chúa nữa. Cha mẹ nên thúc đẩy con cái đến nhà thờ.

Về việc học giáo lý, nếu không có giáo lý thì người ta không biết gì nhiều về đạo và ta cũng dễ dàng bỏ đức tin của mình. Các bậc phụ huynh phải quan tâm đào tạo đức tin cho con em của mình. Nếu không quan tâm giáo dục đức tin cho con cái thì anh chị em phải trả lẽ trước mặt Chúa sau này. Bởi lẽ, trong ngày lễ hôn phối anh chị em đã cam kết sống với nhau cho đến trọn đời, sinh sản và giáo dục đức tin cho con cái!

Về vấn đề truyền giáo, tôi mong rằng cộng đoàn giáo xứ Kim Châu đẩy mạnh công cuộc truyền giáo. Nhất là các chức việc, các đoàn thể trong giáo xứ cần giúp cho Lời Chúa được loan báo cho nhiều người, đặc biệt trong Năm thánh Hồng ân này.

KIỂM TRA SỔ SÁCH

Sau Thánh lễ, Đức Giám mục đã ra nhà xứ để kiểm tra sổ sách. Đây cũng là một phần không thể thiếu của cuộc kinh lý. Cha xứ đã trình lên Đức cha toàn bộ sổ sách của giáo xứ gồm: Sổ rửa tội, sổ xưng tội rước lễ lần đầu, sổ thêm sức, sổ hôn phối, sổ tình trạng các linh hồn hay còn gọi là sổ tình trạng các gia đình, sổ ý lễ,... Tất cả các sổ sách đều được cha xứ ghi chép khá cẩn thận và đầy đủ. Như vậy, kết thúc chuyến kinh lý mục vụ của Đức Giám mục Giáo phận, nhiều giáo dân đã hiểu biết thêm nhiều điều về lịch sử và đời sống đạo đức của các bậc tiền nhân qua các thời kỳ, cũng như về hiện tình và chương trình mục vụ truyền giáo của giáo xứ. Mong rằng ơn Chúa vẫn luôn tiếp tục đổ xuống trên cộng đoàn giáo dân giáo xứ Kim Châu thân yêu!


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tác giả bài viết: Giuse Huỳnh Thanh Thịnh

Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 4.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập55
  • Máy chủ tìm kiếm20
  • Khách viếng thăm35
  • Hôm nay24,692
  • Tháng hiện tại199,962
  • Tổng lượt truy cập29,179,500

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây