Giới trẻ và Giáo hội trong một thế giới đang đổi thay

Thứ hai - 23/09/2019 18:05
IMG 0156 Hoang




GIỚI TRẺ VÀ GIÁO HỘI
TRONG MỘT THẾ GIỚI ĐANG ĐỔI THAY

Lm. Giuse Võ Tá Hoàng


 

DẪN NHẬP

Người trẻ ngày nay sống trong một thế giới với những thay đổi sâu sắc về các phương diện chính trị, văn hóa, xã hội, luân lý và tôn giáo. Những biến đổi này ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống đức tin của họ. Có lúc chúng ta cảm thấy tiếc nuối vì nhận ra rằng ở nhiều quốc gia giới trẻ không còn quan tâm đến đời sống và sứ mạng của Giáo hội. Thực vậy, họ đã rời bỏ các cộng đoàn Kitô hữu, không còn cảm thấy mình có trách nhiệm hoặc liên hệ gì với cái nôi đã từng sinh ra họ trong đời sống đức tin. Vì nhiều lý do khác nhau, họ không coi sự hiện diện của Giáo hội là quan trọng. Trái lại, họ muốn để họ được bình an, và sự hiện diện của Giáo hội chỉ đem đến cho họ phiền toái và khó chịu.

Cố Hồng Y Avery Dulles, SJ (1918-2008), một thần học gia nổi tiếng của Mỹ, trong cuốn The New World of Faith, đã đề cập những lý do làm cho niềm tin của con người bị bào mòn cho đến chết, đó là chủ nghĩa duy lịch sử, chủ nghĩa đa nguyên và tâm thức thị trường tự do. Chủ nghĩa duy lịch sử khiến con người loại trừ chân lý tuyệt đối, vì mọi sự đều thay đổi, kể cả những xác tín đã cắm rễ thật sâu nay cũng bị đảo lộn, lật nhào. Chủ nghĩa đa nguyên, đạo nào cũng tốt, khiến đức tin Kitô giáo cũng chỉ là một trong rất nhiều lựa chọn, do đó không mang tính tuyệt đối. Và cuối cùng, thị trường tự do biến tất cả mọi thứ trở thành món hàng để cạnh tranh, đẩy con người vào những cuộc chạy đua khốc liệt và đôi khi bán rẻ bản thân mình.

Cũng thế, tất cả chúng ta đang bị cuốn hút vào dòng chảy khắc nghiệt đó của cuộc sống. Đối với người trẻ, đời sống đức tin của họ như con thuyền nhỏ đong đưa, trôi dạt; đôi khi họ bị bỏ mặc một mình trong tay của tử thần, tự vật lộn với biển cả mênh mông, côi cút vắng bóng cộng đồng đức tin, lạc hướng và vô vọng.

Trong giai đoạn lịch sử đầy những bất trắc và thử thánh này, ngay lúc mà thế giới đặt người trẻ sang một bên, khiến họ rơi vào tình trạng lấp lững thì Giáo hội, qua Tông huấn Christus Vivit, một mặt tự hỏi làm thế nào để giúp những người trẻ vượt qua nỗi sợ hãi, hiểu được đâu là vị trí của họ trong thế giới và đưa ra những lựa chọn can đảm; m ặt khác, Giáo hội kêu mời họ trở nên những nhân chứng của lời Chúa, trở nên một phần sống động của Giáo hội trong việc rao giảng Tin mừng, tích cực dấn thân và trách nhiệm trong đời sống của mình, tiếp tục hy vọng, tin tưởng phó thác vào Đức Kitô trẻ trung, Người đang sống: “Người là niềm hy vọng” của tất cả mọi người. Và khi con người cảm thấy mình già đi vì buồn sầu, thù hận, vì lo sợ, nghi ngờ hay thất bại, Người vẫn luôn ở đó để ban lại sức mạnh và hy vọng.[1]

I. GAUDIUM ET SPES MỘT CÁI NHÌN TIÊN TRI

Trước hết, để có cái nhìn xuyên suốt về đề tài này, thiết nghĩ chúng ta cần quay ngược thời gian, trở về với Công đồng Vatican II, một Công đồng mang tính lịch sử đã làm thay đổi bộ mặt thế giới.

Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, phần mở đầu, đã cho chúng ta thấy thực tại mà cộng đồng nhân loại lúc bấy giờ đang phải nếm trải: vui mừng và âu lo. Vui mừng vì những tiến bộ vượt bậc của nhân loại. Tuy nhiên, con người vẫn âu lo thắc mắc về tương lai thế giới, về chỗ đứng và phận vụ của mình. Tuy chưa rõ ràng và cụ thể như chúng ta thấy hôm nay, nhưng có thể nói Gaudium et Spes đã có một cái nhìn xác đáng mang tính tiên tri rất lớn đối với nhân loại.

Liên quan đến những biến chuyển và đổi thay trong xã hội, Công đồng nhận định: “Nhân loại hiện nay đang sống trong một giai đoạn mới trên dòng lịch sử, trong đó những đổi thay sâu xa và mau chóng đang dần dần lan rộng khắp toàn thế giới. Những thay đổi được tạo thành do sự thông minh và hoạt động sáng tạo của con người đang trở lại ảnh hưởng trên chính con người, trên những phán đoán và ước vọng cá nhân hay tập thể nhân loại, trên cách suy tư và hành động đối với vạn vật cũng như đối với con người”.[2]

“Tình trạng giao động tâm hồn hiện nay và sự thay đổi cảnh sống gắn liền với một biến chuyển rộng lớn hơn. Trong phạm vi trí dục, sự biến chuyển này làm cho toán học, vạn vật học và các khoa học nhân văn ngày càng thêm quan trọng; còn trong phạm vi hoạt động, thì kỹ thuật, con đẻ của khoa học, lại mỗi ngày một thêm uy thế. Tinh thần khoa học này đang tạo ra một nền văn hóa và những lối suy tư khác với trước kia. Kỹ thuật phát hiện đến độ thay đổi cả cục diện địa cầu và còn đang cố gắng chinh phục không gian”.[3]

Về mặt xã hội, “các cộng đoàn cổ truyền địa phương, như gia tộc, "thị tộc", bộ lạc, xóm làng, các tập thể khác và các liên hệ trong cộng đoàn xã hội đều thay đổi mỗi ngày mỗi sâu xa hơn. Tổ chức xã hội theo khuôn mẫu kỹ nghệ dần dần bành trướng, đưa một số quốc gia tới mức thịnh vượng kinh tế và thay đổi tận gốc rễ những quan niệm và hoàn cảnh đời sống xã hội đã cố định từ lâu đời.

Những phương tiện truyền thông mới mẻ và mỗi ngày một thuận tiện hơn giúp con người theo dõi được các biến cố cũng như phổ biến hết sức mau lẹ và rộng rãi những cách cảm nghĩ và suy tư, do đó chúng gây nên nhiều âm hưởng vang dội có liên quan với nhau. Một hiện tượng không kém quan trọng khác: biết bao người bởi nhiều lý do phải di cư, và vì di cư đã thay đổi cả cách sống”.[4]

 Những hoàn cảnh mới cũng ảnh hưởng tới đời sống tôn giáo. Mê tín tràn lan. Số người lìa xa Thiên Chúa trong cách sống thực tế ngày càng đông… Sự từ chối hoặc tránh né đề cập tới Thiên Chúa hay tôn giáo không còn là một hành vi dị thường và có tính cách cá nhân nữa, vì ngày nay, biết bao người coi đó như một đòi hỏi của tiến bộ khoa học.[5]

Đọc lại Hiến chế Vui mừng và Hy vọng của Công đồng Vatican II sau 50 năm, như đã dự đoán, thế giới của chúng ta đang ở trong quỹ đạo của những thay đổi và phát triển rất mạnh mẽ về mọi phương diện. Trong khi mọi thứ có vẻ đang rất thịnh vượng, đáp ứng mọi nhu cầu thiết yếu và hiểu biết của con người, nó cũng nảy sinh rất nhiều những vấn nạn hiện đại hơn, khó khăn hơn và đôi khi dẫn con người đến ngõ cụt của những suy tư và thực tế.

Thực vậy, những thay đổi nhanh chóng trong xã hội là nét đặc trưng của nền văn hóa đương đại, được đánh dấu bởi những điều không chắc chắn, loại trừ, bất an, bất bình đẳng, lo âu và nỗi sợ hãi cho tương lai. Tất cả những điều này làm ảnh hưởng sâu đậm đến cuộc sống của nhiều người trẻ hôm nay, luôn gặp khó khăn khi đối mặt với những lựa chọn và quyết định cho cuộc sống còn. “Do đó, họ cảm thấy ưu tư, luôn bị giằng co giữa hy vọng và lo âu, trong khi băn khoăn về những biến chuyển hiện nay của thế giới. Biến chuyển này đang thúc đẩy, hay đúng hơn, đòi buộc con người tìm câu giải đáp”.[6]

II. TRONG MỘT THẾ GIỚI ĐỔI THAY

Thế giới luôn luôn đổi thay, đó là sự thật. Một thế giới không thay đổi chắc chắn nó sẽ không còn là nó nữa. Duy nhất chỉ có một điều không bao giờ thay đổi chính là sự đổi thay. Fredmund Malik, một chuyên gia người Áo, có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới về lãnh đạo, đồng thời cũng là nhà tư tưởng của lý thuyết chuyển đổi vĩ đại thế kỷ 21, trong cuốn "Managing Performing Living", ông đã đề cập đến tầm ảnh hưởng của sự biến đổi trong lịch sử thế giới hiện nay. Theo ông, biến đổi này có thể được hiểu là sự biến đổi từ thế giới cũ sang thế giới mới. Những biểu hiện của nó hiện ra giống như một cuộc khủng hoảng kinh tế trên bề mặt, nhưng thực tế là sự ra đời của một thế giới mới nơi mà mọi thứ sẽ hoàn toàn khác so với trước đây. Những biến đổi này vẫn còn tiếp tục kéo dài, và hầu như sẽ chẳng có ngành nghề nào, xã hội nào, tôn giáo nào có thể tránh được. Kết quả của những biến đổi dẫn đến những khủng hoảng không hề nhỏ trong đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa, tư tưởng, cách thực hành đời sống đức tin của nhiều người, đặc biệt đối với giới trẻ, khiến họ trở nên lạc bước, cứng rắn và lạnh lùng hơn trước những đề nghị của Giáo hội.

Đâu là những lý do dẫn đến những biến đổi này? Tất nhiên có rất nhiều nguyên do, một trong những nguyên do chính có tầm ảnh hưởng rất lớn trong cộng đồng nhân loại hiện nay chính là hiện tượng toàn cầu hóa.

1. Toàn cầu hóa

Toàn cầu hóa là một khái niệm không hề xa lạ đối với chúng ta, nó nổi lên như một mô hình mới để diễn tả cách mà gia đình nhân loại có thể liên kết với nhau. Toàn cầu hóa là việc gia tăng tính chất liên kết giữa các dân tộc trên trái đất. Từ rất lâu các thương nhân đã di chuyển một khoảng cách rất xa từ nơi này đến nơi kia để trao đổi thương mại với nhau. Cuộc cách mạng về công nghiệp từ thế kỷ 19 đã mang lại tiến bộ trong ngành vận tải và truyền thông giúp dễ dàng hơn trong các thương vụ xuyên biên giới. Bây giờ chúng ta có thể di chuyển dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn và rẻ hơn, nhờ đó chúng ta có thể chia sẻ về mình, về tài nguyên, nguồn nhân lực và các giá trị khác bao gồm văn hóa và niềm tin của chúng ta. Khả năng chia sẻ những món quà Thiên Chúa ban cho chúng ta với người khác ngày càng nhiều và mở rộng hơn qua sự liên đới của chúng ta. Khả năng về công nghệ và tự do phát triển hứa hẹn tăng cường phát triển con người cách toàn diện, bằng cách thúc đẩy tăng trưởng thực sự trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và văn hóa. Tuy nhiên cũng như tất cả các hiện tượng và công trình khác của con người, toàn cầu hóa không phải là một hiện tượng vô hại; nó như một tiến trình kinh tế xã hội, nhưng đây không phải là chiều kích duy nhất. Có thể đây là một hệ thống hoạt động tốt trong lãnh vực sản xuất, công nghệ, truyền thông, dịch vụ, nhưng quá nghiệt ngã, vô tâm và tàn nhẫn đối với con người.

Trong Thông điệp Caritas in Veritate năm 2009, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nhận định như sau: “Thực sự là đã có sự tăng trưởng và sự tăng trưởng đó đã và sẽ là một yếu tố tích cực để giải thoát cả tỷ con người khỏi khổ ải và cuối cùng sẽ đem lại cho nhiều đất nước khả năng trở thành những đối tác hữu hiệu trong lãnh vực chính trị quốc tế”.[7] Đời sống kinh tế bình đẳng hơn với mọi người; các dân tộc tiến đến chỗ trở thành những xã hội có giáo dục, được ghi dấu bằng tình liên đới; các chế độ dân chủ được củng cố và có khả năng bảo đảm tự do và hòa bình. “Tuy nhiên, sau bấy nhiêu năm, chúng tôi thực sự lo lắng khi thấy các cơn khủng hoảng cứ gia tăng tiếp nối trong thời đại chúng ta cũng như hậu quả của chúng”.[8]

2. Ảnh hưởng tiêu cực của toàn cầu hóa.

Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã từng cảnh báo về hậu quả của tiến trình toàn cầu hóa cẩu thả phóng túng sẽ không dẫn tới một trật tự mới trên thế giới, nhưng hoàn toàn ngược lại. Toàn cầu hóa chỉ mang tính một chiều, nó đang làm giàu cho người giàu và làm suy giảm cách đáng lo ngại mức sống của những người nghèo và những người bị loại trừ.[9]

Trên bình diện văn hóa, dường như toàn cầu hóa đang làm giảm dần các khác biệt về mặt văn hóa. Tuy nhiên, toàn cầu hóa cũng đe dọa làm lu mờ bản sắc văn hóa của các quốc gia, vốn là những giá trị cần được duy trì nhằm bảo vệ sự đa dạng của nền văn hóa thế giới.[10] Trào lưu tôn thờ chủ nghĩa vật chất và sự phóng khoáng từ các nước tân tiến làm chao đảo các giá trị tôn giáo và tâm linh, dẫn đến những cuộc khủng hoảng về các giá trị luân lý gây ảnh hưởng trên thái độ thực hành luân lý, góp phần phổ biến não trạng bài sinh sản, ngừa thai, phá thai, thực hiện an tử; tìm cách phổ biến qua các nước khác và xem đó như là một bước tiến về mặt văn hóa.[11]

Trên bình diện chính trị, quá trình toàn cầu hóa khiến cho vai trò của các quốc gia với tư cách là các chủ thể chính của quan hệ quốc tế cũng trở nên bị suy giảm.[12]

Một bình diện khác có liên hệ chặt chẽ với sự phát triển: việc từ chối quyền tự do tôn giáo. “Người ta nhân danh Thiên Chúa để hủy diệt. Chủ nghĩa khủng bố với chủ trương bảo thủ cực đoan đã gây nên đau khổ, phá hoại và chết chóc, ngăn cản việc đối thoại giữa các quốc gia và rút đi phương tiện tài chính lớn lao cho những cố gắng hòa bình và dân sự”.[13]

Cũng như các bậc tiền nhiệm, nhưng cụ thể hơn, Đức Giáo hoàng Phanxicô cho thấy toàn cầu hóa đang là một thách thức không hề nhỏ đối với nhân loại hôm nay. Ngài nói: “Ở thời đại chúng ta, nhân loại đang trải qua một bước ngoặt trong lịch sử của mình, như chúng ta có thể thấy từ các tiến bộ đang được thực hiện trong rất nhiều lãnh vực… Nhưng chúng ta phải nhớ rằng đa số dân chúng bây giờ sống ngày nào biết ngày ấy, với những viễn tượng đáng sợ. Một số dịch bệnh đang lan rộng. Tâm hồn nhiều người bị xâm chiếm bởi nỗi sợ hãi và thất vọng, ngay cả ở những nước được cho là giàu có. Niềm vui sống thường xuyên phai nhạt, thiếu tôn trọng người khác, và nạn bạo lực ngày càng nhiều, tình trạng bất bình đẳng cũng gia tăng. Người ta đấu tranh để sống, và thường là sống với phẩm giá tối thiểu”.[14]

Con người bị coi là món hàng tiêu thụ sử dụng rồi vứt bỏ. Chúng ta đã tạo ra một văn hoá “dùng một lần” hiện đang lan rộng. Bởi đó, vô tình, chúng ta trở nên vô cảm trước tiếng kêu của người nghèo, không còn có thể khóc trước nỗi đau của người khác hay cảm thấy cần cứu giúp họ.[15]

Tại nhiều nước, toàn cầu hoá đẩy nhanh tiến trình suy yếu các gốc rễ văn hoá truyền thống và sự xâm nhập các lối suy nghĩ và hành động của các nền văn hoá khác tiến bộ hơn về mặt kinh tế nhưng yếu kém hơn về đạo đức.[16] Hậu quả là các khía cạnh tiêu cực của các công nghệ truyền thông và giải trí đang đe doạ các giá trị truyền thống, đặc biệt đe doạ sự thánh thiêng của hôn nhân và sự bền vững của gia đình.[17] Đức tin Công giáo của nhiều người ngày nay đang bị thách thức bởi sự nở rộ các phong trào tôn giáo, một số có khuynh hướng cực đoan trong khi một số khác đề nghị một linh đạo không có Thiên Chúa.[18]

Tiến trình tục hoá có khuynh hướng giản lược đức tin và Giáo hội vào lãnh vực cá nhân và riêng tư. Hơn nữa, bằng việc phủ nhận cái siêu việt, nó làm cho đạo đức ngày càng xuống cấp, ý thức của cá nhân và tập thể về tội lỗi suy yếu dần, và chủ nghĩa tương đối ngày càng gia tăng. Tình trạng này dẫn đến một sự mất phương hướng chung, đặc biệt ở lứa tuổi thiếu niên và thanh niên vốn là tuổi rất dễ bị tổn thương do sự thay đổi.[19]

Gia đình đang trải nghiệm một khủng hoảng văn hoá sâu xa, mọi cộng đồng và quan hệ xã hội cũng thế.[20] Chủ nghĩa cá nhân của thời hậu hiện đại và toàn cầu hoá của chúng ta tạo điều kiện cho một nếp sống làm suy yếu sự phát triển và vững bền của các mối tương quan nhân vị và làm biến dạng các mối dây ràng buộc gia đình.[21]

Trên đây là những đặc điểm bao gồm những thuận lợi và hệ lụy do toàn cầu hóa mang lại. Và đây cũng là một thách thức lớn cho Giáo hội trong một thế giới đang thay đổi qua con đường toàn cầu hóa đã và đang phát triển phổ biến. Không cần phải nói, các tín hữu Công giáo không được miễn trừ khỏi những ảnh hưởng này.

3. Người trẻ trong bức tranh khủng hoảng

Tông huấn Christus Vivit đã trình bày cho chúng ta một bức tranh rất rõ ràng về những khủng hoảng mà giới trẻ hiện nay đang phải gánh chịu. Vẫn chưa có thể nói là đầy đủ, nhưng một lần nữa chúng ta thấy được hình ảnh của một thế giới mà trong đó những người trẻ đang sống, như một thân thể đầy những vết thương nhầy nhụa đến khủng khiếp khiến chúng ta phải giật mình.

3.1. Phương diện xã hội

“Nhiều người trẻ đang sống trong bối cảnh chiến tranh và phải gánh chịu bạo lực dưới vô số hình thức: bắt cóc, tống tiền, tội phạm có tổ chức, buôn bán người, nô lệ tình dục và khai thác tình dục, hãm hiếp trong chiến tranh. Nhiều người trẻ khác vì đức tin của mình mà khó tìm được một việc làm trong xã hội và phải gánh chịu nhiều hình thức bách hại có thể đưa đến cái chết. Rất nhiều người trẻ, vì bị ép buộc hay vì không còn chọn lựa nào khác, đang sống trong tình trạng phạm tội ác và gây bạo lực: binh lính trẻ em, băng đảng tội phạm có vũ trang, buôn lậu ma túy, khủng bố… Tình trạng bạo lực này làm tan nát cuộc đời nhiều người trẻ. Những trường hợp bị lạm dụng và nghiện ngập cũng như bạo lực và những hành vi lệch lạc, cũng là lý do khiến giới trẻ lâm vào cảnh tù tội và tình trạng này liên quan đặc biệt đến một số nhóm sắc tộc và xã hội”.[22]

“Nhiều người trẻ khác bị tuyên truyền, bị biến thành công cụ và bị sử dụng làm bia đỡ đạn hay lực lượng xung kích để tiêu diệt đe dọa hay chế giễu người khác. Tệ hơn nữa, có nhiều người trở thành những con người theo chủ nghĩa cá nhân, thù địch và nghi ngờ mọi người”.[23] Nhiều người trẻ phải bỏ mạng vì nghèo đói và bạo lực[24]; bị gạt ra bên lề và bị loại trừ khỏi xã hội cách này hay cách khác, vì lý do tôn giáo, sắc tộc hay kinh tế.[25]

Thế giới kỹ thuật số cũng là không gian của cô đơn, thao túng, bóc lột và bạo lực, đến trường hợp cực đoan của mạng lưới đen. Các phương tiện truyền thông kỹ thuật số có thể khiến mọi người có nguy cơ bị lệ thuộc, cô lập và mất liên lạc dần dần với thực tại cụ thể, do đó cản trở sự phát triển của các mối liên hệ thực sự giữa các cá nhân. Các hình thức bạo lực mới đang lan truyền qua các phương tiện truyền thông xã hội; Nó cũng là một kênh để phân phát tài liệu khiêu dâm và khai thác con người cho mục đích tình dục hoặc qua các trò chơi may rủi.[26]

3.2. Phương diện văn hóa

Tại một số quốc gia, “hiện tượng toàn cầu hóa cũng đồng thời hình thành nên một hình thức thực dân văn hóa, tách người trẻ ra khỏi những cội rễ văn hóa và tôn giáo của mình”.[27] “Tình trạng thực dân về ý thức hệ đến từ các nước giàu hơn có tác hại đặc biệt đến giới trẻ trong đời sống tính dục, hôn nhân, về sự sống hay về công bằng xã hội”.[28] Nền văn hóa coi thân xác như một sản phẩm để quảng cáo thu lợi là một hình thức cướp mất tuổi thanh xuân của họ.[29]

“Truyền thống gia đình khiến cho người trẻ cảm thấy bị đè nén và tìm cách chạy trốn theo tiếng mời gọi của nền văn hóa đã được toàn cầu hóa, và vì thế, đôi khi lấy mất đi của họ mọi điểm quy chiếu”.[30]
“Những phát triển khoa học và những công nghệ y sinh đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức về thân xác, dẫn đến ý tưởng rằng không còn giới hạn nào có thể ngăn cản việc cải biến thân thể... Hơn nữa, trong một số môi trường, có nhiều người trẻ ngày càng bị lôi cuốn vào những hành vi mạo hiểm, như một cách để khám phá bản thân, để tìm kiếm cảm giác mạnh và để được người khác công nhận”.[31]

Cuộc sống của những người trẻ, giống như những người khác, cũng bị đánh dấu bởi các vết thương. “Chúng là các vết thương của những thất bại trong lịch sử của chính mình, những ước muốn không thành, những kỳ thị và những bất công phải chịu, không cảm thấy được yêu thương hoặc nhìn nhận”.[32]

“Vì muốn chạy trốn khỏi chiến tranh, bạo lực, các hành vi đàn áp chính trị hay tôn giáo, do thiên tai hoặc nghèo đói, buộc nhiều người trẻ phải sống tách biệt với quê hương của mình và thường cảm thấy mất gốc về mặt văn hóa và tôn giáo. Đôi khi vì “bị lôi cuốn bởi nền văn hóa phương Tây, ấp ủ những kỳ vọng không thực tế khiến họ bị thất vọng ê chề”.[33]

Các loại lạm dụng khác nhau xảy ra trong Giáo hội, trong các gia đình, tổ chức: “lạm dụng quyền lực, lạm dụng kinh tế, lạm dụng lương tâm, lạm dụng tình dục”[34]; khát vọng thống trị, tinh thần thiếu đối thoại và thiếu minh bạch, tình trạng thiếu vắng tâm linh, chủ nghĩa giáo sĩ trị đánh mất niềm tin và nhiệt huyết nơi người trẻ.[35]

Có thể nói đây là nỗi đau của những người trẻ, những nỗi đau ấy không thể diễn tả thành lời, bởi họ phải trả giá quá đắt cho việc thăng tiến, và rốt cuộc họ không còn tin ai nữa.

3.3. Phương diện đức tin

Trong những năm gần đây tại Châu Âu và cả Châu Á, tỷ lệ người trẻ không còn niềm tin vào Giáo hội ngày càng gia tăng. Ngày càng có nhiều người trẻ xa rời đức tin, không tham dự phụng vụ ngày Chúa nhật, không cảm thấy mình thuộc về Giáo hội nữa. Không cần phải làm một cuộc điều tra quy mô trên sổ sách, chỉ cần nhìn vào các băng ghế trong nhà thờ mỗi thánh lễ sẽ thấy được điều đó. Những chiếc ghế trống cho chúng ta biết về một thế hệ không còn muốn ở đó nữa, không còn sống trong không gian, thời gian đó nữa. Hoặc tệ hơn khi một số người trẻ cho rằng “Giáo hội chẳng liên quan gì đến cuộc đời họ. Một số còn minh nhiên yêu cầu Giáo hội để họ yên thân, vì họ cảm thấy khó chịu, nếu không muốn nói là bực bội khi Giáo hội hiện diện”.[36]

Mối quan hệ giữa những người trẻ và Giáo hội ngày càng trở nên khó khăn. Thật khó để liệt kê đầy đủ mọi lý do khiến cho người trẻ rời bỏ Giáo hội, không còn nhận mình là Kitô hữu. Người ta có thể đổ lỗi cho chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa tương đối, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa khoái lạc, cách mạng tình dục, phương tiện thông tin đại chúng, kỹ thuật số, mạng xã hội, chủ nghĩa hậu hiện đại, và nhiều thứ khác, thế nhưng điều mà con người ít để ý đến đó là họ đang sống với một thứ linh đạo không có Thiên Chúa.[37]

4. Khát vọng tuổi trẻ

Ở đâu có tuổi trẻ, ở đó có khát vọng. Người trẻ luôn có những khát vọng vươn mình lên sau những thất bại mang đầy thương tích. Họ luôn lao mình về phía trước, đi bằng chính đôi chân của mình. Họ biết ngôn ngữ, biết cách di chuyển trên khắp thế giới, không ngạc nhiên về sự đa dạng. Họ dồi dào sức sống, có khả năng nhìn với niềm hy vọng. Sức sống ấy có thể đến từ tác động bên ngoài, nhưng cũng có thể bùng nổ từ chính bản thân, không để mình ngập chìm trong bóng tối đầy ma lực của những biến đổi đang làm nghẹt thở. Vẫn còn đó những câu hỏi về ý nghĩa và mục đích của cuộc sống; vẫn còn đó những hoài nghi đang chờ đợi một lời giải đáp đầy hứa hẹn; vẫn còn đó những gương mù, gương xấu làm cho họ mất niềm tin; và vẫn còn đó những vết thương lở loét chưa lành của những đè nén, va chạm; nhưng sau tất cả, vẫn còn nhiều người trẻ có những khát vọng về Thiên Chúa, về đời sống thánh thiện, ước mơ sống tình huynh đệ, muốn dấn thân trên con đường nghệ thuật, muốn phát triển các tài năng của mình để cống hiến điều gì đó cho đời.[38]

Các vị thánh trẻ của từng giai đoạn lịch sử, từ Sebastianô - thế kỷ thứ 3, Anrê Phú yên - thế kỷ 17 cho đến Carlo Acutis vị thánh trẻ của thời đại kỹ thuật số, được Tông huấn nêu ra như những phản chiếu quý giá để khích lệ và đánh thức người trẻ ra khỏi cơn mê. Những tấm gương và khát vọng đó không hề bị dập tắt hoàn toàn bởi vì “người trẻ có khả năng làm được Tất cả mọi thứ khi họ mở lòng ra để gặp gỡ Đức Kitô”.[39]

Thấy được những ước mơ và sinh lực dồi dào của người trẻ, Đức Phanxicô đã dùng những lời lẽ âu yếm của người cha yêu thương, muốn truyền lại cho con cái mình niềm tin, sự quý trọng và hy vọng, thay vì ngồi nhìn cuộc sống đổi thay bằng sự thất vọng, buồn phiền và chán nản, ngài nói: “Đừng để ai khinh thường tuổi trẻ của con”. “Để cho tuổi trẻ đạt được mục đích của nó trong cuộc đời của con, thì đó phải là một thời gian của quảng đại cho đi, chân thành cống hiến, của những hy sinh gian khổ nhưng sinh hoa trái thật phong phú”.[40] “Người trẻ không được nản chí; nhưng phải mơ ước những điều lớn lao, tìm kiếm những chân trời rộng lớn, khát vọng cao hơn, muốn chinh phục thế giới, có khả năng chấp nhận những thách đố và cống hiến hết mình để xây dựng điều tốt đẹp hơn”.[41]

5. Giáo hội mà tôi ước muốn

Thật khó cho một người muốn qua sông nhưng không tìm thấy nỗi một nhịp cầu. Người đó có thể tìm được nhiều cách để sang sông nhưng chẳng mấy an toàn, dẫu có đến được bờ bên kia đi nữa thì “chẳng còn hình tượng người ta”.

Người trẻ luôn có những khát vọng và thao thức của riêng mình, muốn cho cuộc sống được tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, trong một thế giới luôn biến chuyển như thế, đôi khi họ bị lạc đường, lạc mất đức tin. Đối với những người trẻ là Kitô hữu, trong khi gặp gỡ Chúa Kitô, khiến họ nhận ra Giáo hội là nơi họ tìm về. Họ tìm đến Giáo hội như người an ủi, đồng hành, để được hướng dẫn chứ không phải để tìm thấy một vị quan tòa chỉ nhìn thấy những lỗi lầm của họ. Họ có quyền đòi hỏi nơi người mẹ là Giáo hội những đáp ứng tốt hơn, hiệu quả hơn cho đời sống thực hành đức tin của họ. Mặt khác, để có được một hướng đi thích hợp trong mục vụ dành cho giới trẻ, Giáo hội cũng cần phải lắng nghe để hiểu được hoàn cảnh và những thao thức, mà trong đó chính họ là nạn nhân, là sản phẩm của những phiên bản lỗi.

Bởi vậy, Giáo hội mà người trẻ ước muốn là một Giáo hội “biết lắng nghe nhiều hơn, chứ không phải lúc nào cũng lên án. Họ không muốn thấy Giáo hội im lặng và e ngại lên tiếng, cũng không muốn thấy một Giáo hội chỉ loay hoay tranh đấu cho vài ba vấn đề ám ảnh mình... Vì một Giáo hội luôn phòng thủ, thiếu khiêm tốn, không biết lắng nghe, không chấp nhận bị chất vấn, sẽ đánh mất đi sự tươi trẻ và biến mình thành một viện bảo tàng. Để được người trẻ tín nhiệm Giáo hội cần tìm lại sự khiêm tốn và đơn sơ lắng nghe, biết nhận ra một ánh sáng nơi những gì người khác nói giúp Giáo hội hiểu Tin mừng tốt hơn”.[42]

Người trẻ ước muốn Giáo hội gần gũi hơn, đừng đặt ra quá nhiều rào cản, đừng cấm đoán quá nhiều thứ, đừng khiến họ cảm thấy xa lánh hoặc xa lạ với mẹ của mình. Giáo hội đừng sợ hãi khi có những câu hỏi được đưa ra liên quan đến vai trò của phụ nữ, về tình dục, về những vấn đề lạm dụng trong Giáo hội.

Giáo hội mà người trẻ ước mơ và mong muốn, bắt nguồn và gắn liền với sự thật của lời Chúa và trong tình yêu của Chúa Kitô, đó là một Giáo hội không yêu bằng lời, nhưng bằng những hành động cụ thể, bằng tình yêu có thể chia sẻ được, cảm nhận được, thấy được, đụng chạm được.

Giáo hội mà người trẻ ước muốn là nơi mà mọi con tim được gặp nhau và hợp nhất trong một con tim duy nhất, nơi người ta tôn trọng lẫn nhau, được hy vọng và vui mừng với nhau và với người khác, nơi không có phê bình chỉ trích, nơi mà tình huynh đệ được đề cao, nơi mà người sa ngã được chỗi dậy lần nữa, nơi người ta tin tưởng nhau, nơi mà các mối tương quan đều chân thành và tin tưởng, nơi không có hoài nghi và sợ hãi, nơi tôi cảm nhận được sự ấm áp trọn vẹn của tình yêu Thiên Chúa sau khi bị lạc mất vòng tay.

Giáo hội phải là nơi mà mọi người được hiệp nhất trong lời cầu nguyện, bởi sự gắn kết trong bình an và tình yêu của Thiên Chúa, nơi không có những cuộc bút chiến, cạnh tranh và ganh đua, nơi có tinh thần tương trợ nhau, nơi nụ cười luôn tươi nở, nơi không cử chỉ nào, hoàn cảnh nào, thể thức nào bị loại bỏ.
Làm thế nào Giáo hội có thể thực hiện những giấc mơ của người trẻ?

III. ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC MỤC VỤ

Ngày nay bức tranh chắc chắn đã thay đổi, và ai cũng phải công nhận rằng thế giới ngày nay đã thay đổi rất nhiều, thế nhưng những đòi hỏi trong việc chăm sóc mục vụ giới trẻ dường như vẫn chưa thay đổi, hoặc nếu có thì vẫn chỉ là những bước đi chậm chạp. Chúng ta có thể tự hỏi, chúng ta đang ở đâu trong một bức tranh đa sắc màu như thế. Đức Phanxicô đã nhận định: “Mục vụ giới trẻ theo truyền thống đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi những thay đổi của xã hội và văn hóa. Người trẻ thường không thấy các chương trình thông thường của chúng ta đáp ứng được các mối quan tâm, các nhu cầu, các vấn đề và các thương tổn của họ”.[43] Vì thế, đổi mới phương thức mục vụ giới trẻ là cần thiết. Chúng ta cần phải thay đổi và phải có khả năng đối mặt với những thách thức mới. Điều đó đòi hỏi nhiều kỹ năng, nhiều sáng tạo để có thể tiếp cận được với họ và giúp họ nhận ra được ơn gọi của mình trong Giáo hội.

1. Người trẻ và Giáo hội

1.1. Là nhân vật chính.

Những người trẻ không thể đứng yên trong môi trường mà họ không tìm thấy không gian của mình hay không nhận được sự khích lệ. Họ là nhân vật chính, năng động, không yên tĩnh. Vì trong mọi thời điểm, những người trẻ luôn nắm giữ vai trò quan trọng, là tác nhân chính của những thay đổi, là những người nắm giữ tương lai và qua họ tương lai bước vào thế giới.[44] Do đó, không thể xem người trẻ như một phần dư thừa, nhưng trái lại, họ là nhân vật chính của thời đại chúng ta và là thành phần tích cực của Giáo hội, không phải là đối tượng của những bài diễn văn đến từ trên cao. Họ không phải là thời gian chuyển tiếp, nhưng là hiện tại của Thiên Chúa.[45] Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhắc lại điều đó trong bài giảng khai mạc diễn đàn giới trẻ thế giới vào tháng 6 năm 2019 vừa qua tại Vatican: “Từ hôm nay các con là của Chúa, là của Giáo hội! Không chỉ là tương lai, mà là hôm nay. Ngày hôm nay các con hãy đánh cuộc với nó, hoặc là các con thua trong trận đấu này”.[46]

1.2. Những góp phần dựng xây Giáo hội

Dù có không ít những người trẻ dững dưng, nguội lạnh nhưng vẫn còn rất nhiều người sẵn sàng dấn thân trong mọi hoạt động của Giáo hội. Chúng ta không thể phủ nhận những đóng góp quan trọng đó của họ trong mọi sinh hoạt của Giáo hội. Thật vậy, trong khi Giáo hội có nguy cơ sa chước cám dỗ đánh mất lòng nhiệt thành, quy về tìm kiếm những an toàn giả tạo của thế gian thì “chính người trẻ có thể giúp Giáo hội giữ được tinh thần trẻ trung, không rơi vào băng hoại; không dừng lại, không kiêu hãnh, không biến thành giáo phái, nhưng trở nên nghèo khó và có khả năng làm chứng hơn nữa, gần gũi với những người hèn kém và những người bị bỏ rơi, biết đấu tranh cho công lý và khiêm tốn đón nhận những chất vấn”.[47]

Đối với các hoạt động mục vụ khác, Tông huấn ghi nhận: “Tại các giáo xứ các em đã quảng đại phục vụ, linh động hoá việc dạy giáo lý và phụng vụ, để tâm đến những người nghèo hèn, bé nhỏ nhất”.[48] “Nhiều nhóm trẻ của các giáo xứ, các trường học, các phong trào hoặc các nhóm sinh viên đại học thường đi ra ngoài gặp gỡ thăm viếng những người già và những người bệnh, hoặc thăm viếng các khu xóm nghèo, hay là cùng nhau giúp đỡ những người túng thiếu trong những buổi tối từ thiện”.[49] “Những người trẻ khác tham gia vào các chương trình xã hội xây dựng nhà cho người vô gia cư, hoặc cải tạo các khu vực bị ô nhiễm hay quyên góp giúp đỡ người túng quẫn”.[50] Tại một số nơi, các bạn trẻ biết dùng mạng xã hội để liên lạc, giải trí, giao lưu, học hỏi và một số khác biết vận dụng kỹ thuật số để rao giảng Tin mừng.

2. Giáo hội với người trẻ

Giới trẻ giờ đây kêu gọi chúng ta nhập cuộc cùng họ chống lại những rào cản ngăn cách cuộc sống của họ, giúp họ phát triển một cách đúng đắn. Họ yêu cầu chúng ta và đây cũng là yêu sách của chính chúng ta, đó là một sự cống hiến sáng tạo, một động lực thông suốt, nhiệt tâm và tràn đầy hy vọng. Họ yêu cầu chúng ta đừng bỏ mặc họ một mình trong tay của thần chết, trong tay những kẻ lợi dụng và đưa họ vào con đường tăm tối.[51]

Chúng ta có thể làm gì? Làm thế nào để đổi mới việc chăm sóc mục vụ của chúng ta? Làm thế nào để giúp cho giới trẻ có thể tìm lại được sức sống, niềm tin và nỗ lực cống hiến bản thân cho Giáo hội và thế giới trong đời sống ơn gọi làm người Kitô hữu của mình.

- Phút nhìn lại mình

Mahatma Gandhi đã từng nói: muốn thay đổi thế giới, trước hết bạn hãy thay đổi chính mình. Đó cũng là điều mà chính Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ cách đây hơn 2000 năm: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7, 12). Bởi thế, “Giáo hội phải nhìn sâu vào chính mình, suy gẫm mầu nhiệm hiện hữu của mình... Nhận thức sâu sắc và sinh động này về chính mình tất yếu dẫn tới một sự so sánh giữa hình ảnh lý tưởng về Giáo hội như Đức Kitô mong muốn và yêu thương như là hôn thê thánh thiện và vô tì tích của Ngài (Ep 5, 27), với hình ảnh thực tế mà Giáo hội trình bày cho thế giới hôm nay”.[52]

Trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Phanxicô đã mời gọi Giáo hội canh tân, một cuộc canh tân không thể trì hoãn, không chỉ liên quan đến các cá nhân nhưng tới toàn thể. Đó là lời mời gọi thực hiện hoán cải mục vụ để canh tân, từ Giáo hoàng, vị lãnh đạo tối cao của Giáo hội, cho đến Giám mục, linh mục, Giáo hội địa phương, các tu sĩ, giáo dân, các hội đoàn… Ở đây Đức Phanxicô đã chỉ ra những mối nguy làm cho các hoạt động mục vụ trong Giáo hội trở nên mờ nhạt, yếu dần nếu không muốn nói là lụi tàn.

 “Mối nguy lớn trên thế giới hôm nay, một thế giới hầu như thấm nhiễm chủ nghĩa tiêu thụ, đó là cảm giác cô đơn và lo lắng phát sinh từ một con tim tự mãn nhưng tham lam, sôi nổi chạy theo những thú vui phù phiếm, và một lương tâm chai lỳ. Khi mà đời sống nội tâm của chúng ta bị trói chặt trong những lợi ích và những mối quan tâm riêng của nó, thì không còn chỗ cho người khác, không còn chỗ cho người nghèo. Tiếng nói của Thiên Chúa không còn được nghe thấy, niềm vui an bình của tình yêu của Người không còn được cảm thấy”.[53]

Chúng ta “luôn bận bịu với các công việc quản lý, các vấn đề thống kê, kế hoạch và đánh giá mà lợi ích chính không phải là dân Chúa mà là Giáo hội được nhìn như là một tổ chức”. “Phô trương đối với phụng vụ, giáo lý hay uy tín của Giáo hội, nhưng không hề lo cho Tin mừng có một tác động thực sự đối với các tín hữu và các nhu cầu cụ thể của thời đại”.[54] Và ngài nói thêm: việc “quản trị thuần tuý” đã trở nên bất cập. Không để tình hình tiếp tục như hiện tại”.[55]

“Chúng ta trở nên vô cảm trước tiếng kêu của người nghèo, không còn có thể khóc trước nỗi đau của người khác hay cảm thấy cần cứu giúp họ, coi như tất cả đều là trách nhiệm của một ai khác chứ không phải của chính chúng ta”.[56]

“Các linh mục sợ mất thời giờ rảnh rỗi của mình. Lý do thường là vì người ta cảm thấy nhu cầu quá mạnh muốn bảo vệ sự tự do riêng của họ, họ coi nhiệm vụ loan báo Tin mừng như thể là một chất độc nguy hiểm thay vì là một lời đáp hân hoan trước tình yêu của Thiên Chúa mời gọi chúng ta truyền giáo, hoàn thiện bản thân và sinh hoa kết quả. Một số người hoàn toàn từ chối hiến thân cho truyền giáo và rốt cuộc đi đến một tình trạng tê liệt và nhàm chán thiêng liêng”.[57]

Đối với giới trẻ, thường họ không thể tìm thấy những giải đáp cho các mối quan tâm, nhu cầu, vấn đề và các thương tổn của họ trong các cơ cấu bình thường. Chúng ta cảm thấy khó kiên nhẫn lắng nghe họ, trân trọng các mối quan tâm và đòi hỏi của họ, và nói với họ bằng một ngôn ngữ họ có thể hiểu.[58]

Điều khiến những người trẻ ngày càng xa rời đức tin, trong số đó khi giới trẻ thấy rằng “các thừa tác viên chức thánh thiếu chuẩn bị; thiếu chuẩn bị cho bài giảng lễ và cho việc trình bày lời Chúa”.[59] Trên thực tế, nhiều bài giảng hay bài giáo lý được giới trẻ xem như những lời vô ích, khác xa với thực tế của cuộc sống hàng ngày. Chính họ bỏ đi khi chúng ta đưa ra “những vấn đề cơ bản” không dẫn đến đâu, hoặc tệ hơn, khi chúng ta tin rằng chúng ta có tất cả các câu trả lời.[60]

3. Đổi mới phương thức mục vụ

Tông huấn “Chúa Kitô Đang Sống” không phải là cuốn cẩm nang mục vụ giới trẻ hay hướng dẫn thực hành mục vụ với từng chi tiết rõ ràng và cụ thể, nhưng ít ra nó cho chúng ta thấy được nhu cầu cấp bách trong việc chăm sóc mục vụ giới trẻ hôm nay. Để có một chương trình cụ thể áp dụng cho các giáo xứ trong giáo phận, có lẽ cần phải tổ chức một cuộc hội thảo tương tự như một “công đồng giáo phận”, dành riêng cho những người trẻ? Ở đây xin được nêu một số chỉ dẫn được đề nghị trong Tông huấn này, xem như một định hướng để dựa vào đó chúng ta có thể xem xét và vạch ra một lối đi mới mẻ, thích hợp và thực tế hơn trong hoàn cảnh của chúng ta.

3.1. Ân cần lắng nghe

Chúng ta cần phải lắng nghe người trẻ, lắng nghe cảm thức của dân chúng. Người mọi thời đều mong được lắng nghe. “Chỉ khi lắng nghe chúng ta mới có được tự do nội tâm để từ bỏ những ý tưởng chủ quan hoặc phiến diện của mình cũng như những thói quen cố hữu và những định kiến của mình”.[61] Thế nhưng, thay vì sẵn sàng lắng nghe, chúng ta lại có khuynh hướng dựng nên một bản liệt kê những vấp váp, những thất bại của người trẻ, “đưa ra những câu trả lời có sẵn và đề nghị những cách thức nghĩ sẵn, mà không để người trẻ đặt ra những câu hỏi mới mẻ, và chúng ta cũng không thấy được các câu hỏi ấy thách thức chúng ta ở điểm nào”.[62] Cho nên, cần thiết phải lắng nghe những người trẻ trong thế giới kỹ thuật số mới này, nơi mà mọi thông tin đều dư thừa, có nguy cơ tạo ra cho họ những chỉ dẫn quá mập mờ.

3.2. Chủ động đón tiếp

“Trong tất cả các tổ chức của mình, chúng ta cần phải phát triển và tăng cường khả năng tiếp đón thân mật hơn nhiều, bởi vì nhiều người trẻ đến với chúng ta cảm thấy mình ở trong tình trạng rất mồ côi”.[63]
“Trong các tổ chức của mình, chúng ta phải cung cấp cho người trẻ những nơi thích hợp, ở đó các em có thể hoạt động cách thoải mái và có thể ra vào tự do, những nơi đón chào các em và là nơi các em có thể tin tưởng cùng gặp gỡ những người trẻ khác trong những lúc đau khổ hay buồn chán, cả những khi các em muốn ăn mừng các niềm vui của các em… Trong nhiều hoàn cảnh, những nơi đó trở thành khung cảnh thân thiện, người trẻ có thể sống kinh nghiệm tình bằng hữu, nam nữ hẹn hò, gặp gỡ nhau, chia sẻ niềm say mê âm nhạc, hoạt động giải trí, thể thao và thậm chí các suy tư và cầu nguyện, nhờ những khoản trợ cấp nho nhỏ và các đề nghị khác nhau”.[64]

“Cố gắng chào đón tất cả mọi người trẻ, bất chấp các lựa chọn tôn giáo, nguồn gốc văn hóa và các hoàn cảnh cá nhân, gia đình hoặc xã hội”.[65] Bởi vậy, “cần có chỗ cho tất cả những người có quan niệm cuộc sống khác hoặc những người tuyên bố xa lạ với đời sống tôn giáo”.[66]

3.3. Tránh áp đặt

Đối với những người lãnh đạo trẻ, “trước hết cần phải tránh áp đặt nhiều chướng ngại, quy tắc, kiểm soát và các cơ cấu trách nhiệm lên các tín hữu trẻ trung đang là những lãnh đạo tự nhiên trong khu vực của họ và trong các môi trường khác”.[67] “Thay vì trình bày hàng loạt quy tắc khiến họ có một hình ảnh thô thiển và nặng tính luân lý về Kitô giáo, chúng ta nên tin vào sự táo bạo của họ, thúc đẩy và dạy họ biết gánh lấy trách nhiệm, đồng thời chúng ta cũng tin chắc rằng sai lầm, thất bại và khủng hoảng là những kinh nghiệm có thể giúp họ lớn lên về mặt nhân bản”.[68] Chúng ta chỉ cần đồng hành và khích lệ họ, tin tưởng hơn nữa vào sự quan phòng của Chúa Thánh Thần, Đấng đang hoạt động như Ngài muốn.[69]

3.4. Tạo nên mái nhà chung

 Mái nhà này cần được chung tay dựng xây. “Không ai được phép thờ ơ hay đứng ngoài cuộc vì mỗi người là một viên đá cần thiết xây nên ngôi nhà ấy. Để được như vậy chúng ta cần phải học biết kiên nhẫn, biết tha thứ lẫn nhau và bắt đầu lại mỗi ngày. Nhờ đó người trẻ cảm nhận được sự liên kết với người khác qua mối quan hệ liên đới, vượt trên mọi thực dụng và cảm nhận được đời sống đượm tình người hơn”.[70]

3.5. Giáo dục đức tin

Bất cứ chương trình huấn luyện nào, bất cứ con đường lớn lên nào của giới trẻ, chắc chắn phải bao gồm việc đào luyện về giáo lý và luân lý.[71] Tuy nhiên, đừng vội nóng lòng truyền cho các em một lượng giáo lý khổng lồ, nhưng trên hết, phải cố gắng khơi dậy và làm cho bén rễ những kinh nghiệm quan trọng, là những kinh nghiệm nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu.[72] Tất cả sự huấn luyện đức tin Kitô giáo trước hết là việc đi sâu vào lời rao giảng tiên khởi và làm cho nó ngày càng đi sâu hơn và tốt hơn trong cuộc sống của chúng ta. Vì thế, mục vụ giới trẻ nên thường xuyên tạo ra các cơ hội để làm mới và đào sâu kinh nghiệm cá vị của mỗi người về tình yêu của Thiên Chúa và của Đức Giêsu Kitô đang sống.

3.6. Phương tiện truyền giáo mới

“Không cần phải cố gắng nhiều để làm cho những người trẻ trở thành các nhà truyền giáo. Ngay cả những người yếu kém nhất, bị giới hạn và nhiều thương tổn, cũng có thể là những nhà truyền giáo theo cách riêng của mình”.[73] Đối với giới trẻ, phải nhìn nhận rằng truyền thông kỹ thuật số, mạng xã hội giờ đây xem như một phần vĩnh viễn trong cuộc sống và bản sắc của họ. Dù dẫn đến những tác động tiêu cực không nhỏ trong đời sống của nhiều người, nhưng những phương tiện này mở ra các cơ hội rất lớn để giáo dục, đối thoại, gặp gỡ và trao đổi với nhau, cũng như để tiếp cận thông tin và tri thức.[74] Có không ít những giáo xứ, bạn trẻ đã vận dụng những kỹ thuật hiện đại này áp dụng cho hình thức truyền giáo mới. Bởi vậy “cần phải khuyến khích họ, đem Thiên Chúa, tình huynh đệ và sự nhiệt thành dấn thân tràn ngập vào các mạng ấy”.[75]

3.7. Phụng vụ mới mẻ

“Ngày càng có nhiều nhóm tập họp để tôn thờ Thánh Thể và cầu nguyện dựa trên Lời Chúa. Chúng ta không được xem thường khả năng của người trẻ trong việc cầu nguyện chiêm niệm… Trong nhiều bối cảnh, giới trẻ công giáo mong muốn có được một đường lối phụng vụ mới mẻ, đích thực và vui tươi, đem đến cho họ những giờ phút cầu nguyện và những buổi cử hành bí tích có thể lay động đời sống thường ngày”.[76]

3.8. Hoạt động bác ái

Nhiều người trẻ cảm thấy mệt mỏi với các chương trình giáo lý và thậm chí tâm linh của chúng ta, và đôi khi muốn có dịp được tham gia vào những hoạt động giúp ích tha nhân. Chúng ta có thể giúp họ, vì thường việc phục vụ này là bước đầu tiên để khám phá và tái khám phá đời sống Kitô hữu và Hội thánh.[77]

3.9. Nghệ thuật

Chúng ta không thể quên những diễn tả nghệ thuật, như kịch nghệ, hội họa, âm nhạc và các thể loại khác…nó như một loại văn hóa và ngôn ngữ có khả năng khơi dậy cảm xúc và xây dựng căn tính. Ngôn ngữ âm nhạc cũng là một lợi ích cho mục vụ, đặc biệt là cho phụng vụ và canh tân phụng vụ.[78]

3.10. Thể thao

 “Việc luyện tập thể thao nơi giới trẻ cũng có tầm quan trọng không kém. Giáo hội không được đánh giá thấp những tiềm năng của thể thao trong lĩnh vực đào tạo và giáo dục, và phải cương quyết luôn hiện diện trong môi trường này”.[79] Qua thể thao, người trẻ được mời gọi phát triển sức mạnh, vượt qua được sự lười biếng, nhàn rỗi, luyện tập được kỹ năng và kỷ luật riêng cho đời sống của mình.

3.11. Huấn luyện kỹ năng và sống huynh đệ

“Trong tinh thần của thánh Phanxicô Assidi, chúng ta có thể khởi xướng một lộ trình sống tình huynh đệ phổ quát và cầu nguyện chiêm niệm bằng cách tổ chức những ngày sống giữa thiên nhiên, cắm trại, đi bộ, thám hiểm và các chiến dịch cải thiện môi trường”.[80]

3.12. Lòng đạo đức bình dân

 “Những biểu hiện khác nhau của lòng đạo đức bình dân, nhất là những cuộc hành hương, hấp dẫn người trẻ, và là dấu hiệu cụ thể của niềm tin của họ vào Chúa. Những cách tìm Chúa như thế được thấy cách riêng nơi các bạn trẻ nghèo, cả nơi những người thuộc các thành phần khác của xã hội. Không được khinh thường những cách thức ấy nhưng hãy khuyến khích và thúc đẩy”.[81]

3.13. Đồng hành cùng người trẻ

Mục vụ giới trẻ và ơn gọi cần có sự đồng hành và điều này liên quan đến sự gần gũi, luôn hiện diện trong cuộc sống của người trẻ, giống như Chúa Giêsu đã làm cho hai môn đệ trên đường Emmau (x. Lc 24,15). Những người trẻ muốn có những người bạn đồng hành, cùng nhau tìm kiếm “giếng nước sự sống”, nơi họ có thể thỏa mãn cơn khát (x. Ga 4,6-15). Sự gần gũi là điều duy nhất có thể đảm bảo một mối quan hệ hiệu quả với những người trẻ.
Đừng coi thế giới tuổi trẻ là một đống thảm họa và khiếm khuyết, điều này làm tăng thêm khoảng cách lẫn nhau. Những người được kêu gọi làm cha mẹ, làm mục tử hay người hướng dẫn những người trẻ cần tìm ra được những nẻo đường tốt nhất ở nơi mà nhiều người chỉ thấy những bức tường, nhận ra tiềm năng ở nơi mà người khác chỉ thấy hiểm họa.[82] Vì vậy, Giáo hội cần phải học những cách thức mới để hiện diện và gần gũi. Điều quan trọng nhất là sự hiện diện của các tu sĩ giữa người trẻ như những người bạn lắng nghe, biết và khuyên bảo họ. Vì thế, có khả năng hình thành một cuộc “đồng hành” bao gồm sự đóng góp của các tín hữu giáo dân, đặc biệt là giới trẻ và phụ nữ, các nam nữ tu sĩ, các nhóm, các hiệp hội và các phong trào. Không ai có thể bị loại ra ngoài hoặc được phép tự ý đứng sang một bên.[83]

3.14. Huấn luyện các mục tử

Đối mặt với tình thế của người trẻ, các mục tử đôi khi cảm thấy bất lực. Thật vậy, các ngài không có câu trả lời thỏa đáng cho các tra vấn của họ, cũng không có một chiến lược mục vụ và truyền giáo thích ứng với nền văn hóa toàn cầu hóa, duy thế tục và kỹ thuật số. Do đó, cần phải chuẩn bị cho các mục tử, những người sống đời sống thánh hiến, và cho cả giáo dân có khả năng tiếp nhận các thách đố mục vụ, truyền giáo và tâm linh liên quan đến nền văn hóa toàn cầu hóa, duy thế tục và kỹ thuật số. Về những vấn đề này, điều xem ra khẩn cấp và cần thiết đối với chúng ta là suy nghĩ lại nội dung việc đào tạo trong các chủng viện và tập viện, đề xuất một phong thái sống mới cho các linh mục và một hình thức mới để thực thi thừa tác vụ của mình[84].

3.15. Ra đi, tìm kiếm chứ không đợi chờ

Cần phải gặp gỡ những người trẻ, không chỉ những người gần gũi với chúng ta, mà còn những người ở xa (x. Ep 2,17). Đừng tự giới hạn mình vào việc ngồi chờ người trẻ đến với mình, thách thức thực sự là trở thành một Giáo hội “đi ra”, ra khỏi khuôn mẫu đúc sẵn, vươn tay ra với người trẻ, dù họ ở đâu, để hỗ trợ họ. Nhiều bạn trẻ dường như có rất nhiều tình bạn ảo, nhưng rất ít bạn bè thực. Họ mắc chứng “cô độc trong dư thừa”, mà Giáo hội có thể đưa ra một giải đáp thực sự.[85]

Tìm kiếm họ bằng thứ ngôn ngữ gần gũi, ngôn ngữ của tình yêu vô vị lợi, chạm đến con tim, vươn đến cuộc sống, đánh thức hy vọng và ước vọng, không phải theo cách thuyết pháp để cải đạo.[86] Ngôn ngữ mà những người trẻ hiểu được là ngôn ngữ của những người hiến thân. Cũng đừng quên rằng, đối với người trẻ, chúng ta cần phải kiên trì, gieo và kiên nhẫn chờ đợi hạt giống nảy sinh, và một ngày nào đó, khi Chúa muốn, nó sẽ phát thành. Công việc của chúng ta là gieo hạt, chính Thiên Chúa sẽ khiến nó mọc lên (x.1Cor 3,6).

4. Chúa Kitô đang sống, Đấng biến đổi mọi sự

Chúa kêu gọi chúng ta thắp lên những ánh sao trong đêm tối cho những người trẻ. Ngài mời chúng ta nhìn lên những vì sao đích thực, đó là những dấu chỉ đủ loại mà Ngài ban tặng để chúng ta không chỉ đứng nhìn, nhưng bắt chước người gieo hạt.[87] Thế nhưng tất cả sẽ trở nên trống rỗng nếu chúng ta quá bận tâm về các dự án, chương trình mục vụ thuần túy mà không biết để cho “Chúa Kitô đang sống” đụng chạm vào. Bởi “tất cả những gì Người chạm đến đều trở nên mới mẻ, tươi trẻ và đầy tràn sức sống.[88] Chính Đấng Phục sinh luôn luôn hiện diện, luôn ở đó để ban lại cho chúng ta sức sống và hy vọng, dẫn đưa chúng ta đến cùng đích của những gì chúng ta đang mơ ước. Chắc chắn Ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi Giáo hội của Ngài.“Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con của mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,15).

5. Một vài đề nghị

Trong số những đề nghị trên có hai điểm mới, thiết nghĩ sẽ đem đến hiệu quả cao trong mục vụ giới trẻ hiện nay, với mục đích kết nối tình huynh đệ giữa các bạn trẻ với nhau và giúp họ biết vận dụng tất cả những gì đang có trong tầm tay để rao giảng Tin mừng.

5.1. Chăm sóc mục vụ bằng thể thao

Đây là một trong những điều mới được Tông huấn Christus Vivit nhắc đến. Trên thế giới, bóng đá là một trong những môn thể thao có thể lôi kéo hàng chục nghìn người đến với nhau. Đó là một thứ văn hóa lành mạnh và là ngôn ngữ giao tiếp rất bình dân dành cho mọi tầng lớp xã hội. Các môn thể thao có thể lôi kéo được các bạn trẻ trong các giáo xứ đến với nhau, hiệp nhất với nhau trong tình huynh đệ. Chúng ta có thể cho rằng đó là một hoạt động duy thế tục, nhưng nếu nhìn tích cực hơn có thể đó là một phương tiện Chúa muốn chúng ta dùng trong thời đại này. Bởi vậy, nên có những buổi giao đấu bóng đá, bóng chuyền hoặc những môn thể thao khác cho các bạn trẻ trong giáo xứ. Đây có thể sẽ là một khởi đầu tốt để quy tụ và liên đới các bạn trẻ với nhau.

5.2. Chăm sóc mục vụ bằng phương tiện truyền thông

Mạng xã hội, điện thoại di động đang là một thứ văn hóa của thời đại hôm nay. Nó xâm nhập vào trong tất cả mọi ngõ ngách của cuộc sống, và sức mạnh vô hình của nó có thể thay đổi cả tâm sinh lý của con người. Có khi nó len lỏi vào cả bàn tiệc Thánh Thể, đến nỗi Đức Giáo hoàng Phanxicô đã phàn nàn về việc người ta không chú tâm đến Lời Chúa, đến Thánh Thể mà chỉ biết nâng điện thoại thay vì “nâng tâm hồn lên”. Trong khi nhắc nhở các tín hữu, đặc biệt các bạn trẻ cẩn thận hơn khi dùng các phương tiện truyền thông, ngài khích lệ họ biết vận dụng nó để học hỏi, dùng điện thoại để đọc Kinh thánh, để kết nối với Chúa, làm vinh danh Chúa trong mọi hoàn cảnh.

Tận dụng thế mạnh của điện thoại smartphone và mạng xã hội, mỗi giáo xứ nên có một fanpage (facebook). Hình thức này có sức kết nối và lan tỏa với tốc độ không ngờ. Vì thế, nó hoàn toàn thích hợp với các giáo xứ trong nhiều lĩnh vực mục vụ như: phụng vụ, giáo lý, truyền giáo, di dân, thông tin liên lạc…
Chúng ta có thể dùng phương tiện hoàn toàn miễn phí này để dạy giáo lý, không những cho con em của mình trong giáo xứ mà còn cho nhiều người không thuộc ràn chiên này hoặc những người chưa biết Chúa. Đây cũng là một cách thức để truyền giáo hiệu quả và là phương tiện để chống lại những “fake news” đang tràn lan trên đó.

Chúng ta có thể dùng nó để cập nhật những thông tin sinh hoạt của giáo xứ như giờ lễ, những sự kiện vui buồn trong giáo xứ, các cử hành phụng vụ bí tích, chia sẻ Lời Chúa…

Chúng ta có thể dùng nó như một phương tiện kết nối tất cả các bạn trẻ trong giáo xứ, ở xa cũng như gần, các nhóm trẻ di dân muốn biết thêm thông tin hoặc muốn giữ liên lạc với giáo xứ của mình.

Chúng ta có thể tổ chức việc mục vụ giáo xứ cách hiệu quả trên một không gian hoàn toàn ảo nhưng có thực.
 
[1] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Christus Vivit, số 2
[2] CĐ VATICAN II, Gaudium et Spes, số 4
[3] Sđd, số 5
[4] Sđd, số 6
[5] x. Sđd, số 7
[6] Sđd, số 4
[7] GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI, Caritas in Veritate, số 5
[8] Sđd, số 21
[9] x. Sđd, số 27
[10] x. Sđd, số 21
[11] Sđd, số 28
[12] http://nghiencuuquocte.org/2016/07/09/toan-cau-hoa-globalization/
[13] GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI, Caritas in Veritate, số 29
[14] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Evangelii Gaudium, số 52
[15] x. Sđd, số 54
[16] x. Sđd, số 62
[17] x. Sđd, số 62
[18] x. Sđd, số 63
[19] x. Sđd, số 64
[20] x. Sđd, số 66
[21] x. Sđd, số 67
[22] Sđd, số 72
[23] Sđd, số 73
[24] Sđd, số 75
[25] Sđd, số 74
[26] x. Tài liệu kết thúc THĐ về Giới trẻ.
[27] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Christus Vivit, số 185
[28] Sđd, số 79
[29] x. Sđd, số 79
[30] Sđd, số 80
[31] Sđd, số 82
[32] Tài liệu kết thúc THĐ về Giới trẻ; x. Christus Vivit, số 83
[33] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Christus Vivit, số 91 và 93
[34] Sđd, số 98
[35] x. Sđd, số 95 và 98
[36] Sđd, số 40
[37] x. Sđd, số 185
[38] x. Sđd, số 84
[39] Sđd, số 49
[40] Sđd, số 107-108
[41] Sđd, số 15
[42] Sđd, số 41
[43] Sđd, số 205
[44] x. Sđd, số 174
[45] x. Sđd, số 178
[46]http://w2.vatican.va/content/francesco/it/speeches/2019/june/documents/papa-francesco_20190622_giovani.html
[47] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Christus vivit, số 37
[48] Tài liệu kết thúc THĐ dành cho Giới trẻ, số 54
[49] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Christus Vivit, số 171
[50] Sđd, số 172
[51] x. Bài Khai mạc Thượng hội đồng về Giới trẻ Thế giới 2018 (http://vietcatholic.com/News/Home/Article/246924)
[52] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Evangelii Gaudium, số 26
[53] Sđd, số 2
[54] Sđd, số 95
[55] Sđd, số 25
[56] Sđd, số 54; x. Christus Vivit, số 75
[57] Sđd, số 81
[58] Sđd, số 105
[59] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Christus Vivit, số 40
[60] https://www.avvenire.it/opinioni/pagine/sinodo-i-giovani-interrogano-la-vita-la-chiesa-cerca-le-risposte
[61] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Evangelii Gaudium, số 172
[62] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Christus Vivit, số 65
[63] Sđd, số 216
[64] Sđd, số 218
[65] Sđd, số 247
[66] Sđd, số 235
[67] Sđd, số 230
[68] Sđd, số 233
[69] Sđd, số 230
[70] Sđd, số 217
[71] Sđd, số 213
[72] Sđd, số 212
[73] Sđd, số 239
[74] Sđd, số 87
[75] Sđd, số 241
[76] Sđd, số 224
[77] Sđd, số 225
[78] Sđd, số 226
[79] Sđd, số 227
[80] Sđd, số 228
[81] Sđd, số 238
[82] Sđd, số 67
[83] Sđd, số 243
[84] Sđd, số 244
[85] Diễn đàn THĐ về Giới trẻ, ngày thứ ba, chủ đề: Nói với người trẻ chứ không nói về họ. (http://vietcatholic.com/News/Home/Article/246977)
[86] Ở đây ĐTC dùng từ “proselitismo” có nghĩa là thuyết phục người khác trở lại đạo bằng bất cứ chiến thuật nào, kể cả dùng tiền để dụ dỗ.
[87] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Christus Vivit, số 33
[88] Sđd, số 1

Tác giả: Lm. Giuse Võ Tá Hoàng

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây