
Trong những ngày gần đây dư luận xôn xao khi nghe tin chính quyền sẽ sáp nhập tỉnh Bình Định với tỉnh Gia Lai thành một tỉnh với tên gọi là Gia Lai. Nhiều người lấy làm tiếc vì mất tên gọi Bình Định. Thực ra, tên gọi Bình Định mang một ý nghĩa không tốt. Chúng ta hãy thử xem lại lịch sử tên gọi của tỉnh Bình Định qua các thời kỳ để thấy rõ điều này.
Tỉnh Bình Định ngày nay vốn là một vùng đất của vương quốc Champa, có tên gọi là Vijaya, người Việt gọi là Đồ Bàn hay Trà Bàn. Đồ Bàn cũng là thủ đô của vương quốc Champa thời ấy. Năm 1471, sau khi đánh bại Trà Toàn, vua Champa, và chiếm được Đồ Bàn, vua Lê Thánh Tôn đặt tên cho vùng đất này là phủ Hoài Nhơn.
Năm 1602, chúa Nguyễn Hoàng đổi tên phủ Hoài Nhơn thành phủ Qui Nhơn. Tên gọi Qui Nhơn bắt nguồn từ đó. Lúc bấy giờ chưa có chữ Quốc ngữ nên không có vấn đề y hay i. Địa danh Qui Nhơn do câu nói của Mạnh Tử trong Tứ Thư: “Dân chi qui nhân dã, do thủy chi tựu hạ”. Tạm dịch là: Dân theo về bậc nhân, giống như nước chảy tới chỗ thấp. Khi chọn tên gọi Qui Nhơn, Nguyễn Hoàng đã có ý dùng nhân đức để cai trị nhằm thu phục dân chúng tại vùng đất mới trong quá trình Nam tiến này.
Tuy nhiên, chính tại vùng đất Qui Nhơn này phong trào Tây Sơn đã nổi dậy chống lại các chúa Nguyễn. Tên gọi Qui Nhơn gắn liền với nhà Tây Sơn từ đó. Khi nhắc đến phủ Qui Nhơn, người ta nghĩ ngay đến nhà Tây Sơn. Chúa Nguyễn Ánh rất căm giận nhà Tây Sơn và quyết tiêu diệt tận gốc.
Do đó, sau khi chiến thắng nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh liền thực hiện kế hoạch trả thù nhà Tây Sơn, cả những người còn sống và những người đã chết. Đồng thời ông cũng muốn trả thù phần đất đã sản sinh ra phong trào Tây Sơn. Vì vậy thành Hoàng đế của Nguyễn Nhạc bị đổi tên thành thành Bình Định, phủ Qui Nhơn bị đổi tên thành Bình Định trấn, sau này là tỉnh Bình Định.
Hai chữ Bình Định được ông sử dụng như một phương thế trấn yểm vì tên gọi ấy mang một ý nghĩa xấu, có nghĩa là một vùng đất đã được “bình định” rồi, nói theo kiểu quân sự, tức là vùng đất đã được dẹp yên, không thể nổi dậy và không thể ngóc đầu lên được nữa. Điều này cũng giống như tên gọi An Nam mà Trung Hoa đặt cho nước ta sau khi chiến thắng nước ta: An Nam có nghĩa là một vùng đất phương Nam đã được “an định” hay “dẹp yên” rồi.
Có lẽ vì mang tên gọi Bình Định mà tỉnh này từ đó luôn luôn bị ngập tràn trong khói lửa chiến tranh, thiên tai bão lũ, không thể vươn mình lên được, trong khi được thiên nhiên ưu đãi rất nhiều: hải sản, lâm sản, khoáng sản, vừa dựa lưng vào rừng núi bạt ngàn, vừa quay mặt ra đại dương mênh mông. Giờ đây nếu chính quyền bỏ tên gọi đó thì không có gì phải tiếc nuối. Nếu chính quyền lấy lại tên Qui Nhơn mà đặt tên cho tỉnh nhà thì thật là tuyệt vời. Mong thay! Mong thay!