Trang mới   https://gpquinhon.org

Cơ sở Chủng viện Làng Sông năm 2008 (phần I)

Đăng lúc: Thứ ba - 23/07/2013 18:21
CƠ SỞ CHỦNG VIỆN LÀNG SÔNG NĂM 2008*



 
 

 

Bài viết của
Cha giáo Phêrô Nguyễn quang Báu
 
 
* Bài này Cha Phêrô viết cho Ô. Huỳnh Kim Chương, Chủ tịch hội CCS/LS/QN Hải Ngoại, đã đăng trên website CCS/LS/QN với tựa đề “Giao lưu về Chủng viện Làng Sông”. Các tựa đề nhỏ trong bài là do ông Huỳnh Kim Chương thêm vào.

Vào những năm 1940, các chủng sinh thuộc giáo phận Qui Nhơn, từ Phan Rang, Ninh Thuận đến Đà Nẵng, Quảng Nam, mỗi khi tựu trường thường đi tàu lửa, có thể gặp nhau nơi ga Tuy Phước nằm trên địa bàn Chợ Dinh, rồi mướn xe kéo - xe ngồi được từng 2 người do một phu xe kéo chạy bộ - đến cầu số 8, qua cầu đò Bến Gỗ để tới chủng viện Làng Sông. Ngày nay có về lại Làng Sông, bạn nên đi đường khác. Cầu đò Bến Gỗ gặp lúc thủy triều lên, đường phía hai đầu cầu ngập nước và đá lồi lõm khó đi. Tốt nhất, bạn nên đi theo đường từ huyện Tuy Phước đến xã Phước Thuận, rồi theo đường bê-tông chạy vào hướng Nam đến thôn Phổ Trạch.

 

Hàng cây sao cao vút…

Từ nhà thờ Phổ Trạch theo con đường đất có ruộng lúa hai bên, nhìn về hướng đông, thấy dãy lầu chủng viện nằm sau những tàng cây sao. Từ cổng ngõ nhìn vào nhà nguyện và hai dãy lầu là hai hàng cây sao cổ thụ gần 100 năm tuổi, mỗi hàng 7 cây. Tất cả 42 cây sao lớn nhỏ đang giơ cao những bàn tay xinh xắn vẫy chào và giang rộng ngàn vạn cánh tay thân yêu ôm tất cả anh em cựu chủng sinh vào lòng. Đó là chưa kể hồi 1984, trận bão số 9 ngày 7-11 đã làm trốc gốc gãy đổ hết 9 cây sao lớn ở hai hàng cây sao song song với bờ tường phía trước chủng viện. Năm 1998 hai trận bão tiếp nhau trong một tuần đã làm trốc ngã hai cây sao nhỏ. Một cây đập gãy góc mái cổng ngõ, nay còn lưu dấu như kiểu xây lập thể không cân đối. Năm 1985 có thêm một số cây sao tự mọc tương đối thẳng hàng và nhỏ hơn nhiều so với những cây sao nhiều tuổi.

Cứ từng hai năm cây sao trổ bông kết trái. Từ tháng hai dương lịch, cây sao trổ bông. Suốt tháng ba, bông sao nở, nắp bông sao rụng xuống khô như cám cát màu vàng sậm, sau đổi thành chất thải màu đen. Tháng tư, bông sao bắt đầu kết trái màu xanh với hai cánh cũng màu xanh. Tháng năm, trái khô già như trái bìm bìm màu nâu. Từ trên cao, gió làm trái sao rơi rụng hai cánh quay tròn giống như chuồn chuồn bay lượn trông rất đẹp. Giữa tháng năm là thời cao điểm trái sao rơi rụng. Năm nay 2008 là năm được mùa trái sao. Có tên gọi cây sao, phải chăng vì trái sao nhiều như sao trên trời hoặc vì trái sao rơi rụng quay đẹp như sao trời?

Cây sao xanh lá quanh năm, không kể lá già tới thời rơi rụng. Thế nhưng thỉnh thoảng cũng có năm như năm 2006, hai cây sao ở hai bên sân lầu phía Đông vào mùa đông lá rụng trơ cành như sắp chết. Nhưng đến mùa xuân, hai cây sao nầy đâm cành nảy lộc ra lá xanh tươi. Lá sao già rụng xuống, một thời đã được làm chất đun nấu cho các gia đình lương giáo ở gần chủng viện. Nay vì có nhiều phương tiện làm chất đốt: bếp gaz, rẻo gỗ doanh nghiệp, không còn ai quét nhặt lá sao để đun nấu nữa, nên hằng ngày phải mướn công quét dọn lá sao rơi rụng. Những khi có gió to làm nhánh sao khô rơi xuống, vẫn có người chạy đến đúng lúc tranh nhau nhặt củi. Những đêm có gió to, mới ba giờ sáng đã có người trèo bờ tường, vào vườn chủng viện rọi đèn pin tranh nhau nhặt củi sao.

 

Giếng nước ngày xưa

Giếng phía hông trái nhà nguyện nước vẫn trong và ngọt. Vào những năm 1950 về trước, nước giếng này được máy bơm quay bằng tay đưa lên hồ lớn và dài, xây ở trần đúc trên hành lang trước nhà nguyện. Nước hồ lớn này chảy theo những ống bằng gang dẫn đến những nơi cần dùng trong hai dãy lầu và được đưa xuống hai hồ lớn nơi hai dãy nhà tắm dưới đất để các chú lớn chú nhỏ có nước tắm giặt. Thời gian sau, không rõ lúc nào, mới đào xây hai giếng trước hai nhà tắm để lấy nước tắm giặt. Hai giếng này nay không còn. Nay giếng bên hông trái nhà nguyện được máy bơm điện đưa nước lên hồ nhỏ xây trong hồ lớn đậy kín, chứa được 5 khối nước, dùng để tắm giặt vệ sinh và tưới vườn tược cây cảnh. Nước uống được lấy ở giếng gần nhà bếp.

Trước đây trong khuôn viên chủng viện có mười cái giếng xây toàn bằng đá ong. Tất cả đều cho nước ngọt. Nay chỉ giữ lại năm giếng được xây sửa sân giếng sạch sẽ: Hai giếng dùng để ăn uống, ba giếng dùng để tắm giặt. Khi chưa có điện tải về miền quê, đa số các gia đình lương giáo ở gần thường vào lấy nước uống và tắm giặt ở các giếng chủng viện. Từ khi có điện, hầu như tất cả các gia đình đều đóng giếng khoan tại nhà, dùng mô tơ điện lấy nước tắm giặt. Nước các giếng khoan này rất nhiễm phèn, nên nước uống vẫn phải dùng nước giếng của chủng viện hoặc đổi mua nước khe: Chủ thuyền máy chở nước bên núi cát về đổi bán cho các gia đình.

Hồ chứa nước mưa vẫn còn, đã xuống cấp nặng, không còn máng ống đưa nước vào hồ. Mùa mưa một ít nước mưa vào hồ qua mấy cửa nhỏ thông hơi mé trên hồ: nước nầy chỉ có thể dùng tưới rau

 

Dãy nhà phụ… đến tường rào

Nhà bếp có bị các trận bão làm hư hỏng, nay đã được sửa lại vẫn dùng làm chỗ nấu ăn. Dãy nhà phía sau để các dì phước ở lo việc ăn uống cho chủng viện. Thời các chủng sinh lên đến trên 200 chú dãy nhà tiếp theo đã được xây để làm phòng cơm, nay đã xuống cấp. Đức Cha đang cho sửa lại. Tháng Sáu 2009, dãy nhà này sửa xong, trông sáng sủa.

Năm 1975 Bà Nhất Giảng đã vào ở tại Tuy Hòa. Ít lâu sau, bà đã qua đời và được an táng tại nghĩa trang giáo xứ Tuy Hòa. Phòng của bà nhất Giảng tại Làng Sông kề bên lẫm lúa, nằm xế phía sau và mé dưới nhà nguyện. Phòng ở và lẫm lúa nay không còn. Trước nhà lẫm lúa là một sân rất rộng lát gạch thẻ đất nung để làm sân phơi lúa. Lúc sân không còn sử dụng, toàn bộ số gạch đã biến sạch. Nền móng nhà bà nhất Giảng và lẫm lúa được xây bằng rất nhiều đá núi đủ cỡ. Sau năm 1990, khi phải xây lại bờ tường, số đá núi nền móng này đã được đào lên sử dụng, cùng với số đá ong xây ở nền móng chuồng heo. Cả hai số đá gộp lại rất nhiều, đủ để tận dụng xây móng bờ tường phía Đông, phía Bắc và phía Tây, tổng cộng đến 1620 mét. Bờ tường cao 1,80 mét. Quãng bờ tường nầy trước đây là rào cây sống. Bờ tường phía trước chủng viện (phía Đông-Nam) đo được 227 mét, đã xây từ lâu đời bằng đá núi đủ cỡ không tô. Phần lan can trên bờ tường này và cổng ngõ đã được cha FX Nguyễn Xuân Văn lúc làm quản lý chủng viện thiết kế và chỉnh trang cho đẹp. Hai cánh cửa cổng ngõ mới được làm và lắp vào sau. Tất cả bờ tường bao quanh chủng viện đo được 1847 mét. Diện tích vườn chủng viện là 2 ha 4. Lưu ý: Bờ tường mặt sau (phía Bắc) chủng viện không xây thẳng mà xây theo tất cả độ cong queo của đất. Gặp chỗ đất lún phải đóng 400 gốc tre già để giữ vững đất chân nền tường.

(còn nữa)
Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Nguyễn Quang Báu
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 14
  • Khách viếng thăm: 13
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 2244
  • Tháng hiện tại: 132366
  • Tổng lượt truy cập: 12276626