Trang mới   https://gpquinhon.org

Linh mục Joseph Victor Clause Hồng (1901-1971) - Phần II

Đăng lúc: Thứ ba - 25/06/2013 03:23
LINH MỤC
JOSEPH VICTOR CLAUSE HỒNG
(1901-1971)



Giám đốc và Giáo sư Chủng viện Làng Sông
1937 – 1945 (trừ 1940 – 1941)


(Tiếp theo và hết)

6
. Cha luôn tập chủng sinh giữ đức khiêm nhường.

Kỳ thi Cao đẳng Tiểu học (Primaire) niên khóa 1943-1944. Cả lớp Tư (= thí sinh chính thức), 2 chủng sinh lớp Năm (= thí sinh tuyển chọn) và các chủng sinh thi rớt các năm trước: Tất cả đều thi đậu. Sau khi chào Cha Giám đốc và cho biết tất cả đều thi đậu. Cha Giám đốc Joseph Clause Hồng cho 1 trái banh, 1 ống bơm và 5 đồng bạc Đông Dương như đã hứa. Cha mỉm cười và bảo về phòng học chung, tiếp tục học. Cha Giám đốc sợ kéo dài thời gian sẽ làm trỗi dậy tính kiêu căng nơi các chủng sinh vừa thi đậu.
 
7. Cha luôn nâng cao trình độ học vấn nơi Chủng viện.

Cha Giám đốc Joseph Clause Hồng luôn muốn nâng cao trình độ học vấn  cho các chủng sinh. Bắt đầu niên khóa 1944-1945, một số chủng sinh có khả năng được học thêm vào lúc 20 giờ đến 22 giờ về Đại số, Hình học, Anh văn, Hy Lạp để chuẩn bị thi các bằng cấp cao hơn. Nhưng sau ngày Nhật đảo chính 09-03-1945, tất cả những môn học thêm vừa bắt đầu đều chấm dứt.

8. Cha luôn khơi dậy trí hiểu biết nơi các chủng sinh.

Cha Giám đốc Joseph Clause Hồng luôn khơi dậy trí hiểu cho các chủng sinh biết phán đoán, suy nghĩ để mưu ích cho công việc mục vụ mai ngày. Nên trong những môn thi vừa có phần hiểu biết, vừa có phần thuộc lòng. Nếu có 2 chủng sinh có số điểm ngang bằng nhau; chủng sinh hiểu biết được xếp hạng cao hơn chủng sinh chỉ thuộc lòng.

9.   Cha rất khiêm nhường, biết nhận khuyết điểm, và mau mắn sửa sai.

Năm 1946, hai cây cầu sắt trên đường thôn nằm phía Bắc Nhà thờ Phổ Trạch bị phá sập. Mùa mưa lụt, các chủng sinh đi dạo đến núi Kỳ Sơn, qua hai chỗ nước nơi cầu sập, phải qua đò. Một lần đi dạo đến núi Kỳ Sơn vào chiều thứ Tư, các chủng sinh lớp lớn hơn đi chuyến đò sau. Đò lắc lư bị nghiêng: đò chìm. Các chủng sinh chỉ bị ướt, vì gặp chỗ nước không sâu lắm. Thầy giám thị bảo không ai được tắm. Một số chủng sinh lớp lớn đã bị ướt thấy chỗ xa hơn: nước sâu, đã bơi tắm thỏa thích. Một chủng sinh bị đuối nước, chìm. Rất may, được cứu kịp. Thầy giám thị trình Cha Giám đốc việc chìm đò, số các chủng sinh không vâng lời đã tắm và một chủng sinh bị đuối nước được cứu kịp.

Cha Giám đốc Joseph Clause Hồng ra lệnh qua thầy giám thị: Chú Cậy chủ trương việc tắm: quì nơi hè trước cửa phòng cha Giám đốc. Các chú đã tắm đều đã quì nhà chơi. Chú Cậy vào đứng khoanh tay trước cửa phòng cha Giám đốc đợi lệnh. Vì thầy giám thị bảo chú Cậy vào Cha Giám đốc gọi. Giám đốc nghĩ rằng chú Cậy cưỡng lệnh, không chịu quì.

Nhằm chiều Chúa nhật, đợi các chủng sinh ra khỏi cổng Chủng viện đi dạo hướng bờ cá Câu Gioan. Cha Giám đốc Joseph Clause Hồng tuyên bố cho chú Cậy xuất tu. Cha dẫn chú Cậy thu dọn đồ dùng cá nhân, đưa chú Cậy ra khỏi cổng ngõ Chủng viện.

Vì đã xế chiều, chú Cậy đến ở nhà bà con chỗ mé Bắc bờ sông nhìn thẳng vào cổng Nhà Thương (thời ấy thường gọi Nhà Hưu dưỡng các Linh mục là Nhà Thương, có người cũng gọi là cổng nhà Đức Cha, cổng Tòa giám mục). Chú Cậy viết báo tin cho các chủng sinh đồng lớp biết: chú bị cho xuất tu, vì Cha Giám đốc nghĩ là chú chống cưỡng lệnh nên đã không chịu quì. Biết tin chú Cậy xuất tu. Tất cả chủng sinh khối chú lớn rất buồn. Trên đường về Chủng viện, không nghe tiếng nói cười râm ran như mọi lần đi dạo. Ở nhà cơm được nói chuyện: không nghe các chủng sinh khối chú lớn nói. Mà chỉ nghe các Cha giáo và Cha Giám đốc nói.

Sau giờ cơm tối, một chú giúp xách đèn đi trước, Cha Giám đốc Joseph Clause Hồng theo sau xắn quần lội nước mấy trổ bờ ruộng. Tới nhà, Cha Giám đốc chào hỏi người bà con, và xin dẫn chú Cậy về Chủng viện. Tất cả chủng sinh đều nằm trên giường. Phòng ngủ chỉ có ánh sáng lờ mờ của đèn ngủ. Biết chú Cậy được Cha Giám đốc dẫn về phòng ngủ. Tất cả các chủng sinh vỗ tay vui mừng trong im lặng. Cha Giám đốc lặng thinh về phòng. Thầy giám thị không nói gì. Từ tối hôm đó và những ngày tiếp theo, cảnh sống nơi Chủng viện diễn tiến như mọi ngày.

Chú Cậy đã không lên Đại Chủng viện, đã về sống với cha mẹ tại Giáo xứ Gò Thị, và đã chết khi còn độc thân.

10. Cha luôn nêu gương siêng năng học hỏi.

Cha Giám đốc Joseph Clause Hồng luôn đọc sách để học hỏi thêm, luôn soạn bài dạy học, soạn bài huấn đức.

Buổi sáng, buổi chiều, lúc mặt trời không chiếu nắng, Cha thường ngồi ngoài hè với quyển sách, quyển vở, cây viết, ngồi tựa tay trên bệ câu lơn để đọc sách, soạn bài.

Lần tôi ghé lại Giáo xứ Bình Cang (Giáo phận Nha Trang) thăm Linh mục Chánh xứ Luy Lê Văn Sinh cùng lớp Thần học tại Đại Chủng viện Sài Gòn. Lúc bấy giờ Cha Joseph Clause Hồng đang làm Linh hướng cho Hội Dòng Đức Mẹ Khiết Tâm Bình Cang. Cha ở căn phòng phía Tây của Nhà xứ Bình Cang. Con người và cách sống của Cha vẫn như thời làm Giám đốc Chủng viện Làng Sông. Buổi chiều Cha ngồi ngoài hè với quyển sách, quyển vở, cây viết, tựa tay trên bệ câu lơn luôn ghi chép soạn bài huấn đức phục vụ cho Hội Dòng.

11. Cha thực thi đức bác ái.

Từ năm 1946 đến 1953, Cha Joseph Clause Hồng làm Giám đốc Chủng viện thánh Giuse Dinh Thủy. Thời gian nầy, Cha tình nguyện làm tuyên úy Lao xá Phan Rang, tận tình giúp đỡ tù nhân Việt Minh. Cha đưa thư và quà của gia đình gởi cho tù nhân và đưa thư tù nhân gởi về gia đình. Ngày ngày Cha đạp chiếc xe cũ kỹ, không ngại gió mưa, đường lầy lội xa xôi hiểm trở. Cha đem thuốc men biếu tù nhân đau bệnh, đem quần áo dơ của tù nhân về giặt sạch phơi khô, đem lại cho tù nhân.

Một đêm năm 1952, Việt Minh có võ trang đột nhập vào Dinh Thủy bắt Cha Joseph Clause Hồng và vài giáo dân đưa lên núi. 3 hôm sau, Cha được thả về an lành. Không bao giờ Cha tiết lộ cho ai về việc Cha bị bắt và được đối xử như thế nào.

12. Cha yêu thương cho đến chết.
 
Lúc làm Linh hướng cho Hội Dòng Đức Mẹ Khiết Tâm Bình Cang, Cha Joseph Clause Hồng còn làm mục vụ tại Giáo họ Đồng Dài.

Một lần sau khi dâng Thánh lễ, Cha vẫn đạp chiếc xe cũ kỹ từ Giáo họ Đồng Dài về gần đến khúc rẽ vào Nhà thờ Giáo xứ Bình Cang, chiếc xe quân đội va đụng xe đạp làm Cha té ngã bị thương. Cha hối tài xế lái xe chạy tránh mau để khỏi bị bắt. Cha được bác sĩ cấp cứu chăm sóc, đưa vào bệnh viện Grall Sài Gòn. Cha đã được Chúa gọi về ngày 18-01-1971.

Hôm Thánh lễ An táng Cha, trời vẫn còn mưa lụt. Một số linh mục Giáo phận Qui Nhơn, môn sinh của Cha Joseph Clause Hồng đã kịp thời có mặt tại Bình Cang cùng đồng tế Thánh lễ An táng và tiễn đưa thi hài Cha đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Cha Joseph Victor Clause Hồng đã hết lòng yêu thương mọi người, nhất là các tù nhân đau yếu, đặc biệt yêu thương dạy dỗ các chủng sinh. Cúi xin Chúa đoái thương cho Linh hồn Cha được mau hưởng Thánh Nhan

Chủng viện Làng Sông, 01-05-2013


 
Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Nguyễn Quang Báu
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 26
  • Khách viếng thăm: 21
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 4339
  • Tháng hiện tại: 137565
  • Tổng lượt truy cập: 12281825