Trang mới   https://gpquinhon.org

Các bài văn đạt giải Lm. Đặng Đức Tuấn 2013 (II)

Đăng lúc: Thứ sáu - 16/08/2013 19:08
+ Giải nhì Văn ( nhi đồng )
 
ĐỨA TRẺ MÙ
Matta Võ Huỳnh Tú Anh ( Gx. Phú Hòa )
 
  • Chi Tú Anh ơi! Bật giùm em cái ti vi với…
  • Ừ, để chị bật cho.
Nhìn cảnh Tâm mon men đến bên giường để nghe tin tức trên ti vi mà tôi thấy chạnh lòng quá. Thật ra trước kia Tâm không bị như vậy. Tâm là em họ của tôi. Cả tôi và Tâm được sinh ra trong một gia đình có đạo và là đạo gốc! Ông cố, ông nội và cả ba Tâm đều là những người con rất siêng năng và sốt sắng phụng sự Chúa. Gia đình Tâm sống vui vẻ hạnh phúc. Nhưng không may năm Tâm lên bốn tuổi, Tâm và mẹ bị tai nạn giao thông. Mẹ Tâm thì ra đi vĩnh viễn, còn Tâm thì bị chấn thương đầu ảnh hưởng đến não trước, dẫn đến bị mù đôi mắt. Nhưng gia cảnh chú tôi không khá giả lắm, nên việc chữa chạy đôi mắt cho Tâm rất khó. Và cũng kể từ đó ba Tâm trở thành một người khác hẳn, ông không còn là một người chồng mẫu mực, một người cha hết lòng yêu thương con cái. Không còn là một người con của Chúa nữa, chú không thường xuyên đọc kinh, cầu nguyện cũng như đến nhà thờ, thậm chí không còn nhắc nhở và quan tâm đến việc học giáo lý của Tâm nữa. Chú cảm thấy bi quan và chán ngán cuộc sống. Vợ mất, con mù, chú sa lầy vào con đường nhậu nhẹt, và càng làm cho cuộc sống của Tâm ngày một thiếu thốn tình thương lẫn vật chất.
Có lần Tâm vô tình đụng phải mắt kính cận của tôi. Tâm hỏi:
  • Chị ơi cái này là gì vậy?
  • À, mắt kính cận của chị đấy. Chị bị cận thị, mở kính ra không thấy đường nên phải đeo kính –  Tôi trả lời.
  • Vậy nếu không đeo vào thì không thấy hả chị?
Tôi không để ý đến câu hỏi của Tâm lắm nên chỉ trả lời “ Ừ” qua loa. Nhưng không ngờ câu trả lời qua loa đó lại ảnh hưởng đến Tâm nhiều như vậy. Tối hôm đó tôi qua nhà Tâm chơi, vừa đến ngõ tôi đã nghe Tâm khóc nức nở.
  • Ba ơi ba, ba mua cho con một cái kính cận nghe ba. Chị Tú Anh bị cận cũng không thấy đường mà khi đeo vào thì thấy kìa ba… Vậy là con không bị mù phải không ba, con chỉ cận thôi. Ba mua cho con một cái kính cận đi, con muốn được nhìn thấy ba, thấy chị Tú Anh, ông bà nội và mọi người trong nhà… Hu… hu… hu…
Những lời Tâm nói làm chú tôi đau nhói ở tim, chú ôm Tâm vào lòng dỗ dành.
Một sáng chủ nhật, sau khi tham sự thánh lễ xong, chú tôi được cha sở gọi đến khuyên nhủ rất nhiều điều. Cha bảo:
  • Con đừng nên bi quan quá! Thiên Chúa không bỏ ai bao giờ, mọi việc đều có Chúa lo liệu. Vì vậy con hãy siêng năng đọc kinh cầu nguyện, tâm sự mỗi ngày với Chúa. Cha nghĩ rằng bất kì ai thành tâm thì Chúa sẽ nhận lời. Vì trong Kinh Thánh đã viết: “Hãy xin thì sẽ được, hãy gõ cửa thì sẽ mở, hãy sốt sắng cầu nguyện thì sẽ được nhận lời”.
Chú tôi đã làm theo lời cha trong một thời gian dài với sự tỉnh ngộ của mình.
Bỗng một ngày nọ, tôi nhớ rất rõ đó là vào ngày 26 tháng 5 dương lịch, sau khi nghỉ hè một tuần, nhà nội tôi có một đoàn khách đến viếng thăm. Họ đưa cho chú tôi một bộ hồ sơ với nội dung sẽ đưa Tâm ra nước ngoài chữa mắt, mọi chi phí đều được nhà nước tài trợ. Cả nhà tôi đều vui mừng và không bao giờ nghĩ rằng đều đó lại có thể đến với giá đình chúng tôi.
Ba tháng sau, Tâm được trở lại cùng gia đình với đôi mắt sáng và nụ cười hớn hở. Tôi thật sự đã biết được sự hiện diện của Thiên Chúa đối với cuộc sống của gia đình Tâm rồi.
Các bạn ạ! Bất kì làm một việc gì cũng vậy, nếu chúng ta có niềm tin và sự tin tưởng tuyệt đối vào việc đó thì mới đem lại kết quả mĩ mãn. Đồng thời đức tin đó phải thực hiện mỗi ngày, nếu không nó sẽ trở thành đức tin chết. Chúng ta những người Kitô hữu, là những người được Thiên Chúa mời gọi để trở thành ánh sáng cho thế gian, nên chúng ta càng phải đi đầu trong việc giữ vững đức tin của mình. Hãy siêng năng cầu nguyện mỗi ngày để đức tin và ánh sáng Tin Mừng chiếu soi hạnh phúc gia đình chúng ta.
 
 
+ Giải nhì Văn ( nhi đồng )
 
CHIẾC ĐỒNG HỒ THỜI GIAN
Maria Nguyễn Thị Hồng Nhi ( Gx. Châu Me )
 
“ Mẹ…?”
Thức giấc. Tôi ngỡ ngàng nhìn xung quanh. Đây là đâu? Những hình ảnh mơ hồ bỗng chốc hiện rõ lên trước mắt tôi. Chẳng phải đây là căn nhà cũ của ngoại, mẹ và tôi sao? Cái bàn nhỏ trước mặt được kê làm bàn thờ, tượng Chúa và Đức Mẹ được đặt lên trên, trông hai Ngai uy nghi mà hiền từ vô cùng. Trên chiếc giường cũ ọp ẹp, bên cạnh tôi, mẹ đang say giấc. Đôi mắt mẹ nhắm nghiền, hai bàn tay đan vào nhau, hơi thở nồng nhẹ. “Mẹ?” - Tôi khẽ thầm thì - “Là mẹ thật sao?”. Ngắm mẹ, tôi thấy mẹ hơi gầy, gò má nhô cao, đôi mắt trũng sâu hiện lên bao mệt mỏi.
Tích tắc… Tích tắc…
Chiếc đồng hồ treo trên tường nhích từng mũi kim đi một cách chậm chạp.
4 giờ 20 sáng.
- Nhi! - Mẹ ngồi dậy - Sao con dậy sớm thế? Mẹ hỏi.
Tôi hơi ngạc nhiên:
- Hôm nay là thứ mấy?
- Chúa Nhật con không nhớ à? Thôi ngủ tiếp đi, còn sớm, chặp nữa mẹ kêu dậy đi lễ.
Mẹ với tay, lấy cây nạng đặt cạnh giường, chống đi một cách nặng nề. Tiếng lộc cộc, lộc cộc từ gậy phát ra trên nền đất, phá tan không gian vốn tỉnh lặng của màn đêm. Vẫn còn sớm. Bóng mẹ khuất dần sau cánh cửa gỗ. Môi tối mấp máy:
- Mẹ, con… con…
Giọng tôi nghẹn lại vì nước mắt cứ trào ra. Ngước nhìn tượng Chúa, tôi cầu xin Ngài:
- Con… con xin thầy… cứu lấy mẹ con…
- Nhi ơi, dậy ăn sáng đi con!
Tôi lật tung chiếc chăn, bước xuống giường vươn vai bắt đầu một ngày mới. Lại gần cái cửa sổ, tôi mở tung ra, những hạt bụi dưới ánh nắng bỗng trở nên lấp lánh diệu kì. Tôi - Nhi mười bốn tuổi đã biến thành Nhi tiểu học. Tôi khá ngạc nhiên và nhẹ nhàng chấp nhận. Câu hỏi:  «Tại sao?» vẫn cứ luẩn quẩn trong đầu.
Ngày ấy… Tôi sợ hãi mẹ tôi. Bà chỉ có một chân và một mắt bị mù. Những ngày mẹ đưa tôi đến trường, lũ bạn tha hồ trêu chọc. Giờ tan học, mẹ đến đón, tôi cứ trốn mẹ. Đợi lũ bạn về hết, tôi mới ló đầu ra. Mẹ mắng nhẹ:
  • Con đi đâu để mẹ tìm hoài ?
Làm sao tôi có thể trả lời với mẹ là tôi không thích mẹ đón tôi vì sự trêu chọc của lũ bạn? Tôi chỉ biết im lặng và lãng tránh những câu hỏi của mẹ.
Nhà tôi không giàu. Mẹ lấy cha khi cha là một người ngoại đạo và mẹ lại là người có đạo gốc. Ngày mẹ bỏ đạo vì cha, gia đình tôi sa sút. Cha hay uống rượu và đánh đập mẹ, đuổi mẹ đi, nhưng đến khi tỉnh cha lại đi kiếm mẹ về.
Những kí ức về cha tôi chỉ còn lại những vết sẹo khó mờ sau buổi tối kinh khủng đó. Cha đánh mẹ thật đau trong cơn say, đôi mắt cha đỏ ngầu, hiện rõ từ mạch máu trong mắt. Mẹ khóc, mái tóc mẹ rối bù. Tôi không biết phải dỗ mẹ sao nữa. Tôi sợ. Tôi chạy đến ôm chặt mẹ, òa khóc nói với cha: “Cha đừng đánh mẹ, mẹ đau”. Cha không nghe tôi nói, mà còn la mắng mẹ to hơn. 
-  Mày cút đi!
Mẹ khóc. Tôi khóc. Trời cũng khóc. Mẹ ôm tôi chạy trong mưa. Tiếng mưa, tiếng gió, tiếng bước chân chạy lộp bộp làm mẹ không nghe tiếng còi xe, không thấy vệt sáng từ đèn xe máy soi vào mẹ. “ Rầm!...”. Ánh sáng? Màu sắc? Cuộc đời mẹ?... đã hết. Trong đêm tối đó, tôi hoảng sợ, trong lúc mọi người đi đường la ó. Tôi nghe giọng mẹ lạc đi trong mưa.
  • Thầy của con, xin cho gia đình con được bình yên!
Cha li dị mẹ. Tôi sống với ngoại và mẹ. Mẹ theo đạo trở lại, bắt đầu một cuộc sống có Chúa bên cạnh. Cuộc sống lam lũ, mặc dù sống trong tình yêu của gia đình nhỏ. Nhưng càng lớn, tôi càng ghét mẹ.  Ghét mẹ cứ đi bên cạnh tôi với một chân bị què và một mắt bị lòa. Tôi ghét lắm, ghét cả lũ bạn cứ gọi thật to tên mẹ tôi: “Hoa què!”. Những lúc đó, tôi ấm ức lắm. Tôi trốn mẹ, trốn ngoại, chạy vào ngôi nhà thờ nhỏ trên bãi đất trống cuối làng để khóc. Tôi trút tất cả tâm sự của tôi cho Chúa nghe, Dường như Chúa cũng lấy đi bớt nỗi buồn của tôi thi phải. Tôi luôn cảm thấy nhẹ nhõm khi khóc và nói tất cả với Ngài.
Dạo này làm sao ấy nhỉ? Mẹ ăn ít lại, hay la tôi và ho rất nhiều. Sáng sáng, tôi lại thấy mẹ chải tóc, mà mỗi lần chải, tóc mẹ lại rụng rất nhiều. Ở đâu tôi cũng thấy tóc mẹ, thậm chí cả chén rau luộc cũng có một sợi tóc dài bạc bạc đen đen. Gớm! Tôi chê mẹ suốt. Mẹ chỉ cười cười trong im lặng.
Ngày cuối thu, không khí bắt đầu se lại. Tôi lạnh run trên con đường về nhà. Trong giờ ra chơi, con Lan, con Đào và Nhàn cứ khoe mấy cái áo len mà ba mẹ nó mua. Tôi như người thừa thải, im lặng lắng nghe chúng mà lòng buồn buồn. Trên chiếc giường gỗ mẹ đang ngủ. Mẹ thật quá đáng, ngoại đang làm ruộng ngoài đồng mà mẹ lại say giấc trong này. Tôi dậm chân thật mạnh để phá mẹ. Mẹ tỉnh giấc, yếu ớt nói với tôi:
  • Nhi, con về rồi à? Đồ ăn trong tủ ấy, lấy ăn đi con.
  • Mẹ, tụi bạn con mua áo len hết rồi…
Mẹ ngập ngừng:
  • Ừ, năm sau mẹ mua cho…
Tôi gắt:
  • Năm nào chả là năm sau của mẹ, chắc lúc con lớn cũng chưa chắc có áo mẹ mua.
Mẹ ho. Tôi khóc nấc lên vì giận:
  • Mẹ mua cho con đi!
Mẹ im lặng. Tôi khóc to hơn:
  • Mua cho con đi, mẹ…
Mẹ gắng gượng nói với tôi:
  • Năm sau con à…
Tôi giận mẹ, vừa khóc vừa đấm mẹ thùm thụp:
  • Mẹ không thương con, con ghét mẹ!
Mẹ tức giận, lấy tay phát vào lưng tôi. Tôi đau lắm, bỏ mẹ lại căn phòng trống u ám đó chạy về phía nhà thờ. Tôi sẽ không tha thứ cho mẹ đâu.
Ngủ quên dưới tượng Chúa. Đến tối, tôi nghe tiếng ngoại gọi tôi:
  • Dậy, dậy đi con, dậy nhanh con!
Tiếng gọi nấc lên từng cơn:
  • Mẹ con mất rồi con ơi!...
Trong cơn ngái ngủ tôi không hiểu gì. Ngoại khóc và ôm tôi thật chặt. Tôi hoảng hốt khi hiểu ra và khóc theo ngoại.
Căn bệnh ung thư ấy, mày độc ác lắm!
Mẹ của con …
Những hạt sương lung linh còn đọng trên lá cỏ mát lạnh. Con đường đến nhà thờ hôm nay sao bỗng trở nên đẹp và hiền hòa đến thế. Bên cạnh mẹ, tôi cùng mẹ đến nhà thờ. Đúng, bắt đầu từ hôm nay, tôi sẽ cùng mẹ đọc kinh, cầu nguyện với Chúa. Bởi tôi biết rằng Chúa chính là ánh sáng của gia đình tôi. Tôi không còn ghét mẹ nữa, mà trở nên yêu mẹ hơn bao giờ hết. Tôi cảm thấy ấm áp khi được nắm lấy tay mẹ, bất kể đang ở đâu. Những thời gian mẹ bị căn bệnh quay trở lại hành hạ, tôi cùng ngoại chăm sóc mẹ ân cần. Ngày 28 tháng 9, cuối thu, mẹ bình thản nhắm mắt để linh hồn bay về trời nơi có Chúa. Và… cha! Bóng hình quen thuộc của cha bước vào cửa nhà. Tôi òa khóc:
  • Sao bây giờ cha mới về?
Cha ôm lấy tôi, hướng về di ảnh mẹ:
  • Giờ cha đã hiểu, vì sao mẹ không muốn bỏ đạo. Cha đã học và theo Chúa hơn mấy năm nay để hiểu rõ chân lý, Ngài là tình yêu của chúng ta. Con gái của cha… Con gái của cha… Chúa đã cho cha về với gia đình mình, tha lỗi cho cha…
Cha hôn lên tóc và trán tôi, mắt cha ngấn lệ và bất chợt cha bật khóc. Tôi tin rằng, có thể đây là một điều diệu kì mà Chúa đã cho tôi, cho cả gia đình tôi. Ngài thật là niềm tin và ánh sáng đã soi chiếu hạnh phúc gia đình tôi.
                          
 
+ Giải ba Văn ( nhi đồng ) 
 
“GÒ MẢ THÁNH”
VÀ SỰ THAY ĐỔI ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN
Luxia Bùi Lê Hoàng Oanh ( Gx. Phú Hòa )
 
Tôi không biết cái tên “Gò mả Thánh” có nguồn gốc từ đâu và có từ khi nào nữa. Gọi là “gò mả”, chứ không phải là nghĩa trang hay nghĩa địa. Đó là cái tên dân dã mà dân quê tôi hay gọi, là nơi mà người ta dành riêng để chôn cất những người chết một cách đặc biệt, hay đại loại như là đền thờ liệt sĩ. Bãi đất “lạ” này nắm sát cạnh nhà tôi, hoang sơ lắm! Lúc còn bé, tôi hay chạy sang đây bắt con cào cào, bắt con châu chấu, rồi bứt cỏ chơi chọi gà. Cho đến lúc lớn thêm, tôi mới biết được nhiều điều về nguồn gốc của nơi này, cái nơi giờ được gọi là “Gỏ mả Thánh”.
Lúc nội tôi còn sống, tôi từng nghe bà kể về về nơi này. Hồi ấy, quanh đây chỉ là bãi đất trống, cỏ um tùm, nhà cửa xung quanh thưa thớt. Khoảng những năm thập niên bảy mươi của thế kỉ XX, cũng là thời gian diễn ra cuộc kháng chiến ác liệt. Đã có không biết bao nhiêu người chết trong chiến tranh, mà phải kể đến các Đấng đã tử vì đạo, bởi một lòng tôn kính và thờ phụng Thiên Chúa. Thời ấy, kể cả những người đã bị bọn xâm lược giết chết, con số đó chẳng thể nào đếm cho xiết! Dân làng mang thây họ đến bãi này chôn tạm, vậy nên mồ mã không tên không tuổi, cứ đào đất chôn chứ chẳng có điều kiện xây cất. Một vài người còn có gốc gác, trong làng còn biết họ hàng mình nằm đó mà hiện giờ còn lui tới nhang khói, số còn lại lai lịch chẳng biết nơi đâu.
Cũng vì nơi đây trở thành nơi yên nghỉ của những người đã khuất, nên thời hòa bình, người dân giáo xứ tôi không đụng đến đất này để canh tác và sinh sống. Người ta vẫn quen gọi là “gò mả”. Ba mẹ tôi cưới nhau năm 1985, sau đó năm 1991 cất nhà tại mảnh đất ngay cạnh gò mả, mảnh đất mà ông nội để lại cho ba mẹ tôi. Còn nhớ như in lời mẹ tôi kể: “Hồi đó gò mả mà chỗ nào khôngcó ma! Có mấy hôm chừng tối khuya, đang nấu rau cho lợn ăn, mẹ nghe có tiếng ai đó khóc than thiểu não lắm. Mẹ cứ tưởng các con ngủ bị giật mình rồi lại khóc, vội chạy vào phòng thì thấy đứa nào cũng ngủ say, trong khi đó tiếng khóc cứ văng vẳng mà lúc đó chung quanh chỉ có nhà ta và ruộng đồng thôi. Mẹ có cảm giác sợ, ngay hôm sau là bảo ba mau ra phác rào, dẫy mả cho quang đãng bớt”. Thế là sáng hôm sau, ba tôi cùng với chú Chín mang cuốc mang rựa ra chặt cây dọn cỏ, sẵn mẹ mua mấy nén nhang thắp cho có hương khói. Hôm sau đó thì không còn nghe thấy tiếng khóc đêm khuya nữa. Kể ra không biết có phải là mê tín hay không, nhưng mà tôi thấy có gì đó kỳ lạ lắm! Điều đó là rõ ràng và không có ai có thể giải thích được.
Mẹ tôi bị bệnh thấp khớp bắt đầu từ năm 2002. Mẹ đi lại khó khăn và hầu như không đi được nhiều, chỉ ngồi và nằm, rất khó khăn trong việc cử động. Cứ mỗi đêm về hay những hôm trời trở, thời tiết thay đổi đột ngột, bệnh mẹ lại phát nặng hơn, khiến những cơn đau của mẹ tôi càng thêm nhức nhối. Mặc dù đã theo rất nhiều thầy thuốc và nhiều phương pháp chữa trị, cùng nhiều lời cầu nguyện sốt sắng đến Đấng tối cao, nhưng dường như căn bệnh vẫn vô phương cứu chữa. Cũng trong thời gian ấy, ba tôi “trở tính”. Ba lao vào bia rượu, nhậu nhẹt và trì trệ trong việc giữ đạo. Ba bỏ bê việc xưng tội rước lễ, việc đi lễ ngày chủ nhật cũng hạn chế hơn. Bà nội tôi, mẹ tôi cùng các bác khuyên răn ông rất nhều lần, nhưng hầu như vô hiệu. Gia đình tôi tuy không khó khăn về kinh tế, nhưng tình cảm trong gia đình ngày càng nhạt đi, không khí giữa mọi người thêm căng thẳng, và đời sống đức tin trong gia đình gần như đang có nguy cơ bị đánh mất.
Một buổi chiều hè năm 2003, có hai người đàn ông ghé đến nhà tôi. Nghe nói họ đến từ Sở nhà đất hay bất động sản gì đó. Họ muốn đo đạc gò mả để quy hoạch đất làm trường tiểu học. Tin này chưa mấy ai hay, nhưng họ có hỏi ý kiến lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã, và xã có cho người ta biết đất này thuộc quyền quản lý của giáo xứ Phú Hòa chúng tôi. Khi họ thưa với cha sở ( năm đó cha Đỗ Trung Thanh nhậm chức), thì tất nhiên, ngay lập tức cha sở không đồng ý. Hôm sau cha gọi ba tôi xuống nhằm có ý muốn nói với ba tôi vài điều. Theo ý cha, đất gò mả nằm ngay cạnh nhà tôi, nên cha bảo ba tôi nên nhận việc tu sửa và chăm sóc, cũng như làm việc thiêng liêng để cầu nguện cho các linh hồn đã mất, hầu may sẽ nhận được nhiều ơn ích.
Cuối năm đó, ba tôi tiến hành việc sửa sang gò mả. Ông phác quang cây cối, làm tường rào chắn xung quanh để tránh người ta chăn dắt trâu bò, chạy nhảy rồi lại giẫm đạp lên phần mộ. Rồi nào dọn cỏ, nào trồng hoa quanh lối đi. Ông xây dựng bàn thờ Đức Mẹ cùng Thánh Giá Chúa, trang hoàng gò mả, mà lúc nhỏ tôi hay bảo nó đẹp như công viên vậy. Buổi chiều tà, mấy chị em tôi thường ra bàn thờ đọc vài kinh cầu, và thắp hương cho những người đã mất. Mặc dù theo thời gian, sự bào mòn của mưa nắng, nhiều gò mộ đã bị san bằng đến không còn nhận ra chỗ người đã nằm, nhưng việc giới hạn khu đất này với khu vực xung quanh, tôi nghĩ, là việc làm đúng đắn và ý nghĩa, để người sống không làm điều gì ảnh hưởng đến nơi nghỉ ngơi và sự yên tĩnh của những người đã mất.
Mùa xuân đi qua, tháng ba đến, dường như vẫn còn mang theo cái hương vị của những ngày xuân mới. Tiết trời tháng ba dìu dịu, mát mẻ. Đầu tháng, ba mẹ tôi làm lễ Thanh minh. Ba mẹ tôi mời cha xứ đến làm phép thánh, đọc kinh, cầu nguyện và làm vài ba mâm để mời bà con. Một điều đáng nói ở đây, từ sau khi làm lễ tiết Thanh minh, bệnh của mẹ tôi bắt đầu thuyên giảm. Những cơn đau của mẹ vơi đi, mẹ đi lại sinh hoạt thoải mái hơn, và đến cuối năm thì bệnh của mẹ tôi đã dứt hẳn. Ba tôi đi xưng tội rước lễ trở lại và sốt sắng hơn trước. Sự thay đổi này khiến ngay chính bản thân ba mẹ thôi cũng ngỡ ngàng. Một sự bắt đầu, một dấu hiệu cho đời sống đức tin của gia đình đang được củng cố. Gia đình tôi trong ấm ngoài êm và thật sự cảm tạ hồng ân của Thiên Chúa. Bà con cô bác hay bảo với ba mẹ tôi rằng: “ Có một sức mạnh nào đó, một ai đó, một thứ gì đó trợ giúp. Là các linh hồn đã mất đó!”. Hình như cũng kể từ đó, họ gọi nơi này bằng cái tên là “Gò mả Thánh”. “Thánh” ở đây, có lẽ vì đó là nơi nằm yên nghỉ của các Thánh tử vì đạo, cũng có thể vì họ tin các linh hồn đã ban ơn trợ giúp cho gia đình tôi, và cũng có thể là vì gò mả đã được làm phép thánh. Tôi đơn giản nghỉ, gò mả “Thánh” vì không còn là bãi đất bị “bỏ hoang” nữa, mà là nơi những người đã mất được tôn trọng, được chăm sóc bởi người còn sống, và họ được nghỉ ngơi trong vòng tay của Thiên Chúa và Đức Mẹ Maria. Tháng ba hằng năm, ba mẹ tôi làm lễ đọc kinh cầu nguyện, và cũng gọi ngày đó là ngày Thanh minh.
Một sự thay đổi tích cực trong cuộc sống của ba mẹ tôi nói riêng, gia đình tôi nói chung là một điều đáng mừng, và đã cũng cố niềm tin tuyệt đối của mỗi người chúng tôi vào tình yêu của Chúa. Ba mẹ tôi cho rằng, hằng làm được điều có ích cho anh em, chúng ta sẽ có được sự trợ giúp của ơn trên, để được hồng ân của Thiên Chúa dẫn lối. Điều quan trọng là hãy tin và phó thác cho Thiên Chúa là Cha chúng ta, Người sẽ lo liệu tất cả. Anh chị em chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau, cho những ai còn sống và những người đã mất, để được Thiên Chúa cứu độ. Vì có lời chép rằng: “Người công chính nhờ đức tin sẽ được sống”.
 
 
+ Giải ba Văn ( nhi đồng )
 
CHIẾU SOI
Matta Võ Thị Thu Uyên ( Gx. Phú Hòa )
 
Người thanh niên trẻ dắt chiếc xe đạp cũ kĩ ra khỏi nhà thờ. Anh ta khoác lên mình chiếc áo khoác dài phủ cả mông và đội chiếc mũ đen chỉ trong vài giây. Anh lấy hết sức để đạp chiếc xe thật nhanh đến nơi hẹn, nơi nàng đang chờ… Anh dựng chiếc xe xuống, ngồi bên bóng cây gần bờ ruộng. Bỗng từ xa có một bóng người đi tới, đó chính là nàng.
Anh và nàng yêu nhau từ lâu, nhà anh có đạo nhưng nhà nàng thì không. Cuộc sống thời đó bận rộn lắm làm hai người ít gặp nhau được, ngoài chiều chủ nhật. Nàng lúc đó xinh đẹp nhưng  gia cảnh nghèo khổ, vừa chăm em vừa làm việc nhà rồi còn lo chuyện nương rẫy nữa. Anh vừa đi học, vừa phụ mẹ làm bánh tráng. Thế nhưng hai người vẫn yêu nhau thắm thiết. Họ gặp nhau, ngồi bên nhau và kể cho nhau nghe nhiều chuyện. Anh kể nàng nghe chuyện ở nhà thờ, chuyện của Chúa Giêsu, ý muốn hướng nàng theo Chúa. Nàng vui vẻ nghe và tin tưởng trong lòng, rồi kể cho anh nghe chuyện nương rẫy, hỏi anh một số điều thắc mắc về công việc nhà hay kĩ thuật nuôi trồng ( vì anh học giỏi mà ). Đôi lúc anh cũng giúp nàng một số công việc nặng nhọc nhưng rất ít khi họ đến nhà nhau vì ai cũng bận.
Nàng ngồi xuống bên cạnh anh, nghiêng cái nón lá để che bớt cái nắng chiều vẫn còn nóng rát. Anh đưa chiếc mũ phe phẩy để lấy gió về. Tự dưng nàng thấy anh hôm nay rất lạ, cứ long ngóng, ngập ngừng, không kể chuyện tự nhiên như trước nữa. Biết anh có chuyện muốn nói, nàng rót cho anh ca nước chè mang đi làm ruộng của mình. Sau khi uống hết anh lấy hơi rồi nói:
  • Em à!... Hay là mình đi gặp ba má đi. Chắc họ sẽ đồng ý.
  • Mẹ em thì biết rồi – Nàng đáp lại.
  • Nhưng còn ba anh nữa, ba anh muốn em phải có đạo. Nhưng mà...
Thấy anh ấp úng, nàng cũng bối rối. Nhưng thật ra nàng đang rất muốn nói đến điều này. Nàng thẹn thùng:
  • Theo đạo thì em đồng ý.
  • Thật chứ, em không gạt anh chứ?
  • Dạ.
  • Nhưng tại sao em quyết định nhanh đến như vậy?
  • Em cũng không biết nữa… Ngày nào cũng nghe anh kể chuyện về Chúa, đã cho em thấy được cái gì đó rất đáng tin tưởng, rất kì diệu. Nó thấm nhuần trong người em và em biết em sẽ theo đạo của anh từ sau giấc mơ đó.
  • Nhưng em mơ gì?
  • Rất kì diệu! Em thấy mình cũng đi làm như hôm nay, trời nắng gắt khiến mấy cây đậu rũ cả. Em múc nước tưới, đang làm thì cảm thấy có cái gì đó đang đến gần, rất đáng sợ. Em vứt cả thùng nước và bắt đầu chạy, em nghe thấy tiếng cười ghê rợn của nó. Càng chạy em càng vào sâu trong rừng. Em cứ chạy và nó cứ đuổi theo làm em phát khiếp. Rồi em thấy có cái gì đó phía trước. Là một cái cây, trên đó cũng có người nữa. Rồi em sợ quá, chạy luôn núp sau cái cây đó, nhưng nó đến gần nên em chạy đi. Chừng mười bước em không còn cảm thấy nó nữa. Và thế là em an toàn. Em biết đó là Chúa của anh nên em mới chạy qua đó, mới tin và mới theo đạo… Bây giờ em sẽ về nói với mẹ rồi sau đó xuống nhà anh. Mình nghỉ chút rồi đi, em ra ruộng tí đã.
Anh vui mừng không thể tả nỗi, anh không ngờ việc lại như vậy. Anh thầm cảm ơn Chúa vì đã cho người con gái anh yêu biết về Chúa, theo Chúa và tin tưởng vào Chúa. Anh cũng xin Ngài cho nàng có đủ sức mạnh để chiến thắng tội lỗi và trở thành con chiên tốt.
Sau một lát nghỉ ngơi, anh đèo nàng về nhà trên chiếc xe đạp. Vừa tới nhà thì mẹ nàng ra. Sau khi chào hỏi, giới thiệu và nói chuyện, mẹ nàng nời anh vào nhà. Một lúc sau họ quay ra với kết quả mỹ mãn, mẹ nàng đã đồng ý cho hai người. Lòng họ vui sướng tột cùng, tim nàng như nhảy nhót, còn anh thì vẫn thầm cảm ơn Chúa. Rời khỏi nhà nàng, đôi tình nhân lại đèo nhau đi trên con đường gập ghềnh. Ánh hoàng hôn buông xuống, bóng hai người khắng khít bên nhau trong sự im lặng, nhưng đằng sau đó là một màu hồng rực sáng.
  • Ba ơi! Con về rồi!
  • Ờ! Con về đó hả… Đây là…
Ba anh đã thấy nàng. Bớt đi sự im lặng anh nói:
- Đây là cô gái hôm trước con có nói – Rồi anh ra hiệu cho nàng.
- Dạ, con chào bác – Nàng lễ phép.
Rồi cả ba vào nhà. Nghe tin nàng biết Chúa và sẽ theo đạo sốt sắng, ba anh vui lắm, ba anh đã đồng ý cho hai người. Hai người không ngờ mọi việc lại tốt đẹp như vậy. Và họ cũng thầm cảm ơn Chúa vì tất cả.
Hôm nay là ngày cưới của anh. Sau ba tháng học giáo lý, bây giờ cả hai đều là con Chúa, đều trở thành những con chiên trung thành. Ngày hôm nay, anh đã chính thức lấy nàng. Người ta thấy anh lịch sự trong bộ vest, đã đeo lên tay nàng ( trong bộ váy trắng tinh) chiếc nhẫn cưới. Họ cười rạng rỡ và cùng nhau đọc Kinh Thánh, đọc lời hứa hôn nhân. Và họ đã trở thành vợ chồng dưới sự kết hợp của Chúa… Năm 2001, gia đình anh đón thêm một cô công chúa nữa trong bộ ba nàng công cúa của anh. Cả ba được rửa tội mang tên thánh Matta. Chúng đều là những người con của Chúa, đều là những học sinh giáo lý giỏi. Còn anh thì trở thành một tín hữu tốt, chăm chỉ đi kêu gọi mọi người về với Chúa. Nàng thì được cha sở tin tưởng giao cho các nhiệm vụ trang trí nhà thờ, mua quà cho mấy em nhỏ. Cả gia đình sống đầm ấm và hạnh phúc.
Có lẽ chuyện tình đẹp đẽ trên đã khiến bạn phần nào thấy yêu Chúa hơn. Còn tôi thì yêu Ngài trên hết, vì đây chính là gia đình của tôi. Tôi cảm ơn Chúa đã soi sáng đức tin của ba mẹ tôi để hôm nay tôi được như thế này. Cảm ơn Ngài đã đem Tin Mừng đến cho mẹ tôi, cảm ơn ba đã giúp mẹ tôi theo đạo, để cả nhà tôi được có Chúa và tìm được yêu thương, hạnh phúc. Tôi cũng thấy được, nếu ta đem đến cho Chúa một người nữa biết yêu Chúa thì ấm áp hơn là ta làm Chúa buồn lòng. Xin Chúa cho mọi người trên thế giới này biết điều đó, biết rao giảng Tin Mừng để nhiều người đến với Chúa hơn, được hưởng nhiều hồng ân của Ngài hơn.
 
 
 + Giải ba Văn ( nhi đồng )
 
CHUYỆN NHỎ
Isave Nguyễn Nữ Diễm Quỳnh ( Gx. Châu Me )
 
Sáng nay, vừa thức giấc tôi đã thấy ba đang làm hang đá trước sân. Như mọi năm, thấy mọi người cùng nhau làm hang đá là đã thấy Giáng Sinh về trước mắt rồi. Mọi năm còn có anh Hai phụ ba, năm nay anh Hai đang học ở trong Nam, 21 này mới về, mọi việc chuẩn bị Giáng Sinh do ba và mẹ làm hết.
Ba ngừng tay vẫy tôi:
- Con pha cho ba ấm trà!
Tôi hất tung tấm mền, nhổm dậy, vội chạy vào bếp đun nước sôi.
Ngày còn nhỏ, thấy ba làm việc trang trí hang đá là tôi mong từng ngày chờ Giáng Sinh về. Tôi chờ Giáng Sinh về nhưng chẳng mong quà hay bánh kẹo, tôi chỉ thích cùng ba mẹ đến nhà thờ dự lễ thôi! Nghịch lý là càng lớn thì nỗi mong chờ Giáng Sinh về càng vơi đi. Bây giờ tôi thấy Giáng Sinh cũng giống như những ngày bình thường thôi!
Đang nghĩ vẩn vơ, tôi nghe tiếng mẹ la lớn. Bỏ mặc ấm trà, tôi chạy vội ra sân, thấy ba nằm bất tỉnh, bụi bẩn bay tán loạn khắp nơi…
 
                                                           *  *   *
Ba nhập viện. Mẹ gọi điện thông báo ba bị tê liệt thần kinh, mẹ phải vào viện chăm sóc ba. Tôi nghiễm nhiên trở thành chủ nhân của cái bếp nhỏ. Mấy bữa sáng, bữa trưa, bữa tối đều là do tôi nấu để mẹ mang vào viện. Tồi hôm đó ăn cơm một mình thấy buồn, tôi mang ra trước sân ăn cạnh tượng Đức Mẹ.
Sáng hôm sau, đang quét sân thì có một người gọi tôi từ ngoài cổng. Là Minh - cậu bạn hàng xóm bằng tuổi, học cách nhau có mấy lớp, nhưng ít khi nói chuyện với nhau.
  • Có việc gì thế?
  • Cho tớ mượn quyển văn mẫu lớp 7.
  • Chờ tí.
Tôi vào lục lọi một hồi gần như lặn ngụp trong bụi bặm thì cũng thấy nó đang nằm dưới góc bàn. Cậu ta cầm lấy, chưa đi ngay mà còn tần ngần...
  • Đầu cậu dính bụi này!
  • Không cảm ơn tớ à? Vì lục tìm sách cho cậu đấy!
  • Biết rồi, cảm ơn nha! - Nói rồi cậu ta đi về.
  • Nhớ trả sớm đó nha! - Tôi nói với theo.
Cậu ta bật cười to, không nói gì cả.
 
                                                      *  *  *
- Thôi, học nhanh rồi đọc kinh nha con! - Mẹ bưng cái rổ rau ra rửa – Không biết khi nào ba con tỉnh nữa… - Mẹ ngước nhìn lên bàn thờ gỗ.
- Dạ! Mà mẹ cũng đừng lo, con tin Chúa sẽ nghe được lời mình cầu xin thôi mà - Tôi quay ra sau và nói thật rành rọt – Giờ mình đọc kinh luôn đi mẹ!
- Ừ, con  đi lấy chuỗi đi! – Mẹ đặt thúng đồ cạnh rổ rau, đi vào buồng lấy tràng chuỗi…
Mẹ phải chăm sóc ba cả ngày nên trông mệt lắm. Tôi bảo mẹ ở nhà, để hôm nay tôi vào chăm… Ba vẫn nằm bất động. Tôi đặt mấy quyển sách cha xứ tặng lên cái bàn gỗ, ngồi xuống cái ghế đỏ. Ngoài ban công, vệt sáng mỏng đầu tiên của những ngày giông bão hửng lên từ phía Đông đường chân trời. Không khí lan vào phổi mang mùi thuốc tẩy trùng của bệnh viện. Mưa thật khó hiểu, mưa cứ rơi mãi như chẳng bao giờ tạnh. Tôi ngắm mưa rồi thiếp đi…
  • Con!- Giọng nói yếu ớt vang lên.
Thật không vậy! Tôi mở to mắt, cố nhéo vào má cho tỉnh.
- A! Ba tỉnh rồi, moi người ơi, ba tôi tỉnh rồi! - Tôi hạnh phúc chạy khắp nơi. Tôi vớ lấy cái điện thoại, bấm vội.
  • Alô, mẹ hả? Ba tỉnh rồi, mẹ đến mau đi! - Tôi hết vang như sấm.
Chẳng biết sau đó chuyện gì tiếp diễn. Tôi chỉ nhớ mình như một con người sống lại sau cơn mơ…
                                                               *  *  *
- Con mang cho ba mấy quyển sách!
- Sách cha xứ tặng hả? - Ba hóm hỉnh - Ba 48, mới quá tuổi cho phép đọc chút chút.
- Ba, cái thằng hàng xóm nhà mình nó mượn con quyển sách mấy ngày chưa trả.
- Minh à?
- Vâng, nó đấy chứ còn ai nữa!
Thế là tôi được dịp kể xấu cậu bạn, những chuyện bé xíu cũng được lôi ra. Minh đã từng giật mất cây kem tôi ăn ra sao, làm dính đất vào cái máy radio tôi mới mua như thế nào… Biết bao lần tôi bị mẹ đánh vào mông chỉ vì nó rủ đi chơi…
- Vậy mà lúc nhỏ con bảo lớn lên con sẽ là cô dâu của nó đấy!
- Thật hả?
- Con không nhớ à? Có lần hai đúa đi chơi, con đi lạc, thằng bé cũng tìm được, con chả khóc sướt mướt đó sao?
- Con không nhớ… Mà chuyện xưa lắc xưa lơ rồi mà ba…
Tối đó, tôi ở lại ngủ với ba. Trằn trọc cả đêm. Vừa lạ chỗ, vừa cảm thấy bất an. Bệnh viện  có mùi gì là lạ, hèn gì ba cứ đòi về…
 
                                                            *  *  *
Sáng, Minh sang nhà.
  • Có việc gì đấy?
  • Mang trả quyển sách.
  • Mượn từ hôm nào rồi giờ mới trả hả?
Tôi nói mà Minh cứ cười. Nụ cười làm lộ cái răng khểnh nhỏ. Dễ thương quá!
Mai ba ra viện, thế nào ba cũng mang quà về cho tôi. Nhất định sáng mai ba sẽ đánh thức tôi đi lễ, thế là cuộc sống trở nên trọn vẹn…
 
                                                    *  *  *
Tôi đạp xe từ nhà thờ về nhà một mình. Lúc băng qua quãng đường trống, tôi bất giáo khe khẽ hát một bài nhạc Giáng Sinh. Một nốt vút cao như muốn kéo tôi ra khỏi nỗi buồn sâu thẳm. Tôi chợt nhìn thấy cầu vồng sau mưa. Ánh sáng rực rỡ loang nhẹ trên nền trời xanh thẳm. Gió thổi khô tóc tự bao giờ…
Tôi của ngày hôm qua đã ghét những gì khó nhọc, lận đận nỗi niềm sóng gió gia đình. Nhưng tôi tin, ai rồi cũng sẽ trải qua chuyện như thế trong đời, nhưng ít nhất, vẫn được cứu rỗi nhờ một niềm tin vào Đức Mẹ, Chúa Giêsu và các Thánh … Nên dù có xảy ra chuyện gì bất ưng thì tất cả cũng chỉ là: Chyện nhỏ!
 
 
Tác giả bài viết: Hoa Biển 10
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Từ khóa:

đặng đức tuấn, văn,

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 44
  • Khách viếng thăm: 37
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 14555
  • Tháng hiện tại: 30582
  • Tổng lượt truy cập: 12320294