Trang mới   https://gpquinhon.org

Những người con của nước mắt và máu đào

Đăng lúc: Thứ năm - 15/11/2012 21:29 - Người đăng bài viết: GPQN
NHỮNG NGƯỜI CON CỦA NƯỚC MẮT VÀ MÁU ĐÀO

LỄ THÁNH STÊPHANÔ THÊÔĐORÔ THỂ GIÁM MỤC TỬ ĐẠO

(14 tháng 11)

CUNG HIẾN ĐỀN THÁNH VĨNH THẠNH

       (Bài đọc I: Nhm 8, 1-4a.5-6.8-10 .  Bài đọc II: Rm 8, 31b-39.  Bài PÂ: Ga 15, 18-21)
 
Lm. Phaolô Trương Đình Tu

          Bài đọc I đưa chúng ta vào nghi thức Cung hiến. “Vì được xây dựng làm nhà để mãi mãi chỉ dùng vào việc tập họp dân Chúa và cử hành các mầu nhiệm thánh, nên nhà thờ trở thành  nhà của Thiên Chúa; và do đó, theo truyền thống cổ kính của Hội Thánh, cần phải cung hiến nhà thờ cho Thiên Chúa”. (NTCH, số 864). Để được cung hiến, mọi nhà thờ phải có một tước hiệu. Tước hiệu của nhà thờ nầy, như đã được công bố, là “ ĐỀN THÁNH STÊPHNÔ THỂ”.
 
          “Sách Nêhêmia đưa chúng ta trở về thời sau Lưu đầy trong lịch sử Israel – vào khoảng thế kỷ thứ 6 trước Chúa Giêsu. Nhà cầm quyền Ba Tư cho phép các dân tộc bị trị được phục hồi các truyền thống của dân tộc mình. Con cái Israel được khuyến khích trở về quê quán. Họ dựng lại Đền thờ và tái thiết Giêrusalem. Những người làm ăn được ở đất khách : không muốn về. Những người yêu nước và tha thiết với quê hương : muốn trở về nhưng lại ít phương tiện. Về đến nơi, họ lại gặp thái độ thù địch của dân đã đến sinh sống tại Giêrsalem trong thời gian lưu đầy. Do đó việc trùng tu Thánh Điện  tiến hành rất chậm. May thay có Esdras và Nêhêmia. Hai người có uy tín đối với triều đình Ba Tư. Esdras là tư tế. Nhưng ở đất lưu đầy không có nơi phụng thờ Thiên Chúa. Ông đã chuyên khảo cứu và suy niệm luật Môisê. Đang khi ấy Nêhêmia đang giữ chức chước tửu – dâng rượu – trong đền vua, nhưng lòng vẫn hướng về Giêrusalem. Khi nghe tin công việc phục hưng xứ sở gặp nhiều khó khăn, ông đã xin phép hồi hương và được nhà vua phong làm Tổng đốc Giêrusalem. Nhờ sắc phong nầy ông đã giúp đồng bào xây dựng lại được tường thành để có thể sống yên ổn đối với dân đã đến lập cư trong thời lưu đầy. Nhưng thành quách mới chỉ là giới hạn bên ngoài. Muốn cũng cố tinh thần của đồng bào ông và xây dựng lại cộng đồng con cái Israel, cần phải có luật pháp. Và đây là phần đóng góp của Esdras. Đoạn sách giới thiệu ông trong vai trò luật sĩ hơn là tư tế. Và rõ ràng con cái Israel đã cử hành phụng vụ Lời Chúa chứ không phải là lễ tế. Đó là đặc điểm của Do Thái giáo sau lưu đầy. Toàn dân tập họp lại đủ mọi thành phần già trẻ, nam nữ. Và trăm người như một. tất cả đều chăm chú hướng mắt về thầy Esdras đang cung nghinh-“kiệu”- Sách Luật, tiến lên đứng trên một bục gỗ cao, hướng xuống quần chúng. Chung quanh thầy có các phụ tế, càng làm tăng thêm vẻ trang trọng cho việc công bố Lời Chúa sắp cử hành. Thầy Esdras bắt đầu bằng những lời chúc tụng Chúa. Cộng đoàn sốt sắng đáp lại bằng những tiếng “Amen, Amen”, kèm theo lễ nghi phủ phục thờ lạy. Rồi thầy Esdras bắt đầu đọc Lời Chúa trong Sách luật. Thầy đọc dễ dàng, trang trọng. Nhưng sách viết bằng chữ Hipri. Rất nhiều người trong dân chúng không còn hiểu thứ tiếng ấy một cách dễ dàng nữa. Ít ra họ cũng thấy có nhiều điều khó hiểu, khiến Nêhêmia và các phụ tế phải giúp thầy Esdras giải nghĩa cho dân. Càng nghe, con cái Israel càng bùi ngùi xót xa. Họ thấy Chúa thương dân đến như vậy mà cha ông họ đã không nghe tiếng của Ngài. Họ thấm thía những hình phạt mà Ngài đã buộc lòng phải gửi đến. Nước mắt họ trào ra… Cả Nêhêmia và Esdras phải vội vàng tuyên bố : hôm nay là ngày thánh, không được khóc như vậy… Đúng hơn, phải biến những giọt lệ xót xa vì tội lỗi trở thành niềm tin vào ơn Chúa cứu độ. Nên hãy ăn uống và chia phần cho mọi kẻ đang túng thiếu.
 
          Rõ ràng buổi phụng vụ Lời Chúa theo sách Nêhêmia chúng ta vừa đọc có những nét rất gần với nghi thức công bố Lời Chúa trong các buổi phụng vụ của chúng ta ngày nay. Đó là khởi nguyên để chúng ta hoàn thành. Đó là hình bóng mà chúng ta phải thực hiện. Chúng ta nhất định phải làm tốt hơn con cái Israel ngày xưa. Họ đã tập họp đầy đủ các thành phần già trẻ, nam nữ. Gia đình chúng ta có thể làm được như vậy chứ! Họ đã nghiêm chỉnh, chăm chú nhìn vào người đọc và lắng nghe Lời Chúa. Họ lại chẳng chịu để Lời nào nghe mà không hiểu, nhưng đã đòi được giải thích. Chúng ta có làm như vậy không? Nhất là họ để cho Lời Chúa chất vấn lương tâm, khiến họ có thái độ thống hối ăn năn và quyết tâm sửa mình. Chúng ta cũng cần biến việc đọc và nghe Lời Chúa nên như cơ hội để thực hiện mầu nhiệm Tử Nạn Phục Sinh hầu tìm thấy ơn cứu độ của Chúa trong việc đọc và nghe Lời Sách Thánh. Ước gì Lời Chúa từ nay trở nên sức mạnh tập họp thánh hóa gia đình chúng ta và Giáo xứ chúng ta.”([1])
 
          Trong khi Bài đọc II và bài PÂ. đề nghị chúng ta suy nghi về hồng ân Tử Đạo.

          Tử Đạo là gì ? Chúng ta biết rằng Hội Thánh có thói quen kính nhớ ngày qua đời của các môn sinh anh dũng của Chúa Kitô, hơn là ghi nhớ tiểu sử và cuộc đời của các ngài. Nguồn gốc việc tôn kính các thánh phải được tìm thấy trong ý hướng suy tôn và khẩn cầu những người đã đổ máu và hiến thân cho Chúa Kitô.
 
          Tử Đạo : đây là một thảm kịch – một hành vi đẫm máu, đáng kinh tởm; do sự kiện bất công từ ý đồ của người gây ra nó; nhưng Tử Đạo lại là một hành vi thánh thiện do sự kiện vô tội và bất lực của người gánh chịu nó. Do đó Hội Thánh luôn trân trọng ghi nhớ ngày sinh nhật trên trời của các thánh tử đạo với tâm tình biết ơn pha lẫn một chút bùi ngùi trong thầm lặng. Tuy nhiên, Hội Thánh không dừng lại ở tội ác đã vi phạm hay những cực hình đã gánh chịu, nhưng Hội Thánh vươn tới ý nghĩa đạo đức, tấm gương không những về anh dũng mà còn về sự hiền hòa và bao dung, mà chính cái chết của các ngài đã nói lên. Đàng khác, khi mừng lễ các thánh Tử Đạo, Hội Thánh muốn ca tụng ý nghĩa thiêng liêng, cái nguồn gốc tôn giáo của cái chết vì Đạo, mà Hội Thánh gọi bằng danh hiệu TỬ ĐẠO – có nghĩa là MINH CHỨNG (Martyros). Như thế rõ ràng Tử Đạo là một sự kiện liên quan đến đức tin ; nó đã được gánh chịu vì đức tin và nó được diễn giải như một bằng chứng tối thượng của lòng tin.
 
          Từ đó, chúng ta có thể rút ra một nhận định đơn giản nhưng quan trọng, đó là : Đức tin bao hàm một nguy hiểm, một sự liều lĩnh ; nó kèm theo một đe dọa đối với sự an toàn của tính mạng nơi những người tin. Điều đó muốn nhắc bảo chúng ta rằng : sống đời tín hữu là một việc rất nghiêm trọng thâm sâu, có tính cách chọn lựa cá nhân và quyết định. Từ ngày chúng ta gặp gỡ Chúa Kitô, cuộc sống của chúng ta đã được tháp nhập vào Chúa Kitô, chúng ta được gọi là kitô hữu-là bạn hữu của Chúa Kitô. Vận mạng của Chúa Kitô cũng là vận mạng của chúng ta. “Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng họ đã ghét Ta trước”. Và thực tại lịch sử nầy  sẽ còn kéo dài mãi cho đến tận thế.
 
          Hội Thánh, Cộng Đoàn các môn đệ Chúa Kitô phải cùng chung số phận với Thầy của mình. Hội Thánh luôn là đối tượng cho thế gian thù ghét. Hội thánh của Chúa Kitô luôn là Hội Thánh bị đóng đinh. Tertulianô đã ghi nhận về các cuộc bách hại Đạo Chúa như thế nầy: “Nhiều người đã coi sự căm hờn đối với kitô hữu trọng hơn cả lợi ích họ thâu đạt. Họ sẵn sàng hy sinh lợi lộc, miễn sao khu trừ được đối tượng họ thù ghét”. Và lạ lùng thay, đối lại sự thù ghét nầy, người kitô hữu bị bách hại không phản kháng, vì họ biết thân phận của mình. Họ biết mình hiện diện trên thế gian như một lữ khách; cũng như khi sống ở quê lạ, người ta rất dễ gặp kẻ thù. Quê hương, hy vọng, gia sản và phẩm giá của Hội Thánh ở nơi khác, không thuộc về thế gian nầy. “Các con không thuộc về thế gian, vì chính Thầy đã chọn các con khỏi thế gian, nên thế gian ghét các con”. Thánh Augustinô, vị Giám mục thời danh, cũng đã định nghĩa thân phận người kitô hữu một cách thần diệu: “Bao lâu chưa tận thế, Hội Thánh còn bước đi trên mặt đất như một người khách lạ, luôn di động giữa những cuộc bách hại của thế gian và sự vỗ về của tình Chúa yêu thương”.

          Vì vận mệnh của Hội Thánh là bị bách hại, nên Hội Thánh luôn luôn yêu mến các vị Tử Đạo. Hội Thánh thấy mình hiện diện cách đặc biệt nơi các vị Tử Đạo. Có thể nói được rằng, các vị Tử Đạo là những người con yêu của Hội Thánh, mà Hội Thánh đã cưu mang trong nước mắt trong máu đào. Chính các vị tử Đạo đã tô đậm nét hình ảnh của Hội Thánh là Nhiệm Thể Đức Kitô – Đức Kitô chịu đóng đinh.
 
          Mầu nhiệm Đức Kitô chịu đóng đinh sắp  được hiện tại hóa trên bàn thờ nầy.

          Xin Mình Máu Thánh Chúa Kitô là sức mạnh của các thánh Tử Đạo, là triều thiên vinh quang của các ngài, ban cho chúng ta được vững mạnh trong đức tin, luôn trung thành với Chúa và Hội Thánh, luôn tuân giữ các lời Chúa dạy và Hội Thánh truyền. Chính nhờ “cử hành cuộc tưởng niệm lễ Vượt Qua’’ chúng ta được củng cố đức tin bằng Lời Chúa và Mình Máu Thánh Ngài. Vì lời cầu bầu của thánh Stêphanô, xin cho chúng ta được hiểu rõ giá trị tối thượng của cuộc sống là gì. Là chính Chúa, là gắn bó với Chúa. Nếu phải chọn lựa, thì đức tin đối với chúng ta phải có giá trị hơn cuộc sống khả diệt nầy, như lời thánh Phaolô trong bài đọc II: “Tôi chắc chắn rằng : dù sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay các bậc quyền quý, tài sức, dù những sự hiện tại hay tương lai, hoặc sức mạnh, dù cao hay sâu, dù tạo vật nào khác, cũng không có thể tách biệt chúng ta ra khỏi lòng yêu mến của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”.  Lạy Mẹ Maria là Mẹ các kẻ tin và là Nữ Vương các thánh Tử  Đạo, xin cầu bầu cùng Chúa gia tăng niềm tin cho chúng con. Chính ân huệ tối hảo là đức tin nầy, sẽ cho phép chúng con giống Mẹ. Mẹ thật có phúc vì Mẹ đã tin. Vào buổi xế chiều của cuộc đời, xin Mẹ dẫn đưa chúng con đến bình minh của ngày vĩnh phúc. Amen.


[1] Sách Bài Giảng Chúa Nhật Năm C của Đức Cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm, Chúa Nhật III thường niên. 

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Trương Đình Tu
Từ khóa:

Stêphanô, Giảng lễ

Đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 78
  • Khách viếng thăm: 50
  • Máy chủ tìm kiếm: 28
  • Hôm nay: 18996
  • Tháng hiện tại: 220316
  • Tổng lượt truy cập: 12510028