Trang mới   https://gpquinhon.org

Bài giảng lễ tạ ơn và cung hiến nhà thờ Hội Lộc

Đăng lúc: Thứ năm - 13/12/2012 23:59
LỄ TẠ ƠN VÀ CUNG HIẾN NHÀ THỜ HỘI LỘC
Ngày 12-12-2012
 (Nkm 8,1-12; 1Cr 3,9b-13.16-17; Ga 2,13-22)
 
Hôm nay chúng ta cùng nhau qui tụ về đây để long trọng cử hành thánh lễ cung hiến nhà thờ giáo xứ Hội Lộc vừa được hoàn thành sau gần 2 năm xây dựng. Hội Lộc vốn là tên gọi của một giáo họ được hình thành từ vùng đất do thánh trùm cả Anrê Nguyễn Kim Thông có công khai phá vào giữa thế kỷ XIX với 4 gia đình đầu tiên từ Gò Thị sang lập nghiệp. Tên gọi đầu tiên là họ Đầm, vì nằm sâu trong họng đầm Thị Nại, hay còn được gọi là Hóc Đạo, vì là xóm đạo nằm trong hóc núi xa xôi cách trở.
 
Giáo họ này lúc đầu thuộc giáo xứ Gò Thị, sau đó thuộc giáo xứ Tân Dinh, và cuối cùng thuộc giáo xứ Qui Nhơn. Năm 1995, một ngôi nhà thờ khang trang đã được khởi công xây dựng để đáp ứng nhu cầu của giáo dân và đến ngày 26 tháng 09 năm 2009 giáo xứ Hội Lộc đã được thành lập với linh mục Gioakim Dương Minh Thanh là cha xứ tiên khởi. Giáo xứ mới đã tự khẳng định chính mình với 3 giáo họ: Hội Lộc, Nhơn Lý và Nhơn Hải bao gồm tổng số giáo dân là 618 người.
 
Thế nhưng cuộc đời vật đổi sao dời, giáo xứ Hội Lộc như em bé sơ sinh vừa mới ra đời được vài tháng tuổi đã phải chịu bồng bế di dời sang vùng đất khác, tức vùng đất của nhà thờ mới hiện nay, do chương trình giải tỏa của chính quyền để xây dựng khu kinh tế mở Nhơn Hội. Tại đây, đồng thời với việc xây dựng nhà cửa để ổn định cuộc sống, linh mục Gioakim Dương Minh Thanh cùng với bà con giáo dân bắt tay ngay vào việc xây dựng nhà xứ, nhà sinh hoạt và cuối cùng là nhà thờ mới, nơi cộng đồng dân Chúa tập hợp để lắng nghe Lời Chúa, cùng nhau cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích và cử hành Thánh Thể. Ngôi nhà thờ nằm tựa hông vào núi Phương Mai hùng vĩ, soi bóng xuống đầm Thị Nại mộng mơ, tạo nên một nét nên thơ điểm xuyết trên bức tranh vốn đã vô cùng xinh đẹp với trời xanh, cát trắng và mặt đầm phẳng lặng.
 
Vì được xây dựng để mãi mãi chỉ dùng vào việc thờ phượng Thiên Chúa và cử hành các mầu nhiệm thánh, nên theo truyền thống cổ kính của Hội Thánh công giáo, nhà thờ giáo xứ phải được cung hiến cho Thiên Chúa bằng một nghi lễ long trọng, như nghi thức chúng ta đang cử hành hôm nay cho nhà thờ Hội Lộc này. Chính nghi thức này không những biến ngôi nhà này thành một không gian thánh, mà còn biến ngày hôm nay thành một thời gian thánh, như lời Kinh Thánh chúng ta vừa nghe trong bài đọc I trích sách Nơkhemia.
 
Thực vậy, trong ngày mà các chuyên gia Thánh Kinh gọi là ngày khai sinh Do-thái giáo, những người Do-thái từ nơi lưu đày trở về thánh đô Giêrusalem qui tụ lại để nghe ông Ét-ra đọc sách luật và giải thích luật Chúa cho dân, như nền tảng của một cuộc phục hưng tôn giáo sau thời gian sụp đổ điêu tàn do chiến tranh và cảnh lưu đày. Ông lớn tiếng tuyên bố: “Hôm nay là ngày thánh hiến cho Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, anh em đừng sầu than khóc lóc” (Nkm 8,9). Lời kêu gọi ấy được lặp lại hôm nay với cộng đồng dân Chúa giáo xứ Hội Lộc, vì hôm nay là ngày thánh của giáo xứ, ngày vui mừng vì nhà thờ đã được xây dựng hoàn thành và cung hiến cho Thiên Chúa.
 
Nhà thờ được cung hiến cho Thiên Chúa để làm nơi cầu nguyện và thờ phượng Người. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã đánh dấu việc khai mào sứ vụ của Người bằng việc thanh tẩy đền thờ Giêrusalem. Khi mạnh tay xua đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ, Chúa Giêsu đã nói: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán” (Ga 2,16). Buôn bán tự nó không phải là điều gì xấu, nhưng đó là việc phàm tục, bị chi phối bởi ý đồ tìm kiếm lợi nhuận vật chất theo qui luật của cơ chế thị trường, không phù hợp với đền thờ là nơi thánh thiêng, nơi cầu nguyện và tôn thờ Thiên Chúa với tâm tình kính mến, không phải để tìm kiếm những lợi lộc thấp hèn. Đó là chưa kể việc buôn bán thường đi liền với cạnh tranh và gian lận, gây bất hòa và cãi vã.
 
Chúa Giêsu còn tiến xa hơn nữa khi thay thế đền thờ Giêrusalem bằng ngôi đền thờ đích thực là chính thân thể Người, một thân thể sẽ bị người ta xúc phạm qua cuộc khổ nạn như người ta đã xúc phạm đền thờ Giêrusalem bằng việc buôn bán, nhưng thân thể ấy sẽ phục sinh và nối kết nhiều người thành ngôi đền thờ rộng lớn là Hội Thánh.
 
Ngôi nhà thờ chúng ta cung hiến hôm nay là biểu tượng của Hội Thánh, thân thể Đức Kitô. Mặc dù được xây dựng từ những chất liệu phàm tục như bao ngôi nhà khác, nhưng một khi đã được cung hiến cho Thiên Chúa, nó lập tức biến những chất liệu phàm tục ấy thành thánh thiêng, cũng như qua mầu nhiệm nhập thể Ngôi Hai Thiên Chúa đã mang lấy thân xác phàm trần và làm cho nó tràn đầy thần tính của Người.
 
Trung tâm điểm của nhà thờ chính là bàn thờ, tượng trưng cho Đức Kitô đang hiện diện giữa lòng Hội Thánh. Bàn thờ thường được làm bằng đá để tượng trưng cho Đức Kitô là đá tảng. Chính trên bàn thờ mỗi ngày hy tế Thánh Thể được cử hành và Chúa Giêsu tiếp tục hiện diện đêm ngày trong nhà tạm. Vì những lý do đó, nhà thờ sau khi được cung hiến phải được tôn kính một cách đặc biệt. Các tín hữu phải thật nghiêm trang khi ở trong nhà thờ, ngay cả ngoài giờ cử hành phụng vụ, và phải giữ gìn nhà thờ luôn sạch sẽ. Đặc biệt, sự tôn kính và quí trọng đối với nhà thờ phải được thể hiện bằng việc thường xuyên đến cầu nguyện và tham dự phụng vụ cách đông đảo và sốt sắng, không để nhà thờ hoang vắng.
 
Ngoài ra, nghi thức cung hiến ngôi nhà thờ hôm nay cũng nhắc nhở chúng ta rằng mỗi người trong chúng ta là một ngôi đền thờ sống động, được cung hiến cho Thiên Chúa qua bí tích rửa tội. Trong bài đọc II trích thư thứ nhất gửi các tin hữu Côrintô, thánh Phaolô đã viết: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Vậy ai phá hủy đền thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ hủy diệt kẻ ấy. Vì đền thờ Thiên Chúa là nơi thánh và đền thờ ấy chính là anh em” (1Cr 3,16-17).
 
Ngôi nhà thờ bằng gỗ đá này sẽ bị hoang phế và phá hủy nếu mỗi người trong cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Hội Lộc không biết gìn giữ ngôi đền thờ là chính bản thân mình khỏi những tàn phá do tội lỗi. Nếu không ai trong giáo xứ còn sống đạo thì nhà thờ sẽ biến thành cái kho và chẳng bao lâu sẽ sụp đổ thành đống hoang tàn. Vì thế, điều quan trọng trước hết chính là mỗi người phải cố gắng xây dựng đời sống đức tin của mình và gia đình mình.
 
Nhà thờ là nơi chúng ta đào sâu đức tin nhờ việc học hỏi giáo lý và lắng nghe Lời Chúa, cũng như nhờ việc cử hành các hành vi đức tin là các nghi thức phụng vụ, nhất là thánh lễ. Nhưng đức tin không phải chỉ được cử hành ở nhà thờ, trong một số ít giờ nào đó, mà còn phải được sống mỗi ngày xuyên qua lời nói, cách ăn nết ở, và nhất là phải được làm chứng trước mặt mọi người bằng những hành vi đức ái, như khoan dung, tha thứ, hòa thuận, giúp đỡ lẫn nhau. Đó chính là những mục tiêu mà toàn thể Hội Thánh đang nhắm tới trong Năm Đức Tin này.
 
Nguyện xin Thiên Chúa tiếp tục đổ tràn phúc lành của Người trên toàn thể cộng đồng dân Chúa giáo xứ Hội Lộc, để nơi đây trở thành nơi hội tụ của muôn phúc lộc, đúng như tên gọi của giáo xứ và như ước mơ của mọi người.
 
+ GM Matthêu Nguyễn Văn Khôi
 
Tác giả bài viết: + GM Matthêu Nguyễn Văn Khôi
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 101
  • Khách viếng thăm: 78
  • Máy chủ tìm kiếm: 23
  • Hôm nay: 28074
  • Tháng hiện tại: 60332
  • Tổng lượt truy cập: 12350044