Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật II Thường Niên C

Đăng lúc: Thứ tư - 13/01/2016 16:52
CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN C


            Kính thưa cộng đoàn.

            Chúng ta đã bước vào mùa Thường Niên trước Mùa Chay. Mùa này “không có cử hành một khía cạnh nào đặc biệt về mầu nhiệm Chúa Kitô, nhưng lại tôn kính chính mầu nhiệm Chúa Kitô trong toàn bộ, nhất là trong các ngày Chúa Nhật”. Mùa Thường Niên mà Giáo hội cử hành diễn tả lại hành trình rao giảng của Chúa Giêsu từ những ngày đầu tiên cho đến trước khi Chúa chịu thương khó. Mỗi một tuần lễ trong mùa này cũng được coi như một “tiểu hành trình” của Chúa Giêsu trong cuộc đời của Người. Đỉnh cao của một tuần lễ là ngày Chúa Nhật, ngày mừng kính mầu nhiệm phục sinh vinh quang của Chúa Giêsu. Để đạt được đích điểm đó, Chúa đã bắt đầu hành trình của mình từ những biến cố nhỏ nhặt nhất. Điều quan trọng là ở chỗ, tuy đó chỉ là những biến cố không mang tính trọng đại nhưng để lại cả một mạc khải to lớn mà Chúa muốn trao tặng cho nhân loại. Bài Tin Mừng theo thánh Gioan hôm nay tường thuật phép lạ của Chúa Giêsu tại tiệc cưới Cana. Đây cũng là phép lạ đầu tiên khai mở hành trình cứu độ của Chúa Giêsu theo Tin Mừng Gioan.

            Chúa Giêsu đến dự một “tiệc cưới” với “thân mẫu Người” vào “ngày thứ ba”. Thời gian “ngày thứ ba” làm chúng ta liên tưởng đến biến cố Sinai. Sau ba tháng rời khỏi Ai Cập và ba ngày thanh tẩy, Đức Chúa ngự xuống và kí kết giao ước với dân riêng trên núi Sinai. “Ngày thứ ba” cũng là ngày Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết. Như vậy, thời gian khai mở cuộc đời công khai của Chúa Giêsu được nối kết với biến cố Sinai. Đây là dấu chỉ Chúa Giêsu là Đấng đến từ Thiên Chúa và chuẩn bị mạc khải cho dân những điều quan trọng. Đồng thời, đây cũng là lời tiên báo cho mầu nhiệm Phục sinh của Người. Nếu “Ngày thứ ba” tại Sinai, Thiên Chúa tỏ bày vinh quang khi kí kết giao ước thì “Ngày thứ ba” tại Cana, Chúa Giêsu tỏ bày vinh quang của Người khi trao ban rượu mới ngon hơn, chính là sứ điệp mà Người sắp sửa loan báo.

Chúa Giêsu nhận lời mời và đến dự tiệc cưới của một người bà con. “Tiệc cưới” vừa là niềm vui hạnh phúc cho đôi vợ chồng và gia đình hai bên, vừa diễn tả một cuộc hôn nhân cao cả giữa Đấng Mêsia với dân Chúa. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nhiều lần được nói đến như chàng rể và Nước Trời mà Chúa Giêsu khai mở là một tiệc cưới. Như vậy, Chúa Giêsu tham dự tiệc cưới nhưng không phải của đôi bạn trẻ nhưng là hôn ước của chính Người, Đấng Cứu Thế, với chúng ta là Giáo hội, là Hiền thê của Chúa. Chính vị Tân Lang là Chúa Giêsu sẽ đưa mọi người vào bàn tiệc Thiên Quốc.

Chúa Giêsu đi với thân mẫu Người. “Thân mẫu” với đại từ “Bà” thay cho tên riêng của Mẹ Maria vừa để nói lên tính chất đơn sơ, khiêm nhường nhưng rất cao sang, huyền nhiệm của Mẹ, vừa để nhấn mạnh đến vai trò quan trọng, hơn là danh tính của Mẹ.

Ba lời giới thiệu mào đầu này định hình cho chúng ta về bối cảnh diễn ra phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu. Từ đó, qua cuộc đối thoại với Mẹ, Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta nhiều mầu nhiệm cao cả về Người và sứ mạng của Người.

Khi tiệc cưới đang diễn ra, bằng trực giác tinh tế của người phụ nữ và một người mẹ, Mẹ Maria phát hiện họ đã hết rượu. Hết rượu là một điềm xấu có thể phá đổ niềm vui trọn vẹn của tiệc cưới. Vì vậy, Mẹ đã thỉnh cầu một cách kín đáo và tin tưởng với Con: “Họ hết rượu rồi”. Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: “Thưa Bà, việc đó có can gì đến Bà và Con? Giờ của Con chưa đến”.

Chúa Giêsu gọi Mẹ là “Bà”. Theo Tin Mừng Gioan, với danh xưng này, CGS muốn đề cao Mẹ như là Eva mới, là đại diện cho toàn thể dân tộc Israel. Nhờ Tân Lang là chính Người, Mẹ là người đầu tiên trong toàn thể dân tộc Israel được đón nhận Tin Mừng cứu rỗi. Nhưng “Giờ” của Chúa chưa đến, nên “việc đó có can gì đến Mẹ và đến Người”. Giờ của Chúa Giêsu là giờ khổ nạn và phục sinh. Giờ của Chúa lại được liên kết với “Rượu” do chính Người ban tặng.

Rượu mà Chúa Giêsu biến từ nước lã trong tiệc cưới Cana mang nhiều ý nghĩa. Rượu là hồng ân Thiên Chúa ban dư dật và nhưng không. Rượu là tình yêu nồng nàn của Chúa là Tân Lang với Hiền Thê là Giáo hội. Rượu là sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, là Luật Chúa. Rượu mà Chúa Giêsu ban là thứ rượu kiện toàn lề luật Cựu Ước và mở ra những giáo huấn mới mẻ của Đấng Thiên Sai là Chúa Giêsu. Rượu là Tin Mừng của Chúa Giêsu, là lời mạc khải của Người. Chính Chúa Giêsu là Đấng hoàn thành tất cả những lời Kinh Thánh Cựu Ước đã nói đến. Rượu mà Chúa ban là thứ rượu viên mãn trên Quê Trời. Rượu là Lời Chân Lý, là Sự Thật toàn vẹn xuất phát từ Chúa Giêsu.

Sở dĩ “Rượu” mang nhiều ý nghĩa như vậy vì “Rượu” được lòng ghép vào bối cảnh diễn ra phép lạ. Khi nước lã biến thành rượu ngon và được đưa đến người quản tiệc, ông này đã trách chủ tiệc: “… còn anh, anh lại giữ rượu ngon cho đến mãi bây giờ”. Giữ là một động từ tiêu biểu của Gioan khi ông nói về Lời và giới răn của Chúa. Như vậy, “Rượu” do chính Chúa Giêsu làm ra là chính Lời Hằng Sống của Người sẽ được “giữ” cho đến cuối cùng. Bên cạnh đó, Chúa Giêsu sai các đầy tớ đổ đầy sáu chum nước, là thứ dùng để thanh tẩy theo tập tục Do Thái. Chính thứ nước thanh tẩy bên ngoài theo luật cũ đã được Chúa Giêsu biến thành rượu ngon. Rượu ngon lại có giá trị hơn nước thanh tẩy. Như vậy, đây là dấu chỉ Chúa Giêsu là Đấng kiện toàn và nâng lề luật Môisê lên thành Lời Chúa là Lời mang lại ơn cứu độ muôn đời. Rượu ngon là Lời Chân Lý của Đấng Cứu Thế. Rượu đó được ban dư tràn và không bao giờ cạn kiệt. Ai uống thứ rượu đó, nghĩa là tuân giữ lời Chúa Giêsu dạy sẽ được hưởng nếm hạnh phúc ngay từ đời này và được vào chung hưởng bàn tiệc với Người trên thiên quốc.

Một điều kiện quan trọng để Chúa Giêsu làm phép lạ đầu tiên biến nước lã thành rượu ngon này, ngoài sự can thiệp của Mẹ Maria còn có sự vâng phục của các đầy tớ. Mẹ đã căn dặn họ: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Chúa nói và con người tuân giữ thì quá dễ dàng. Đàng này, trong tiệc cưới Cana, Chúa Giêsu chỉ là khách dự tiệc mà lại sai khiến các đầy tớ của chủ tiệc và họ làm đúng theo những gì Người nói. Kết quả là họ đã có đủ rượu ngon, cứu nguy cho tiệc cưới. Chính sự vâng lời tuyệt đối của các đầy tớ, qua lời căn dặn của Mẹ Maria, mà họ đạt được kết quả nhưng mình mong muốn. “Đầy tớ” là chính những Kitô hữu luôn cần tin tưởng tuyệt đối vào Chúa và hết lòng tuân giữ Lời Người. Tin - vâng lời - phục vụ Chúa là cách thế để chúng ta đạt được Quê Trời là phần thưởng tuyệt đối không có gì sánh bằng.

Nước Trời là nơi tràn ngập vinh quang Thiên Chúa, nơi Công Lý ngự trị, nơi Đức Công Chính là Thiên Chúa làm chủ và mời gọi chúng ta vào hưởng phúc với Người. Nơi ấy, chúng ta không còn chịu đau khổ nhưng được Thiên Chúa đặc biệt yêu thương, trìu mến và sủng ái. Chính Chúa, Đấng Tạo Dựng cũng sẽ kết duyên với chúng ta như chú rể với cô dâu. Chính Chúa sẽ là niềm vui của ta và ta là niềm vui của Người. Đó là viễn cảnh Thiên Đàng mai sau mà bài đọc một trích sách Ngôn sứ Isaia tiên báo cho chúng ta.

Như vậy, muốn đạt được phần thưởng thiên đàng, chúng ta hãy bắt đầu với lòng tin vào Chúa, luôn lắng nghe và thi hành Lời Chúa dạy. Như Thánh tông đồ Phaolô trong bài đọc hai nhắc nhở chúng ta: mỗi người được Chúa ban ơn, thúc đẩy và trao ban một vị trí, một sứ mạng khác nhau. Nhưng tất cả đều chung quy về Chúa vừa là nguồn cội, vừa là cùng đích mà ta hướng tới. Dù là người khôn ngoan, hiểu biết để giảng dạy và trình bày, dù là kẻ mạnh tin hay chữa được bệnh tật, dù là ơn làm phép lạ hay nói tiên tri, dù là người biết phân định, nói các thứ tiếng lạ hay giải thích nó thì tất cả đều là ơn linh hứng của Chúa Thánh Thần và hướng dẫn mỗi người tùy theo ý muốn của Người. Vì vậy, chúng ta có khả năng gì điều đó không quan trọng, nhưng chúng ta dùng khả năng đó mà phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân ra sao, điều đó mới đáng nói. Vì tất cả là hồng ân của Chúa ban để giúp chúng ta đạt tới thiên quốc với Người. Chúng ta là con cái Chúa, Chúa luôn yêu thương chúng ta dù chúng ta là ai và như thế nào. Chúng ta hãy cố gắng sống hết mình vì yêu mến Chúa. Nhờ yêu mến Chúa mà chúng ta yêu thương anh chị em xung quanh mình. Đó là giới răn quan trọng nhất Chúa muốn chúng ta sống và là cách ngắn nhất, hữu hiệu nhất để chúng ta về bên Chúa và hưởng lấy bàn tiệc hạnh phúc đời đời. Amen.
Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Trần Quốc Cường
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 195
  • Khách viếng thăm: 153
  • Máy chủ tìm kiếm: 42
  • Hôm nay: 18264
  • Tháng hiện tại: 40450
  • Tổng lượt truy cập: 12330162