Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật XXIX Thường Niên

Đăng lúc: Thứ tư - 12/10/2016 19:18
CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN
(Lc 18, 1-8)


Lm. Giuse Nguyễn Quốc Việt

Vào những năm khó khăn, Giáo Hội bị bách hại, có một linh mục dòng Tên bị bắt, nhốt vào tù không cần xét xử. Mục đích của việc bắt giam là để triệt phá nhà dòng và chiếm đất. Một hôm, người quản giáo gặp vị linh mục, anh ta hất hàm và hỏi: “Ông cầu nguyện đi, xem Chúa của ông có giải thoát ông khỏi tay tôi không?” Vị linh mục từ tốn trả lời: “Tôi cầu nguyện chứ. Nhưng không phải để Chúa giải thoát tôi khỏi tay anh, mà để anh và tôi ở trong tay Chúa.” Người quản giáo ngạc nhiên trước câu trả lời của vị linh mục, anh ta sững sờ giây lát rồi im lặng bỏ đi.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, qua câu chuyện “Dụ ngôn quan toà bất chính và bà goá quấy rầy” (Lc 18, 1-8), Chúa Giêsu dạy các môn đệ “phải cầu nguyện luôn đừng nản chí”. Kết thúc dụ ngôn Chúa Giêsu kết luận: “Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”

Cũng trong Tin Mừng, nhiều lần Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện, chẳng hạn như Tin Mừng Mát-thêu chương 6 và 7: Chúa Giêsu dạy cách cầu nguyện (x. Mt 6, 7-14), tâm tình cầu nguyện (x. Mt 6, 5-6) và giá trị của việc cầu nguyện (x. Mt 7, 7-11)… Ở đây, Tin Mừng Chúa Nhật 29 mùa Thường Niên năm C, điểm nhấn mà Chúa Giêsu muốn các môn đệ nắm giữ là “phải cầu nguyện luôn đừng nản chí”. Đọc lại câu chuyện cuộc đời Chúa Giêsu, điều nổi bật ai cũng thấy là Chúa Giêsu luôn cầu nguyện:

Chúa Giêsu cầu nguyện khi xong công việc, có thể đó là lúc thảnh thơi như Tin Mừng kể sau khi làm phép lạ hoá bánh ra nhiều cho hơn 5000 người ăn no, Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện (x. Mt 14, 23). Ngài cầu nguyện ngay lúc cuộc sống bề bộn với bao nhiêu việc cấp bách phải làm. Mở đầu sứ vụ rao giảng công khai, hết một ngày làm việc vẫn chưa được nghỉ ngơi, tối đến, Chúa Giêsu tiếp tục cứu chữa những người ốm đau, bị quỷ ám (x. Mc 1, 32-34). Vậy mà “sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó” (Mc 1,35). Chúa Giêsu cầu nguyện suốt đêm trước khi chọn 12 Tông Đồ (x. Lc 6,12).

Ngài cầu nguyện lúc hân hoan, khi công việc của Ngài diễn ra suôn sẻ như sau lần sai 72 môn đệ đi rao giảng, kết quả thật không ngờ. Các ông trở về thuật lại: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con” (Lc 10,17).  Tin Mừng theo Thánh Luca kể: “Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Lc 10,21). Ngài cầu nguyện lúc lo âu sầu muộn. Trong vườn Cây Dầu, khi Chúa Giêsu xao xuyến buồn phiền như Ngài diễn tả là buồn đến chết được (x. Mc 14,34), Chúa Giêsu đã thiết tha cầu nguyện: “Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn” (Mc 14,36).

Chúa Giêsu cầu nguyện khi xác tín Chúa Cha sẽ nhậm lời như khi đứng trước ngôi mộ của anh La-gia-rô, Ngài muốn anh sống lại, Ngài đã thưa với Chúa Cha rằng: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con. Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con” (Ga 11, 41b- 42). Và Ngài đã cầu nguyện khi thử thách lên đến tột cùng, giữa thế gian độc ác, gian tà che khuất không con thấy bóng dáng Hiền Phụ luôn đồng hành chăm sóc yêu thương, đến độ Chúa Giêsu đã thốt lên: “Ê-lô-i, Ê-lô-i, la-ma-xa-bác-tha-ni” Nghĩa là: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con” (Mc 15,34). Giữa cảnh tối tăm của thế gian quyết tâm loại trừ Thiên Chúa được mạc khải nơi Đức Kitô như thế, không phải là im lặng nhưng là lời cầu nguyện tuyệt vời diễn tả tâm tình của Người Con một lòng tín thác: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Nói xong, Người tắt thở” (Lc 27,46).

Với những trích dẫn ở trên, lời Kinh Thánh nói: “Phải cầu nguyện luôn đừng nản chí” không chỉ là lời dạy mà còn là lối sống của Chúa Giêsu, Đấng mà ta tôn thờ, tin theo với lý tưởng là trở nên giống Ngài trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Người xưa đã nói: “Con nhà tông không giống long cũng giống cánh”. Là Kitô hữu phải nên giống Chúa Giêsu, đặc biệt ở đời sống cầu nguyện.

“Phải cầu nguyện luôn đừng nản chí.” Lời dạy này chắc chắn là khó, do đó, kết thúc Tin Mừng Chúa Giêsu nói: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 8, 8b). Tại sao? Chắc hẳn vì nhiều lý do. Dễ thấy nhất là vì ta chưa đủ lòng tin hay lòng tin bị lệch hướng. Kitô hữu tin Chúa Giêsu nhiều khi mang tính chung chung, tin rằng có Chúa thế thôi. Lòng tin như vậy là bỏ mất điều quan trọng: Chúa Giêsu là Đấng Phục Sinh, Ngài đang ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28, 20). Ngài đang ở với ta, đang đồng hành với ta. Sự hiện diện của Ngài là cụ thể và sống động. Ta không thấy Ngài, nhưng rất thực, Ngài có đây một cách trọn vẹn. Như ngày xưa, sau Phục Sinh, thánh Tôma không thấy Chúa nên vội nói: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn, tôi chẳng có tin” (Ga 20, 25), thánh Tôma đâu ngờ Chúa Giêsu đang ở đó với các Tông Đồ, Ngài biết tất cả. Chính thánh Phaolô đã nói với cộng đoàn ở Ê-phê-sô: “Thuở ấy anh em không có Đức Kitô […] không có Thiên Chúa ở trần gian này” (Ep 2,12). Thiên Chúa đang ở trần gian, đây là điểm đặc biệt của niềm tin Kitô giáo. Tin Chúa là tin Ngài đang hiện diện dẫn ta đi trên con đường đời mỗi người mỗi cảnh,  nhưng chung cuộc là về Nước của Ngài, Nước mà Ngài đã thiết lập cho những ai tin vào Ngài. Một khi tin Chúa là Đấng đang hiện diện sẽ thúc đẩy người tin cầu nguyện, vì cầu nguyện là cách ta giao thiệp với Ngài, Đức Giêsu Kitô, Đấng ta tin rằng Ngài đang ở cùng ta. Cũng như trong cuộc sống đời thường, vì tôi biết có anh ở nhà đây nên tôi đến nói chuyện. Càng tin Chúa Giêsu hiện diện, Kitô hữu càng cầu nguyện nhiệt thành và sốt sắng; ngược lại, khi lòng tin còn mơ hồ thì cầu nguyện cũng chỉ là chiếu lệ qua loa. Vì thế, để có đời sống cầu nguyện như Chúa dạy, Kitô hữu cần xin ơn và học biết để có lòng tin đích thực vào Ngài.  Tạ ơn Đức Giêsu Kitô, là Thiên Chúa chúng ta tôn thờ! Ngài luôn cúi xuống nâng ta lên, cho ta đủ sức để giữ trọn Lời Ngài. “Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” là khó, nên Chúa Giêsu đứng ra bảo đảm cho ta về kết quả của cầu nguyện. Ngài nói: “Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ” (Lc 8, 6-8a). Trong Tin Mừng thánh Mát-Thêu, Chúa mạnh mẽ khẳn định: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho” (Mt 7,7). Theo Tin Mừng thánh Gio-an, Chúa Giêsu nói như là nhắn nhủ: “Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy. Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em được nên trọn vẹn” (Ga 16, 23-24).

Dựa trên Lời Chúa, chúng ta xác tín rằng cầu nguyện luôn được Chúa nhậm lời. Chỉ cần lưu ý: có hai cách Chúa ban ơn. Cách thứ nhất Chúa ban cho ta như lòng mong ước. Cách thứ hai, đôi khi Chúa im lặng như thể không nhậm lời; thực ra, đó là lúc Chúa đang chuẩn bị cho ta một ơn khác lớn hơn. Tại sao vậy? Cũng thật dễ hiểu, vì ta chỉ thấy cái tốt, cái hay, cái cần thiết trước mặt, còn Chúa thì thấy hết cả cuộc đời. Như em bé đi học, ngày hè đến, nhà trường tổ chức cho các em đi dã ngoại. Thằng bé rất vui, nao nức về nhà xin phép mẹ. Mẹ của bé không cho, nó giận lẫy khóc hoài. Nó đâu biết, mẹ đang chuẩn bị cho nó về quê thăm nội, nghỉ hè với các anh bà con trong ấy rất vui như năm trước chị của nó đã đi và rất thích. Dù chưa bệnh, nhưng thằng bé đã có triệu chứng cảm, thời tiết đang chuyển mưa, với sức khoẻ của nó cuộc dã ngoại sẽ là không tốt. Nó không thể biết điều đó, còn người mẹ thì biết rõ con. Mẹ nó đang chuẩn bị cho nó điều tốt hơn điều nó xin, chỉ tội nó không nhận ra nên khổ sở khi bị mẹ chối từ. Thánh Phaolô Tông Đồ cũng đã từng chia sẻ kinh nghiệm cầu nguyện của Ngài. Tất nhiên, đã nhiều lần Chúa ban cho ngài như lòng ước nguyện, nhưng có lúc thì không. Ngài viết: “Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi: “Ơn của Thầy có đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi” (2 Cr 12, 8-9). Chúa là Đấng ban ơn nên hãy cầu nguyện luôn đừng nản chí. Chúa Giêsu luôn hiện diện trong ta, khi ta đau khổ Chúa an ủi: con có phúc vì sẽ được Thiên Chúa ủi an (x. Mt 5, 5); khi ta lo âu Chúa nhắc: “đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6, 34); khi ta mệt mỏi, chán chường Chúa đến bên nâng đỡ: “Hãy đến với Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng…” (Mt 11, 28-29). Vì thế, xin đừng quên cầu nguyện kẻo ta phụ tình Ngài; xin đừng quên cầu nguyện mà lãng phí ơn Ngài sẳn ban. Và trong khi cầu nguyện xin hãy nhớ thân thưa với Chúa:

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết cầu nguyện và yêu mến việc cầu nguyện.

 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 10
  • Khách viếng thăm: 7
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 2958
  • Tháng hiện tại: 129480
  • Tổng lượt truy cập: 12273740