Trang mới   https://gpquinhon.org

Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Đăng lúc: Thứ tư - 09/11/2016 17:45


LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Lc 9, 23-26
 
Lm. Phêrô Võ Hồng Sinh

Đứng trước cái chết và với bản năng sinh tồn trong con người, ai chẳng cảm thấy sợ hãi. Và cứ theo lẽ thường, con người sẽ tìm đủ mọi cách thế để trốn chạy cái chết. Như vậy phải chăng các thánh tử đạo mà chúng ta mừng kính hôm nay là những con người không bình thường, và lời Chúa dạy chúng ta phải coi thường mạng sống mình cũng là một nghịch lý của cuộc đời? Hẳn nhiên các thánh tử đạo đã không đi tìm cái chết chỉ vì các Ngài muốn chết, hoặc vì chán sống, muốn kết thúc sớm cuộc sống ở cuộc đời này. Không phải thế. Các ngài rất quí trọng sự sống. Tuy nhiên khi cần phải làm chứng cho Tin Mừng của Chúa, khi phải đánh đổi cho một sự sống dồi dào, trường cửu hơn, khi nhờ cái chết của các Ngài, hạt giống đức tin được trổ hoa kết trái, thì các Ngài đã can đảm đón nhận cái chết.

Hôm nay cùng với Giáo Hội hoàn cầu và đặc biệt Giáo Hội Việt Nam, chúng ta long trọng mừng kính các anh hùng tử đạo Việt Nam. Tất nhiên, con số không chỉ dừng lại ở 118 vị đã được chọn và được Giáo Hội tuyên phong A Thánh và Hiển Thánh, nhưng còn nhiều vị khác nữa đã âm thầm chịu chết mà Giáo Hội không nhắc đến. Các ngài là những người đã thực thi trọn vẹn chân lý mà Chúa Giêsu đã rao giảng và được Tin Mừng của thánh Luca ghi lại: "Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”. Các thánh tử đạo Việt Nam đã vì Chúa, vì niềm tin, vì đạo thánh mà đánh đổi chính mạng sống của mình, bởi các ngài đã tin vào lời Chúa dạy: “Được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay thiệt thân, thì nào có lợi gì?”. Vâng! Cái chết của các ngài không phải là một chấm hết trong tuyệt vọng, bởi nó không chỉ mang lại ích lợi cho bản thân các ngài, mà cho Giáo hội Việt Nam thân yêu của mình nữa. Cho chính các ngài, vì từ đây các ngài được Chúa thưởng ban một sự sống mới bất diệt trên thiên đàng. Cho Giáo Hội Việt Nam, vì giọt máu các ngài đổ ra để làm chứng niềm tin, thì hôm nay đã khai sinh một Giáo Hội Công giáo Việt Nam, với những bước tiến vững vàng, trưởng thành, một Giáo Hội với nhiều tiềm năng và sức sống.

Mỗi lần mừng kính các thánh Tử Đạo Việt Nam là mỗi lần chúng ta được nhắc nhớ rằng: hạt giống đức tin mà chúng ta đã lãnh nhận được trên mảnh đất quê hương này, trước tiên đó là một hồng ân của Chúa tặng ban, nhưng cũng chính là hạt giống được vun trồng và tưới gội bằng nước mắt, mồ hôi và máu thắm của cha ông chúng ta, và được trao tặng lại cho con cháu chúng ta. Và như thế, đức tin ấy là một gia sản vô cùng quí giá mà chúng ta, không phải chỉ biết trân trọng giữ gìn, mà còn phải phát huy và trao gửi lại cho những người khác nữa.

Nếu trong hoàn cảnh xã hội thời đó, cha ông chúng ta qua cái chết anh dũng, đã trở thành chứng nhân của Chúa, để làm chứng cho những giá trị ưu việt của Tin Mừng, để nói lên niềm tin của mình vào một Thiên Chúa quyền năng và tình thương, và để trao ban niềm tin đó cho chúng ta, thì hôm nay, con đường chứng tá đó cũng là của chúng ta. Dĩ nhiên, hôm nay chúng ta không còn tìm gặp những hình thức bách hại đạo khủng khiếp như thời của cha ông chúng ta. Nhưng một hình thức bách đạo mới còn khắc nghiệt hơn đòi chúng ta tử đạo. Hình thức bách đạo mới này nó không giết chết một lần, nhưng lại giết chết chúng ta cách ầm thầm từng ngày từng giờ, từng giây từng phút. Mỗi ngày, nó gặm nhấm niềm tin vào Chúa một tí, không chảy máu, không đớn đau mà lại rất ngọt ngào. Hình thức bách đạo mới đó chính là: công ăn chuyện làm, tiện nghi vật chất, sự đua đòi thích hưởng thụ, dễ dãi, lười biếng, thói đời, hoàn cảnh thời tiết nắng mưa, đường sá xa xôi… tỉ dụ: Công ăn việc làm nó có sức cám dỗ rất mạnh làm chúng ta bỏ lễ cách dễ dàng; ti vi, đầu đĩa trình chiếu một bộ phim hay, một sô nhạc bốc làm chúng ta xem thường việc đạo đức; trời mưa, đường sá xa xôi, lầy lội cũng là một thứ bách hại; người lương xung quanh dòm ngó, đàm tiếu việc làm của người Công giáo không giống ai và có cảm tưởng mình như là người lập dị; mọi người ai cũng nói dối, gian tham, ích kỷ… như là điều đương nhiên; luật Chúa thì quá khắt khe trong khi xã hội ai cũng thoải mái trong việc cưới hỏi, tự do ly dị đầy dẫy thì tôi nay sao bỏ qua cơ hội này được; gia đình bỏ bê trách nhiệm, thiếu quan tâm giáo dục con cái, sợ chúng nó thua bạn kém bè, nên chúng đòi gì được nấy, muốn gì chìu tối đa: cũng cho học kèm hết mức, sắm sửa di động, tóc kiểu nào cũng được, áo quần sao cũng xong, rãnh rỗi thì nó đi rong chơi mà không một lời nhắc nhở đi lễ, đọc kinh, học giáo lý… nên mới có câu: “Con đặt đâu cha mẹ ngồi đó” là vậy; sống với người lương nên cũng du nhập đủ những điều “tốt”, điều “hay”: tin thầy, bói toán, dị đoan, coi xem ngày giờ tuổi tác để cưới hỏi, chôn cất, xây nhà dựng cửa,…  Với hình thức bách đạo mới như vậy, đủ cho thấy việc chúng ta khô đạo hoặc bỏ đạo chỉ một chóng một chày. Chỉ cần một khó khăn nhỏ, một điều phật ý, một thiệt hại cá nhân… là đã đủ lý do để chúng ta bỏ đạo và bỏ một cách “trọn gói”. Nêu lên một vài ví dụ như vậy để chúng ta thấy sự bách hại đạo thời nay thật là khủng khiếp, nếu chúng ta không đề cao cảnh giác, nỗ lực hết mình và cậy nhờ vào ơn Chúa, thì chúng ta sẽ đánh mất đức tin, bị thoái hóa và cuốn trôi theo dòng đời hưởng thụ hôm nay.

Vậy, tử đạo ngày nay là quyết tâm không sống theo thói đời để làm chứng cho Chúa là con đường mà chúng ta hôm nay và mọi thế hệ phải bước vào. Mỗi ngày, chúng ta phải chấp nhận những hy sinh, mất mát, thua thiệt; phải luôn có những nỗ lực mới để chống trả với những khuynh hướng xấu nơi bản thân gia đình chúng ta và những cám dỗ của những người lương sống chung quanh chúng ta nữa. Nhưng đây không phải là một việc dễ dàng để chúng ta có thể dám tử đạo vì Chúa. Trong một hoàn cảnh mà xã hội đã phát triển nhiều về mặt kinh tế vật chất như hiện nay: công việc, tiền bạc, tiện nghi, thói hưởng thụ, sự dễ dãi thoải mái,… xem ra như đã khống chế và thống trị trên mọi giá trị khác. Phải có vốn kiến thức giáo lý căn bản và một lập trường vững chắc mới có thể giữ luật Chúa, luật Hội Thánh được. Phải có can đảm và nghị lực lắm mới sống tinh thần nghèo khó, luôn tôn trọng sự công bằng, không tham lam, không bất công... Phải có sự quảng đại, chịu thua thiệt nhiều, chấp nhận quên mình mới có thể phục vụ, sống yêu thương, vị tha, chia sẻ và tha thứ... mà không tính toán so đo. Phải anh hùng lắm mới dám sẵn sàng đón nhận và trân trọng những giá trị thiêng liêng và cao quý của đời sống gia đình, như sự chung thủy vợ chồng, lòng hiếu thảo, sự giáo dục con cái... giữa một thời đại mà những giá trị đó đã bị coi là lỗi thời, và con người chỉ luôn hô hào sống thoải mái, phóng túng.

Hiểu như thế, để thấy được việc bách hại đạo ngày nay không thua kém gì cha ông chúng ta ngày xưa và con hơn thế nữa. Nếu hình thức tử đạo của các Thánh Tử Đạo Việt Nam là một cái chết thể xác đầu rơi máu đổ, chỉ một lần trong đời, thì đối với chúng ta, đó là cái chết tinh thần dai dẳng, nhiều lần và suốt cả cuộc đời. Khó, nhưng với ơn Chúa Thánh Thần trợ lực, chúng ta tin mình có thể vượt qua trong “cơn dầu sôi lửa bỏng”, là những thói đời này. Mỗi ngày, chúng ta hãy phấn đấu hy sinh, từ bỏ những khuynh hướng, đam mê xấu trong chúng ta, những gì đang hủy hoại sự sống tinh thần nơi chúng ta và chung quanh chúng ta, để có thể bảo tồn và phát huy niềm tin của chúng ta vào Chúa, đồng thời cũng trao tặng niềm tin đó cho những ai sống bên cạnh chúng ta. Sự tử đạo như thế cũng rất anh hùng và không thua kém gì sự tử đạo của các cha ông chúng ta ngày xưa.

Do đó, chúng ta hãy giữ đúng luật Chúa dạy, luật Hội Thánh truyền, hằng ngày cố gắng sống thật tốt cho ra người Công giáo thiệt 100%, tốt cả đạo lẫn đời, tức là chúng ta đang tiếp nối con đường chứng tá của các thánh Tử Đạo Việt Nam. Có như thế, chúng ta mới xứng đáng được hưởng lời chúc phúc của Chúa: “Hỡi những tôi tớ tốt lành và trung tín! Hãy vào hưởng phúc lộc với chủ ngươi”.
 

 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 10
  • Khách viếng thăm: 9
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 2034
  • Tháng hiện tại: 128556
  • Tổng lượt truy cập: 12272816