Trang mới   https://gpquinhon.org

Hành hương Gò Thị

Đăng lúc: Chủ nhật - 07/10/2012 11:45 - Người đăng bài viết: GPQN

HÀNH HƯƠNG – THĂM VIẾNG

 

I. GÒ THỊ

Gò Thị là quê hương của Thánh Trùm Cả Anrê Nguyễn Kim Thông. Ông Trùm cả Anrê Nguyễn Kim Thông là một cộng sự viên đắc lực của Đức cha Stêphanô Cuénot Thể. Khách hành hương đến đây viếng đài thánh Anrê và hầm mộ của Ngài, nhiều người đã nhận được những ơn trọng phần hồn và phần xác.

Đức cha Stêphanô Cuénot Thể đã đặt Tòa Giám Mục Đàng Trong và sau là Đông Đàng Trong tại Gò Thị. Đức cha Cuénot Thể ẩn trú tại đây hai mươi mốt năm để điều hành, dẫn dắt giáo phận. Hiện nay một đài kỷ niệm với kiến trúc Á đông đã được xây dựng ngay trên nền Toà Giám Mục Địa phận Đàng Trong xưa.

Đài kỷ niệm
Tại nền Tòa Giám mục Đàng Trong

 

 

   

Mộ Thánh Anrê Kim Thông
tại Gò Thị, xuân Phương, Phước Sơn, Tuy Phước.

 

♕. THÁNH ANRÊ NGUYỄN KIM THÔNG

(1790-1855)

Theo tinh thần Việt tộc, chúng ta gọi Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông là Ông Năm của mình. Ông Năm của mình là con của ông bà Nguyễn Kim Chánh và Đặng Thị Mẫn. Ông Năm được sinh ra vào năm 1790 tại Gò Thị, thôn Xuân Phương, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Ông Năm là người con thứ tư trong gia đình nhưng theo tục lệ địa phương thì gọi là thứ năm. Ông Năm thường được gọi là Ông Năm Thuông.

Ông Năm của mình là một Vị Thánh Tử Đạo. Ông đã yêu mến và trung thành với đức tin Công giáo nên triều đình Tự Đức kết án lưu đày. Trên đường đi lưu đày, ông đã kiệt sức và trút hơi thở cuối cùng tại Mỹ Tho vào ngày 15 tháng 7 năm 1855. Bà con giáo dân Vĩnh Long và Định Tường rước thi hài Ông Năm về an táng tại Cái Nhum. Theo ý Đức cha Cuénot Thể, năm 1856, ông Năm được cải táng về Gò thị. Trong tiến trình xin phong Chân Phước, đầu năm 1909, Đức cha Grangeon Mẫn thực hiện chỉ thị của Tòa Thánh cho lấy hài cốt và kiểm chứng theo giáo luật. Một ít mẫu xương của Ông Năm  được gởi về Tòa Thánh, các xương còn lại được giáo phận trách nhiệm gìn giữ cho đến ngày nay. Ngày 02.05.1909, Ông Năm được Đức Giáo Hoàng Piô X tuyên phong chân phước. Ngày 19.06.1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong Hiển Thánh 117 vị Tử đạo Việt Nam, trong đó có Ông Năm của mình.

Chúa Giêsu đã nói: “Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta”(Lc 9,23-26).

Vì yêu mến Chúa Giêsu, Ông Năm mình nhẫn nại vác thánh giá theo Chúa Giêsu. Từ Bình Định đến Mỹ Tho, quãng đường dài 728 km đi đến nơi lưu đày, Ông Năm mình đi bộ, mang gông trên vai, chân bị xiềng. Quãng đường dài cơ cực, quãng đường dài quanh co, quảng đường dài hiểm trở, với mệt nhọc, thiếu thốn, đau đớn suốt cuộc hành trình. Bằng sức mạnh nào Ông Năm đã đi đến cùng con đường thập giá ấy?. Lời sách Khôn Ngoan đã viết: “Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa và chẳng cực hình nào động tới được nữa”(Kng 3,1-9). Quả vậy, sức mạnh và chỗ dựa của Ông Năm không phải là của cải, không phải là quyền lực thế gian, cũng không phải là sức lực và lý trí khôn ngoan của con ngươì, mà duy là và chỉ là sự khôn ngoan, quyền năng và tình thương của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu đã nói: “Ai chối từ Ta và Tin Mừng của Ta, thì Con Người cũng sẽ chối từ kẻ ấy, khi Con Người ngự đến trong vinh quang”. (Lc 9,23-26).

Vì yêu mến Chúa Giêsu, Ông Năm mình không hổ thẹn khi khẳng khái chọn lựa giữ vững đức tin trước mặt công đường Bình Định. Mặc dù quan Tổng đốc Bình Định có cảm tình với Ông Năm nhưng quan Tổng đốc không thể làm gì hơn để cứu ông Năm, nên quan Tổng đốc khuyên ông Năm:  “Ông hãy bỏ đạo ông đi, cách thầm lén cũng được, rồi trở về với gia đình, xưng tội, thì ông có bị thiệt thòi gì đâu?”. Ông Năm trả lời: “Thánh giá mà tôi thờ phượng hôm qua, tôi không thể đạp hôm nay được”. Một lời dõng dạc tuyên xưng đức tin, một thái độ sống tôn trọng sự thật, dứt khoát loại trừ sự dối trá.

Vì yêu mến Chúa Giêsu, Ông Năm của mình đã nghe và khư khư giữ lời Chúa Giêsu: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”. Thời gian Ông Năm bị giam ở Bình Định, thỉnh thoảng Ông Năm được phép về thăm gia đình. Những lần về thăm như vậy Ông đã động viên con cháu và khi biết được con cháu muốn góp tiền để cứu Ông, Ông khuyên can: “cha đã già rồi không nuối tiếc gì phải lìa cõi đời này. Cha vui lòng đón nhận khổ ải, sẵn sàng chịu chết vì Chúa. Nhất định là cha không làm gì để được phóng thích.  Hãy để thánh ý Chúa được thành sự nơi cha “. Quả vậy,  một quyết định dựa vào lòng tin chứ không phải nhờ được thấy Chúa.

Vì yêu mến Chúa Giêsu, Ông Năm rất yêu mến và tôn kính Mẹ Chúa Giêsu. Ông Năm đã lập một nhà nguyện dâng kính Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ ngay trong vườn nhà của mình. Trên đường phát lưu, chuổi Mân Côi là sức mạnh thiêng liêng hằng ngày nâng đỡ Ông.

Vì yêu mến Chúa Giêsu, nên Ông Năm cũng yêu mến những gì thuộc về Chúa Giêsu. Với tinh thần trách nhiệm, đạo đức và bác ái, Ông Năm vừa là chủ gia đình với 09 người con, trong đó, 02 người chết nhỏ, một người làm linh mục, hai người làm nữ tu, Ông Năm còn làm chức việc và tham gia việc làng xã. Ông Năm được Đức Cha Cuénot đặt làm Trùm cả trong tỉnh Bình Định, và được vua Tự Đức ban khen thẻ vàng Cần Nông.

 Vì yêu mến Chúa Giêsu, Ông Năm yêu mến Giáo Hội của Chúa Giêsu, yêu mến những người mà Chúa Giêsu đã từng đồng hóa với họ: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn. Ta đau yếu các ngươi đã thăm nom. Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta”(Mt 26, 35-40). Nhà Phước Gò Thị không có người bạn nào thân thiết gần gũi hơn Ông Năm, nhà mồ côi Gò Thị không có nhà “hảo tâm” nào quan tâm, rộng rãi hơn Ông Năm. Ông Năm rất nhiệt tình lo cho các thừa sai nhất là bảo đảm an toàn cho Đức Cha Cuénot. Sự nhiệt tình nầy có khi làm cho kinh tế gia đình lâm vào cảnh eo hẹp. Một tấm lòng phục vụ không đòi đền đáp.

Theo cách nói của Chân phước Têrêxa Calcutta thì phục vụ là hoa quả của tình yêu. Mà tình yêu thì phải được nuôi dưỡng bằng những hy sinh như Thánh Phaolô đã nói: “Vì Tin Mừng ấy, tôi chịu khổ, tôi còn phải mang cả xiềng xích như một tên gian phi. Bởi vậy, tôi cam chịu mọi sự, để mưu ích cho những người Chúa đã chọn, để họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong Đức Kitô Giêsu và được hưởng vinh quang muôn đời”(2Tm 2,8-13).

Những lời tâm sự này của thánh Phaolô và những chứng từ sống động của Ông Năm mình, đã nói lên rằng: Phục vụ là cách thế dâng hiến con người hèn mọn của mình cho Thiên Chúa, để với sự toàn tri và toàn năng của Thiên Chúa, Thiên Chúa  làm cho những sự hèn mọn, yếu đuối, tầm thường của mỗi người trở nên hữu ích, hữu dụng trong chương trình cứu độ của Ngài.

 Ánh sao trên bầu trời tưởng chừng là một đốm sáng bình thường âm thầm trên bầu trời bao la, nhưng nó đã giúp cho ba nhà đạo sĩ tìm ra Đấng Cứu Độ. Có những và có nhiều công việc chẳng có gì là hoành tráng, chẳng có gì là lẫm liệt lớn lao nhưng sự quảng đại hy sinh, sự tận tâm tận tình, sự trung thành chu toàn đáy chốt công việc mới chính là giá trị cao quý. Thiên đàng là nhà của chúng ta, mỗi người đều có khả năng lên thiên đàng qua những công việc hằng ngày mình phải làm. Thiên Chúa quá tốt với chúng ta, Những công việc tình nghĩa luôn luôn là phương tiện để chúng ta được tới gần Thiên Chúa hơn.

Nhìn gương sống đạo của Ông Năm, không chỉ để chúng ta ngưỡng mộ, tự hào, hãnh diện mà còn là để tạ ơn Chúa về hồng ân đức tin, để thêm can đảm, thêm nghị lực và bền lòng nối gót Ông Năm sống đạo, làm chứng cho Chúa Giêsu trong bối cảnh xã hội Việt Nam hôm nay. Một xã hội đang hòa nhập vào tiến trình toàn cầu hóa, có những phát triển kinh tế nhưng không ít những tác động tiêu cực về đạo đức và tinh thần. Sự gian dối lan tràn trong cuộc sống hằng ngày. Sự hưởng thụ quyến rủ quyền lợi riêng tư cá nhân, gia đình và phe nhóm, làm cho lợi ích cộng đồng bị lãng quên.

 Trong huấn từ nhân dịp Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về Roma viếng mồ hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô từ ngày 22.06 đến 04.07.2009, Đức Thánh Cha Bênêdictô đã nói:  “Điều rất đáng mong ước là khi dạy cho con cái biết sống theo lương tâm ngay thẳng, trong sự liêm chính và sự thật, thì mỗi gia đình công giáo trở nên trung tâm các giá trị và đức tính nhân bản, một trường dạy đức tin và đức mến đối với Thiên Chúa. Bằng đời sống xây nền trên bác ái, sự liêm chính, việc quý trọng lợi ích chung, anh chị em giáo dân phải chứng tỏ rằng là người công giáo tốt cũng là người công dân tốt”.

Qua đời sống chứng tá của Ông Năm, chúng ta càng thêm xác tín: khi đã yêu mến Chúa Giêsu thì Chúa ban cho một sức mạnh phi thường. Một sức mạnh không để chiếm hữu lãnh địa như kiểu chúa sơn lâm ‘rừng nào cọp nấy’ mà là sức mạnh vượt qua thử thách, vượt qua đau khổ, vượt qua những tư lợi, vượt qua những nhỏ nhen, vượt qua những trì trệ ươn hèn để chiếm hữu nước trời, để làm chứng cho Tin Mừng Chúa Giêsu.

Là con cái giáo phận Qui Nhơn, là con cháu Ông Năm, chúng ta có trong mình cái ‘gen’ đức tin của Ông Năm. Xin Ông Năm phù hộ cho chúng ta phát triển ‘gen’ đức tin ấy, để nhờ sống đức tin mà mỗi ngày được hoàn hảo hơn trong đức mến. Xin Ông Năm thương phù hộ cho chúng con, những người con đầy thiện chí của Giáo phận, noi gương Ông Năm phục vụ Giáo phận, góp sức, góp tay xây dựng Giáo phận, hàn gắn những vết thương mà giáo phận đã gánh chịu trong lúc chiến tranh nay vẫn còn đó.

Tham khảo:

- Tiểu sử Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông do giáo xứ Gò thị biên soạn nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của thánh Anrê Kim Thông, năm 1990, lưu tại nhà xứ Gò Thị.

- Adrien Launay, hội Thừa sai Paris, trong quyển “Les trente-cinq Vénérables Serviteurs de Dieu”, Paris, P. Lethielleux, 1907, tr. 53-59

Tác giả bài viết: Gioan Võ Đình Đệ
Từ khóa:

Gò thị, hành hương

Đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 29
  • Khách viếng thăm: 18
  • Máy chủ tìm kiếm: 11
  • Hôm nay: 3600
  • Tháng hiện tại: 130492
  • Tổng lượt truy cập: 12274752