Trang mới   https://gpquinhon.org

Trung tâm Thánh Thể và Thánh Mẫu Ghềnh Ráng

Đăng lúc: Thứ năm - 15/11/2012 16:21
TRUNG TÂM THÁNH THỂ VÀ THÁNH MẪU GHỀNH RÁNG
 




Với tấm hình được chụp từ không gian, thành phố Qui Nhơn như con  đại bàng đang nhịp cánh hướng về phương Bắc. Thân mình đại bàng là dãy núi Bà Hỏa và dãy núi Vũng Chua. Đầu cánh đại bàng là Bãi Nhạn[1] có Cầu Tấn và cát biển trắng mịn màng. Bãi cát trắng cong như hình lưỡi liềm được sóng biển cọ mài luôn luôn sáng ánh chạy dài hơn 5km. Cảm cảnh thiên nhiên, người dân địa phương có câu thơ rằng:  

“Gió Cầu Tấn trưa chiều thổi mát,
Bãi Qui Nhơn mịn cát dễ đi,
Phương mai, Ghềnh Ráng tương tri,
Ngâm câu  thủy tú sơn kỳ thảnh thơi ”.


Từ mũi Bãi Nhạn về hướng Tây, hơn 05 km dọc theo bờ biển “Bãi Qui Nhơn mịn cát dễ đi ”, phải nhường chổ cho bờ đá gập ghềnh, hang hốc, hố sâu  tại chân núi Xuân Vân, một nhánh núi phía Đông Nam của dãy núi Vũng Chua. Bờ đá gập ghềnh tại chân núi Xuân Vân nầy có tên gọi là Ghềnh Ráng.

Tên gọi Ghềnh Ráng thì chưa biết được có từ bao giờ. Theo lời các cụ lớn tuổi ở địa phương, tên gọi này do những người đi biển bằng thuyền buồm đặt ra. Thao tác  đổ bớt gió trong buồm ra cho thuyền đi chậm lại, nghề đi biển gọi là ráng. Khi thuyền buồm đi qua khu ghềnh đá nầy, người ta phải làm như thế, dần dần khu ghềnh này được gọi là Ghềnh Ráng.

 Ghềnh Ráng thuộc thôn Xuân Vân, một trong những thôn được thành lập trước khi thị xã Qui Nhơn được hình thành. Năm 1815, thôn Xuân Vân có 9 mẫu, 3 sào, 12 thước rưởi, trong đó hầu hết là ruộng đất sản xuất của tư nhân  gồm 9 mẫu, 02 sào, 07 thước, phần còn lại là thổ cư [2]. Năm 1839, khi lập lại địa bạ của thôn, tổng số ruộng đất là 10 mẫu, 3 sào, 14 thước rưởi, trong đó công điền là 4 mẫu, 9 sào, 3 thước; phần còn lại là đất sản xuất của tư nhân, trong đó có 03 sào đất tư nhân trồng dâu và một ít thổ cư  [3] . Theo nghị định số 549, ngày 12 tháng 10 năm 1961 của chính quyền đương thời, thôn Xuân Vân, xã Phước Tấn được sáp nhập vào thị xã Qui Nhơn.

Ngày nay, Ghềnh Ráng là tên gọi của một phường thuộc thành phố Qui Nhơn, bao gồm cả thôn Xuân Vân ngày xưa.

Ghềnh Ráng là một phong cảnh hữu tình được hoà quyện với núi đồi và biển cả, với bờ đá cheo leo và bọt biển điệp trùng, với âm thanh xào xạc vi vu của cây rừng và rầm rì râm rang của sóng biển. Trong quần thể ghềnh đá nầy như có bàn tay vô hình sắp xếp hàng vạn hòn đá tròn trịa, lớn nhỏ lại một nơi, gợi nhớ câu chuyện huyền sử của tộc Việt “bọc trứng của Bà Âu Cơ ”. Do đó, người dân địa phương mộc mạc gọi nơi đây là Bãi Trứng. Trong một chuyến thưởng ngoạn, Hoàng đế Bảo Đại, vị Hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn đã đến đây và đặt thêm cho Bãi Trứng một tên mới là Bãi tắm Hoàng hậu.

Năm 1959, thi sĩ Hàn Mặc Tử được gia đình cải táng từ nghĩa địa Quy Hoà về táng tại một khu  đồi ở đầu Ghềnh Ráng. Phong cảnh đã hữu tình lại thêm có mộ Hàn thi sĩ,  càng làm cho du khách thêm cảm xúc khi đến đây vãng cảnh.

Đường lên mộ thi sĩ Hàn là một dốc cao, được gọi là dốc Mộng Cầm[4]. Mộng Cầm, tên thật là Huỳnh Thị Nghệ, một người yêu mà Hàn Mặc Tử đã ghi lại nhịp đập con tim của mình tha thiết nhất:

Nghệ hỡi Nghệ muôn năm sầu thảm
Nhớ thương còn một nắm xương thôi

Thân tàn ma dại đi rồi
 
Rầu rầu nước mắt bời bời ruột gan...”
Giữa cảnh đồi sơn thủy trữ tình nầy, vào ngày 11 tháng 02 năm 1963, ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức, Cha Giuse Phạm Châu Diên đã khởi công xây dựng hang đá Đức Mẹ. Cha đã ghi lại công việc xây dựng nầy trong hồi ký của Cha [5]:

Khi còn ngồi trên ghế chủng viện, đọc truyện thánh Grignion de Montfort, thấy Ngài thiết lập trung tâm kính Đức Mẹ trên một trái đồi, xung quanh trồng 150 cây thông làm chuỗi Môi khôi sống . Giáo hữu tham gia hăng hái, mỗi lát cuốc là một kinh kính mừng. Tôi liền ước ao, có ngày nào, làm cho Đức Mẹ một cái gì giống như vậy. Ngặt một nỗi khu vực Bùi Chu quá bằng phẳng, không có lấy một mô đất cao. Cái tư tưởng kỳ dị ấy cứ theo đuổi tôi. Năm 1952, nghỉ mát tại Hạ Long, tôi ước ao di một hòn đảo về Bùi Chu làm núi Đức Mẹ.
Ai dè Chúa quan phòng lại  đưa tôi đến hoạt động ở miền Trung đầy sơn thanh thủy tú (1957-1964). Năm 1958 là năm Thánh Mẫu thế giới, kỷ niệm bách chu niên Đức Mẹ hiển hiện nơi Lộ Đức. Lúc đó tôi đang ở Qui Nhơn, ước vọng năm xưa sôi sục và đòi được thi hành.
Tôi lưu ý tới núi Xuân Vân, gọi là Ghềnh Ráng. Quả thế, chân núi là cái gành đá so le có hang động rất đẹp. Về mùa Xuân, một đôi khi, mây thấp đậu lại ngọn núi, trông thật thơ mộng. Vì thế, tiền nhân gọi nó là Xuân Vân. Vụng Qui Nhơn hình vành móng ngựa, sau lưng là núi Bà Hỏa, cực Bắc là hòn Yến, cực Nam là Xuân Vân. Như thế, biết vị trí nầy đẹp chừng nào ! Giá cất một đền thờ, thực là lý tưởng. Nhưng nhà thờ Công giáo, dù to dù nhỏ, cũng phải gắn liền với một cộng đoàn giáo hữu để có người hôm sớm phụng thờ.
Việc đầu tiên phải làm là lập một giáo họ tại đây. Thôn Xuân Vân, lèo tèo ba bốn chục nóc nhà tranh rải rác dưới chân núi, ăn ra tới lợi biển. Cư dân phần nhiều là người nghèo nàn chất phác, lên rừng kiếm củi, xuống biển mò cua, ra thành làm việc. Cả thôn chỉ có một gia đình công giáo gồm một mẹ một con.
Sau khi nghiên cứu tình hình, tôi bàn với ông xã trưởng Phước Tấn, lập trường sơ học miễn phí. Cô giáo Lê Vân có tư cách, có học thức đã gây được uy tín cho nhà trường. Trẻ em thất học kéo đến rất đông. Về văn hoá như vậy là tạm ổn.
Về mặt xã hội, dân chúng quá nghèo. Tôi vận động hội Bác Ái Vinh Sơn đến hoạt động. Nhân dịp tết năm ấy, ba người đàn ông đứng tuổi đến thăm tôi và xin theo Đạo cùng với cả gia đình. May thay, một thanh niên Công giáo, anh Nguyễn Ngọc Long, mới về thuê nhà ở trong thôn. Tôi liền mượn nhà anh làm phòng họp và giao cho anh dạy giáo lý cho chừng ba chục người lớn. Trẻ nhỏ, cô giáo Lê Vân phụ trách.
Sáng Chúa nhật, mồng hai tết 1958, có cuộc rước tượng Đức Mẹ từ đầu thôn về  nhà anh Long, được dùng làm nhà nguyện lâm thời và cử hành thánh lễ. Từ đó, tôi ra làm lễ các ngày Chúa nhật.
Đêm mồng hai, rạng ngày mồng ba tết, một bà già mơ thấy bà tiên nữ mặc áo trắng thắt lưng xanh bảo sớm mai sẽ cho gia đình một mẻ lưới. Bà liền đánh thức con trai mà bảo. Quả nhiên, sáng hôm sau, nhiều người mang lưới ra kéo ruốc, thứ tép trắng, ven bờ biển trước nhà, nhưng không ai được gì, trừ có vợ chồng anh Nhảy, con bà, được hai mẻ ruốc, đong được 32 rổ đầy. Từ khi gia đình nầy tòng giáo, người chồng luôn đau yếu. Làm rừng không được, có người gièm pha, đã toan đâm nản. Nay được ơn nầy thì cả nhà vui vẻ vững tin. Sau này, anh Nhảy được rửa tội, đặt tên thánh là Phêrô và làm biện họ giáo.
Thấy nhà nguyện lâm thời chật chội, họ họp nhau đến xin tôi cất nhà thờ. Lên rừng Vân Canh, họ chặt cây, cắt tranh chở về một đống. Trên một khu đất cao ráo đẹp đẽ, quay ra biển, họ hí hoáy cất một ngôi nhà 4m X 10m [6]. Sau đó, chúng tôi rửa tội lớp đầu tiên được 30 người.
Như trên đã nói, mục đích chính của tôi là xây cất một ngôi đền cho Đức Mẹ trên núi Xuân Vân. Chúng tôi khởi công ngày lễ Lộ Đức 11.02.1963, trên triền núi hướng về thành phố ở phía Bắc, nhìn ra biển cả về phía Đông. Động thờ được xây dựa vào khóm đá, cao chừng 05 mét trên mặt bãi, có đường vòng đi lên. Trong động bày tượng Đức Mẹ bồng Chúa Hài Nhi vô cùng từ ái. Trước hang đá có bàn thờ khả dĩ làm lễ ngoài trời. Thực hiện công tác nầy là một số người thiện chí và làm việc không công.”

Sau khi hang đá được hoàn thành, Cha tiếp tục làm nhà thờ bên cạnh hang đá:

Đồ án nhà thờ do Ty Kiến thiết Bình Định vẽ, dài 16m, rộng 6m với tiền đường 8m x 4m, mặt tiền cao 22m. Vị trí nhà thờ nằm trên triền núi dốc, chúng tôi phải xây một bức tường đá dày 01 mét, cao 07 mét, với hai cánh ôm vào sườn núi, rồi đổ cát cho đầy để làm nền nhà. Bên ngoài tường đá, chúng tôi xây một tường gạch để làm một cái hầm có thể dùng làm phòng cho cha ở. Các vật liệu phải gánh qua cầu bắc qua con lạch chảy trước nhà thờ. Công tác khai thiên phá thạch khổ sở lắm, gần một năm mới xong.
Nhà thờ, tường xây gạch đặc, kèo xà gỗ quý, ngói đỏ cỡ to. Cửa sổ làm lối mở hé, phòng khi gió bão. Mặt tiền đổ sân bêtông, bên trên có auvent lượn chữ M. Thánh giá vươn cao 22 mét khỏi mặt đất. Một cầu thang men tường dẫn lên cửa phòng áo, lên tiền đình và lên hang đá một lượt.
Bức tường cung thánh là một bích hoạ trình bày cảnh thiên đàng giao hoà với cảnh núi Xuân Vân, chính giữa là toà tượng Thánh Tâm Chúa Giêsu ngự trị. Hai toà cạnh, bên hữu là toà Đức Mẹ vô nhiễm, bảo trợ nhà thờ. Bên tả là toà Thánh cả Giuse, do gia đình anh chị Mười dâng cúng để tạ ơn sinh được con trai như lòng mong ước.
Lễ Mông Triệu, 15.08.1964, tổ chức khánh thành với một cuộc rước kiệu long trọng quanh núi, do Đức Cha Hoàng Văn Đoàn chủ toạ và đông đảo đồng bào tham dự”.

Công trình nhà thờ núi và hang đá Đức Mẹ đã hoàn thành. Ngày 22-08-1964, Cha Diên lên máy bay về Sài Gòn để uống thuốc vì suy nhược như ngài tâm sự:  “Vì từ lâu, tôi lại mắc chứng suy nhược toàn diện. Đó chính là lý do tôi dời bỏ Qui Nhơn. Đức Cha và các bạn hữu đưa chân tôi ra phi cảng. Giáo hữu Ghềnh Ráng đã đợi sẵn, chạy tới xúm xít xung quanh và chào tiễn tôi trong nước mắt. Lòng tôi cũng cảm thấy bùi ngùi. Tôi đến với Qui Nhơn lòng đầy nhiệt huyết, và đã thực hiện được một vài ước vọng của tôi. Nay từ giã Qui Nhơn, tôi giữ mãi một kỷ niệm đối với người với cảnh, mang bầu nhiệt huyết đi theo mình để làm những phận vụ Chúa quan phòng sẽ trao”.

Sau khi Cha Diên về Sài Gòn dưỡng bệnh và ở lại Sài Gòn làm việc, nhà thờ núi và hang đá Đức Mẹ là nơi cử hành phụng vụ ngày Chúa nhật và các buổi đọc kinh chung hằng ngày của giáo hữu Ghềnh Ráng và các giáo hữu di cư  từ  các giáo xứ trong vùng chiến tranh về tạm cư tại đây.

Số giáo hữu trong vùng chiến tranh về tạm cư tại Ghềnh Ráng ngày càng đông, nhà thờ núi không đủ chỗ sinh hoạt.  Năm 1965, trên khuôn viên nhà thờ giáo xứ Ghềnh Ráng hôm nay, Cha Giuse Nguyễn Sồ dựng một nhà tiền chế khá rộng (41m x 8m = 328m2), vách xây táp lô, lợp tôn, vừa làm nhà thờ vừa làm phòng sinh hoạt cho Cha Sở . Từ thời điểm nầy, việc kinh lễ hằng ngày của cộng đoàn dân Chúa được cử hành tại nhà thờ mới. Nhà thờ núi chỉ có thánh lễ ngày Chúa nhật. Nhịp sinh hoạt như thế được kéo dài một thời gian, sau đó, tại nhà thờ núi chỉ có thánh lễ hằng năm vào dịp lễ bổn mạng, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Hằng ngày, vẫn có giáo hữu đến kính viếng Đức Mẹ tại hang đá.

Sau ngày 30.04.1975, Nhà thờ núi được trưng dụng, có thời gian làm khu giải trí với tên gọi nhà hàng Phương Mai. Nhà hàng nầy hoạt động được một thời gian, sau đó bỏ hoang phế. Trong khi nhà thờ bị trưng dụng và hoang phế, Đức Mẹ tại hang đá vẫn luôn được giáo dân trong vùng thường xuyên kính viếng và được Đức Mẹ ban nhiều ơn phước.

 Ngày 04.03.2004,  bằng công văn số 423/UB-XD của Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bình Định, giao lại cho Tòa Giám Mục Qui Nhơn khu vực nhà thờ và hang đá nầy với tổng diện tích 1.602 m².
Ngày 04.05.2004, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bình Định đã cấp cho Toà Giám Mục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số T668927, với 1.602 m².
- Ngày 11.08.2004, bằng công văn số 2044/UB – NC, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh cho phép Toà Giám Mục xây dựng mới nhà thờ và  hang đá .
- Ngày 15.06.2005, Sở Xây Dựng Bình Định đã cấp cho Toà Giám Mục giấy phép xây dựng số 45/GPXD.
- Ngày 25.07.2005, Toà Giám Mục đã khởi công xây dựng.

Sau 40 năm với mưa nắng, gió biển và thời gian hoang phế, nhà thờ đã ọp ẹp, mất an toàn, trong và ngoài nhà thờ đã rêu phong, do vậy, nhà thờ đã được san bằng để xây dựng nhà thờ mới. Hang đá Đức Mẹ được giữ nguyên, chỉ trang trí thêm ánh sáng và gia cố chân đế. Toàn thể thiết kế công trình được thể hiện trên khu đồi với độ dốc 33%, tường cao bao quanh, với ý hướng chủ đạo: kết hợp giữa thiên nhiên và tôn giáo. Cổng vào ngay trên đỉnh dốc Mộng Cầm, đối diện với mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử. Từ cổng vào có lối đi cấp bậc thang và lối đi không có cấp dẫn vào nhà thờ và đến hang đá. Công trình mới được chia làm ba phần:

1. Phần sân từ cổng vào, có hàng cau, có dây trầu, có cối đá xay bột, có cối giã gạo, có những cụm đá ong như để gợi nên chút không gian Việt. Trong không gian Việt nầy có phù điêu Chúa Giêsu Thánh Thể, biểu hiệu trung tâm Thánh Thể của Giáo phận; có tượng Á Thánh Anrê Phú Yên, Thánh Anrê Kim Thông,  Thánh Giám mục Têphanô Thể, những chứng nhân Tin Mừng tiêu biểu của Hội Thánh Việt Nam cách chung, và cách riêng của Giáo phận Qui Nhơn.

2. Phần giữa khu đồi là nhà thờ, nhà thờ mới được định vị ở vị trí mới, mặt tiền tháp nhà thờ mới hướng về phương Bắc, liền sát với vách cung thánh nhà thờ cũ. Nhà thờ mới được thiết kế theo ý tưởng ‘con tàu Nôê’, hình bầu dục. Phần tháp phía Nam dưới chân Thánh giá có phù điêu hình chim bồ câu ngậm cành lá. Phần dưới nhà thờ là các phòng ở.

Bên trong nhà thờ, Nhà Tạm được làm bằng ciment với dáng nhà quê Việt nam, mái tranh vách đất. Bàn thờ, tòa giảng, tòa giải tội, ghế chủ tế, được thiết dựng bằng đá cảnh thiên nhiên.

Bên ngoài nhà thờ,  tượng Thánh Giuse ngự trị trên một tảng đá ngay đầu lối đi phía Đông nhà thờ. Chặng đàng Thánh giá đặt ngoài trời, được khởi đi từ  đầu phần sân phía Tây nhà thờ, có dòng suối nhỏ phát xuất từ chặng thứ nhất gợi nhớ dòng suối ơn cứu chuộc của Chúa tuôn chảy. Dòng suối chảy đến chặng thứ tám, rơi xuống thác, chảy vào chân đồi hang đá Đức Mẹ, từ chân đồi nầy “tình mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, nước chảy xuống hồ trước hang đá và được tiếp tục bơm lên thành chu kỳ khép kín. Bốn chặng cuối cùng của chặng đàng Thánh giá ở trước mặt tháp nhà thờ, phù điêu Chúa Giêsu phục sinh bằng đá cẩm thạch màu cũng được định vị ở đó.

3. Hang đá Đức Mẹ và sân trước hang đá.

Song song phía Tây tháp nhà thờ là hang đá. Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp bồng Chúa Giêsu mang chiếc dép bị đứt quai đang ngự trị tại hang đá. Hình ảnh Chúa Giêsu thơ nhi mang dép đứt quai đang được Mẹ ẳm bồng làm cho ta thêm an tâm và tin tưởng vào Mẹ. Đôi mắt dịu hiền của Mẹ đang dõi nhìn từng người con của Mẹ, những lúc trong thân phận người, chúng ta sơ sẩy ‘đứt quai dép’, Mẹ ra tay nâng đỡ, ẳm bồng, âu yếm vỗ về chúng ta như thế.

Sân trước hang đá bao gồm hồ nước, bàn thờ dâng lễ với phù điêu cảnh Tiệc ly, và toàn bộ phần móng nhà thờ cũ đã được tháo dỡ, cát đá bên trong được chuyển đi để làm phòng sinh hoạt. Vị trí nhà thờ cũ nằm gọn trong sân gạch đỏ trước tháp nhà thờ mới. Trên bức tường phòng sinh hoạt có phù điêu bài giảng trên núi. Chung quanh sân được tường kín bao bọc có tiểu cảnh tiệc cưới Cana, tiểu cảnh tường than khóc, tất cả khung cảnh tạo nên bầu khí cầu nguyện ấm cúng.

  Sau những tháng ngày nổ lực thi công dưới sự hướng dẫn và phù trì của Mẹ Hằng Cứu Giúp, toàn thể công trình được hoàn thành. 

Lúc 8 giờ 30 ngày 02.02.2007, lễ khánh thành và làm phép nhà thờ được Đức Giám Mục Giáo phận chủ sự cùng với 59 Linh mục đồng tế, số đông tu sĩ và giáo dân cùng hiệp dâng thánh lễ trong niềm vui cám tạ. Trước khi làm phép nhà thờ và cử hành thánh lễ, Cha Tổng Đại Diện công bố quyết định của Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Soạn thành lập nơi đây làm Trung Tâm Thánh Thể và Thánh Mẫu của Giáo phận Qui Nhơn.

 

[1] Bãi Nhạn là một doi đất có mũi nhọn nhô ra biển thuộc phường Hải Cảng, thành phố Quy Nhơn. Ngày nay có đồn biên phòng 324 đóng ngay đầu mũi nhọn nầy. Ngay cửa đồn biên phòng có bia di tích kỷ niệm chiến thắng Tây Sơn – Nguyễn Ánh . Bên kia Bãi Nhạn là núi Tam Toà  (núi Đá Đen), giữa hai vị trí nầy là biển, do đó, Bãi Nhạn cùng với Núi Tam Toà là vị trí chiến lược quan trọng của cửa biển Thị Nại.
[2] Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, Bình Định, nxb. Tp.HCM., 1996, tập I, trang 437. Thời điểm nầy thôn Xuân Vân thuộc Thuộc Thời Tú, huyện Tuy Viễn, trấn Bình Định.
[3] Nguyễn Đình Đầu, Sđd, tập II, trang  825. Thời điểm nầy, thôn Xuân Vân thuộc tổng Tuy Hà, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
[4] Ngày xưa, dốc Mộng Cầm bắt đầu từ sát bên cạnh Hang Đá Đức Mẹ đi dần lên đỉnh dốc là cổng vào nhà thờ hôm nay. Từ khi con đường lớn từ cổng khu du lịch Ghềnh Ráng được mở ra, con đường dốc từ cổng du lịch đến trước mộ Hàn Mặc Tử được gọi là dốc Mộng Cầm, con đường dốc cũ bị mai một. Phần dốc Mộng Cầm cũ đọc theo Hang đá được xây lại bằng những cấp đá núi nguyên viên ngày xưa còn lại, chỉ bổ sung thêm một số ít.  
[5] Lm.Phạm Châu Diên, Hồi ký đời tôi, Tp. HCM., 1980, trang 111-116.
[6] Nhà thờ nầy sinh hoạt cho tới khi nhà thờ trên núi được hoàn thành. Sau đó làm đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp,  phần sau làm phòng ở cho cô giáo dạy các lớp tiểu học. Sau 30/04/1975, toàn bộ cơ sở đã cũ kỹ, không sòn sử dụng, phần đất được trả lại cho ông Võ Xuân Đài, vì phần đất nầy trước đây mẹ của ông cho mượn để làm nhà thờ.

 
Tác giả bài viết: Lm. Gioan Võ Đình Đệ
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 21
  • Khách viếng thăm: 12
  • Máy chủ tìm kiếm: 9
  • Hôm nay: 8424
  • Tháng hiện tại: 127619
  • Tổng lượt truy cập: 12271879