Trang mới   https://gpquinhon.org

Bài giảng lễ khánh thành nhà thờ Phú Mỹ - Quảng Ngãi

Đăng lúc: Thứ ba - 13/05/2014 23:35
LỄ KHÁNH THÀNH VÀ CUNG HIẾN
NHÀ THỜ PHÚ MỸ GIÁO XỨ KỲ TÂN
Ngày 14 tháng 05 năm 2014

(Nkm 8,1-8; 1Cr 3,9b-13.16-17; Ga 4,19-24)
 
Ngày 22 tháng 02 năm 2011, lễ kính Tông Tòa Thánh Phêrô, chúng ta đã cùng nhau qui tụ về đây để cử hành thánh lễ và tham dự nghi thức đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ Phú Mỹ, giáo xứ Kỳ Tân. Sau hơn 3 năm nỗ lực xây dựng, nhờ hồng ân Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, thánh cả Giuse và các thánh tử đạo Việt Nam, với sự cố gắng tối đa của cha xứ Grêgôriô Lê Văn Hiếu và anh chị em giáo dân trong giáo xứ, cũng như với sự đóng góp rộng rãi của biết bao ân nhân xa gần, hôm nay công trình xây dựng đã hoàn thành, gồm một ngôi thánh đường khang trang vững chắc, đài Đức Mẹ La Vang và thánh cả Giuse, nhà xứ và nhà sinh hoạt. Một lần nữa chúng ta lại qui tụ về đây như điểm hẹn sau 3 năm mong chờ để dâng lời tạ ơn Thiên Chúa và cung hiến cho Người ngôi thánh đường vừa được xây dựng làm nhà thờ giáo xứ, đồng thời cũng xin Người tuôn đổ muôn ơn lành trên toàn thể giáo xứ và trả công bội hậu cho các ân nhân xa gần, những người đã đóng góp cách này cách khác vào việc xây dựng nhà Chúa và quần thể kiến trúc chung quanh.
 
Phần Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đã làm cho chúng ta hiểu biết ý nghĩa của biến cố trọng đại này. Đây không phải chỉ là một công trình của giáo xứ Kỳ Tân, của giáo phận Qui Nhơn, mà còn là công trình của toàn thể Hội Thánh, vì nhà thờ là tượng trưng cho chính Hội Thánh, một Hội Thánh đang hiện diện cách sống động và hữu hình tại các địa phương, cách riêng tại vùng đất xa xôi nghèo nàn này.
 
Bài đọc thứ nhất trích sách Nêkhêmia thuật lại việc dân Do-thái tập họp tại quảng trường trước của Nước để nghe kinh sư Ét-ra tuyên đọc và giải thích Sách Luật. Ông đọc say sưa từ sáng tới trưa, và dân chúng cũng không vừa, họ chăm chú lắng nghe và thích thú khi ông nói với họ rằng: “Hôm nay là ngày thánh hiến cho Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, anh em đừng sầu thương khóc lóc”. Nhà thờ trước hết là nơi dân Chúa qui tụ để lắng nghe lời Chúa dạy bảo qua Sách Thánh, nhờ đó con người có thể nhận biết Thiên Chúa chân thật và thờ phượng Người cách đích thực.
 
Vì thế trong đoạn Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu nói với người phụ nữ xứ Samari rằng: “Các người thờ Đấng các người không biết” và Người dạy phải thờ phượng Chúa trong sự thật, tức trong sự hiểu biết về Người. Nhưng sự thật về Thiên Chúa cũng cho con người biết rằng Thiên Chúa là tinh thần, do đó Đức Giêsu đã dạy phải thờ phượng Chúa trong tinh thần, chứ không nhất thiết ở một nơi nào đó nhất định. Cũng chính trong ý nghĩa này mà thánh Phaolô trong bài đọc II trích thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô đã khẳng định: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1Cr 3,16). Mỗi Kitô hữu là một đền thờ sống động và thiêng liêng của Thiên Chúa. Trong một cái nhìn rộng hơn, toàn thể Hội Thánh là đền thờ của Thiên Chúa mà mỗi Kitô hữu là một viên đá sống động được liên kết với nhau dựa trên nền móng vững chắc là chính Đức Kitô.
 
Nếu vậy thì nhà thờ chúng ta xây dựng đây có ý nghĩa gì và có cần thiết không? Thực ra ngôi nhà thờ bằng gỗ đá tự nó không có ý nghĩa gì nếu không có ngôi đền thờ thiêng liêng là cộng đoàn Hội Thánh và mỗi người tín hữu. Một cộng đoàn Kitô hữu có thể không có nhà thờ, nhưng một ngôi nhà thờ không thể không có cộng đoàn tín hữu. Bên Tây Phương, với phong trào tục hóa đang lan tràn, nhiều ngôi thánh đường nguy nga đồ sộ ngày nay chỉ còn là một ngôi nhà hoang hay trở thành một viện bảo tàng, vì không còn cộng đoàn tín hữu.
 
Chính vì cộng đoàn tín hữu cần phải được nuôi dưỡng đức tin, củng cố sự hiệp nhất trong đức ái và giúp nhau giữ vững niềm trông cậy mà nhà thờ trở nên có ý nghĩa và cần thiết. Thiên Chúa không bị giới hạn trong một ngôi đền thờ nào, dù là vĩ đại đến đâu. Người có thể gặp gỡ con người ở bất kỳ nơi nào trong đời thường, như ngày xưa Đức Giêsu đã gặp gỡ dân chúng ở bãi biển, bên mạn thuyền, trên triền núi, nơi bờ suối hay tại bờ giếng như trong câu chuyện được kể lại trong đoạn Tin Mừng hôm nay. Nhưng ngày xưa Đức Giêsu cũng thường xuyên lui tới đền thờ Giêrusalem và Người khẳng định đền thờ là nhà cầu nguyện, tức là nơi con người gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa.
 
Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng và ở khắp mọi nơi, nhưng con người là xác thể bị giới hạn trong không gian và thời gian. Vì thế, giữa cuộc đời bôn ba, con người cũng cần đến những không gian êm ả, những thời gian thong thả, để có thể gặp gỡ và lắng nghe tiếng nói của Chúa trong tâm hồn như khi ngồi trong ngôi thánh đường này. Hơn nữa, nếu Đức Giêsu đã muốn hiện diện giữa loài người qua bí tích Thánh Thể trong nhà tạm, thì nhà thờ chắc chắn là nơi thuận tiện nhất để có thể cầu nguyện và tôn thờ Thiên Chúa cách thích hợp nhất. Hơn nữa, cũng chính tại nơi đây thánh lễ được cử hành mỗi ngày để người tín hữu được Lời Chúa chiếu soi, dạy bảo và được Mình Thánh Chúa dưỡng nuôi.
 
Ngoài ra, nhà thờ còn là nơi mọi người trong cộng đoàn gặp gỡ nhau trong Chúa để thể hiện mầu nhiệm hiệp thông là bản chất của Hội Thánh, nâng đỡ nhau bằng lời cầu nguyện và tuyên xưng đức tin. Rồi từ nhà thờ đi ra, cộng đoàn tín hữu lại thể hiện hình ảnh của một “Hội Thánh đi ra” mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã phác họa trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, đi ra với những người đang ở xa Chúa hay chưa nhận biết Người, và như thế nhà thờ trở thành điểm xuất phát của công cuộc truyền giáo.
 
Trên quốc lộ 1A theo hướng từ Nam ra Bắc, khi đến cánh đồng Bàu Nghễ du khách có thể nhìn thấy về phía tay trái một ngôi thánh đường nguy nga với ba ngọn tháp vươn lên bầu trời xanh, soi bóng xuống dòng sông Vệ đang êm ả tưới nước khắp cả cánh đồng trồng lúa trước khi chuyển mình ra biển Đông mênh mông. Trước cảnh nên thơ này, cha xứ Kỳ Tân Grêgôriô Lê Văn Hiếu đã cảm tác mấy vần thơ:
 
Sông Vệ không cạn không sâu
Đổ về Phú Mỹ, Hải Châu, Bồ Đề,
Năng Đông, Đông Mỹ hương quê,
Phù sa sông ấy tứ bề phì nhiêu.
 
Trên mặt nước sông có in hình ngọn tháp nhà thờ như dấu ấn của niềm tin và tâm tình tôn giáo trong dòng chảy cuộc đời. Và rồi theo dòng chảy của mình, nước sông đem phù sa đức tin phủ khắp cánh đồng, hứa hẹn một mùa lúa dồi đào trên cánh đồng truyền giáo Quảng Ngãi thân yêu. 
 
Trong bài giảng ngày lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi nhà thờ Phú Mỹ này tôi đã nói: “Để nhà thờ Phú Mỹ trở nên “giàu đẹp” đúng với tên gọi và có sức lôi cuốn đối với anh chị em lương dân, mỗi người tín hữu trong giáo xứ Kỳ Tân hãy cố gắng canh tân chính mình mỗi ngày, để trở thành “mới mẻ diệu kỳ” trước mặt mọi người chung quanh. Hằng ngày anh chị em hãy để tâm suy niệm lời thánh Phaolô trong bài đọc II của thánh lễ hôm nay: “Đền thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và đền thờ ấy chính là anh chị em” (1Cr 3,17). Hôm nay tôi cũng xin lặp lại lời ấy với cộng đoàn giáo xứ Kỳ Tân như một lời cầu chúc chân thành.
 
 
Tác giả bài viết: ĐGM Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 12 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 63
  • Khách viếng thăm: 59
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 5942
  • Tháng hiện tại: 122665
  • Tổng lượt truy cập: 12266925