Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật XIX Thường Niên

Đăng lúc: Thứ sáu - 08/08/2014 02:03
 CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN A
(1V 19, 9a.11-13a; Rm 9, 1-5; Mt 14, 22-33)


Kính thưa cộng đoàn phụng vụ.

Sống giữa chợ đời trong kiếp nhân sinh, con người ta phải đối diện với bao giông tố của cuộc đời. Bình yên đó nhưng sóng gió vẫn dễ có kề bên. Có khi sóng gió lại lớp lớp. Những giông tố ấy ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống làm người và làm con Chúa.

Trở về với bài Tin Mừng hôm nay, sau khi Chúa Giêsu thực hiện phép lạ hóa bánh ra nhiều cho hơn 5 ngàn người ăn no nê và còn dư 12 thúng đầy những miếng bánh vụn từ 5 chiếc bánh lúa mạch và 2 con cá, làm cho người ta đến với Chúa Giêsu nhiều hơn. Họ đến với Chúa Giêsu có thể vì lòng thán phục, có thể đã nhận ra Ngài là Chúa, và cũng có thể là để thõa lòng mong ước về một vị vua lỗi lạc cho dân tộc của họ, khi muốn Chúa Giêsu làm vua của họ. Chúa Giêsu biết rõ lòng người nên Ngài tiếp tục thực hiện thêm một phép lạ nữa, không phải là hóa bánh ra nhiều mà là sự kiện liên quan với Phêrô.

Sao Chúa Giêsu không cùng đi chung thuyền với các môn đệ mà lại đi riêng. Không đi bằng thuyền, mà bằng quyền năng của Thiên Chúa là đi trên mặt biển. Không đi cùng giờ mà ở lại giải tán dân chúng, rồi lên núi cầu nguyện và canh tư đêm tối mới đến với các môn đệ. Trong khi các môn đệ chèo thuyền vất vả suốt đêm với giông tố giăng đầy và cũng đã gần đến bờ bên kia. Đây cũng là cách mà Thiên Chúa muốn cho xảy ra để ý Chúa nhiệm mầu được thực hiện. Và Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ nơi Phêrô. Khi được Chúa Giêsu bảo là “Chính Thầy đây, đừng sợ !”, Phêrô đã biết là Thầy nên xin một điều với niềm tin và mừng vui vì Thầy đã đến : “Nếu quả là Thầy thì xin truyền cho con đây được đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy”. Niềm tin ấy và sự mừng vui ấy với lời cầu xin, Chúa Giêsu đáp lời và phép lạ đã xảy ra nơi Phêrô để được đi trên mặt nước mà đến với Chúa Giêsu khi Ngài bảo “Hãy đến”. Ấy vậy mà sao Phêrô lại chìm xuống sau đó, có phải vì công lực của Phêrô hết khả năng rồi không. Thưa là do đi được một đoạn thì Phêrô từ chỗ xác tín và cầu xin giờ chuyển qua lo sợ và hoài nghi cùng giông tố vẫn cứ đe dọa. Phêrô đã bị lún chìm vì hoài nghi đó.

Đây là điểm thứ nhất để mỗi người chúng ta cũng suy xét về chính mình trong đời sống làm con Chúa. Vì giữa muôn vàn thử thách và giông tố của đời thường đã làm cho ta khi thì tin tưởng hoàn toàn vào Chúa nhưng cũng đã không ít lần làm cho ta hoài nghi Chúa của ta. Khi ta bám chặt vào Chúa thì dù có phải gặp những thử thách gì, ta cũng trung thành trong đức tin và được Ơn Chúa giúp, để ta không bị lún không bị chìm trong lỗi tội, tật xấu và ươn hèn. Còn khi ta hoài nghi hay không bám chặt vào Chúa của ta thì khi đó ta sẽ bị đủ thứ của sự dữ, của sự xấu và ma quỷ nhấn chìm ta. Chúa đã làm cho Phêrô đi được trên mặt nước để đến với Chúa khi Phêrô xác tín và cầu xin thì Chúa cũng sẽ làm nhiều điều lạ trong cuộc đời của ta như vậy khi ta biết đặt trọn con người và tâm hồn ta trong tình yêu Chúa.

Vậy khi Phêrô bị lún chìm, Phêrô đã làm gì ? Giật mình kêu cứu, nhưng kêu ai ? Đây là điểm thứ hai mà chúng ta cần suy gẫm.

Phêrô không kêu thất thanh, hoảng loạn mà kêu trong cung cách cầu nguyện : “Lạy Thầy, xin cứu con”. Vì Phêrô biết mình đang làm phiền lòng Chúa về đức tin của mình. Phêrô xin Chúa Giêsu cứu nhưng với tâm tình của lời nguyện xin “Lạy Thầy”. Lúc mừng vui hạnh phúc Phêrô luôn nhớ đến Chúa, lúc gặp nghi biến Phêrô vẫn nhớ đến Chúa. Dù khi mình làm đẹp lòng Chúa, Phêrô nhớ đến Chúa và ngay cả khi mình sai lỗi, Phêrô vẫn nhớ đến Chúa. Đó là nhân đức và con người thật của Phêrô. Cho nên, lời cầu xin của Phêrô luôn được Chúa Giêsu nhậm lời. Chính lúc nghi biến Phêrô xin Thầy cứu con và Chúa Giêsu đã đưa tay cứu giúp. Sự cứu giúp này kèm với lời dạy bảo rất nghiêm túc : “Người hèn tin, tại sao lại nghi ngờ”. Chúa cứu nhưng Chúa cũng chỉ rõ cho biết vì sao lại bị lún chìm khi Chúa đã cho đi được trên mặt nước. Một lời sửa dạy rất thẳng tuy có mắt lòng nhưng lại giúp cho Phêrô rất nhiều, và đây cũng là cách mà Chúa Giêsu thường dùng khi huấn luyện Phêrô. Khen khi Phêrô đúng và quở trách nặng khi Phêrô sai, dù việc sai ấy có khi đúng với tình người nhưng không đúng với đường lối Chúa.

Mỗi người chúng ta cũng hãy nhìn và học nơi Phêrô, vì biết bao lần ta đã yếu đức tin, hoài nghi về Chúa của ta. Những lúc như vậy ta đã nhớ đến ai? Có nhớ đến Chúa với tâm tình và cung cách nguyện cầu như Phêrô đã làm không. Chắc là có nhưng không nhiều. Vậy, dù hoàn cảnh nào, dù đức tin ta đang ở mức độ nào, hãy nhớ noi gương thánh Phêrô để ta nhận ra được chính mình và nhớ đến Chúa luôn mà cầu xin như Phêrô đã xin : Lạy Chúa, xin cứu con. Đừng bám vào nguồn nào khác, chỉ bám vào Chúa thôi với tâm tình nguyện xin như thánh Phêrô thì Chúa sẽ đưa tay cứu ta như đã cứu Phêrô vậy.

Phêrô bị Chúa quở là “người hèn tin, tại sao lại nghi ngờ” vào quyền năng và ơn Chúa, Phêrô đã đón nhận thế nào ? Đây là điểm thứ ba mà ta tiếp tục suy gẫm.

Chúa Giêsu đã trách Phêrô xem ra nặng lời nhưng là lời quở trách đầy yêu thương. Ngài nhắc nhở Phêrô khi Phêrô sai hay khi Phêrô không đủ xác tín. Lời nhắc nhở của Chúa Giêsu đã làm cho Phêrô càng thấy rõ hơn sự yếu kém của mình, từ chỗ đã nhận ra là mình sai nên cầu xin Chúa cứu, Chúa Giêsu nhấn thêm một bước nữa là chỉ rõ cho Phêrô biết chính xác là sai về đức tin. Phêrô càng biết rõ thì lời quở trách nặng của Chúa Giêsu không làm cho Phêrô buồn hay nản chí mà càng làm cho Phêrô từng bước từng bước vững tin hơn. Phêrô đã đón nhận với tâm tình lắng nghe và suy gẫm, với nhận ra và sửa mình, với thán phục và xin vâng, không một chút tự ái hay phiền hà. Phêrô đã thấy rõ tình yêu thương của Thầy Giêsu Chí Thánh muốn áp dụng cách huấn luyện nghiêm khắc đối với mình hơn các anh em khác, nên Phêrô vui lòng đón nhận. Vì thế, Phêrô mỗi ngày được xứng đáng hơn để rồi ngày càng xứng đáng nhận lãnh trách nhiệm quan trọng mà Chúa Giêsu trao phó là Tông đồ trưởng và thay mặt Chúa điều hành, hướng dẫn Giáo Hội Chúa.

Phêrô là vậy, còn chúng ta thì sao ? Khi nhắc nhở hay quở trách vì ta sai lỗi thì ta đón nhận cách nào. Chắc ta thường không vui vẻ gì mà có khi còn trách lại cả Chúa. Sự thật là thế. Sự nhắc nhở ấy có khi Chúa lại thực hiện qua trung gian của Giáo Hội hay qua một sự kiện, hoàn cảnh nào đó trong cuộc sống làm cho ta thấy khó chịu. Có khi ta đối đầu, có khi phản ứng lại, có khi đón nhận cách miễn cưỡng. Đã vậy ít khi nhận ra khiếm khuyết của mình để sửa đổi, thậm chí còn đổ lỗi cho Chúa và Hội Thánh hay cho một người nào đó. Hãy nhìn lên Thánh Phêrô về điểm này để ta biết nhận ra tình yêu thương của Chúa. Ngài không nhẹ lời khi Phêrô sai không phải vì không yêu thương Phêrô nhưng là một tình yêu ẩn trong lời nhắc nhở xem như khó nghe ấy. Hãy lắng nghe tiếng Chúa nói với ta. Hãy đón nhận lời răn dạy của Chúa. Hãy nhận ra điều chưa đúng của mình để sửa đổi. Hãy nhận ra tình yêu thương của Chúa ẩn sau lời nhắc nhở khó nghe. Hãy vui vẻ đón nhận những gì Thiên Chúa gởi đến, dù đó là lời quở trách nặng nề, như là quà tặng và ân ban của Thiên Chúa dành cho ta được nên tốt.

Lạy Chúa, xin cứu con ! Và xin ban thêm đức tin cho chúng con vì chúng con còn non yếu. Amen.


 
Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Nguyễn Đình Hưng
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 13
  • Khách viếng thăm: 12
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 4276
  • Tháng hiện tại: 134398
  • Tổng lượt truy cập: 12278658