Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật XIX Thường Niên

Đăng lúc: Thứ tư - 03/08/2016 19:44
CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN C
(Kn 18,6-9; Dt 11,1-2.8-19; Lc 12,32-48)
 
Tin tưởng và trung thành tuân giữ Lời Chúa
 

Chúng ta đang sống trong một xã hội mà niềm tin chịu thử thách rất nặng nề : thực phẩm bẩn, bán hàng đa cấp, cho vay được lãi cao… tất cả đều được phủ bóng bởi những lời hứa hẹn tốt đẹp, vì thế không ít người vở mộng khi đặt tất cả niềm tin của mình vào những điều mơ hồ đó. Trong khi Lời Chúa Chúa nhật 19 thường niên hôm nay mời gọi con người hãy đặt niềm tin tưởng và trung thành tuân giữ Lời Chúa thì sẽ được Thiên Chúa ban thưởng Nước Trời.
 
1. Trong bài đọc I, tác giả Sách Khôn Ngoan nhắc lại lời hứa ban Đất Hứa của Thiên Chúa cho các tổ phụ.

Không một người Do Thái nào không biết biến cố Vượt Qua vĩ đại của dân tộc, họ nhắc nhở từ đời này qua đời kia để lưu truyền cho con cháu về uy quyền và tình yêu của Thiên Chúa dành cho họ, đồng thời nhắc nhở các thế hệ luôn tin tưởng và sống sao cho đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là đêm mà các thiên thần của Chúa vào tất cả các nhà của người Ai cập để tàn sát các con đầu lòng; nhưng lại tha cho con trai đầu lòng của người Do Thái nhờ có dấu máu bôi lên cửa, là dấu chỉ mà ông Môisen đã bí mật nói cho toàn dân Israel. Sự thật đã xảy ra như vậy. Pharaô đã lập tức đuổi dân Do Thái ra khỏi Ai Cập, nhưng đã đổi ý đuổi theo để bắt lại, vì vậy toàn bộ chiến xa và kỵ binh của Ai Cập đã bị nhận chìm trong Biển Đỏ. Chứng kiến tất cả những cảnh tượng đó, con cái Israel nhận ra uy quyền và tình thương của Thiên Chúa dành cho họ. Khi nhắc lại sự kiện này hằng năm, các lãnh đạo Do Thái muốn nhắc nhở cho con cái Israel hãy luôn tin tưởng vào điều Thiên Chúa hứa, Ngài hứa điều gì Ngài sẽ làm, cho dầu những điều Ngài hứa vượt quá khả năng và sự tiên liệu của con người.
 
2. Tin tưởng vào lời hứa của Thiên Chúa là Đấng trung tín tiếp tục là tư tưởng nổi bậc trong thư gởi tín hữu Do thái.

Tác giả thư Do Thái định nghĩa đức tin : “…là điều chính yếu của những gì ta hy vọng, là sự xác tín cho những điều ta không thấy” (Dt 11,1). Vâng, Đức tin là một sự thuyết phục của lý trí làm cho con người tin tưởng vào Thiên Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã hứa. Sự tin tưởng này mạnh đến độ làm cho con người cảm thấy tâm hồn đươc vui vẻ và bình an. Đức tin chứng minh cho lý trí những thực tại mà không thể hiểu bởi trí khôn con người. Tuy nhiên đức tin và lý trí không mâu thuẩn nhau, nếu một người nhận ra lý trí con người có giới hạn. Điều con người không hiểu không có nghĩa là điều ấy không có, nhưng vì trí khôn con người yếu kém chưa hiểu được điều đó. Con người tự mình không có khả năng tin vào Thiên Chúa, nên chúng ta cần được sự trợ giúp của Thiên Chúa qua mặc khải và ơn thánh để chúng ta có thể tin vào Ngài.

Tác giả thư Do Thái đã nêu ra hai ví dụ về đức tin của tiền nhân là tổ phụ Abraham và tổ mẫu Sara.

+ Đức tin của tổ phụ Abraham : theo truyền thống Do Thái tổ phụ Abraham là người nghiêng về lý trí, ông không thể thờ lạy thần mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao, vì tất cả đều mọc lên và lặn xuống theo quy luật của Đấng Tạo Dựng chúng. Abraham có một niềm tin vững mạnh vào Thiên Chúa đến nỗi ngài bảo gì, ông sẽ làm như vậy : sát tế Isaac, rời bỏ quê cha đất tổ của mình ra đi theo lời Thiên Chúa nhưng không biết mình đi đâu (Dt 11,8)
+ Đức tin của tổ mẫu Sara (Dt 11,11): Việc có con trong lúc cả Abraham và Sara đã trên 90 tuổi là điều không thể đối với con người. Bà đã bật cười khi bà nghe người khách hứa với Abraham: “Độ rày sang năm, Sara vợ ông sẽ cưu mang cho ông một con trai” (St 18:12). Đức Chúa sửa dạy bà: “Nào có điều kỳ diệu nào vượt sức Đức Chúa?”
Mọi chuyện đã xảy ra đúng như lời Đức Chúa hứa. Mùa Xuân năm sau, Đức Chúa trở lại thăm, và ông bà đã có một người con trai. Ông Abraham được 100 tuổi khi sinh đứa con là Isaac.
 
3. Để đạt đến hạnh phúc Nước Trời mà Thiên Chúa hứa ban, chúng ta không những tin tưởng vào lời hứa của Thiên Chúa mà còn phải luôn ở trong tinh thần tỉnh thức và trung thành phục vụ đó là lời dạy của Chúa Giêsu trong Tin Mừng.
 
Lời hứa ban Nước Trời cho các môn đệ được Chúa Giêsu nhắc lại nhiều lần; vì thế, các tín hữu không thể sống như không có Nước Trời. Chúng ta phải sống đời này với cặp mắt luôn hướng về đời sau. Chúng ta không được tích trữ của cải đời này, nhưng phải biết dùng nó cho các việc bác ái, để tích trữ cho chúng ta kho tàng không hư nát trên trời, “một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá.” Chúa Giêsu liệt kê hai điều kiện để được chấp nhận vào làm công dân Nước Trời.
 
+ Phải tỉnh thức chờ đợi ngày Chúa đến.
Làm sao có thể tỉnh thức mà chờ đợi mọi lúc? Hãy luôn sống như thể chủ đến bất cứ lúc nào. Đó là câu trả lời của Chúa Giêsu.
Trên bước đường thiêng liêng, Chúng ta phải tập luyện và phát triển tất cả các nhân đức mà Kinh Thánh dạy như ba nhân đức đối thần tin, cậy, mến; bốn nhân đức trụ khôn ngoan, công bằng, can đảm và tiết độ; cùng tất cả các nhân đức khác; nhất là đừng mang một tội trọng nào, khi lỡ phạm phải tìm dịp xưng thú ngay.
Trình thuật hôm nay cũng nhắc nhở chúng ta ngày Chúa đến không nhất thiết là Ngày Tận Thế, có thể là ngày cuối cùng của đời mình; vì ngày chúng ta chết cũng được coi như ngày tận thế của cuộc đời.
 
+ Phải trung thành phục vụ trong khi chờ đợi Chúa đến.
Ông Phêrô hỏi: "Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?" Chúa Giêsu đáp: "Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc?” Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, tất cả mọi người đều ở trong vai trò lãnh đạo, chỉ khác là là lãnh đạo nhiều người hay ít người thôi. Cha mẹ lãnh đạo các con của mình, linh mục lãnh đạo giáo xứ, Đức Giáo Hoàng lãnh đạo cả hoàn cầu. Lãnh đạo theo cách thức của Chúa Giêsu là hy sinh và phục vụ; chứ không phải lạm dụng quyền hành để bắt người khác phục vụ, hay để áp đảo những người dưới quyền mình. Mọi quyền hành đến từ Thiên Chúa và họ sẽ phải chịu trách nhiệm với Ngài.
 
+ Sau cùng, Chúa Giêsu nói về sự thưởng phạt và trách nhiệm. Ai chu toàn bổn phận sẽ được thưởng, ai không chu toàn sẽ bị phạt. Người đã được học biết chịu trách nhiệm nặng hơn người không biết. Ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.
 
Không điều gì là không thể đối với Thiên Chúa. Chúng ta đừng bao giờ giới hạn Ngài vào trong sự suy nghĩ và cách thức của con người. Vì vậy, chúng ta cần phải xác tín những gì Thiên Chúa hứa Ngài sẽ thực hiện. Nếu Ngài đã hứa ban Nước Trời cho những kẻ tin tưởng và làm theo ý Ngài muốn, Ngài sẽ thực hiện. Điều quan trọng là chúng ta phải luôn xác tín niềm tin vào lời hứa của Chúa, tỉnh thức và trung thành phục vụ mọi người với tinh thần hy sinh như Chúa Giêsu đã nêu gương.
 
Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Võ Thanh Nhàn
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 18
  • Khách viếng thăm: 17
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 3583
  • Tháng hiện tại: 133705
  • Tổng lượt truy cập: 12277965