Trang mới   https://gpquinhon.org

Thứ Tư Lễ Tro

Đăng lúc: Chủ nhật - 15/02/2015 17:31
THỨ TƯ LỄ TRO


 
Hôm nay, thứ Tư lễ Tro, chúng ta bắt đầu một hành trình Mùa Chay mới, hành trình vốn được diễn ra 40 ngày và dẫn chúng ta đến niềm vui Phục sinh của Chúa, đến chiến thắng của Sự Sống trên sự chết. Một lần nữa, lời kinh thống hối- lời nguyện chính yếu – Điệp khúc của Mùa Chay- lại vang lên trên môi miệng của mọi tín hữu:
                           
“ Lạy Thiên Chúa
Xin lấy lòng nhân hậu xót thương con.
Mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm
Xin rửa con sạch hết lỗi lầm
Tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy”.
(Ps 50)

      Các bài đọc đã được công bố mang lại cho chúng ta những yếu tố mà với ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta được kêu gọi biến đổi thành những thái độ và những ứng xử cụ thể trong suốt Mùa Chay này.

Bài đọc I: Ge 2,12-18.

“ Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta”. Đây là những lời đầu tiên của Thiên Chúa ngỏ lời với chúng ta trong ngày đầu của Mùa Chay. Một lời mời sống thân mật với Chúa hơn. Một ngôn ngữ của tình yêu “ Hãy thật lòng trở về với Ta”.
Hãy xé tâm hồn chứ đừng xé áo các ngươi”. Người ta luôn có khuynh hướng nhấn mạnh vào “ Những thực hành bên ngoài”. Đối với Chúa, tâm hồn mới đáng kể- cần thiết phải nội tâm hóa tôn giáo.
      Hôm nay, Giáo Hội lặp lại cho chúng ta lời kêu gọi rất mạnh mẽ mà ngôn sứ Gio-en nói với dân Israël : « Đây là sấm ngôn của Đức Chúa : các ngươi hãy hết lòng trở về với ta, trong chay tịnh, nước mắt và than van » (Ge 2,12). Cần phải nhấn mạnh kiểu nói « hết lòng », có nghĩa là ở trung tâm tư tưởng và tình cảm của chúng ta, từ cội rễ của những quyết định, những chọn lựa, những hành động của chúng ta, trong một cử chỉ tự do hoàn toàn và triệt để. Nhưng sự trở về với Thiên Chúa này là có thể được chăng ?  Được, bởi vì đó là một sức mạnh không đến từ tâm hồn chúng ta nhưng được giải phóng từ chính tâm hồn của Thiên Chúa. Đó là sức mạnh của lòng thương xót. Ngôn sứ còn nói : « Hãy trở về với Đức Chúa là Thiên Chúa của các ngươi, vì ngài từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, từ bỏ việc giáng phạt » (2,13). Trở về với Chúa là khả thi như « ân sủng » bởi vì nó là công trình của Thiên Chúa và là hoa trái của đức tin mà chúng ta phó thác cho lòng thương xót của Ngài. Nhưng việc trở về với Thiên Chúa này trở thành một thực tại cụ thể trong đời sống của chúng ta chỉ khi ân sủng của Chúa thấm nhập vào chốn sâu thẳm tâm hồn và rung động nó, ban cho chúng ta sức mạnh « xé lòng ». Chính ngôn sứ vẫn còn làm vang vọng những lời này của Thiên Chúa : « Hãy xé lòng chứ đừng xé áo » (2,13). Thực ra, bao gồm cả thời đại chúng ta, nhiều người sẵn sàng « xé áo » trước những gương mù gương xấu và những bất công – dĩ nhiên là do người khác vi phạm – nhưng xem ra rất ít người sẵn sàng hành động trên « tâm hồn » của mình, trên lương tâm và những ý hướng của mình để để cho Chúa biến đổi, canh tân và hoán cải mình.
        Lời kêu gọi « hãy hết lòng trở về với Ta » này là một tiếng gọi được nói không chỉ với cá nhân nhưng còn với cộng đoàn. Chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ nhất : « Hãy rúc tù và tại Giêrusalem : hãy  giữ chay thánh, công bố cuộc họp long trọng, hãy tụ tập dân chúng, mời dự đại hội thánh, triệu tập các cụ già, tụ họp các thiếu nhi và trẻ con còn đang bú ! Tân lang hãy ra khỏi loan phòng, tân nương hãy rời khỏi phòng khuê ! » (2, 15-16).  Chiều kích cộng đoàn là một yếu tố thiết yếu của đức tin và của đời sống Kitô hữu. Chúa Kitô đã đến « để hiệp nhất con cái của Thiên Chúa đang tản mác » (x. Ga 11,52). Cái « chúng ta » của Giáo Hội là cộng đoàn trong đó Chúa Giêsu nối kết hết thảy chúng ta lại với nhau (x. Ga 12,32) : đức tin cần thiết mang chiều kích Giáo Hội. Điều quan trọng là nhớ và sống điều đó trong thời gian Mùa Chay này : ước gì mỗi người chúng ta biết rằng con đường sám hối không được sống trong cô độc nhưng cùng với biết bao anh chị em, trong Giáo Hội. “Trước tiên, chúng ta có thể cầu nguyện trong tình hiệp thông của Giáo Hội trần thế và thiên quốc. Chúng ta đừng coi nhẹ sức mạnh kinh nguyện của bao nhiêu người!” (Sứ điệp Mùa Chay 2015 của Đức Thánh Cha Phanxicô).

      Bài đọc II: 1Cor 5,20-6,2.

Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi năn nỉ anh em hãy làm hòa cùng Thiên Chúa”.
Hãy để Thiên Chúa hành động- hãy để Chúa khuất phục.
Mùa Chay, thời gian chúng ta chấp nhận ý muốn của Chúa. Thiên Chúa muốn làm hòa với chúng ta, ban lại cho chúng ta một tình yêu nồng nhiệt. Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta sự sống sung mãn, nối lại giao ước tình yêu với chúng ta.
    « Bây giờ là lúc thuận tiện, bây giờ là ngày cứu độ ! » (2Cr 6,2). Những lời của thánh Phaolô Tông đồ gởi cho tín hữu Côrintô vẫn còn vang vọng cho chúng ta với một sự cấp bách mà không cho phép sự lơ đễnh hay sự ù lì. Từ « bây giờ » được lặp đi lặp lại nhiều lần cho thấy rằng chúng ta không thể chần chừ, biến trễ để sổng thời điểm này, rằng thời điểm này được ban cho chúng ta như là một cơ hội độc nhất và bất khả thay thế. Và cái nhìn của thánh Tông đồ tập trung vào việc chia sẻ qua đó Chúa Kitô đã muốn làm nổi bật cuộc sống của Ngài, đảm nhận nhân tính cho đến độ mang lấy tội lỗi của con người. Câu nói của thánh Phaolô là rất mạnh : Thiên Chúa « đã biến Ngài thành tội vì chúng ta ». Chúa Giêsu , Đấng vô tội, Đấng Thánh, « Đấng đã không hề biết đến tội lỗi » (2Cr 5,21),  lại mang trên mình gánh nặng tội lỗi, chia sẻ với nhân loại kết quả của tội lỗi, và cái chết trên thập giá. Sự hòa giải được ban cho chúng ta đã được thực hiện với giá đắt nhất, giá của thập giá được dựng lên trên đồi Golgotha, trên dó Con Thiên Chúa làm người đã được treo lên. Trong sự đắm mình của Thiên Chúa vào giữa lòng đau khổ của nhân loại này và trong vực sâu của sự dữ được tìm thấy cội rễ sự công chính hóa của chúng ta. Lời kêu gọi « Hãy hết lòng trở về với Thiên Chúa » trong hành trình Mùa Chay của chúng ta ngang qua Thập giá, bước theo Chúa Kitô trên con đường dẫn đến Canvariô,  trao hiến hoàn toàn chính mình. Đó là một hành trình trên đó mỗi ngày cần phải học biết luôn ra khỏi thói ích kỷ và những khép kín của bản thân chúng ta, để dành chỗ cho Thiên Chúa, Đấng mở rộng và biến đổi tâm hồn. Và thánh Phaolô nhắc lại làm thế nào việc loan báo Thập giá vang vọng cho chúng ta nhờ việc rao giảng Lời Chúa, mà chính thánh Tông đồ là vị sứ giả ; đó là một tiếng gọi được đưa ra cho chúng ta để hành trình Mùa Chay này được ghi dấu bằng việc chăm chú và chuyên cần lắng nghe hơn Lời Chúa, là ánh sáng soi dẫn bước chân chúng ta.

Bài Phúc Âm Mt 6,1-6.16-18.

     Trong đoạn Tin Mừng Matthêu, thuộc Bài giảng trên núi, Chúa Giêsu đã quy chiếu đến ba thực hành căn bản được Luật Môise dự kiến : bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Đó vẫn còn là những chỉ dẫn truyền thống về hành trình Mùa Chay để đáp lại lời mời gọi chúng ta « hãy hết lòng trở về với Thiên Chúa ». Nhưng Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng chính phẩm chất và chân lý của mối tương quan với Thiên Chúa mới chỉ rõ tính đích thực của mọi cử chỉ tôn giáo. Chính vì thế mà Ngài đã tố giác sự giả hình tôn giáo, lối hành xử của những ai tìm kiếm sự tán thưởng và lời ca tụng. Người môn đệ đích thực không phục vụ chính mình lẫn « công chúng », nhưng phục vụ Chúa của mình, trong sự đơn sơ và quảng đại : « Cha ngươi, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho ngươi » (Mt 6, 4.6.18). Chứng tá của chúng ta sẽ còn sâu xa hơn nếu chúng ta ít tìm kiếm vinh quang của mình hơn và nếu chúng ta ý thức rằng sự thưởng công cho người công chính, đó chính là Thiên Chúa, đó là được kết hiệp với Ngài, ở đây, trên hành trình đức tin và lúc kết thúc cuộc đời, trong bình an và ánh sáng diện đối diện với Ngài luôn mãi (x. 1Cr 13, 12).

      Danh từ Mùa Chay= 40. Hôm nay khởi sự một thời gian ân phúc gồm 40 ngày: đó là Mùa Chay. Từ “ Mùa Chay” có nghĩa là “Bốn mươi”. Chương trình sống trong 40 ngày chuẩn bị lễ Phục Sinh. Ba cột trụ nâng đỡ đời sống đạo đức đó  là: chia xẻ bác ái, cầu nguyện, ăn chay.
-         Khi anh em bố thí
-         Khi anh em cầu nguyện
-         Khi anh em ăn chay
Đó là 3 hình thức sám hối truyền thống trong mọi tôn giáo.
 
Trích bài giảng của Thánh Phêrô Kim Ngôn, giám mục:
 
“Anh em thân mến, có ba việc giúp cho đức tin được đứng vững, lòng đạo được chắc chắn và nhân đức được bền bỉ. Ba việc đó là cầu nguyện, ăn chay và làm phúc. Cầu nguyện là gõ cửa, ăn chay là được nhậm lời, làm phúc là nhận lãnh. Cầu nguyện, ăn chay, làm phúc: ba việc ấy chỉ là một và bổ túc lẫn nhau.
Thật vậy, chay tịnh là linh hồn của cầu nguyện, và làm phúc là sự sống của chay tịnh. Đừng ai tách rời ba việc ấy, vì chúng không thể tách rời nhau được. Ai chỉ làm một trong ba, hay không làm đủ cả ba một trật, là chẳng làm gì hết. Vì thế, ai cầu nguyện thì cũng phải giữ chay, ai giữ chay thì cũng phải làm phúc. Ai cầu xin mà ao ước được Chúa nhậm lời thì phải nghe lời người khác xin mình. Ai không từ chối lắng nghe lời người khác xin thì dễ dàng được Chúa lắng nghe.
Người giữ chay phải tìm hiểu việc ăn chay. Ai mong ước được Thiên Chúa thông cảm điều mình đói khát, hãy thông cảm với người đang đói khát. Ai mong được thương xót, hãy thể hiện lòng thương xót. Ai kiếm tìm lòng tốt, hãy thể hiện lòng tốt. Ai muốn được người ta cho mình, thì hãy cho người khác. Người  cầu xin cho mình điều chính mình đã từ chối người khác, quả là người bất lương. Này bạn, bạn hãy trở nên mẫu mực về lòng thương xót. Nếu bạn muốn được thương xót như thế nào, bao nhiêu, mau lẹ chừng nào, thì chính bạn hãy thương xót người khác cách mau lẹ cũng chừng ấy và cũng một cách thế như vậy.
Vì thế, cầu nguyện, làm phúc và ăn chay, cả ba việc họp lại thành một, vừa là lời  bênh vực, vừa là lời biện hộ, vừa là lời cầu xin cho chúng ta theo ba hình thức.
Điều chúng ta đã đánh mất do thái độ khinh thường, chúng ta phải chiếm lại bằng chay tịnh. Ta hãy dùng việc chay tịnh mà hiến tế tâm hồn ta, bởi vì chúng ta chẳng có gì xứng đáng hơn để tiến dâng cho Thiên Chúa như lời ngôn sứ chứng minh : Lạy Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát dày vò Ngài sẽ chẳng khinh chê.
Này bạn, hãy dâng tâm hồn bạn cho Thiên Chúa, hãy dâng của lễ là việc chay tịnh để có được một hiến lễ tinh tuyền, một tế phẩm thánh thiện và một lễ vật sống động, một lễ vật vừa tiến dâng lên cho Thiên Chúa vừa còn lại cho bạn. Ai không tiến dâng cho Chúa như vậy, người đó không thể được tha thứ, vì họ vẫn còn chính bản thân mình để tiến dâng.
Thế nhưng, để những của lễ đó được Thiên Chúa chấp nhận, phải có lòng thương người kèm theo. Việc chay tịnh không làm nảy sinh hoa trái, nếu không được lòng thương người vun tưới. Việc chay tịnh sẽ héo khô, nếu lòng thương người bị cạn kiệt. Như mưa cần cho đất thế nào thì lòng thương người cũng cần cho chay tịnh như thế. Dù người giữ chay có vun xới tâm hồn, có thanh tẩy thân xác, có diệt trừ nết xấu, có gieo trồng nhân đức, nhưng nếu không được tưới nước là lòng thương người, thì cũng chẳng thu hoạch được hoa trái nào cả.
Này bạn là người đang giữ chay, nếu bạn không có lòng thương người, ruộng đồng của bạn cũng sẽ chẳng sinh hoa trái. Bạn giữ chay thì kho lẫm của bạn sẽ đầy tràn, miễn là bạn rộng tay làm phúc. Vì thế, này bạn, đừng vì giữ của mà phải chịu thiệt thòi, hãy thu tích bằng cách phân phát rộng rãi. Bạn ơi, hãy làm phúc cho chính bạn, bằng cách bố thí cho người nghèo, vì nếu  bạn không chịu cho người khác, thì chính  bạn cũng sẽ chẳng được gì”.
 
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tin tưởng và vui mừng bắt đầu hành trình Mùa Chay. Ước gì lời mời gọi hoán cải, « hết lòng trở về với Thiên Chúa » vang vọng mạnh mẽ trong chúng ta, trong sự đón nhận ân sủng của Ngài, vốn biến đổi chúng ta thành những con người mới, việc đón nhận tính mới mẻ ngạc nhiên này là sự tham dự vào chính đời sống của Chúa Giêsu. Ước gì không ai trong chúng ta tiếp tục điếc lác trước lơi kêu gọi này vốn vẫn còn nói với chúng ta xuyên qua nghi thức xức tro sám hối sắp được thực hiện cho chúng ta.Trong thánh lễ nầy, chúng ta gặp gỡ và kết hiệp với Đức Kitô Phục sinh là đích điểm của Mùa Chay. Chính  Ngài là  sức mạnh và sự an ủi của chúng ta trên con đường theo Ngài trên đường Khổ Nạn mà Mùa Chay đang mở ra để dẫn đưa chúng ta đến niềm vui Phục Sinh. Xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Giáo Hội và là khuôn mẫu của mọi môn đệ đích thực của Chúa, đồng hành với chúng ta trên hành trình này. Amen ! »

 

 
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Trương Đình Tu
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 13
  • Hôm nay: 2395
  • Tháng hiện tại: 128917
  • Tổng lượt truy cập: 12273177