Trang mới   https://gpquinhon.org

Câu chuyện: Vì Chúa cần đến Nó

Đăng lúc: Thứ sáu - 09/05/2014 05:15


Làm sao không xúc động khi nhìn thấy người mẹ trên bờ biển ngoài khơi đảo Jindo – Hàn Quốc  quẳng những viên kẹo ngọt cho đứa con yêu quý của mình  vừa mất mạng trên chuyến phà Sewol ngày 16 tháng 4 năm 2014  trong hành trình  đi từ thành phố Incheon đến đảo Jeju. Bà hy vọng gì cho một cuộc gặp gỡ?

Làm sao không nao lòng khi nghe người cha trên 60 tuổi, rời khách sạn Lido ở thủ đô Bắc kinh, một người trầm tính , ít nói sau một thời gian dài chờ ngóng tin con trên chuyến bay định mệnh MH 370, chuyến bay cất cánh từ Kuala Lumpur đi  về thủ đô Trung Quốc , tôi vẫn hy vọng gặp lại con tôi khi nó bước qua cửa vào căn nhà này… Ông vẫn hy vọng được sao!

Khi nhìn thấy những chiếc xẻng nhỏ cùng góp sức với những chiếc xe múc cố bươi những khối đất khổng lồ, nghe nói  dày từ 25m đến 100m để cứu trên hai ngàn người  sau một vụ lở đất  kinh hoàng thuộc làng HoboBarik, đông bắc Afghanistan hôm 2/5/2014, chúng ta không  hiểu  những người cứu hộ kia đang hy vọng điều gì?

Đã hơn 200  ngày, câu chuyện buồn nơi thẩm mỹ viện Cát Tường - Hà Nội vẫn chưa có lời kết khiến cho người thân  của nạn nhân, chị Lê thị thanh Huyền, nhất là người mẹ của chị chưa khi nào hết hy vọng tìm lại được xác con. Người quăng xác còn đó, ở vị trí đó, vào giờ đó, với những phương tiện dò tìm đó, chị vẫn bặt vô âm tín…Phải chi chị  chết giữa đại dương bao la để gia đình dừng bước kiếm tìm…Cứ mãi hy vọng.

Vẫn biết những hy vọng trên đây là mông lung nhưng dù sao những hy vọng này  cũng được dựa trên cái gì cụ thể: là đứa con bé bỏng, là người cha già, người mẹ tảo tần, là người yêu yêu dấu…Chúng ta an ủi nhau bằng khái niệm: “còn nước còn tát” và ngay cả “không còn nước nhưng vẫn cứ tát” .

 Nếu những hy vọng trên là vô vọng thì hy vọng của những ….đang sống trong các chủng viện, các hội dòng giai đoạn  sau 1975 ở miền Nam lại càng vô vọng hơn  hay nói cách khác, họ không còn sử dụng từ hy vọng nữa nhất là hy vọng được Chúa tuyển chọn. Chữ  HY VỌNG được thay bằng từ  PHÓ THÁC, khi có ai hỏi đến tương lai, họ chỉ biết trả lời: Xin mời hỏi Chúa. Phó thác tất cả… Mọi người chỉ biết lo toan, làm cách nào để có thể ổn định tại nơi ở mới, cần cái ăn, cái mặc hơn là mơ mộng nghĩ đến tương lai, chủng viện đóng cửa; chủng sinh giải tán, một số về với gia đình nơi địa phương mới, một số: nhóm bảy nhóm ba được gởi về nơi nào còn bờ tre thửa ruộng; một số lẫn vào dòng người tấp nập ngược xuôi nơi các thành phố lớn, các thị trấn, thị xã, ẩn mình nơi các  xưởng nghề  thủ công hoặc gò lưng trên chiếc cyclo vừa mới mua lại đêm qua.

 Ngày tháng cứ thế trôi đi, một vài hình ảnh đời tu nơi này nơi kia được tìm gợi lại, một ít quan niệm trong vài tập sách lưu hành nội bộ về thần học giải phóng…được lật tới lật lui  của chuỗi thời gian một ngày như mọi ngày và hồn nhiên với niềm vui trong  anh thanh niên vừa mời mình ly rượu gạo, trong bà mẹ già ngang qua bờ ruộng vừa cho mình con cá sau phiên chợ quê kèm theo lời suýt soa tội nghiệp , cũng đẹp trai, cũng phong độ, cũng  nghệ sĩ, cũng biết bập phà điếu thuốc, cũng biết ăn nói lễ phép, đức độ hơn người nhưng sao duyên đến chậm… trong bác nông dân vừa rủ mình câu được con ếch tháng ba …trong các em bé quây quần bên hè nhà thờ ê  a hát chờ trăng mọc… , vui quá là vui và thầm nghĩ rằng  Chúa sai họ đến để bảo với mình rằng người chủ vườn nho vô hình sắp về; thấy chú em du kích, thấy anh trưởng thôn chiều nay nhìn mình với nét mặt vui tươi, mỉm cười để mình hiểu rằng chủ vườn nho sắp mở cửa…
 
Tôi dông dài chuyện này không vì muốn gợi lại quá khứ cho bằng  nhìn lại hoàn cảnh ra đời của chuyện lễ bạc, 25 năm linh mục (10.5.1989 – 10.5.2014) của các linh mục được in trên thiệp mời tạ ơn.
                                                                     
Bên ngoài chiếc phong bì tôi được nhận từ cha Giuse Trương Đình Hiền, có câu kinh thánh : “Vì Chúa cần đến nó” (Lc 19,34), lật lại Tin Mừng Luca, xem NÓ là AI mà Chúa cần đến thế?  NÓ  chính là CON LỪA  đưa Đức Kitô vào thành Giêrusalem, thế là tôi hiểu, các Ngài lúc đó cũng chỉ dám nghĩ mình là con lừa không hơn kém. Chúa cứ nhào nặn theo ý Chúa, các ngài không kịp phản ứng trước những việc lạ lùng xảy đến cho mình, ngửa đôi tay  còn dính đất, dính muối để nhận dầu thánh hiến mà nước mắt chảy dài vừa mừng vừa giận Chúa. Mừng vì Chúa đã nhận mình vào làm vườn nho của Ngài; giận vì Chúa để mình chờ quá lâu, phải đến cuối giờ tý, giờ mà mọi người hoặc còn mê ngủ hoặc chuẩn bị bước sang ngày mới tên mình mới được xướng lên.
           
Có người nói, cùng đường bí lối, không phó thác thì làm được gì? Không, đó không là phó thác, đó là buông xuôi, là đầu hàng . Phó thác  là hạnh phúc để Chúa thực hiện ý định của Ngài trên tôi. Lễ phong chức Linh mục  sau tiết Lập Hạ năm 1989  đã làm chúng tôi hiểu được rằng kết quả của tâm tình phó thác bao giờ cũng có hậu và sáng ngày thứ tư năm đó không chỉ SONG HỶ như thường gặp  nhưng là VẠN HỶ , VẠN VẠN HỶ và nếu Hy vọng ở nửa trên của bài viết là cần thiết để xoa dịu nỗi đau thì Phó thác  ngày đó lại mở ngỏ  cho bao ước mơ, cho bao niềm tín thác và nhất là để hiểu rằng: Không có gì là không thể đối với Thiên Chúa và khi đó chúng ta ngộ ra rằng: Người phó thác trọn vẹn nhất là người có niềm hy vọng và lòng tin mạnh nhất.
 
 
Tác giả bài viết: Trần Tuy Hòa
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 7
  • Hôm nay: 2063
  • Tháng hiện tại: 132185
  • Tổng lượt truy cập: 12276445